CHIA SẺ

Cuối tháng 7 năm 2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức cuộc trưng bày hiện vật “Văn hóa Óc Eo Phù Nam”. Cuộc trưng bày giới thiệu hơn 100 hiện vật đặc sắc, giúp người xem khái quát được những nét cơ bản về đặc trưng, diện mạo của văn hoá Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Việt Nam.

tượng thần vishnu

Tượng thần Vishnu

Trong hành trình lịch sử của dân tộc, có ba nền văn hóa khảo cổ được coi là ba cái nôi của văn minh cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 7 trước công nguyên – thế kỷ 1), Văn hóa Sa Huỳnh(thế kỷ 10 trước công nguyên – cuối thế kỷ 2) và Văn hóa Óc Eo (thế kỷ 1 – cuối thế kỷ 10). Ba nền văn hóa khảo cổ này đã hình thành nên “tam giác văn hóa” trong buổi đầu lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong đó, chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo đã sáng tạo nên những thành tựu rực rỡ trong các lĩnh vực: trồng trọt, đánh cá, làm muối, đúc đồng, làm đồ gốm, chế tác thủy tinh, làm đồ trang sức, cùng với những tập tục, tín ngưỡng độc đáo và bí ẩn, thu hút giới khảo cổ học trong và ngoài nước nghiên cứu và khám phá trong hơn một thế kỷ qua. Nền văn hóa này có phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu, gồm địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu… và một phần đất đông nam Campuchia.

tượng thần siva

Tượng thần Siva

Ngẫu tượng Linga-yoni

Ngẫu tượng Linga-yoni

chân đèn hình người

Chân đèn hình người

Hàng vạn di vật văn hóa Óc Eo đa dạng về loại hình, phong phú về chất liệu, vừa mang tính bản địa, vừa hàm chứa những thành tố của các nền văn minh Ấn Độ, Ba Tư, La Mã, Trung Hoa…đã được tìm thấy và đưa về bảo quản, phát huy tại các bảo tàng khu vực phía Nam và là nguồn tài liệu nghiên cứu nhiều mặt thuộc nội hàm văn hóa Óc Eo.

Về đồ gốm, có nhiều hiện vật giá trị như nắp gốm, bát bồng, bình thuộc di chỉ Giồng Cá Vồ, TP. Hồ Chí Minh; về kim loại nhẫn vàng, nhẫn nam thủy tinh, vòng tay, khuyên tai, lá vàng dập hình mặt người có niên đại thế kỷ thứ 3 – 7. Không chỉ chế tác vàng làm thành đồ trang sức, người Óc Eo còn tạo ra các sản phẩm bằng vàng lá, với kỹ thuật khắc miết tạo hình và chữ trên lá vàng để trang trí và hiến tặng thần linh. Hiện vật làm nên nét đặc sắc nhất của nền văn hóa này chính là  các bức tượng Phật, tượng thần. Đặc biệt, người xem được thưởng ngoạn những bức tượng Phật bằng gỗ được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có niên đại từ thế kỷ thứ 4-6. Bức tượng Phật bằng đá thế kỷ thứ 6-7, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh là một tác phẩm điêu khắc hoàn hảo, miêu tả những “hảo tướng” của Đức Phật. Các tượng thần Vishnu thế kỷ 7-8, thần Brahma thế kỷ 12-13 thực sự là những kiệt tác điêu khắc, là những tinh hoa của nền văn hóa Óc Eo. Nhiều hiện vật trong số đó đã được các bảo tàng nước ngoài mượn đi trưng bày, triển lãm giao lưu tại Pháp, Mỹ. Một sự kiện văn hóa đã thu hút sự chú ý của những người Mỹ yêu thích văn hóa Việt Nam, đặc biệt là người Việt ở Mỹ, là cuộc triển lãm Nghệ thuật cổ Việt Nam: Từ đồng bằng ra biển lớn (Arts of anciant Vietnam: From river plain to open sea) diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Houston (từ ngày 13-9-2009 đến 3-1-2010) và tại Tổ chức xã hội Châu Á ở New York (từ ngày 2-2 đến 2-5-2010). Đây là cuộc triển lãm qui mô giới thiệu về lịch sử nghệ thuật Việt Nam do Hội châu Á của Mỹ tổ chức với tổng số 110 hiện vật quí hiếm có niên đại từ Thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên đến thế kỷ 17. Toàn nội dung, ý tưởng triển lãm đó, chủ đề Khảo cổ học Phù Nam ở châu thổ sông Cửu Long: Văn hóa Óc Eo của Việt Nam được thể hiện nổi bật bên cạnh các chủ đề khác như Văn hóa Sa Huỳnh, Di sản Văn hóa biển….

Với giá trị văn hóa, khảo cổ, các bảo tàng phía Nam luôn tổ chức khai quật, nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo. Các hiện vật của nền văn hóa này được bảo tồn, phát huy giá trị. Xem triển lãm hiện vật Văn hóa Óc Eo, chúng ta thêm càng tự hào về di sản của quá khứ của cha ông.

Tấn Vịnh