CHIA SẺ

4f8753d1a7b1295da973febfdb04248b


Tại miền Bắc Ấn Độ cách đây khoảng hai ngàn năm trăm năm có một vương quốc, do vua Udayi và hoàng hậu Vajra Devi trị vì. Vua và hoàng hậu có một hoàng tử tên là Vajriputra, là người sẽ kế vị. Vajriputra là một thiếu niên đẹp trai, thông thái và là con cưng của hoàng tộc. Từ rất sớm, chàng tỏ ra quan tâm tu học tâm linh hơn là việc cai quản triều đình, là việc mà người ta định trao cho chàng. Mới chín tuổi, chàng đã đặt những câu hỏi chỉ làm cho người khác nhăn trán và gây phiền muộn vì không có vị tri thức nào trong triều có thể trả lời trôi chảy.

Rồi như số phận đưa đẩy, ngày nọ vị A-la-hán Katyayana được mời vào hoàng cung giảng pháp. Cậu thiếu niên Vajriputra chỉ vừa nghe giọng nói đã xin vị A-la-hán nọ làm thầy của mình. Vua và hoàng hậu đồng ý cho Vajriputra đến Katyayana tu học. Sau thời gian thử thách, chàng được nhận làm Tăng và thay vì mặc áo lụa, chàng mặc y vàng của một người tỳ-kheo. Sau đó thầy và người học trò cạo đầu đi tu hành đến một vương quốc láng giềng. Người ta cho rằng, khi từ bỏ gia đình và xứ sở lên đườngcon người đã đi được một nửa của đọan đường thánh đạo.

Một buổi sáng nọ Vajriputra đi một vòng khất thực. Chàng đi qua các nẻo đường nhỏ của kinh đô nước láng giềng này và gặp một phụ nữ còn trẻ, người này ngoắc chàng đi vào một cái sân tràn ngập những hoa. Chàng ngần ngừ đi theo. Sau vài bước, chàng đã ở trong sân cung điện của nhà vua Prakanda, nhưng vì mới đến đây nên chàng không hề biết. Trên các phiến đá quý, giữa các lùm cây, hoa và tiếng chim hót, các nàng cung nữ đang giỡn đùa dưới ánh mặt trời ban mai. Thấy một Tăng sĩ trẻ tuổi khả ái, các nàng bật tiếng cười như ngọc và kêu gọi chàng cùng vào ngồi chơi. Sau một thời gian khất thực, chàng Tăng sĩ đói bụng được phục vụ đủ các món thượng vị, được chiều chuộng săn đón và chàng ở lại lâu hơn mức cần thiết. Đối với các nàng, Vajriputra thấy cũng nên đáp lễ bằng cách giảng vài câu kệ về ý nghĩa cuộc đời, khuyên nên từ bỏ tính chất phù phiếm của cuộc sống vô thường. Ngay cả với các câu hỏi đùa giỡn chàng cũng trả lời hết sức nghiêm túc. Trong lúc đó thì hầu cận nhà vua đã báo cáo các chuyện xảy ra trong vườn. Nhà vua không tin nhưng thân hành đến xem sự thể. Vua núp dưới vòm cây nhìn vào trong, không có cung nữ nào để ý cả, nàng nào cũng đang say mê ngắm chàng Tăng sĩ và cái miệng nói của chàng. Nhà vua tức giận quay lại bảo hầu cận: “Đám cung nữ này thì ai chúng cũng mê mệt, còn như ta đây minh triết hàng trăm lần mà chúng không hay. Để rồi xem”. Rồi nhà vua cao giọng: “Tu sĩ mà quây quần với đàn bà con gái là hư hỏng rồi. Cho nó hai chục hèo may ra tỉnh ngộ”.

Lệnh của nhà vua lập tức được thi hành. Sau đó Vajriputra bị đuổi ra trước cổng thành, mặt mày nhăn nhó vì đau và tức. Chàng thề sẽ trả thù, sẽ về ngay quê hương đem quân đi phá ngay lâu đài của Prakandas thành bình địa. Sau đó chàng về gặp thầy và kể lại câu chuyện. “Con không thể tiếp tục làm Tăng sĩ”, chàng cương quyết. “Con xin thầy cho trả lại chiếc y vàng và cho phá mọi hạnh nguyện.”

Katyayana gật đầu đồng ý nhưng khuyên chàng nên nhẫn nhục, đừng thêm một điều bất hảo bằng một điều bất hảo khác. “Hãy nhớ đến lời dạy của đức Phật Cồ-đàm”, vị A-la-hán đọc:

“Vui mừng hay đau khổ
mất mát hay thành công
tủi nhục hay vinh quang
hãy nhận tất cả với lòng bình thản,
không tham cầu cũng không ghét bỏ.
đó là con đường thoát
khỏi vương quốc của ảo giác”.

Chàng hoàng tử không muốn nghe những điều đó. “Không, con đã quyết”, chàng lầm bầm, “con hứa hẹn quá nhiều, nếu từ nay chỉ biết bất bạo động và lòng từ bi. Con phải bỏ lời nguyện này thôi, vì lũ côn đồ phải trả những cái giá kiêu mạn của chúng”.

Katyayana gật đầu đồng ý, nhưng nhắc chàng rằng trời đã tối. “Con cũng biết, ban đêm đi rừng thật bất trắc; đợi đến sáng mai hãy về, hãy nhận phước lành của ta rồi sau đó con muốn làm gì thì làm”.

Vajriputra nghe lời thầy, nán lại một đêm, mỗi lần nhìn chiếc y vàng dính máu, lòng chàng còn hậm hực. Trong lúc chàng tu sĩ trẻ tuổi ngủ say, vị A-la-hán từ bi dùng năng lực trí tuệ chuyển cho chàng một giấc mơ nhiều ý nghĩa. Trong giấc mơ, Vajriputra thấy mình về nhà và sau khi phụ hoàng mất, chàng được lên ngôi. Chàng động viên binh sĩ và ra lệnh truy nã kẻ thù, biến lâu đài của Prakandas thành bình địa.

Sự thể lại xảy ra khác hẳn: chàng thất trận bị cầm tù và bị xử trảm. Một đám đông hò reo chỉ chực chờ đầu chàng bị chém. Trong phút cuối cùng bỗng chàng thấy sư phụ hiền từ hiện ra, đầy tuyệt vọng chàng kêu cứu: “Bạch thầy Katyayana, tha tội cho con, hãy cứu con!”. Chàng sợ hãi tỉnh giấc, thấy thầy ngồi bên cạnh mình an ủi: “Đừng sợ bất cứ mọi hình ảnh xuất hiện trong đời, con ạ. Tất cả chỉ là một giấc mơ. Con còn nguyên vẹn cả…”

Bỗng, Vajriputra nhận ra rằng tất cả mọi hình ảnh vừa rồi lẫn cả những biến cố có thực ngày hôm qua đều như nhau, chỉ như một cơn ác mộng. Sự sân hận và lòng thù oán của chàng kéo nhau ra đi, với tri kiến mới lạ đó, chúng biến đi như các đám mây dưới ánh mặt trời. Chàng cúi đầu ba lần trước vị đại sư, chàng biết rằng cảm tạ bao nhiêu lần cũng không đủ vị thầy đã dùng linh ảnh ngăn mình đi qua một quãng đời khác, một quãng đời có lẽ sẽ rất khủng khiếp và sẽ đưa vô số con người vào khổ ải. Rồi Katyayana đưa học trò mình đi vào chiều sâu của giáo pháp vô ngã để nhận ra rằng mọi sự không có một bản thể gì riêng biệt đứng đằng sau. Sau đó Vajriputra giác ngộ và càng thâm hiểu những gì đêm hôm đó mình đã trải qua.

Về sau, Vajriputra trở thành một trong mười sáu A-la-hán, là những vị đã truyền chánh pháp của Phật Cồ-đàm, mà ngày nay chúng ta còn biết ơn. Người Tây Tạng cho rằng, những ai lòng còn sân hận, đầy thù oán và không biết tha thứ thì hãy nên cầu vị A-la-hán Vajriputra, vì vị vương tước một thời đầy kiêu mạn này biết cách xa lánh những tâm thức đó.

Surya Das
Việt dịch: Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Sư tử tuyết bờm xanh