CHIA SẺ

Trường tồn cùng dặm dài lịch sử

Đến với miền đất chư thiên Tây Tạng, du khách có thể bắt gặp những bức thangka chuyên chở đa tầng ngữ nghĩa tôn giáo ở mọi công trình, từ lớn tới nhỏ, từ công cộng tới riêng tư. Sắc mầu rực rỡ cùng họa tiết sắc nét, tạo hình sống động cùng biểu cảm tinh tế của nhân vật vẫn trường tồn trên từng tác phẩm. Cùng những bức tranh tường (mural paintings), thangka khoác lên vẻ lộng lẫy, vàng son cùng không gian tín ngưỡng huyền bí cho mọi cung điện, chùa chiền, tu viện mà chúng tôi từng thưởng lãm.

Dù cả nghìn năm lịch sử thăng trầm đã phủ bóng thời gian, những tác phẩm này vẫn giữ được vẻ tươi tắn, như thể vừa mới được các nghệ sĩ Phật giáo hoàn thiện nét bút cuối cùng. “Những bức này đã trải qua bất kỳ một quá trình phục chế hay trùng tu nào chưa”, câu trả lời mà tôi nhận lại luôn là những cái lắc đầu dứt khoát. Thói tò mò cố hữu đã thôi thúc tôi lục tung đám tài liệu về thể loại tranh gắn liền với chủ đề tôn giáo này, khi rời “nóc nhà thế giới” về lại với cuộc sống đời thường. Và những gì thu lượm được khiến tôi thực sự ngưỡng mộ.

Kể từ khi theo bước chân của nhị vị công chúa (Xích Tôn của Nepal và Văn Thành của nhà Đường) vào Tây Tạng cách đây gần 14 thế kỷ, giáo lý đạo Phật đã ảnh hưởng sâu sắc và trở thành kim chỉ nam dẫn dắt mọi mặt đời sống và tín ngưỡng, văn hóa và nghệ thuật của cư dân bản địa. Do đó, có thể hiểu tại sao bất cứ cách thức biểu hiện nào ở miền đất này cũng có nguồn gốc cùng liên quan trực tiếp tới giáo lý và thực hành của Phật giáo Tạng truyền, để hỗ trợ cho sự thực hành Chính pháp và là công cụ của sự Hoằng Pháp, tiêu biểu và bảo tồn tinh hoa của Giáo pháp. Vì vậy, các loại hình nghệ thuật Tây Tạng đều có công năng diễn tả và trình bày những chủ đề tôn giáo rộng lớn, theo một cách thức dễ hiểu và dễ thu phục nhân tâm.

Tham quan bất kỳ một ngôi nhà nơi miền đất chư thiên này, phòng thờ (với gia đình khá giả) và bàn thờ (với hộ nghèo) riêng biệt cùng những pháp cụ phong phú được cúng dường tôn kính hằng ngày luôn là không gian được người Tạng chăm chút nhất. Và thangka cùng đèn bơ (loại đèn sử dụng mỡ bò yak làm chất đốt) là những đồ thờ tự không thể thiếu. Còn tại những địa điểm linh thiêng như Cung điện Potala, chùa Đại Chiêu, tu viện Bát Nhã (Sera Monastery)… thangka hiện diện khắp mọi nơi, mọi không gian thờ tự với những hình ảnh mô tả Chư Phật nam và nữ, các vị thần linh, các nhà hiền triết cùng chư thiên. Đặc biệt, các thân Chư Phật được biểu hiện thuộc cả ba phạm trù Phật giáo: Thân tuyệt đối – thân hoan hỉ và thân hóa hiện.

Bước vào thế giới thangka là lạc trong những câu chuyện kể về cuộc đời Đức Phật, các vị Phật sống (Lạt Ma) danh tiếng cùng chư Bồ Tát, thánh thần… cùng một số đề tài rất phổ biến là Pháp luân, Mạn Đà La. Chuyển tải lòng tôn kính cùng tín ngưỡng tôn giáo của chính nghệ sĩ nên người xem dễ dàng cảm nhận vẻ trang nghiêm cùng niềm tin vào điều màu nhiệm lan tỏa từ bức tranh. Tương truyền rằng, bức thangka đầu tiên vẽ Nữ thần hộ pháp Bạch Lạp Mỗ (Palden Lhamo) chính là tác phẩm của một người dân tộc Thổ Phiên. Ông đã dùng cái mũi đẫm máu của mình để miêu tả vẻ đẹp của vị thần bảo hộ Lhasa và gửi gắm sự tôn thờ của mình vào đó.

Lang thang giữa những sắc màu thangka, tôi mới hiểu lời đánh giá của một nhà phê bình mỹ thuật danh tiếng người Ấn, “thangka mang theo nguồn năng lượng huyền bí nơi miền đất Phật”. Phật tử dành cho thangka một thái độ cung kính, như với chính Thần Phật. Đây cũng là dòng tranh lưu giữ niềm tin, rằng thần linh chính là những vị thần bảo hộ chúng sinh, xua đuổi tà ma và gìn giữ sự thanh cao cùng giá trị phẩm hạnh con người. Có lẽ sắc mầu huyền bí bao phủ những bức tranh cuộn ấy đã giúp chúng trường tồn, không phai màu, không ruỗng mục cho dù bao biến thiên thời cuộc xoay vần. Âu cũng là một cách lý giải thú vị!

Hồ Cúc Phương
Nguồn: Huyền Bí Thangka – Phần 1