CHIA SẺ

14-gautambuddha_5

Kinh tạng Nikāya cho chúng ta một bức tranh sinh động về nghệ thuật thuyết giảng của đức PhậtBức tranh đó mô tả chi tiết về những sinh hoạt thường nhật và lời dạy của Ngài mà hàm chứa một triết lý giáo dục vĩ đại. Hầu hết trong lời dạy của đức Phật được tìm thấy ở đây đều mang hình thức của các cuộc đối thoại và hội thoại. Thỉnh thoảng cũng có những bài kinh đức Phật tự nói ra còn được gọi là “Vô vấn tự thuyết”. Những bài giảng đó được thuyết giảng tại những địa điểm khác nhau, cho những đối tượng khác nhau, tùy theo căn cơ và trình độ của Thính chúng. Nói chung, trong mỗi bài thuyết pháp đều có nguyên nhân và điều kiện để đức Phật nói pháp.

Một số bài kinh đức Phật tuyên thuyết để chấn chỉnh một vài quan điểm sai lầm từ các đệ tử của mình hoặc của người khác. Và cũng có những bài pháp đức Phật thuyết như để thách thức đối với các tà phái ngoại đạo. Nói chung có rất nhiều lý do để đức Phật thuyết pháp. Tất cả đều nhằm một mục đích là đưa chúng sanh xa lìa tà kiến cố chấpphiền não khổ đau đạt đến chánh kiếngiải thoátniết bàn.

Có rất nhiều phương thức được đức Phật sử dụng trong khi thuyết pháp. Ở đây, chúng tôi trình bày một số phương pháp mà Ngài thường xuyên sử dụng được tìm thấy trong kinh tạng như sau.

1.     Đức Phật giảng pháp theo yêu cầu

Hầu hết các bài thuyết pháp của đức Phật đều thực hiện theo sự yêu cầu của tứ chúng đệ tử, hoặc cho người khác. Nghĩa là đức Phật luôn sẵn sàng giải thích những vướng mắc cho các hàng đệ tử cũng như người khác khi họ yêu cầu.

Chúng ta có thể tìm thấy trong kinh tạng Pāli rất nhiều câu như: ‘Nó là tốt cho các Tỷ kheobạch Đức Thế Tôn, nó là hữu ích cho các Tỷ kheo, bạch Đức Thế Tôn! Nếu Thế Tôn giải thích vấn đề đó vì lòng bi mẫn.’ Trong những trường hợp như vậy, đức Phật sẵn sàng giải thích để làm sáng tỏ các quan điểm của mình và để chấm dứt những phán đoán mù mờ của chúng đệ tử.

Đạo phật luôn khuyến khích mọi người ‘đến để thấy chứ không phải đến để tin.’ Do vậy, đức Phật luôn đáp ứng những nhu cầu nếu một ai đó cần hỏi đến Ngài về những kiến thức giáo lý: “Nếu kiến thức của bạn là không đầy đủ, Tôi sẽ hoàn thành nó cho bạn.”[1] Ngài luôn là đấng Đạo sư cởi mở, thân thiện và gần gũi với chúng sinh. Ngài đã giảng giải chánh pháp không có phân biệt sang, hèn, thấp, cao: “Đối với các pháp Như Lai không bao giờ là đấng Đạo sư với bàn tay nắm lại.”[2] Những gì cần thiết để giải quyết vấn đề giải thoát khổ đau sinh tử thì Ngài đã thuyết giảng.

Vài phút trước khi nhập Niết bànđức Phật yêu cầu các Tỷ kheo nêu ra những thắc mắc nếu có đối với lời dạy của Ngài. “Này các Tỷ kheo, nếu có Tỷ kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về đức Phật, Pháp, chúng Tăng, đạo hay phương pháp, thời này các Tỷ kheo, các người hãy hỏi đi. Sau chớ có hối tiếc.”[3] Nhưng không ai trong số 500 Tỷ kheo có mặt tại đêm đức Phật Niết bàn thắc mắc hay nghi ngờ về giáo pháp của Ngài. Bởi vì giáo pháp ấy đức Phật đã dùng nhiều phương tiện giải thích một cách rõ ràng từ sơ thiện, trung thiện, đến hậu thiện, với văn nghĩa đầy đủ, trình bày phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh.

Những yêu cầu như vậy thỉnh thoảng đức Phật cũng đưa ra đối với hàng Cư sĩ Phật tử. Trong con mắt của người Phật tử tại giađức Phật là bậc Giác ngộ hoàn toàn và giải thoát. Ngài không chỉ cụ túc về từ bi và trí tuệ mà còn có khả năng siêu nhiênVì vậytìm kiếm lời khuyên hoặc quy y với Ngài là một cơ hội may mắnhạnh phúc suốt đời.

Trong quá trình vân du thuyết phápđức Phật thường gần gũi với người dân thường để tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người có những thắc mắc, nghi vấn về đời sống đạo đức đều được đức Phật khuyên bảo, chỉ dạy. Trong một trường hợp khi con gái của Anga Menidaika sắp đi lấy chồng, ông đã thỉnh cầu đức Phật cho những lời khuyên. ‘Bạch Đức Thế Tôn! Các cô con gái của tôi sắp đi đến nhà chồng. Xin Ngài từ bi cho chúng một vài lời khuyên, để đời sống của chúng được tốt đẹp hơn và hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.’ Đức Phật đã hướng dẫn như sau: “Cô dâu mới về nhà chồng có thể gặp những khó khăn, vì thế nàng dâu phải tuân thủ những nguyên tắc sống trong gia đình nhà chồng, phải kính trọng bố mẹ chồng, phục vụ bố mẹ chồng một cách chu đáo như là bố mẹ ruột của mình, phải tôn trọng và kính mến những người thân và bạn hữu bên nhà chồng, như vậy là cô dâu mới đã tạo nên một bầu không khí an vui và hòa hợp trong gia đình chồng. Đồng thời cần phải tìm hiểu những bản tánh của chồng, biết rõ những hành động, tính khí của chồng và cộng sự với chồng ở mọi lúc mọi nơi trong nhà mới của chồng. Phải lịch sự, tử tế và biết những thu nhập của chồng, quản lý chi tiêu một cách hợp lý.[4]Lời khuyên vô cùng hợp lý không chỉ cho những cô con gái sắp đi lấy chồng mà còn có thể áp dụng cho mọi thành viên trong một gia đình để thiết lập một đời sống an lạc hạnh phúc giữa đời thường.

Giảng pháp theo yêu cầu là phương pháp mang lại hiệu quả thiết thựcDựa trên những thắc mắc, ưu tưđức Phật giải thích và khuyến khích bằng tình thương và trí tuệ của mình, làm cho đối tượng nghe pháp tiếp thu một cách trực tiếp, trọn vẹn, đem lại lợi ích thật sự ngay trong cuộc sống hiện tại và tương lai.

2.     Đức Phật thuyết pháp để xóa bỏ các nghi vấn, thắc mắc

Đôi khi đức Phật thuyết pháp để làm nhẹ đi trong tâm trí các môn đệ và các truy vấn, nghi ngờ của người khác. Do không hiểu nên sinh tâm nghi ngờ. Mỗi khi các nghi vấn thắc mắc được giải quyết thì vấn đề trở nên sáng tỏ hơn. Có những nghi ngờ đã xảy ra trong tâm trí của nhà sư Mālunkyaputta về ý tưởng tại sao đức Phật không bao giờ làm sáng tỏ nguồn gốc và bản chất của vũ trụNgay lập tức ông đến gặp đức Phật và yêu cầu Ngài giải thích lý do đó. Thế giới là thường hay vô thường? Thế giới là hữu biên hay vô biên? Như Lai có tồn tại sau khi chết? v.v… Một loạt câu nghi vấn được đặt ra đối với đức Phật. Trong trường hợp này, Đức Thế Tôn im lặng. Ngài nói cho Màlunkyaputta nghe câu chuyện một người bị mũi tên độc bắn trúng. Vấn đề cấp thiết là giải phẫu mũi tên độc ngay, chứ không phải mất công vô ích để tìm cho ra ngọn ngành mũi tên và người bắn mũi tên trước khi chịu giải phẫu. Cũng thếvấn đề cấp thiết của con người là nhổ mũi tên ‘khổ đau’ chứ không phải đi tìm những câu trả lời cho các vấn đề siêu hình không thiết thực.

Trường BộKinh Sa Môn Quả mô tả câu chuyện Vua A Xà Thế (Ajatasattu) có một thắc mắc lớn trong lòng về quả vị của bậc Sa môn. Ông đã lần lượt đi hỏi hết Lục sư ngoại đạo đương thời, nhưng vua hoàn toàn thất vọng với câu trả lời chiếu lệ của các bậc thầy hiện tạiCuối cùng ông đã tìm đến gặp đức Phật mong lý giải những thắc mắc ấy, và đã được Ngài giải thích thỏa đáng những nghi vấn trong lòng, khiến vua phát tâm quy y Tam bảotrở thành vị vua Phật tử có công lao hộ trì Phật pháp lớn lao sau này.

Một dịp Kālāmā của Kesaputta có quá nhiều thắc mắc, nghi vấn trong đầu vì những luận điểm xuyên tạc nhau giữa các Sa mônBà la môn. Vì “họ chỉ làm sáng tỏ, họ làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Đối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ, phân vân.”[5]

Đức Phật đã giúp Kālāmā ra khỏi bối rối bởi những lời khuyên rất nổi tiếng“Đương nhiên, này các Kālāmā, các Ông có những nghi ngờ! Đương nhiên, này các Kālāmā các Ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các Ông đương nhiên khởi lên phân vân. Này các Kālāmā, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kālāmā, khi nào tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau’, thời này Kālāmā, hãy từ bỏ chúng!”[6]

Đức Phật tiếp tục tư vấn cho Kālāmā bằng cách chỉ ra rằng tham lam, thù hận và si mê là gốc rễ của tất cả các hành vi tà ác. Do đó, nếu bất cứ hành động nào nhìn thấy được kết nối với một trong ba độc, (tham, sân, si), hành động như vậy là có tội, ta nên từ bỏ chúng. Ngược lại, nếu bất cứ hành động nào được xem là từ bỏ tham, từ bỏ sân và từ bỏ si, hành động đó là tốt, có lợi ích, thì ta nên cố gắng phát triển nó.

Lời giải thích trên thực sự là một phương pháp xác minh tính thực nghiệm hợp lý, khoa học dưới nhãn quan của Phật giáo. Như một vấn đề của thực tếđạo đức Phật giáo không dựa trên bất kỳ quan niệm thông thường. Nó là một nền luân lý phổ quát vượt ra khỏi các định kiến về niềm tin Tôn giáo hay kỳ thị phân biệt. Lời dạy của đức Phật là một phương tiện đại diện cho sự thật. Nó được tuyên bố cho mọi người đến thấy và biết, chứ không phải để thờ phượng hay tin tưởng đơn thuần.

3.     Giảng pháp để an ủi và khuyến khích người khác

Trong một số bài giảng của mình, đức Phật tuyên thuyết để làm an ủi và khuyến khích người khác khi họ gặp phải những điều bất như ý, khổ đau xảy ra. Có thể nói dòng chảy của cuộc đời là dòng chảy của nước mắt vô tận. Những nỗi khổ niềm đau luôn thường trực xảy ra đối với con người trên thế giới đầy bất toàn, biến động vô thường này. Chỉ có những người đã đoạn tận lậu hoặc, giải thoát hoàn toàn mới có thể sống an nhiên tự tại. Còn những chúng sinh thường tình thì cuộc sống này thực sự là bể khổ mà họ chưa thể thoát ra được. Nên những lời khuyênan ủi sẽ trở nên hữu ích thực sự trong một số trường hợp đặc biệt.

Đức Phật là người biết rõ thế giới, là đấng Thiện thệ…, do đó ngài trở thành nơi nương tựa vững chắc cho những tâm thức đau khổ muốn trở về nương tựa. Vài phút trước khi nhập Niết Bàn, khi biết Ananda buồn khóc vì biết sẽ sắp lìa xa đức Thế Tôn mãi mãiĐức Phật an ủi“Thôi vừa rồi, Ananda, chớ có buồn rầu, chớ có khóc than. Này Ananda, Ta đã tuyên bố trước với người rằng mọi vật luyến áitốt đẹp đều phải sanh biệt, tử biệt và dị biệt. Này Ananda làm sao có được sự kiện này: ‘Các pháp sanh, trú, hữu vibiến hoại đừng có bị tiêu diệt?’ Không thể có sự kiện như thế được. Này Ananda, đã lâu ngày, Ngươi đối với Như Lai, với thân nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích an lạc có một không hai, vô lượng với khẩu nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích an lạc có một không hai, với ý nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích an lạc có một không hai, vô lượng. Này Ananda, Ngươi là người tác thành công đức. Hãy cố gắng tinh tấn lên, người sẽ chứng bậc vô lậu, không bao lâu.”[7] Lời an ủi của đức Phật đã trở thành một động lực lớn lao đối với Ananda. Một thời gian sau khi đức Phật nhập niết bàn, trước đêm diễn ra đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất tại hang động Thất diệp, Ananda đã chứng được thánh quả A-la-hán.

Lời an ủi của đức Phật trở nên quá hữu ích khi một bà mẹ ôm xác đứa con vừa mới chết với tâm trạng suy sụp tinh thần, đau buồn, thương tiếc kinh khủng. Bà đến gặp đức Phật và mang theo xác đứa con trai và thỉnh cầu thuốc phục sinh cho nó.  Đức Phật đã nói với bà rằng: hãy đi xin một số hạt cải trong một ngôi nhà chưa từng có người nào chết.  Bà đã đi từ nhà này đến nhà kia nhưng không thể tìm ra một ngôi nhà nào mà chưa từng có sự chết trãi qua. Từ đó, trong Bà dần dần phát sinh nội quán tỉnh thức và ý nghĩa của sự chết.  Bà nhận ra sự chết là một hiện tượng phổ biến, không ai tránh khỏi. Từ đó Bà bớt đau khổ.

4.     Đức Phật thuyết pháp để trị liệu thân, tâm bệnh

Một số bài thuyết giảng của đức Phật không những nhằm mục đích để trị liệu tâm bệnh mà còn cả thân bệnh. Vấn đề chăm sóc sức khỏe thể thất và tinh thần luôn được đức Phật chú trọng thuyết giảng. Trong thời Phật tại thế, bệnh tật là một hiện tượng phổ biến trong cuộc đời của chư vị Tỳ kheo. Có thân thì có bệnh, đó là quy luật tự nhiên. Trong Trung Bộ kinh chúng ta thấy khá rõ ở bài kinh Giáo giới Channa và bài kinh Giáo giới Cấp Cô Độc mô tả rõ về tình trạng đau ốm bệnh tật. Các quy định liên tục về quy tắc tu viện liên quan đến chế độ sinh hoạt của các Tỷ kheo mà chúng ta có thể thấy trong Luật tạng là chứng minh cho điều đó. Đức Phật không xem nhẹ vấn đề chăm sóc sức khỏe thể chất và Ngài cũng luôn nhấn mạnh vào việc chữa trị tâm bệnh. Hai vấn đề này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Theo Ngài, tâm trí không thể tập trung trong trường hợp cơ thể bị xáo trộn bởi đau đớn, bệnh tật. Ngài đã từng tuyên bố một câu nói đầy minh triết khi quyết định rời bỏ năm anh em Kiều Trần Như tại Khổ Hạnh Lâm rằng: ‘Không thể có một trí tuệ minh mẫn trong một thể xác tiều tụy héo mòn.’ Việc chăm sóc sức khỏe là cần thiết, nhưng đừng hưởng thụ thái quá mà gây chướng ngại cho quá trình tu tập thiền định. Trong tứ sự cúng dường mà vị Tỷ kheo thọ nhận, thì thuốc chữa bệnh là một. Thời Phật tại thế cũng có một vị Y sỹ nổi tiếng đó là Y sĩ Jivāka luôn chăm sóc sức khỏe cho đức Phật và Tăng đoàn.

 Ngoài hiệu quả của thuốc chữa bệnh, đức Phật thường dạy các vị Tỷ kheo hãy chăm sóc lẫn nhau để làm dịu cơn đau bằng cách nhắc lại pháp Thất giác chi. Đó là niệm, trạch pháptinh tấn, hỷ, khinh an, định và xã.  Đức Phật đã từng bảo Tôn giả Mahā Cunda nhắc lại pháp này khi Ngài lâm trọng bệnh. Vâng lời Mahā Cunda nhắc lại pháp Thất giác chi mà Thế Tôn đã chơn chánh thuyết giảng để tu tập làm cho sung mãn. Sau đó đức Thế Tôn khỏi bệnh.[8]  Có một phương pháp để giúp người mang bệnh tật thực tập quán chiếu đó là pháp Niệm xứ. Tức là quán bất tịnh trên thân, quán ghê tởm đối với món ăn, tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới, quán vô thường trong tất cả hành, và nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết. Nếu năm pháp này được người bệnh thường xuyên quán chiếu thì: ‘không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và tâm an trú vô lậu tâm giải thoáttuệ giải thoát.’

Không chỉ thuyết pháp cho người bị bệnh mà đức Phật còn dạy cho người săn sóc bệnh có đầy đủ kiến thức tốt để giúp cho người bệnh nhanh chống phục hồi và an ổn, đó là: “Làm điều thích đáng; biết vừa phải trong khi chữa trị; có sử dụng thuốc; với người săn sóc bệnh có lợi ích cho mình; như thật biết rõ bệnh hoạn.”[9] Đức Phật còn yêu cầu thiết yếu hơn đối với người săn sóc bệnh phải: “Có năng lực pha thuốc; biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng; đưa cái gì thích đáng, không đưa cái gì không thích đáng, vì lòng từ săn sóc người bệnh, không vì lợi ích vật chất, không cảm thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra, hay đờm; có năng lực thỉnh thoảng với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.”[10]

Đức Phật còn cặn kẻ căn dặn các Tỷ kheo hãy tận tình chăm sóc cho nhau khi ốm đau. “Những người đồng phạm hạnh với các ông bị đau ốm, các ông không săn sóc cho nhau thì ai săn sóc? Các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin mà bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ Sa-môn Thích tử, đồng tu phạm hạnhnếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc?”

Trong một số trường hợp đức Phật đã trực tiếp đến thăm các Tỷ kheo bị bệnh, và có những lời khuyến tấn khích lệ bệnh nhân. “Này Kasaspa, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải triệu chứng giảm thiểu không có tăng trưởng?[11]Sau đó đức Phật đã thuyết bài pháp thoại Thất giác chiTôn giả Mahā Kasaspa hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy và khỏi bệnh.

Trường hợp các Tỷ kheo quá đau đớnvô vọng khi bị cơn đau hành hạ có thể làm mất phương hướng tu tập giải thoátđức Phật kịp thời có những lời khuyên để động viên tinh thần: “Bạn có nghi ngờ bất kỳ điều gì không, Tỷ kheo?  Bạn có hối hận bất cứ điều gì không, Tỷ kheo? Bạn có khiển trách mình gì về đời sống đạo đức?” Sau đó, đức Phật thuyết một bài pháp thoại nhấn mạnh đến đặc tính không thật của các pháp cho đương sự nghe để thấu hiểu về sự yếm ly và kiên định lý tưởng tu tập giải thoát.

Khi Tỷ kheo Channa mang bệnh nặng, không thể kham nhẫn, không thể chịu đựng phải cần đến con dao để chấm dứt mạng sống để khỏi bị cơn bệnh hành hạ. Tôn giả Xá Lợi Phật đến thăm và khuyên Tỷ kheo Channa cố gắng kham nhẫnchịu đựng cơn đau để duy trì mạng sống. Sau đó Tôn giả Xá Lợi Phất nói cho Channa nghe về tự tính vô ngã của thân thể năm uẩn này. Ý thức rõ rằng: “cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi,” để đoạn trừ đau khổ. Ngài nhắc lại lời dạy của đức Thế Tôn và khuyên Channa phải luôn thường trực tác ý: “Ai có chấp trước là có dao động. Ai không chấp trước là không dao động. Không có dao động thời có khinh an; có khinh an thời không có hy cầu; không có hy cầu thời không có khứ lai; không có khứ lai thời không có sanh tử; không có sanh tử thời không có đời này, không có đời sau, không có giữa hai đời. Như vậy là sự đoạn tận khổ đau.”[12]

Thật khó để khẳng định rằng một căn bệnh vật lý nhất định có thể được chữa khỏi bằng năng lượng chỉ đơn thuần là tinh thần. Nhưng nó chắc chắn rằng các tu sĩ Phật giáo của nhiều thế hệ đã sử dụng phương thuốc này có hiệu quả không chỉ để chữa bệnh thể chất mà còn cho tinh thần. Việc chiêm nghiệm và phân tích về tự tính vô ngã của năm uẩn là một chủ đề lớn của việc chữa bệnh trong Phật giáo. Bởi vì, nếu ai thực tập quán chiếu sâu về tính vô ngã của năm uẩn thì cảm thọ về khổ đau cũng được thuyên giảm.

Còn rất nhiều phương thức thuyết giảng của đức Phật được tìm thấy trong Kinh tạngLuật tạng cũng như Luận tạng. Một bài viết ngắn khó có thể trình bày đầy đủ. Tuy nhiên, với những phương pháp được trình bày ở trên cũng đủ để thấy rằng đức Phật không chỉ là một nhà giáo dục mà Ngài còn là một nhà tâm lýtriết gia vĩ đại. Nơi Ngài, luôn tròn đầy lòng từ bi và trí tuệTừ bi để thương yêuche chởTrí tuệ để dẫn dắt chúng sinh đoạn trừ phiền não khổ đau, chứng đạt Thánh trígiải thoát.

Ghi chú:

[1] See F. L. Woodward, The Book of the Gradual Sayings, Vol. I, Motilal Banarsidass, Delhi, 2005 (reprints), p.168.

[2] Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh, Tập 1, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr.  583.

[3] Sđd, tr.  664.

[4]  E. M. Hare, The Book of the Gradual Sayings, Vol.III, pp.29-30.

[5] Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi Bộ Kinh, tập 1, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 338.

[6] Sđd, tr. 338.

[7] Thích Minh Châu (dịch),  Trường Bộ kinh, tập 1, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr. 649.

[8] Xem, Thích Minh Châu (dịch),  Tương Ưng Bộ kinh, Phẩm về bệnh, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 127.

[9] Sđd, tr. 127.

[10] Sđd, tr. 127.

[11] Sđd, tr. 125.

[12] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ kinh, tập 3, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr. 598.

Tác giả: Thích Trung Định

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 300