Trang 5

Ý nghĩa cúng dường theo Kim cương thừa

Có vô số cách thức cúng dường:

  • Thành kính cúng dường lên chư Phật chư Bồ Tát vì chư Phật Bồ Tát đã thành tựu những phẩm chất giác ngộ siêu việt và công hạnh lợi tha vĩ đại.
  • Thành kính tri ân và hiếu thảo với cha mẹ bậc sinh thành vì đã luôn từ bi chăm sóc dưỡng dục ta nên người.
  • Cúng dường bố thí cho những chúng sinh khổ đau nghèo khó rất cần nơi giúp đỡ nương tựa bởi đối với ta dù chỉ là một chút nhưng đối với họ ý nghĩa rất nhiều.

Hết thảy hạnh cúng dường này đều là cội nguồn giúp nhanh chóng tích lũy vô lượng công đức, chẳng khác nào vun bổi chăm bón cho cánh đồng phúc điền màu mỡ tốt tươi.

Bạn đừng nên so đo toan tính xem nên chọn cách cúng dường nào ưu việt nhất mà hãy hiểu rằng làm lợi ích cho chúng sinh với tâm vô ngã vị tha là cách tốt nhất, thù thắng nhất để cúng dường lên chư Phật, bởi chư Phật thương chúng sinh chẳng khác nào mẹ hiền thương con đỏ. Nếu bạn làm lợi ích cho bất cứ chúng sinh nào, người mẹ từ bi chắc chắn sẽ hoan hỷ mỉm cười.

Ý NGHĨA CÚNG DƯỜNG THEO TRUYỀN THỐNG KIM CƯƠNG THỪA

Thông thường bạn có thể nhận thấy khi nghe giảng Phật Pháp, mỗi bậc Thầy có thể giảng theo cách riêng của các Ngài – tùy theo giáo lý thuộc Nguyên thủy, Đại thừa hay Kim Cương thừa. Chỉ riêng trong Kim Cương thừa cũng có rất nhiều truyền thừa khác nhau. Đôi khi bạn thấy lúng túng, cũng có nhiều người nói với tôi rằng họ cảm thấy băn khoăn khi trở thành Phật tử. Trong Kim Cương thừa có quá nhiều con đường, nhiều pháp thực hành… khiến họ không biết phải chọn pháp thực hành nào. Giá như mọi thứ đơn giản hơn. Xét từ một góc độ nhất định thì họ nói đúng. Thoạt đầu bạn có thể thấy hơi phức tạp. Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng 84000 pháp môn khác nhau, bởi vô số người trong chúng ta có những tính cách và trình độ khác nhau. Chẳng hạn như ngày hôm nay tới đây, các bạn mỗi người đều mặc một bộ trang phục khác nhau. Người mặc áo trắng, người mặc comple hoặc đồ thời trang, bởi lẽ mỗi người chúng ta đều có những quan niệm riêng, phong cách và mong muốn riêng. Thế nên nếu có ai đó đưa một cái áo ngắn tay và yêu cầu tất cả mọi người đều phải thích trang phục đó thì chưa chắc mọi người đã nghe theo. Do vậy, nếu Đức Phật chỉ ban cho một pháp môn duy nhất thì có thể sẽ khó thích ứng được với tất cả mọi người. Bởi từ bi nên Ngài đã ban truyền vô số giáo pháp, 84000 pháp môn của Ngài dành cho vô lượng chúng sinh với muôn vàn đặc tính khác nhau.

Như vậy nhìn từ một góc độ khác, chúng ta thấy chỉ riêng số pháp môn vô lượng này cũng đã chứng tỏ Đức Phật là bậc Đại từ bi, với lòng từ mênh mông vô lượng Ngài đã chỉ ra vô số con đường. Bất kể lựa chọn đi theo lối nào, bạn cũng đều cần hiểu về Giáp Pháp, cần biết chắt lọc được tinh túy cốt lõi của 84000 pháp môn. Khi hiểu được điều tinh túy của các pháp môn, chúng ta có thể hiểu được trọn vẹn giáo pháp. Và cốt yếu của giáo pháp nằm trọn trong 3 điều:

(i) Không nên làm điều bất thiện gây tổn hại tới người khác hoặc chúng sinh, bởi đó chính là nhân dẫn tới đau khổ cho chính mình và chúng sinh.

(ii) Hãy làm mọi thiện hạnh lợi ích cho người khác vì những nghiệp này sẽ mang lại ích lợi cho chúng ta.

(iii) Điều thứ ba, vì sao chúng ta lại phạm nghiệp bất thiện ? Vì sao mình nói chuyện mềm mỏng với người này và cáu gắt với người kia. Tất cả đều do tâm. Nếu ta có tâm từ bi, tâm thấu hiểu, tâm cảm thông yêu thương – kết quả là những điều dễ chịu nảy sinh. Từ tâm sân giận, ghét bỏ – những điều bất thiện nảy sinh. Như vậy điều cốt yếu thứ ba là điều phục tâm. Làm việc thiện, từ bỏ việc bất thiện và điều phục  tâm mình chính là gốc, tâm sai sử gọi là Tâm vương. Tâm là chủ, Khẩu và Ý là tớ.

Cho dù bạn có đi khắp các đền chùa, dù có thực hành 10.000 khóa lễ cúng dường, thì tinh túy của việc thực hành đó cũng nằm trọn trong ba điểm cốt yếu này. Chẳng hạn hôm nay chúng ta có thể nghe rằng Đức Phật dạy khi thực hành thiện hạnh, chúng ta sẽ được đón nhận phúc báo. Những thiện hạnh có thể dưới bất cứ hình thức nào mang lại lợi ích cho người khác, có thể là cúng dường chư Phật và chư Bồ Tát, với động cơ thiện lành mong nguyện lợi ích cho chúng sinh, hoặc cũng có thể là một thiện hạnh giúp đỡ chúng sinh khác trong cơn nguy cấp. Thiện hạnh cứu trợ chúng sinh không nhất thiết phải sang tận Châu Phi mới làm được. Thí dụ ngay khi tới đây, bạn hòa đồng và tuân theo sự sắp xếp, ngồi ngay ngắn theo hàng, hoặc tiếp đón đạo hữu, tất cả những điều đó đều giúp bạn tích lũy công đức. Bất cứ sự cúng dường nào cũng đều mang lại công đức. Và trên con đường tu tập thực hành, chúng ta cũng có phương tiện tịnh hóa để tiêu trừ nghiệp báo khi mắc phải những nghiệp bất thiện. Vì sao chúng ta phải cúng dường rất nhiều – chẳng hạn như hôm nay có thể không nhiều phẩm vật cúng dường so với những dịp khác, nếu bạn biết chúng ta quán tưởng phẩm vật cúng dường như thế nào chắc hẳn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên.

Chúng ta quán tưởng những thiên nữ trong vũ điệu cúng dường. Vô số thiện nam tín nữ cùng phẩm vật như nhà cửa, xe cộ, vô số phẩm vật và nhã nhạc ngân vang, trong Kim Cương thừa chúng ta thường xuyên sử dụng âm nhạc. Vì sao bạn thường cầu nguyện thầm, trí tụng thầm, mọi thứ đều tiến hành trong lặng lẽ, vậy mà các nghi thức lại thường dùng rất nhiều pháp khí âm thanh. Có thể ngày nay bạn nhìn những pháp khí này và cảm thấy xa lạ, song cách đây hàng ngàn năm đây lại là những pháp khí vô cùng quen thuộc, giống như nhạc rock thời nay vậy. Có thể bạn vẫn thắc mắc, cho dù trống và linh có là những thứ quen thuộc trong thời quá khứ, vì sao chúng ta lại cúng dường âm thanh này lên chư Phật ? Có hai lý do, song cả hai đều không phải vì chư Phật thích âm nhạc từ những pháp khí này.

Lý do thứ nhất là sự nhìn nhận theo nhân quả: bất cứ thứ gì chúng ta yêu thích – chẳng hạn nếu chúng ta muốn sức khỏe, bạn cần thực hành bố thí thuốc men, như vậy bạn sẽ gieo nhân mang lại sức khỏe cho chúng sinh. Nếu bạn muốn luôn được nghe những điều tốt đẹp, những âm thanh dễ chịu, những điều êm tai, mọi người không la hét cáu gắt với bạn suốt ngày, bạn muốn Sếp luôn nói nhẹ nhàng với bạn, như vậy hàng ngày chúng ta cần nói những điều dễ chịu, mềm mỏng với những người xung quanh.

Khi thực hành Phật  Pháp – chúng ta cúng dường âm thanh nhã nhạc, đây là nhìn từ góc độ nhân quả. Như tôi đã nhắc ở trên, cốt yếu của Phật Pháp không nằm ngoài 3 điều – tích lũy công đức, đoạn trừ bất thiện nghiệp và điều phục tâm mình. Như vậy nếu nhìn từ góc độ điều phục tâm, chúng ta cúng dường âm nhạc lên chư Phật, giống như bất cứ khi nào cúng dường, chúng ta đều thực hành buông xả. Cho dù bố thí một đô la cho người hành khất, chúng ta cũng cần buông xả. Như vậy trong tâm chúng ta cũng buông xả âm thanh nhã nhạc để cúng dường lên chư Phật. Điều này có ý nghĩa khác biệt như thế nào ? Loài người chúng ta thường bám chấp mạnh mẽ vào âm thanh mà không chịu hiểu rằng âm thanh vốn là không. Chẳng hạn khi ai đó nói bạn là người tốt thì lập tức miệng bạn sẽ nở nụ cười rất tươi. Chỉ hai phút sau, nếu có ai đó nói bạn là người xấu, thì ngay lập tức tâm trạng bạn sẽ thay đổi. Thực chất khi có ai nói bạn tốt hay xấu, bạn sẽ không đẹp hơn, xấu hơn, gầy hay béo hơn. Tất cả chỉ là âm thanh. Xét theo khoa học, âm thanh được tạo nên từ sự rung động của các nguyên tử vô cùng nhỏ – trong đó chẳng có gì tốt, xấu, vui buồn. Chính sự bám chấp vào âm thanh khiến chúng ta thấy vui hay buồn. Do vậy khi cúng dường âm nhạc lên chư Phật, chúng ta thực hành đoạn trừ tâm bám chấp vào âm  thanh của chúng ta – tức là tâm tạo tác khiến chúng ta phân biệt âm thanh thành hay dở, khen chê, trách móc hay chỉ trích. Mọi trải nghiệm vui buồn của chúng ta cũng vậy, mà chúng ta thường gọi là ngũ trần, khởi nguồn từ ngũ căn của chúng ta. Chúng ta thích những thứ mềm mại, không thích những gì thô cứng. Chúng ta thích những thứ đẹp đẽ, không thích đồ xấu xí. Tương tự như vậy, từ âm thanh, mùi vị, đều bắt nguồn từ ngũ giác của chúng ta. Chúng ta có những thứ mình yêu thích hoặc ham muốn. Vậy nên chúng ta có thể cúng dường lên chư Phật bất cứ thứ gì mà ngũ căn của chúng ta yêu thích.

Nói như vậy để bạn hiểu được vì sao chúng ta lại có những thiên nam, thiên nữ trong vũ điệu cúng dường – bởi sự liên hệ với sự bám chấp vào nhãn căn (mắt nhìn). Như vậy chúng ta cúng dường những thứ tốt đẹp – mỹ nam, mỹ nữ, nhà cửa – bất cứ thứ gì mắt chúng nó nhìn thấy và cho là đẹp, đều có thể cúng dường lên chư Phật. Mấu chốt ở đây không phải là chư Phật thích những thứ này, mà đây là những thứ do nghiệp lực khiến chúng ta nảy sinh tham muốn và khởi tâm bám chấp – vì vậy chúng ta cần đoạn trừ tâm bám chấp này. Do đó, chúng ta có thể cúng dường bất cứ thứ gì có thể cuốn hút ngũ căn của chúng ta, như hoa đẹp, quả ngon, quần áo, trang sức – chúng ta cúng dường tất cả những thứ này lên chư Phật bởi chúng làm tăng trưởng tâm tham muốn và bám chấp mạnh mẽ của chúng ta. Mục đích không phải làm hài lòng chư Phật hay không, cho dù bạn có cúng dường một triệu đô la hay chỉ một hòn đá bình thường, đối với Phật đều như nhau. Bạn có phỉ báng hay tán thán chư Phật cả ngày cũng chẳng khác gì nhau, các Ngài sẽ chẳng hề động tâm. Chỉ có chúng ta sẽ gánh lấy nghiệp báo hay tích lũy công đức tùy theo hành động của mình, còn đối với chư Phật sẽ không có bất cứ sự phân biệt nào. Điều quan trọng là sự tác động đối với tâm chúng ta, vì vậy trong Đại Thừa hoặc Kim Cương Thừa, khi chúng ta cúng dường, chẳng hạn hôm nay chúng ta chỉ có vài bông hoa để cúng dường, song chúng ta vẫn quán tưởng toàn vũ trụ ngập tràn những bông hoa tươi đẹp. Chúng ta có thể cúng dường lên chư Phật cả Hong Kong. Cho dù chúng ta không có toàn quyền đối với Hong Kong, song chúng ta vẫn có thể quán tưởng như vậy. Và chúng ta vẫn tích lũy nhiều công đức, bởi tất cả đều bắt nguồn từ tâm chúng ta và giúp chúng ta đoạn trừ bám chấp. Đó chính là cách mọi thứ đang diễn ra.

Trích Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa về Pháp tu Lục Độ Mẫu Tara, tháng 1 năm 2013 tại Hong Kong

Nguồn: drukpavietnam.org

Bài Khẩn Nguyện Bảy Dòng một Terma của Đức Liên Hoa Sanh

Sự Thành tựu Sâu xa của Lạt ma được rút ra từ terma [1] của Lạt ma Sang Du [của Guru Chho Wang]

Kính lễ các Bổn Tôn! Ôi những đệ tử may mắn cao quý trong tương lai: nếu các con tìm kiếm sự nương tựa nơi ta, Orgyen,[2] hãy đi tới một nơi hẻo lánh và nghĩ tưởng về sự mỏi nhọc của vô thường và nỗi buồn của sinh tử. Điều này rất quan trọng. Hãy hoàn toàn giao phó các con cho ta – thân thể, trái tim, tinh thần. Hãy coi mọi nguồn mạch của sự hy vọng và nương tựa thì nằm ở trong ta, Orgyen, và hãy tin rằng ta hoàn toàn thấu hiểu những niềm vui, nỗi buồn, và hy vọng của các con. Đừng van nài ta bằng những vật cúng dường và tán thán. Hãy đặt sang một bên những sự tích tập. Thay vào đó, với thân, khẩu, và ý sùng mộ, hãy cầu nguyện với Bài Khẩn nguyện Bảy Dòng này:

HUNG OR GYEN YUL GYI NUP JYANG TSHAM
Hung Nơi biên giới phía bắc xứ Orgyen,
PEMA GE SAR DONG PO LA
Trong nhụy của một đóa hoa sen,
YA TSHEN CHHOK GI NGO DRUB NYEY
Ngài đã đạt được thành tựu kỳ diệu, tuyệt hảo nhất.
PEMA JYUNG NAY ZHEY SU DRAK
Lừng danh là Đức Liên Hoa Sanh,
KHOR DU KHAN DRO MANG PO KOR
Ngài được vây quanh bởi một đoàn tuỳ tùng rộng lớn gồm các dakini.
KHYE KYI JEY SU DAK DRUB KYI
Khi con thực hành, đi theo dấu chân Ngài,
JYIN GYIY LOB CHHYIR SHEK SU SOL
Con cầu nguyện Ngài quang lâm ban rải những ân phước.
GURU PEMA SIDDHI HUNG

Hãy tiếp tục cầu nguyện cho tới khi lòng khao khát mãnh liệt khiến các con rơi lệ. Nếu các con trở nên tràn ngập niềm tin, hãy hít một hơi thở sâu và an trụ trong tỉnh giác, đôi mắt nhận biết rõ ràng, rộng mở và không xao lãng. Cần gì phải nói rằng ta sẽ che chở cho những đệ tử đã cầu nguyện như thế? Họ sẽ trở thành những đứa con của các Đấng Chiến Thắng trong ba thời. Tâm họ sẽ đạt được sự quán đảnh siêu việt của giác tánh tự sinh. Sự thiền định của họ sẽ trở nên mãnh liệt và kiên cố, và giác tánh nguyên sơ sẽ triển nở. Họ sẽ thuần thục nhờ những sự ban phước siêu việt tự-sinh và có thể làm vơi đi nỗi đau khổ của người khác. Khi họ thay đổi, những nhận thức mà những người khác có về họ cũng đồng thời thay đổi. Vì thế họ sẽ thành tựu Phật sự và hoàn thiện mọi phẩm tính tâm linh. Trong sự bao la vĩ đại của Pháp Thân, cầu mong những con trai tâm yếu và những con gái thân thiết của ta gặp được phương pháp làm thuần thục và giải thoát siêu việt này. Đặc biệt, bởi Bài Khẩn nguyện Bảy Dòng này mang lại những sự ban phước sâu xa nhất của ta, ta khuyên các con bí mật trì giữ kho tàng tâm được tái khám phá này. Cầu mong nó gặp được Chokyi Wangchuk thông tuệ và bi mẫn.

(Trích VAJRAYANA FOUNDATION DAILY PRACTICE)
Bản dich Việt ngữ: Thanh Liên

[1] Kho tàng giáo lý được Đức Liên Hoa Sanh chôn dấu và sẽ được khám phá vào những thời điểm thích hợp để làm lợi lạc chúng sinh trong tương lai.
[2] Đức Padmasambhava (Liên Hoa Sanh).

Khai thị của Đức Karmapa đời thứ 17 về mối quan hệ giữa đạo sư và đệ tử

81616314_2491612877613754_4239753945221693440_n

Khi đức Milarepa theo ngài Marpa tu tập thì trong lúc đầu, ngài Marpa chẳng ban cho đức Milarepa cái gì cả ngoại trừ sự khó khăn. Trong suốt một thời gian dài, ngài Marpa chẳng ban cho đức Milarepa một lễ quán đảnh hay giáo huấn nào nhưng lòng sùng mộ của đức Milarepa đối với vị đạo sư của mình tuyệt nhiên không chút nào bị suy suyển mặc dù nhiều lần, đức Milarepa đã có phần bị thối chí.

Chúng ta, những người đệ tử đang theo dấu chân những đấng chiến thắng tiền bối của dòng truyền thừa Kagyu, có mặt ngày hôm nay để tu tập. Từ góc độ đó, tôi nghĩ rằng sẽ là điều tốt lành nếu trong khóa lễ này, tôi nói vắn tắt về mối quan hệ đạo sư – đệ tử trong bối cảnh của phần đầu của đại lễ Kagyu Monlam.

Nơi tổ chức đại lễ Kagyu Monlam lần thứ 26 này có những đặc điểm mới, như cách bố trí các cổng chính chẳng hạn, và vân vân. Và tôi nghĩ sẽ là điều tốt để chỉ ra một cách vắn tắt ý nghĩa tượng trưng của bánh torma [theo cách trang trí mới mẻ này].

Các bánh torma chính dùng để trang trí [trong đại lễ lần này] như sau: ở bên phải là các bánh mà trên đó có hình ảnh của các ngài Marpa, Milarepa và Gampopa, và ở bên trái là những chiếc bánh trên đó có hình ảnh của các bậc tiền bối của phái Cựu dịch tức dòng Nyingma, cũng như dòng Sakya vinh quang, và dòng Geluk.

Nguyên tắc chính yếu mà các bánh torma này minh họa là: khi chúng ta nghiên cứu giáo lý Phật giáo Tây Tạng thì chúng ta sẽ thấy rằng, về cơ bản, chẳng có dòng truyền thừa nào lại chẳng hòa trộn với các dòng truyền thừa khác. Khi ba Pháp vương Sogsten Gampo, Trisong Deutsen, và Tri Ralpachen lần đầu tiên thiết lập nền móng Phật giáo tại Tây Tạng, dòng truyền thừa nổi trội lúc ấy được biết đến dưới cái tên ‘Dòng phái Mật tông Nyingma’. Do đó, Nyingma là dòng phái Phật giáo đầu tiên ở Tây Tạng. Sau đó, dưới thời vua Langdarma, giáo Pháp đã bị quét sạch khỏi Tây Tạng, rồi sau đó một thời gian giáo Pháp lại tiếp tục được truyền bá. Đó là sự khác biệt giữa các phái Cựu dịch và Tân dịch.

Sau đó, dòng truyền khẩu truyền của các bậc thầy Kadampa được trao truyền từ ngài Atisha tôn quý, và từ đó các dòng truyền thừa Sakya, Kagyu, và Geluk lần lượt xuất hiện. Các giai đoạn tu tập, cùng với những điểm khởi đầu căn bản của tất cả các dòng truyền thừa này đều giống như nhau. Các dòng truyền thừa riêng biệt khác nhau xuất hiện là do những dòng truyền riêng biệt từ các bậc đạo sư khác nhau và cách dạy của các ngài có khác nhau; tuy nhiên, về cơ bản, chẳng có một dòng truyền thừa nào mà lại không hòa trộn các dòng truyền thừa khác. Tóm lại, tất cả các dòng truyền thừa Tây Tạng được truyền xuống trong mối quan hệ hòa trộn với nhau; tất cả đều có một điểm chung đó là: những kết nối về Pháp và những kết nối về Mật nguyện (samaya).

Thỉnh thoảng có một vài sự cố nho nhỏ xảy ra giữa các dòng truyền thừa, bởi vì mỗi dòng truyền thừa khác nhau có cách hành xử khác nhau và điểm nhấn khác nhau. Đôi lúc, một số người do không hiểu cách tu tập cảm thấy thất vọng trước sự khác biệt đó và, cũng bởi lý do đó, vài sự cố nho nhỏ đã xảy ra. Tuy nhiên, như ngài Marpa đã nói, khi ngài bắt đức Milarepa trải qua muôn vàn gian khó không thể tưởng tượng nổi; và mặc dù một người phàm phu có thể thoạt nghĩ lúc đầu rằng ngài tuyệt nhiên chẳng có chút lòng bi mẫn nào đối với đức Milarepa, thì thực ra ngài Marpa làm như vậy là để đức Milarepa tịnh hóa ác nghiệp và chướng ngại của mình. Rõ ràng là ngài Marpa không hành động như vậy vì sở thích riêng tư của mình hay hành động mà chẳng hề có mục đích hoặc lý do nào cả.

Như vậy, nếu chúng ta xem những câu chuyện ấy như những tấm gương thì trong suốt chiều dài lịch sử các dòng truyền thừa Tây Tạng tồn tại cho đến ngày nay, chẳng có dòng truyền thừa nào là ngoại lệ – thì luôn có những đạo sư thể hiện những hành động, những mẫu hành xử, những tấm gương cuộc đời rất khác biệt. Kẻ phàm phu không hiểu biết gì về giáo Pháp có thể nhìn vào các hành động đó rồi sinh ác cảm, mất niềm tin và phạm tà kiến. Nhưng chẳng có điều gì cho phép chúng ta nói rằng các hành động đó, các mẫu hành xử đó, về bản chất, là không nhất quán hay trái với giáo Pháp.

Do đó, sự hiện diện của các hình ảnh của các bổn sư hay đạo sư của tất cả các dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng ở đây, trong ngày hôm nay, có một ý nghĩa là tất cả các dòng truyền thừa của Phật giáo Tây Tạng chẳng là gì khác hơn là giáo Pháp của đức Phật: Tất cả các dòng truyền thừa đều giống nhau. Một ví dụ là mười tám tông phái trong thời kỳ đầu của Phật giáo. Như được khẳng định trong câu chuyện kể về linh ảnh trong giấc mộng của vua Krikin: tất cả mười tám tông phái này đều giống nhau ở chỗ tất cả đều là giáo Pháp của đức Phật. Tương tự như vậy, điều rất quan trọng là mỗi chúng ta phải biết quán xét và suy ngẫm về ý nghĩa này. Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào việc này được thực hiện thì chúng ta mới có thể trì giữ mật nguyện đối với các vị đạo sư gốc và đạo sư của dòng truyền thừa mà không hề xảy ra sự xung đột hay phạm giới. Vấn đề quan trọng là tất cả chúng ta phải trải rộng tâm thức theo hướng này.

Một điểm quan trọng khác là nếu chỉ nghĩ về ‘mối quan hệ đạo sư – đệ tử’ trong phạm vi các đạo sư mà chúng ta đã trực tiếp gặp gỡ hay có quan hệ mà không màng đến các đạo sư khác thì vẫn chưa đủ. Có nhiều loại đạo sư, như bổn sư và đạo sư của dòng truyền thừa chẳng hạn. Do đó, khi nói đến ‘đạo sư’ thì chúng ta phải mở rộng tầm nhìn đối với điều mà chúng ta hàm ý muốn nói. Chúng ta không thể chỉ xem những đạo sư mà chúng ta đã từng gặp gỡ hoặc nhìn thấy tận mắt trong kiếp sống này là những bậc thầy thực thụ và làm như mình chẳng hề quen biết bất kỳ vị thầy nào khác. Khi chúng ta đọc một bài khấn nguyện thiền định, dù rằng đó chỉ là một bài ngắn, chúng ta luôn bắt đầu với việc khẩn cầu từng vị đạo sư của dòng truyền thừa, từ đức Phật Kim Cang Trì xuống bổn sư của chúng ta. Điều rất quan trọng là phải quán chiếu để hiểu tại sao cần thiết phải trân quý các vị lạt ma của dòng truyền thừa và niệm danh hiệu của các ngài.

Trong các dòng truyền thừa của chúng ta có rất nhiều chân sư vĩ đại thuộc mọi bộ phái và chúng ta quán tưởng các ngài như một ruộng công đức hiện hữu trong hình ảnh một hàng bảo châu ở chót đỉnh của dòng truyền thừa của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta không nghĩ tưởng tới các ngài vào những lúc khác [ngoài thời khóa] trong khi lại vẫn luôn nói lời thệ nguyện làm lợi lạc cho chúng sinh và thực hành giáo Pháp, thì việc chúng ta quán tưởng ruộng công đức là vô nghĩa, vô ích. Cũng như vậy, khi chúng ta quán tưởng những hình ảnh sống động của các đạo sư dòng truyền thừa nơi ruộng công đức, khi chúng ta hành động để làm lợi lạc cho chúng sinh và giáo Pháp, chúng ta phải nhớ nghĩ tới lòng tốt của các đạo sư dòng truyền thừa và noi theo gương của các ngài. Nếu chúng ta cho rằng chỉ cần tuân thủ huấn lệnh và tri kiến của vị thầy chính trong tu viện [của chúng ta] mà thôi thì có lẽ chúng ta chẳng thực sự suy ngẫm gì về chính giáo Pháp. Có lẽ chúng ta chỉ nghĩ đến cơm ăn, áo mặc cho bản thân chúng ta mà thôi.

Vị sư trưởng trong tu viện của chúng ta là người có lòng tốt giúp đỡ chúng ta về cơm ăn, áo mặc. Nhưng nếu chúng ta chỉ lo tập trung đứng về phía vị đó và ủng hộ tất cả những gì vị đó làm hoặc nói thì chúng ta sẽ không thể suy nghĩ rộng, thoáng và hòa hợp với các nguyên lý, chủ đề chung của giáo Pháp trên phương diện tổng thể được.

Cuối cùng thì sẽ như thể Phật pháp nguyên khối nguyên hình vững chắc, sống động bị vỡ ra thành nhiều mảng nhỏ và chúng ta chẳng thể chỉ vào một mảng nào đó để nói rằng: ‘Đây chính là giáo Pháp của đức Phật’. Chúng ta sẽ tìm thấy khiếm khuyết ở mọi nơi và sẽ chỉ phạm phải tà kiến. Vì lý do đó, khi chúng ta biết nói đến các cụm từ ‘các lạt ma gốc và các lạt ma dòng truyền thừa’, thì điều rất quan trọng là cần phải biết các chữ đó có ý nghĩa gì.

Chúng ta phải có lòng sùng tín, mối quan tâm khao khát và niềm tin đối với các bổn sư và các đạo sư của dòng truyền thừa, tự xác định mình là đệ tử của mỗi một đạo sư [trong số các đạo sư đó]. Với lòng sùng tín có cơ sở vững chắc và được ý thức một cách sâu sắc như vậy thì bất kỳ hoạt động tu tập và tu học nào mà chúng ta tham gia cũng sẽ hài hòa với giáo Pháp; và chúng ta sẽ hội đủ các tiêu chuẩn của một đệ tử đích thực của các đạo sư. Còn nếu không có được lòng sùng tín mạnh mẽ như vậy thì mọi thứ sẽ trở nên rất khó khăn đối với chúng ta. Đó là lý do tại sao hình ảnh đạo sư các dòng truyền thừa lại được thể hiện trên các bánh torma mà chúng ta đang có ở đây. Hình ảnh của các ngài không chỉ ở đây vì mục đích trang trí hay trưng bày cho người khác được thấy; những chiếc bánh torma này được làm ra để giúp chúng ta nhớ đến lòng tốt của các vị bổn sư và đạo sư của dòng truyền thừa đích thực của mình. Khi chúng ta nhìn thấy các bánh torma, chúng ta phải nhớ đến lòng tốt của các ngài và quán chiếu rằng nếu không có các ngài thì sẽ khó khăn cho chúng ta biết bao để bước qua được cánh cửa Phật pháp trân quý và để có cơ hội làm lợi lạc cho chúng sinh với tâm không phân biệt. Thật rất quan trọng để chúng ta suy ngẫm về điều này.

Chúng ta cần phải nghiên cứu về tiểu sử của các ngài Marpa và Milarepa mà tôi vừa tuyên đọc nhưng nếu chỉ đọc sách không mà thôi thì vẫn chưa đủ: chúng ta phải suy ngẫm, quán chiếu ý nghĩa và dấn thân vào việc thực hành tu tập theo gương các đạo sư này, và tìm phương cách để ứng dụng ngay giáo Pháp vào cuộc sống của chúng ta. Nếu không thì việc đọc tiểu sử của ngài Milarepa ở đây chẳng có mục đích gì cả. Thay vào đó thì nghiên cứu sách triết học hoặc tu học thêm về giáo pháp luyện tâm có thể còn hay hơn.

Lý do khiến tôi cảm thấy nhất thiết phải tuyên đọc tiểu sử của đức Milarepa là để chúng ta có thể cảm nhận được cách tu tập mà một con người có thật đã thực sự hành trì [như thế nào] trong chính cuộc đời mình. Chúng ta có thể cảm thấy rằng mình tạo được một mối giao tiếp thân tình với một con người, như thể chúng ta có thể cầm lấy bàn tay của người ấy vậy. Dĩ nhiên là còn có nhiều câu chuyện cuộc đời của các vị đạo sư phi thường, như chư Phật và chư Bồ tát. Nhưng kẻ phàm phu không thể đặt tâm chăm chú vào các câu chuyện cuộc đời này, huống chi là nương theo để tu tập.

Tuy nhiên, với ngài Milarepa, chúng ta có câu chuyện về một người hoàn toàn bình thường, lúc đầu phạm nhiều ác hạnh nhưng cuối cùng đã thực sự viên thành đạo quả với sự toàn tâm kiên định. Tôi nghĩ rằng chính câu chuyện có thật như vậy về một đạo sư chân thực sẽ là cái đọng lại trong tâm chúng ta và làm trái tim của chúng ta rung động.

http://www.kagyumonlam.org/English/Lectures/20090104_HHK_Talk_on_Relationship_M asters_Disciples.html

Ngày 4 tháng 1 năm 2009
Pháp thoại của Đức Gyalwang Karmapa, Orgyen Thinley tại đại lễ Kagyu Monlam, Bồ Đề Đạo Tràng
Chuyển sang Anh ngữ bởi Dewar, Karma Choephel, and Thượng tọa Ven. Lhundup

Damchö cho Tổ chức Dịch thuật Anh ngữ Monlam
Bản Việt dịch của Tiểu Nhỏ (5/2010), Hiếu Thiện góp ý và hiệu đính (5/2010)

Đức Karmapa 17
Việt dịch: Tiểu nhỏ – Hiệu đính: Hiếu Thiện
Nguồn: 
Khai thị của Đức Karmapa đời thứ 17 về mối quan hệ giữa đạo sư và đệ tử

Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo

Bàn Thờ Quy Y Tam Bảo và Tam Căn Bản

Nam Mô Quán Tự Tại Bồ Tát

Con đem thân khẩu ý chí tâm đảnh lễ vị đạo sư vô thượng và (thủ hộ chủ) ngài Quán Tự Tại Bồ Tát. Trong khi quán chiếu sự bất lai bất khứ của vạn pháp, ngài chuyên tâm nỗ lực đem lại lợi lạc cho chúng sinh.

Chư Phật toàn giác, cội nguồn của tất cả an vui hạnh phúc, là nơi phát sanh sự thành tựu các giáo lý tối thắng. Đấy là nhờ do sự hiểu biết các pháp hành đạo, bởi vậy tôi sẽ giảng giải về pháp hành Bồ tát đạo.

1. Đã được thân người quý hiếm đầy đủ sự tự do và may mắn, vậy hãy chuyên cần lắng nghe, suy tư và thiền quán bất kể ngày đêm để giải thoát cho chính mình và chúng sanh khỏi biển khổ luân hồi – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

2. Vì quyến luyến người thân, ta bị khuấy động như sóng nước. Vì hận ghét kẻ thù, ta bị thiêu đốt như lửa cháy. Bởi vậy trong bóng tối của sự hỗn độn, ta quên bẳng những gì nên làm và những gì không nên làm. Hãy từ bỏ bản ngã – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

3. Xa lánh các đối tượng xấu, phiền não sẽ dần giảm thiểuGìn giữ không để thất niệm, các pháp thiện sẽ tự nhiên trong sángđức tin ở giáo lý sẽ phát khởi. Hãy tu tập thanh tịnh – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

4. Thân bằng quyến thuộc lâu năm vẫn sẽ phải chia tay. Tài sản tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt cũng sẽ phải bỏ lại. Thần thức, khách trọ trong căn nhà thân xác, rồi sẽ phải ra đi. Đừng bám víu vào kiếp sống này – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

5. Liên hệ với ác tri thức/bạn xấu sẽ làm tam độc gia tăng trong những lúc ta học hỏi, suy tư và tu tập. Họ sẽ làm tâm từ bi của ta thối thất. Hãy tránh xa ác tri thức/bạn xấu – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

6. Nương cậy nơi đạo sư/thiện tri thứclỗi lầm của ta sẽ tiêu trừ, và đức hạnh ta sẽ viên mãn (tiến triển như trăng tròn). Hãy quý trọng các vị đạo sư hơn cả thân xác của mình – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

7. Bị trói buộc trong ngục tù của luân hồi sanh tử, làm sao những vị trời phàm tục có thể mang lại sự hộ trì cho ta được? Bởi vậy có quy y thì hãy quy y nơi Tam Bảonơi nương tựa chân thật – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

8. Đấng Toàn Giác từng nói tất cả những nỗi thống khổ không thể tả trong ba đường ác đều là hậu quả của ác nghiệp. Bởi vậy dù có mất mạng, ta quyết không làm điều ác [gây nghiệp xấu] – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

9. Như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, lạc thú trong ba cõi chỉ trong thoáng chốc rồi tan biến. Hãy phấn đấu đạt đến trạng thái tối thượng của giải thoát – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

10. Khi những bà mẹ từng yêu thương ta từ vô thỉ đang chịu khổ đau, thì hạnh phúc của riêng mình có ích lợi gì? Bởi vậy muốn cứu độ vô lượng chúng sanh phải đào luyện chí hướng vị tha – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

11. Tất cả khổ đau đều do sự ước muốn hạnh phúc cho bản thân, trong khi chư Phật toàn giác xuất phát từ tâm vị tha. Bởi vậy hãy đánh đổi hạnh phúc của ta lấy sự khổ đau của chúng sanh – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

12. Mặc dù có kẻ vì lòng tham khôn cùng, thúc đẩy hắn trộm cắp hoặc bảo kẻ khác tước đoạt tài sản của ta, hãy tha thứ/hiến cho hắn thân thểcủa cải và công đức ta đã góp nhặt, trong quá khứhiện tại và tương lai – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

13. Mặc dù có kẻ muốn chặt đầu ta trong khi ta không hề làm điều gì sai trái, hãy phát tâm từ bi thọ nhận tất cả tội ác của họ – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

14. Mặc dù có kẻ tuyên cáo cho cả ngàn thế giới những chuyện xấu xa về ta, hãy lấy tâm từ bi hoàn trả lại bằng cách tuyên dương những đức tính của họ – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

15. Mặc dù có kẻ phỉ báng chế nhạo ta giữa công cộng trước đám đông, hãy cúi lạy và tôn kính họ, xem họ như một vị đạo sư – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

16. Mặc dù kẻ mà ta chăm sóc thương yêu như con xem ta như kẻ thù, hãy đối xử với họ như một bà mẹ hiền yêu thương đứa con bệnh hoạn – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

17. Nếu có kẻ ngang hàng hoặc thấp kém hơn ta, chỉ vì kiêu mạn, lại đi gièm pha ta, hãy đặt họ lên đỉnh đầu với sự tôn kính như ta làm đối với vị bổn sư – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

18. Mặc dù sống trong nghèo khó và thường xuyên bị khinh miệt, mắc bệnh hiểm nghèo và bị tà ma quấy rối, nhưng ta không chút sờn lòng. Hãy gánh nhận tội ác và khổ đau của chúng sanh – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

19. Dù ta có nổi tiếng và được mọi người trọng vọng, cũng như giàu có tương đương với Tỳ sa môn thiên vương [vị trời chủ về của cải], hãy nhận rõ sự phù phiếm của danh lợi, chẳng có gì đáng để tự phụ – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

20. Khi mà sân hận là kẻ thù chính [nội ma] chưa thể khống chế được, thì dù có chinh phục được những kẻ thù bên ngoài, cũng chỉ làm cho chúng [kẻ thù bên trong ta] gia tăng mà thôi. Bởi vậy ta hãy điều phục tâm bằng hai đạo quân Từ và Bi – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

21. Dục lạc cũng như nước muối, càng uống càng thèm khát. Hãy buông bỏ ngay những gì gây ra tham ái – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

22. Vạn pháp đều do tâm tạo. Từ khởi thủy, bản tánh tâm không hề bị chấp trước trong các biên kiến [vọng tưởng cực đoan]. Hãy hiểu biết điều này như thế, và đừng để tâm bị lôi cuốn vào vòng nhị nguyên [chủ thể và đối tượng] năng sở đối đãi – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

23. Khi đối diện với các đối tượng hấp dẫn, dù thấy chúng đẹp đẽ như cầu vồng giữa hạ, hãy biết rằng chúng không có tự tánh và hãy xả bỏ luyến ái chấp thủ – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

24. Mọi hình thức khổ đau đều như mộng ảo (tựa cái chết của đứa con trong giấc ngủ của bà mẹ). Chấp các huyễn ảnh là thật có sẽ làm nhọc tâm ta. Bởi vậy khi gặp nghịch cảnh, hãy xem chúng như ảo huyễn – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

25. Kẻ tầm cầu giác ngộ có khi phải xả bỏ cả thân mạng, vậy cần gì phải để ý đến vật chất bên ngoài. Hãy bố thí mà không cầu mong sự đền đáp – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

26. Nếu không giữ giới, ta không thể gặt hái được thành quả gì, đừng nói chi đến ước muốn làm lợi ích chúng sanh, điều này thật đáng buồn cười. Bởi vậy hãy trì giới mà không có sự mong cầu của thế gian – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

27. Đối với những vị Bồ tát muốn vun bồi công đức, thì những kẻ làm hại họ lại là những bảo vật quý báu. Bởi vậy hãy tập nhẫn nhục với tâm không hận thù – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

28. Ngay như hàng Thanh văn và Độc giác, chỉ mong cầu tự giác, cũng gắng công tu tập miên mật như đang khẩn trương dập tắt lửa cháy trên đầu. Bởi vậy nỗ lực tinh tấn để lợi lạc cho chúng sanh là căn nguyên của mọi thiện căn – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

29. Nên biết rằng các phiền não đều bị tiêu trừ bởi thiền chỉ và thiền quán. Hãy luyện tập chú tâm để siêu việt bốn cõi vô sắc – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

30. Có năm Ba la mật mà thiếu Trí tuệ ba la mật thì không thể dẫn đến đạo quả. Bởi vậy hãy tập luyện các phương tiện thiện xảo cùng với trí tuệ để khỏi lạc vào ba cõi – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

31. Nếu không chịu tự quán xét lỗi lầm, tức là ta chỉ mang danh là hành giả mà không có thực hành. Bởi vậy, hãy luôn luôn quán xét và loại trừ lỗi lầm của mình – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

32. Nếu vì sự thôi thúc của phiền não mà ta vạch lỗi lầm của người khác, thì chính ta tự hại mình. Bởi vậy đừng khơi dậy lỗi lầm của những hành giả khác – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

33. Danh lợi chỉ gây ra sự tranh chấp, làm cho sự học hỏi, suy tư và tu tập suy thoái. Bởi vậy hãy từ bỏ đừng dính mắc đến thân quyến bạn hữu, những mối tương quan, thí chủ, v.v… – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

34. Ác khẩu làm xáo động tâm trí kẻ khác và làm hư hoại Bồ tát hạnh. Bởi vậy hãy tránh những lời lẽ khắc nghiệt gây ra sự bất an cho kẻ khác – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

35. Phiền não khi đã được huân tập thì thật khó ngăn chận bằng các pháp đối trị. Hãy trang bị bằng các vệ binh chánh niệm và tỉnh giácdiệt trừ những phiền não như tham ái – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

36. Nói tóm lại, bất luận đang làm gì, ta phải tự hỏi “Tâm ta đang ở trạng thái nào?” Hãy luôn giữ chánh niệm và tỉnh giác để lợi lạc cho chúng sanh – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

37. Giải trừ nỗi thống khổ của vô lượng chúng sanh, thấu suốt sự thuần tịnh của ba cõi. Hãy dùng công đức của những nỗ lực này để hồi hướng đến giác ngộ – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

************

Tôi đã soạn ba mươi bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo cho tất cả những ai muốn đi trên con đường Bồ tát, theo lời giảng giải ý nghĩa kinh điểnmật điển và luận điển của chư vị tổ sư.

Vì trí tuệ kém cỏi cũng như sự hiểu biết thiếu sót nên lời lẽ tôi không được văn hoa hấp dẫn đối với các học giảtuy nhiên tôi đã dựa trên kinh điển và lời giáo huấn của các bậc tổ sư nên tôi nghĩ rằng các pháp hành Bồ tát đạo này không có gì sai trái.

Tuy nhiênđại hạnh của chư vị Bồ tát thật khó lường cho những người tâm trí thô thiển như con. Con cúi xin các ngài lượng thứ cho những khuyết điểm của con, chẳng hạn như sự mâu thuẫn và những ý nghĩa thiếu mạch lạc.

Công đức này nguyện chúng sanh đạt được Bồ đề tâm (chí hướng vị thachân đế lẫn tục đế) và nhờ đó sẽ trở thành Bồ tát Quán Tự Tại, vị Bồ tát thoát khỏi hai kiến chấp (chấp thế gian và chấp an lạc xuất thế gian).

Bài này được soạn ra bởi tỳ kheo Thogme, một luận sư về kinh điển và lý giải trong một hang động ở Ngulchu Rinchen để tự lợi và lợi tha.

Đức Ngulchu Gyalsas Thogmed Zangpo
Việt dịch: Tuệ Uyển
Nguồn: Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo

Bảo tháp – Biểu tượng tâm giác ngộ và trí tuệ Phật

Kiến trúc Mandala Phật giáo thể hiện sự hợp nhất của vũ trụ bên ngoài với thân giác ngộ Phật, đồng thời là cảnh giới Tịnh độ, nơi vân tập của hải hội chư Phật. Trong truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa phổ biến tại các quốc gia vùng Hymalaya như Ấn độ, Nepal, Bhutan, các Bảo tháp được kiến lập theo kiến trúc Mandala. Kiến trúc này tạo nên không gian liên tưởng rộng lớn, gỡ bỏ khoảng cách che chướng giữa chúng sinh luân hồi và cảnh giới Tịnh độ nhằm chấm dứt sự khổ đau, thành tựu hạnh phúc giác ngộ.  Việc xây dựng một Bảo tháp tạo ra công đức không thể nghĩ bàn. Kiến lập Bảo tháp không chỉ giúp tịnh hóa chướng ngại mà còn đem lại lợi ích cho hàng ngàn năm và bao nhiêu thế hệ mai sau.

Lịch sử và ý nghĩa Bảo tháp

Theo lịch sử Phật giáo, Bảo tháp xuất hiện từ thời Phật còn tại thế. Thời đó Ngài Xá Lợi Phất, một đệ tử trí tuệ của Đức Phật đã thị hiện viên tịch trước Phật. Sau lễ trà tỳ, nhục thân của Ngài Xá Lợi Phất để lại xá lợi. Xá lợi được cất giữ trong Tăng xá để mọi người đến chiêm ngưỡng lễ bái. Tuy nhiên, có hôm Tăng xá bận công việc đi ra ngoài, phải đóng cửa khiến dân chúng buồn khổ và phiền não.

Vì nhân duyên đó Phật dạy phải xây dựng Bảo tháp để chứa đựng xá lợi. Bảo tháp không chỉ chứa đựng xá lợi, pháp khí, tượng Phật mà còn là một Mạn Đà La hoàn hảo, nơi vân tập của hải hội chư Phật Bản tôn, Không Hành Mẫu, Hộ pháp, và cũng là biểu tượng trí tuệ của Phật.

Bảo tháp bên ngoài

Đối với giáo lý thế gian thông thường, mọi người nghĩ rằng vũ trụ được hình thành nhờ ngũ hành (kim, thủy, hỏa, mộc, thổ), sự sinh khắc của ngũ hành tạo nên cảnh sống và đời sống của con người. Theo quan điểm Phật giáo Kim cương thừa, vũ trụ được hình thành dựa vào lục đại duyên khởi –  địa, thủy, hỏa, phong, không, (năm đại thành lập nên vạn pháp) và  thức đại (thuộc về tâm – tinh thần).

Chính vì vậy khi một Bảo tháp được xây lên dựa trên ngũ đại nêu biểu một vũ trụ nhỏ hoàn hảo của cảnh giới giác ngộ:

  • Đại đầu tiên gọi là Địa đại theo khối hình vuông màu vàng.
  • Đại thứ hai là Thủy đại theo hình tròn.
  • Đại thứ ba là Hỏa đại theo hình tam giác, đó là tầng mắt Phật và 13 tầng của Bảo tháp. Mười ba tầng này nêu biểu cho Thập Địa, tức là 10 phần Pháp thân mà các Bồ tát phải chứng ngộ, cộng với Diệu giác, Đẳng giác và Viên giác thành 13 quả vị Pháp thân Phật.
  • Kế đến trên đó có một Bảo cái nêu biểu sự che chở cho tất cả chúng sinh khỏi những sự đau khổ, phiền não.
  • Trên Bảo cái là hình mặt trăng và mặt trời nêu biểu cho Phong đại và Không đại.
  • Đỉnh cao nhất của Bảo tháp gọi là đỉnh Bất nhị.

    890FEF49-C631-42A1-A567-F0D0983E51BC

    • Cấu trúc của một Bảo tháp

    Như vậy, Đức Phật đã giảng thuyết toàn bộ kiến lập về bảo tháp bên ngoài. Và ngay từ thời Phật, các đệ tử của Ngài, vua và quần thần đã xây dựng các bảo tháp, đặc biệt tám Bảo tháp tương ứng với tám sự kiện, gọi cách khác là tám công hạnh của cuộc đời Đức Phật (Bát Tướng Thành Đạo) từ lúc Ngài đản sinh, xuất gia, tu khổ hạnh, đạt giác ngộ, chuyển pháp luân, báo ân cha mẹ, cầu nguyện trường thọ, cho đến khi thị hiện nhập Niết Bàn.

    Nguồn: Bảo tháp – Biểu tượng tâm giác ngộ và trí tuệ Phật

Tháp – Cúng dàng Tâm

Mục đích tối thượng của sự tu tập là đạt giác ngộ. Khi một chúng sinh đạt giác ngộ tối thượng, những cấu nhiễm làm lu mờ thân, khẩu, ý của chúng sinh sẽ bị đoạn trừ và có được thân, khẩu, ý thanh tịnh của một vị Phật. Trên thực tế, công đức của thân, khẩu, ý Phật rất lớn lao; chúng sinh sẽ hoàn toàn thoát khỏi mọi phiền não chỉ bằng cách thể nhập tương ưng được với thân, khẩu và ý của Đại Nhật Như Lai.

Trong biểu tượng học Phật giáo, thân, khẩu và ý Phật được biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Hình ảnh Đức Phật được thể hiện trên các bức Thangka, điêu khắc và hình vẽ trên đá. Kinh văn tượng trưng cho lời dạy từ kim khẩu của Đức Phật, còn tháp (Stupa) là biểu tượng của Tâm Phật.

Tháp có ý nghĩa đặc biệt vì đó là “lời tán thán đấng giác ngộ tối thượng”. Tháp là biểu tượng của sự hoàn toàn thoát khỏi đau khổ và vị kỷ, là sự mãn khai của tình thương và từ bi, là nhận thức của tâm về trí tuệ vô biên mà mọi chúng sinh đều có thể đạt được.

Tháp còn được Phật tử vùng Himalaya gọi là Chorten hay “vật cúng dàng”, được xây dựng đầu tiên ở Ấn Độ. Dưới thời vua Ashoka, trên mười triệu tháp đã được xây dựng khắp nơi. Tháp chứa các xá-lợi thiêng liêng, ghi dấu những thánh địa, và kỷ niệm những sự kiện trong cuộc đời Đức Phật.

Tháp tuy có kiến trúc theo các dạng thức khác nhau, dù hình vuông hay hình tròn, hình tam giác nhưng đều có một mục đích chung như nhau là biểu tượng kết cấu vật chất của tâm Phật. Tháp là nơi để chúng sinh chiêm bái kính ngưỡng và thanh lọc những ý nghĩ tham sân, si. Ở Bhutan, cụ thể là ở các chùa và Dzong, ta thấy có tám dạng tháp khác nhau:

Tháp Liên Hoa (Padma Pungbai Chorten): Vua Sudhodhana và dân chúng xây tháp này tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) để đánh dấu đất lành nơi Đức Phật đản sinh. Do hoa sen được coi là biểu tượng của cát tường và sự tinh khiết nên trông ngọn tháp như được mọc lên từ những cánh sen.

Tháp Giác Ngộ (Jangchub Chorten): Khi Đức Phật đạt giác ngộ tối thượng dưới gốc bồ-đề, theo truyền thuyết chư thiên và con người đã chung tay xây tháp để đánh dấu sự giác ngộ của Đức Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya). Tháp Kỷ niệm quốc gia (National Memorial Chorten) ở Thimphu(1) là dạng tháp Giác Ngộ được dựng xây ở Bhutan.

Tháp Chuyển Pháp Luân (Choeki Khorlo Korwai Chorten hay Tashi Gomang Chorten): Sáu tuần sau khi giác ngộ, Đức Phật tới thành Varanasi và chuyển pháp luân lần đầu tiên vì lợi ích của chúng sinh. Ngài giảng pháp lần đầu tiên về nguồn gốc khổ đau và con đường đạt đến giác ngộ tối thượng (Tứ Thánh đế). Năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật và các đệ tử khác đã xây tháp Chuyển Pháp Luân. Tháp được thiết kế dưới dạng có nhiều lối vào, tượng trưng cho những con đường tu tập khác nhau để đạt giác ngộ. Tháp Chuyển Pháp Luân được xây ở Lộc Uyển, thành Varanasi. Tháp Chendebji ở Bhutan là dạng tháp Chuyển Pháp Luân.

Tháp Huyền Diệu (Choetrul Chorten): Tháp được người dân thành Lichchavi xây vào thời điểm Đức Phật hàng phục các tín đồ ngoại đạo bằng cách thực hiện thần thông ở rừng Jetavana, thành Sravasti. Tháp Huyền Diệu chứng thực thắng lợi của Đức Phật trong sự nghiệp giáo hóa, hàng phục tín đồ ngoại đạo.

Tháp Hồi Quy (Lhabab Chorten): Theo truyền thuyết, tháp được người Kashi xây khi Đức Phật 42 tuổi, vào kỳ kiết hạ thứ 10, Ngài đã từ giã Tăng đoàn, một mình an cư trong rừng. Cũng trong thời gian này Ngài đã lên cung trời Đao Lợi để giảng pháp cho mẫu thân và các thiên nữ. Để ghi nhớ sự quay về của Đức Phật, ngôi tháp này đã được xây dựng theo thiết kế đặc biệt.

Tháp Hòa Hợp (Oendhum Chorten): Tháp được xây khi hai Đại đệ tử của Đức Phật hòa giải Tăng chúng sống ở Magadha sau khi nghe theo Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) gây ra bất hòa trong cộng đồng Tăng chúng.

Tháp Trường Thọ (Namgyel Chorten): Theo thỉnh cầu của các đệ tử, Ngài quyết định nhập Niết-bàn chậm đi ba tháng. Để ghi dấu pháp lực kéo dài Ứng thân của Đức Phật, các đệ tử đã xây tháp Trường Thọ ở thành Vaishali.

Tháp Niết-bàn (Nyangde Chorten): Vào tuổi 80, sau khi quy y cho hai đệ tử cuối cùng là Diza Rabga và Kuentuju Rabzang, Đức Phật nhập Vô dư y Niết-bàn. Hai đệ tử của Ngài xây ngôi tháp hình bát úp này để tỏ lòng thương tiếc khi Đấng Giác Ngộ vào Niết-bàn tại Kushinagar.

Phật tử hành hương nhiễu quanh tháp, lễ năm vóc sát đất và cúng dàng tháp để tích lũy công đức và ngày càng tinh tiến hơn về tinh thần. Tích lũy công đức là làm những hành động đức hạnh vì lợi lạc của người khác. Chúng sinh cũng có thể tích lũy công đức bằng cách xây tháp vì tháp là tượng trưng cho mục đích của Phật tử, là sự chứng đạt tối thượng, là sự hoàn thiện tâm cao nhất: giác ngộ tối thượng vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.

Theo quan điểm Phật giáo, càng tích lũy được nhiều công đức thì tâm càng ít bị nhiễm ô. Đó là điều kiện cần để đạt giác ngộ viên mãn – có được tâm thanh tịnh, không tì vết, thông suốt vô biên. Vì thế, tháp mang lại thiện duyên cho chúng sinh thay đổi tâm. Hành giả cầu nguyện, nhiễu quanh, cúng dàng và lễ năm vóc sát đất trước tháp sẽ có cơ hội thanh tịnh tâm. Nếu không có hình thức tích lũy công đức này, chúng sinh không thể chứng đắc Phật tính. Đó là lý do giải thích tại sao tháp là biểu tượng quan trọng, có ý nghĩa khích lệ Phật tử. Tháp là tượng trưng cho thệ nguyện đạt giác ngộ tối thượng viên mãn, là trạng thái tâm chúng sinh không tách rời với tâm Phật.

Ngay cả với những ai chưa là Phật tử đi nữa thì tháp cũng đều có ý nghĩa quan trọng. Một người vẫn có thể được hưởng lợi lạc khi liên hệ với tháp vì phúc lành và những tác động tinh thần tích cực từ tháp tỏa ra mà không có phân biệt. Chỉ cần nhìn thoáng qua một ngọn tháp cũng có thể thấy rằng đó là sự kết tinh cao cả của trí tuệ vô biên và tình thương bao la, để rồi có thể chứng đạt được Bồ-đề tâm.

Trên đất nước Bhutan, trong những ngày chúng tôi lưu lại và qua những địa danh chúng tôi đã đến, ở đâu cũng có những ngôi tháp – một trong những biểu tượng tâm linh của người dân mà tư tưởng Phật giáo Đại thừa đã thấm tận xương tủy của họ.

Vua Ba-Tư-Nặc bại trận

Chiến thắng sinh thù oán…

Câu chuyện này được kể lại khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến vua Ba-tư-nặc nước Kosala.

Chuyện kể rằng, vua Ba-tư-nặc đánh nhau với A-xà-thế, gần làng Kasika và ba lần bại trận. Trở về sau lần thất bại thứ ba, nhà vua nghĩ thầm: “Nếu không thắng được tên miệng còn hôi sữa ấy, ta sống làm gì?”. Nhà vua bỏ ăn nằm dài trên long sàng. Tin tức bay đi khắp thành và đến tinh xá.

Các Tỳ-kheo thuật lại chuyện cho đức Thế Tôn nghe:

– Bạch Thế Tôn, nhà vua sau ba lần chiến bại ở gần làng Kasika, đã trở về bỏ ăn, nằm dã dượi trên giường, nói: “Nếu ta không thắng được tên vua trẻ tuổi kia, ta sống làm gì?”.

Sau khi nghe kể, Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, kẻ thắng bị oán ghét, người thua phải buồn rầu.

Ngài nói kệ:

Untitled-2-2-1

(201) Chiến thắng sinh thù oán,
Thất bại chịu khổ đau.
Sống tịch tịnh an lạc,
Bỏ sau mọi thắng bại.

Nguồn: Tích Truyện Pháp Cú

Tám Thi Kệ Luyện Tâm

Geshe Langri Thangpa

1. Với quyết tâm thành tựu
Lợi lạc lớn lao nhất
Nhờ tất cả chúng sinh
Tôi nguyện luôn giữ gìn
Chúng sinh trong đáy tim
Vì chúng sinh quí hơn
Cả bảo châu như ý.

2. Khi gặp gỡ tiếp xúc
Với bất kỳ một ai
Nguyện tôi luôn thấy mình
Là kẻ thấp kém nhất
Từ đáy lòng chân thật
Luôn tôn kính mọi người
Như kính bậc tối cao.

3. Nguyện trong từng hành động
Tôi luôn tự xét mình
Phiền não vừa dấy lên
Đe dọa mình và người
Nguyện tức thì nhận diện
Và tức thì dẹp tan.

4. Khi gặp người hiểm ác
Vì bị tâm phiền não
Và ác nghiệp tác động
Nguyện tôi quý người ấy
Như vừa tìm ra được
kho tàng trân quý nhất.

5. Khi gặp người vì lòng
Ganh ghen và đố kỵ
Miệt thị phỉ báng tôi
Nguyện tôi nhận phần thua
Nhường đi mọi phần thắng.

6. Khi gặp người mà tôi
Giúp đỡ, đặt kỳ vọng
Lại vong ân bội nghĩa
Gây tổn hại cho tôi
Nguyện tôi xem người ấy
Là một đấng tôn sư.

7. Tóm lại tôi xin nguyện
Trực tiếp và gián tiếp
Trao tặng mọi lợi lạc
Cho hết thảy chúng sinh
Nguyện âm thầm gánh chịu
Mọi ác nghiệp khổ não
Thay thế cho chúng sinh.

8. Nguyện những điều nói trên
Không bị vướng ô nhiễm
bởi tám ngọn gió chướng
Nguyện tôi thấy mọi sự
Hiện ra trong cõi đời
Đều chỉ như huyễn mộng
Cho tâm thôi chấp bám
Thoát ràng buộc luân hồi.

Geshe Langri Tangpa
Việt dịch: Hồng Như
Nguồn: Tám Thi Kệ Luyện Tâm

Phẩm vật cúng dường cao quý nhất

Geshé Ben sống nhiều năm trong một hang động núi non ở Hi-mã-lạp sơn. Bao nhiêu thế hệ các vị tu sĩ ngày trước đã từng sống ngay trong hang động đó và ngày nay còn lại một cánh cửa đá, một bàn thờ đá và một nơi nhóm lửa.

Sau một thời gian dài chuyên tâm thiền định và độc cư, nhờ phép truyền tâm, Geshé Ben biết rằng một nhóm dân làng sắp mang lại thức ăn và phẩm vật cho mình và hy vọng ông sẽ ban phước lành. Mọi người Tây Tạng đều biết rằng, được một vị Bồ-tát hay tu sĩ đích thực độ trì sẽ mang lại sức mạnh to lớn. Geshé Ben bắt đầu lau chùi hang động sạch sẽ, sửa soạn các đồ đạc và bày biện bàn thờcố gắng làm tốt nhất trong điều kiện một nơi hẻo lánh của Hi-mã-lạp sơn. Sau đó, Geshé Ben ngắm nghía một cách hài lòng. Chỉ chốc lát sau, ông bỗng thấy ý nghĩa những gì mình làm, tự nhủ “đồ ngốc nghếch”. Sau đó ông ra ngoài cửa động hốt một nắm bụi và rác rưởi, ném lên bàn thờ vừa chùi dọn sạch sẽ. “Ta sống ra sao thì cứ để mọi người thấy như vậy”, Ben nói. “Phẩm vật cúng dường đâu phải để lấy lòng mua chuộc ai, mà để dâng cúng Phật tính đang hiện tiền”. Ben tự nhủ và nói tiếp: “Xong rồi, các bạn có thể đến đây!”

Nhiều năm sau đó có một vị Tăng đắc đạo từ Ấn Độ qua thăm Tây Tạng và nghe câu chuyện này. Trước mặt các vị Lạt-ma cao cấp và các vị Tulku (dòng tái sinh các Lạt-ma), đạo sư Padampa Sanjay nói: “Hay, nắm bụi đó là phẩm vật cúng dường cao quý nhất từ xưa đến nay trong cả xứ này”. Geshé Ben đã cúng dường lên bàn thờ trong động cái tự ngã của chính mình.

Surya Das
Việt dịch: Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Sư tử tuyết bờm xanh

Gọi Thầy Từ Chốn Ngàn Xa

Jamgon Kongtrul Rinpoche, Lodro Thaye (1813-1899)
Hỡi ôi!
Chúng sinh như con với ác nghiệp và bất thiện hạnh,
Từ vô thủy đã nổi trôi trong sinh tử luân hồi.
Phải chịu đựng thống khổ khôn nguôi,
Nhưng chẳng phút giây nào mảy may hối hận.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để tâm nhàm chán sinh tử phát sinh tận đáy lòng.
Với tự do và tiền của, con phung phí đời mình.
Chuyện thế tục vô nghĩa, sao con lại đeo đuổi ngày đêm.
Khi dấn bước trên đại đạo tìm cầu giải thoát,
Con cứ để cho sự lười biếng lấn lướt,
Từ hòn đảo ngập tràn châu báu,
Con trở về với đôi bàn tay trắng.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để đời người này trở thành có ý nghĩa.
Trên thế gian này, chẳng ai có thể thoát khỏi tử thần,
Thậm chí ngay trong giây phút này đây,
Chúng sinh lần lượt theo nhau lìa đời.
Chẳng bao lâu nữa con cũng sẽ ra đi theo họ.
Thật rồ dại biết bao khi nghĩ rằng mình sẽ muôn đời sống mãi.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con có thể dứt trừ mọi toan tính vì chẳng còn bao thời gian để phung phí.
Con sẽ phải xa lìa những người thân yêu,
Của cải dành dụm rồi sẽ do người dưng hưởng thụ.
Ngay cả tấm thân mà con xem như báu vật rồi cũng phải bỏ lại,
Trong thân trung ấmthần thức sẽ lang thang vô định trong các nẻo tái sinh.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con thấy được tất cả mọi sự đều chỉ là phù phiếm.

Trước mặt con là nỗi sợ hãi tối đen mù mịt,
Đuổi theo sau lưng con là cơn gió nghiệp lạnh lẽo vô cùng,
Đám bộ hạ hung tợn của tử thần đang lồng lộn hành hung,
Và con sẽ phải chịu bao thống khổ đọa sinh vào cõi thấp.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con có thể thoát khỏi vực sâu của ác đạo.

Che giấu tội lỗi của mình, vốn to nặng như núi cả,
Lại đi bới móc khuyết điểm của người khác, vốn bé xíu như hạt mè.
Dù phẩm hạnh chẳng ra gì, con tạo cho mình dáng vẻ của người tốt.
Tự cho mình là nguời tu, nhưng hành động thì trái ngược.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi
Xin hãy gia hộ để con dẹp bỏ đuợc tánh kiêu căng ích kỷ.

Che giấu tập khí chấp ngã trong lòng,
Mọi ý niệm chỉ làm cảm xúc tiêu cực phát sinh thêm.
Con gieo toàn nghiệp bất thiện vì chưa mạnh bước trên đuờng tu giải thoát.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để tâm chấp ngã có thể được bứng gốc.

Chỉ có chút khen chê mà đã tràn ngập niềm vui, nỗi tủi.
Chỉ đôi lời nghịch tai mà đã không còn nhẫn nhịn nữa rồi.
Nhìn người đau khổ, sao chẳng biết động tâm,
Khi có cơ hội bố thí thì lại để lòng tham ngăn trở.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để cho đạo lý thấm nhuần trong tâm tưởng.

Trần gian này nào có nghĩa gì, nhưng con xem nặng, coi như thật, chắc.
Vì miếng cơm manh áo, con bỏ rơi các giá trị dài lâu.
Có đầy đủ tất cả, nhưng lòng tham không đáy vẫn gia tăng,
Con tự lừa gạt mình  bằng những hiện tượng giả tạm, như huyễn.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con không còn thiết tha một cuộc đời như thế nữa.

Tuy chẳng chịu được chút đau khổ  nhỏ nhoi của thân hoặc tâm,
Nhưng với tâm trí rã rời, con lại không ngần ngại lao vào cõi thấp.
Tuy đã trực nhận nhân quả vốn không sai,
Nhưng thay vì làm việc lành, con vẫn cứ gieo trồng nghiệp ác.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con có thể tin sâu nhân quả.

Oán ghét  kẻ thù và luyến thương bằng hữu,
Mò mẫm trong bóng tối mê lầm, con nào biết phải làm sao.
Khi thực hành Pháp thì hôn trầm và buồn chán,
Nhưng khi làm việc thế gian thì các giác quan lại nhạy bén, tỏ tường.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con phá tan được kẻ thù – tâm ô nhiễm.

Bên ngoài, con tỏ ra là một hành giả chân chính,
Nhưng bên trong, tâm con và Giáo Pháp lại chẳng quyện hòa.
Như con rắn độc, con che giấu những tâm cảm xấu ác,
Đến khi gặp khó khăn, các khiếm khuyết ấy lộ ra.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để tâm con được tức thời điều phục.

Chẳng nhìn thấy khuyết điểm của bản thân,
Con ra vẻ người tu nhưng lại dễ dàng vướng nhiễm.
Do bởi các cảm xúc tiêu cực và ác nghiệp,
Thiện niệm bao lần khởi lên rồi bao lần biến mất.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con có thể tự nhận ra lỗi lầm.

Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày đến gần với cái chết,
Nhưng sao mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày thêm chai đá con tim.
Con vẫn theo chân Thầy mà lòng quy ngưỡng dần dần phai nhạt,
Tình yêu thương và tri kiến thanh tịnh đối với bạn đồng tu cũng biến tan theo.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con có thể chế ngự được tâm phóng đãng.

Khi con quy yphát Bồ Đề tâm và khấn nguyện,
Lòng sùng mộ và từ bi chẳng hiện hữu tận đáy lòng.
Thực hành Pháp chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi,
Quay cuồng theo vòng xoay mà nào có động được đến nơi tim.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để  bất kỳ việc gì con làm cũng sẽ đưa con về với Pháp.

Phiền não đến từ việc mưu cầu tư lợi,
Dù có thể viên tròn Phật đạo nhờ vào ý nguyện cứu giúp chúng sinh,
Ngoài thì phát Bồ Đề tâm, nhưng trong lại ngập lòng vị kỷ,
Đã không giúp được người lại còn gây tổn hại nhiều thêm.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con có thể hoán đổi giữa ta và người.

Tuy Bổn sư là hiện thân đích thực của Phật,
Con lại nghĩ Thầy mình chỉ là người phàm thế.
Con đã quên đi lòng từ của Thầy khi Thầy trao truyền giáo lý thâm sâu,
Niềm tin của con giảm thiểu nếu Thầy không ban cho điều mong muốn.
Có mắt lại như mù, con xét đoán Thầy với lòng nghi mạn.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để  lòng sùng kính đạo sư luôn tăng không giảm.

Mặc dù tâm là Phật nhưng con vẫn không nhận ra.
Mặc dù ý là Pháp giới nhưng con vẫn không hiểu thấu.
Mặc dù không tạo tác vốn là điều sẵn có nhưng con vẫn không an trú.
Mặc dù như nhiên là trạng thái bản thể uyên nguyên nhưng con vẫn cứ nghi ngờ.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để chính sự tỉnh giác bản nhiên sẽ tự giải thoát [hòa vào] tánh giác.

Mặc dù cái chết chắc chắn sẽ đến,
Nhưng điều ấy như chẳng hề thấm nhập tâm can.
Mặc dù thực hành Chân Pháp chắc chắn sẽ mang lại lợi lạc,
Nhưng con chẳng thể hành trì.
Mặc dù sự vận hành của nhân quả chắc chắn không sai,
Nhưng con chẳng phân biệt được đúng sai.
Mặc dù chánh niệm chắc chắn là cần thiết,
Nhưng con lại luôn để cho sự phóng tâm lôi kéo.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con được sống trong tỉnh thức.

Do ác nghiệp đã tạo các đời trước, con sinh ra vào cuối thời mạt pháp này.
Tất cả  những gì tạo tác đều chỉ dẫn đến khổ đau.
Tác động tiêu cực của người khác phủ chụp bóng tối lên con.
Công phu thiện hạnh thường bị gián đoạn bởi chuyện thị phi vô bổ.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con có thể kiên tâm thực hành Giáo Pháp.

Khởi đầu con chẳng nghĩ đến gì khác ngoài Chân Pháp,
Nhưng cuối cùngnghiệp báo lại chỉ là luân hồi và sự đọa sinh vào cõi thấp.
Mùa màng giải thoát bị tàn phá bởi băng giá ác hạnh,
Như kẻ cuồng dại, con phá hỏng những gì đem đến lợi lạc miên viễn.
Thầy ơi, xin hãy nhớ nghĩ đến con.
Xin hãy mở rộng lòng từ bi.
Xin hãy gia hộ để con có thể viên thành Diệu Pháp tối thượng.

Xin hãy gia hộ để tâm xả ly bén rễ sâu tận đáy lòng.
Xin hãy gia hộ để con không phí phạm thời giandẹp bỏ được những lo toan thế tục.
Xin hãy gia hộ để cái chết thấm nhập tâm can.
Xin hãy gia hộ để con hoàn toàn tin sâu nhân quả.

Xin hãy gia hộ để đường tu không còn chướng ngại.
Xin hãy gia hộ để con có thể tinh tấn tu hành.
Xin hãy gia hộ để gian khó trở thành phương tiện.
Xin hãy gia hộ để những phương thuốc đối trị đem đến cho con sự kiên cường.

Xin hãy gia hộ cho con có được lòng chí thành quy ngưỡng.
Xin hãy gia hộ cho con trực diện Chân Như.
Xin hãy gia hộ cho giác tánh bản nhiên nơi tâm con sẽ bừng khởi.
Xin hãy gia hộ cho mọi kinh nghiệm mê lầm đều được bứng rễ.
Xin hãy gia hộ cho con trọn thành Phật quả chỉ trong một đời.

Ôi, Đạo sư tôn quý, con xin khấn nguyện Thầy.
Ôi, Pháp vương từ ái, con nhỏ lệ tha thiết kêu cầu ngài.
Phước mỏng nghiệp dày, niềm hy vọng duy nhất của con là Thầy.
Xin hãy gia hộ cho tâm thức Thầy trò quyện hòa làm một.

Đức Jamgon Kongtrul Rinpoche
Việt dịch: Tiểu Nhỏ và Tâm Bảo Đàn
Nguồn: Gọi Thầy từ ngàn xa

** Ghi chú của tác giả [Đại sư Jamgon Kongtrul Rinpoche]:
Mặc dù từ rất lâu nay, có nhiều hành giả với lòng sùng mộ chí thành đã khuyến khích tôi sáng tác một tài liệu như thế này, nhưng tôi đã lơ là không thực hiện việc ấy. Mới đây, do sự khẩn cầu của cả hai: Samdrup Dronma, một nữ hành giả cao quý, và của Deva Rakshita, mà thi kệ trên đây đã được viết ra bởi Lodro Thaye, một kẻ chỉ thuần túy mang trên mình hình tướng của một lama trong thời đại đen tối. Những lời này đã được viết tại trung tâm hành trì vĩ đại có tên Dzongsho Deshek Dupa. Nguyện thiện đức luôn tăng trưởng!

_____________________

** Ghi chú của dịch giả [Anh ngữ]:
Để hoàn thành ước nguyện của Tulku Urgyen Rinpoche, bản dịch [Anh ngữ] đã được thực hiện như một phẩm vật cúng dường từ ba đệ tử: Erik Pema Kunsang, Ian Saude and Michael Tweed (Ranjung Yeshe Translations & Publications, Nepal). Chúng tôi xin đồng cảm tạ Nalanda Translation Committee, Ringu Tulku và Michelle Martin đã thực hiện những bản phiên dịch trong quá khứ. Nguyện [tái sinh của] Tulku Urgyen Rinpoche mau chóng trở lại!

Trên đây là trích đoạn [phần thứ nhì]của tác phẩm “Gọi Thầy Từ Chốn Ngàn Xa” của Jamgon Kongtrul Rinpoche (http://jamgonkongtrul.org)

Tiểu Nhỏ và Tâm Bảo Đàn tạm phỏng dịch qua Việt ngữ vào năm 2010.

Tâm Bảo Đàn hiệu đính năm 2010, 2013 và 2016. Nguyện mong Jamgon Kongtrul Rinpoche sẽ sớm trở thành một đại y vương trong đời này.

Bài mới nhất

Tán thán Đức Phật Thích Ca

Ngài là Lưỡng Túc Tôn vào lúc đản sinh, ngay trên đại địa bước đi bảy bước, tự tuyên: trong thế gian duy ngã...