Trang 4

Tám tiết thơ giúp tập luyện tâm thức

Lời giới thiệu: Bài chuyển ngữ dưới đây trích từ một quyển sách của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma mang tựa đề “Tâm Thức Giác Ngộ, Những lời khuyên Trí tuệ cho những con người ngày nay” (L’Esprit en Eveil, Conseils de Sagesse aux hommes d’aujourd’hui, nxb Presses du Chatelet, 2009. Phiên bản tiếng Anh: In My Own Words, nxb Hay House, 2008). Phần chuyển ngữ gồm toàn bộ một chương ngắn (chương 8, tr. 121-129) bình giảng một bài thơ gồm tám tiết bốn câu do một nhà sư Tây Tạng thuộc hậu bán thế kỷ XI và tiền bán thế kỷ XII trước tác nhằm vào việc luyện tập tâm thức cho một người tu tập Đạo Pháp.

“Tám Tiết thơ giúp tập luyện Tâm thức” là tựa của một bài thơ ngắn do một nhà sư Tây Tạng là Guéshé Langri Tangpa (1054-1123) trước tác với chủ đích giúp phát huy tinh thần giác ngộ qua phép thiền định về hoán chuyển giữa ta và người khác, (một phép thiền định rất phổ thông của Phật giáo Tây Tạng: đó là cách tự nguyện xin được nhận về phần mình tất cả khổ đau của người khác, và trao lại cho họ tất cả những gì đạo hạnh của mình), và xem đấy là mục đích cao cả nhất trong cuộc sống của chính mình. Tôi được nghe giảng về các tiết thơ này từ thuở còn bé khi tôi còn ở Lhassa, và từ đấy mỗi ngày tôi đều đọc lên những tiết thơ ấy, đấy cũng là những gì thuộc vào sự tu tập hằng ngày của tôi. Những tiết thơ ấy như sau:

“Tôi quyết tâm hành động bằng mọi cách để mang lại
Sự an vui tuyệt vời cho tất cả chúng sinh,
Sự tuyệt vời ấy vượt lên trên tất cả những thứ bùa phép mầu nhiệm nhất,
Tôi xin được yêu thương chúng sinh với tất cả tâm hồn tôi.

Mỗi khi tiếp xúc với họ,
Tôi xin tự xem mình là người kém cỏi nhất,
Và trong tận đáy lòng, tôi xin kính cẩn xem tất cả
Đều là những con người tối thượng.

Đối với từng hành động, tôi xin luôn dò xét
Trong tận cùng tâm thức, nếu có một xúc cảm bấn loạn nào lóe lên,
Có thể mang lại nguy hại cho người khác hoặc cho tôi,
Thì tôi sẽ cương quyết chống lại hầu loại bỏ nó.

Tôi xin yêu thương tất cả chúng sinh hung dữ,
Những ai đã tạo ra những thảm họa nặng nề,
Và những khổ đau mênh mông,
Tôi xin yêu thương họ như vừa khám phá ra một gia tài vô giá.

Vì ganh ghét mà một số người ngược đãi tôi,
Trút lên tôi những lời nhục mạ, vu khống và mọi điều tệ hại khác,
Thì trước những thử thách ấy, tôi xin nhẫn nhục chịu đựng,
Và hiến dâng cho họ tất cả sự vinh quang.

Đối với những người vô cớ làm tôi bị thương tổn nặng nề,
Dù tôi từng mang lại sự tốt lành cho họ và đặt hết lòng tin nơi họ,
Thì tôi xin vẫn được xem họ
Như những vị thầy tâm linh tốt nhất của tôi.

Tóm lại tôi xin mang lại cho tất cả chúng sinh,
Dù trực tiếp hay gián tiếp và không phân biệt một ai
Mọi sự giúp đỡ và những niềm phúc hạnh của tôi,
Và đổi lại, tôi xin gánh vác với tất cả sự kính cẩn
Những bất hạnh và khổ đau của những người mẹ của tôi, (xem tất cả chúng sinh như những người mẹ của mình).

Tôi xin cố gắng giữ cho các phép tu tập ấy
Không bị ô nhiễm bởi tám mối lo toan thế tục, (gồm có: lợi lộc, lạc thú, ngợi khen, vinh quang, danh vọng, thua thiệt, khổ đau, thất sủng, quở phạt)
Và khi đã thấu hiểu được thế nào là bản chất ảo giác của mọi hiện tượng,
Thì khi ấy tôi cũng sẽ được giải thoát khỏi sự trói buộc của bám víu”.

Bảy tiết đầu tiên của bài “Tám tiết thơ giúp tập luyện tâm thức” đề cập đến chủ đề liên quan đến thể dạng giác ngộ quy ước (hay tương đối) của tâm thức mà thuật ngữ Phật giáo gọi là bồ-đề-tâm (bodhicita) tương đối. Tiết sau cùng nêu lên thật ngắn gọn thể dạng thứ hai của sự giác ngộ là bồ-đề-tâm tuyệt đối.

Tiết thứ nhất của bài thơ mang ý nghĩa như sau: “Những ai đã quyết tâm mang lại sự an vui tối thượng cho tất cả chúng sinh, một sự an vui quý giá hơn cả viên bảo châu mầu nhiệm giúp thực hiện được mọi điều nguyện ước, tất nhiên sẽ phát nguyện như sau: xin cho tôi được mãi mãi yêu thương tất cả chúng sinh”. Tiết thơ nêu lên sự tương kết giữa “tôi” và người khác. Thế nhưng trên thực tế sự tương kết đó có thật sự xảy ra hay không? Trong cuộc sống thường nhật, thật ra ta chỉ biết quan tâm – tất nhiên là với tất cả sự hăng say – đến cá nhân mình và quyền lợi của mình. Ta đặt lên trên hết sự tìm kiếm an vui hầu mang lại hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau cho riêng mình. Đấy là mối bận tâm hàng đầu và trọng đại nhất so với tất cả những mối bận tâm khác, và đấy cũng là gánh nặng mà ta phải tự đảm trách cho mình. Trong khi đó, việc lo toan cho người khác thì ta lại đặt xuống hàng thứ yếu, không có gì đáng để quan tâm hoặc đấy là một thứ gì hoàn toàn vô nghĩa.

Thực trạng đó phải được thay đổi, chúng ta phải gia tăng sự luyện tập tâm thức đến một mức độ có thể hoán đổi được việc xem sự an vui của chính mình là quan trọng hơn hết và đặt sự an vui của người khác xuống hàng thứ yếu. Chúng ta cần phải phát huy một sự kính trọng sâu xa và một mối quan tâm chân thật đến sự an vui của người khác và đồng thời không nên quan tâm quá đáng đến sự an vui của chính mình. Đấy là mục đích cần phải thực hiện. Muốn thành công ta phải luyện tập tâm thức mình thật chuyên cần, sự luyện tập đó dựa vào nhiều phương pháp khác nhau.

Tiết thứ hai là: “Mỗi khi có dịp tiếp xúc với người khác, tôi xin tự xem mình là người kém cỏi hơn cả, và tất cả các người khác đều hàm chứa một giá trị tối thượng, sự quán nhận ấy xuất phát tự đáy tim tôi”. Tất nhiên là cách cư xử khiêm tốn nêu lên trong tiết thơ trên đây trái ngược lại với thái độ trịch thượng mà ta thường có khi phóng nhìn vào người khác. Vì thế ta nên thay đổi thái độ đó và phải kính trọng tất cả chúng sinh, xem tất cả chúng sinh đều là anh chị em của mình và riêng mình thì phải là người thấp kém nhất khi so sánh với họ. Ta phải biết yêu thương họ và mang thân xác, tâm thức cũng như toàn diện con người của ta để hướng vào mục đích mang lại sự an vui cho tất cả chúng sinh mà chính chúng ta đã đặt họ lên hàng tối thượng.

Tiết thứ ba là: “Đối với từng hành động, tôi xin luôn canh chừng từ trong tận cùng của tâm thức tôi, nếu thấy có một sự hiềm khích hay méo mó nào xảy ra có thể mang lại nguy hại cho người khác và cho tôi, thì tôi sẽ cương quyết đương đầu ngay hầu loại bỏ nó”. Chỉ khi nào biết thương yêu người khác và tự đặt mình vào một vị thế khiêm tốn, thì khi đó chúng ta mới có thể nhận thấy được những gì lệch lạc sẵn có trong tâm thức của mình từ trước, chẳng hạn như thái độ tâm thần lầm lạc tự cho mình là quan trọng hơn hết, hoặc các quan điểm sai lầm về bản chất thật sự của chính mình. Tiết thơ thứ ba nêu lên các sự lệch lạc ấy nhằm khuyên chúng ta phải canh chừng ngay từ bên trong tâm thức để ngăn chặn không cho các cách hành xử lầm lẫn như thế có thể xảy ra. Khi chúng vừa lóe lên thì ta phải kiểm soát ngay tâm ý của mình, tương tự như ta phải canh chừng an ninh cho một ngôi nhà. Sự canh chừng đó phải thật cẩn trọng và cảnh giác, sự cẩn trọng và cảnh giác ấy có thể so sánh với hai người lính cảnh sát của nội tâm. Khi tâm thức đã được canh giữ cẩn thận thì ta sẽ không còn cần đến sự kiểm soát của bất cứ một người cảnh sát nào ở bên ngoài, vì trong trường hợp đó đương nhiên ta sẽ không phạm vào các hành động thiếu đạo hạnh và độc hại. Thế nhưng nếu không có hai người cảnh sát bên trong – tức sự cẩn trọng và cảnh giác – canh giữ, thì dù cho hùng mạnh đến đâu các lực lượng cảnh sát bên ngoài cũng khó mà kiểm soát được một tình trạng hung bạo khi nó đã bùng nổ ra. Thật cũng không đến đỗi quá khó để nhận thấy điều ấy, sự can thiệp của cảnh sát nào mấy khi hiệu quả trước những thảm cảnh do khủng bố gây ra.

Tiết thứ tư là: “Mỗi khi trông thấy các chúng sinh hung ác phải gánh chịu sức mạnh nghiền nát của những hành động hung bạo và sai lầm, thì tôi xin được xem họ như những gì trân quý nhất, tương tự như tôi vừa khám phá ra một kho tàng”. Nội dung của tiết thơ nêu lên trường hợp những kẻ ghê tởm nhất, chẳng hạn như những kẻ ăn thịt người hay những kẻ thật tồi tệ. Mặc dù không hề có ý định làm hại họ, thế nhưng thói thường chúng ta vẫn tìm cách tránh né họ và quay ra hướng khác để tránh mọi sự giao tiếp với họ. Thế nhưng thật ra ta không nên giữ thái độ như thế. Những gì mà chúng ta cần phải tập là yêu thương họ, dù cho họ đang hiện diện trước mặt ta hay không cũng thế. Chúng ta phải cố gắng tập luyện như thế nào để mỗi khi gặp họ ta sẽ không thốt lên: “Thật khổ! Lại phải làm một cái gì đây để giúp họ!”, hoặc: “Lại thêm một gánh nặng nữa, một sự khổ nhọc nữa phải gánh vác!”. Thay vì phản ứng như vậy khi gặp họ, thì ta nên tìm thấy niềm hân hoan như vừa khám phá ra một viên bảo châu quý giá, một kho tàng hay một cái gì đó thật tuyệt vời, phải xem đấy là một cơ hội hiếm hoi mang lại cho ta dịp may để giúp đỡ họ.

Tiết thứ năm là: “Khi người khác trút lên đầu tôi mọi sự giận dữ, nguyền rủa tôi, vu khống tôi, hoặc mang lại mọi thứ tệ hại khác cho tôi, thì xin cho tôi đủ sức gánh chịu mọi sự thua thiệt và hiến dâng cho họ sự vinh quang”. Thật hết sức quan trọng phải giữ một thái độ rộng mở và thiết tha yêu thương người khác. Tuy nhiên hơn thế nữa việc tu tập còn đòi hỏi chúng ta nhất thiết phải giữ thái độ ấy đối với những ai vì một lý do nào đó muốn làm hại ta, dù đấy là trường hợp họ bị khích động bởi sự giận dữ thúc đẩy họ thực thi những ý đồ lắt léo nhằm mục đích cố tình làm thương tổn đến ta, hay đấy là trường hợp mà họ chỉ mang những ý định ấy trong đầu cũng vậy. Trong các trường hợp như thế, ta phải xem họ như những gì vô cùng quý giá. Thái độ mà ta phải giữ đối với những người khi mà sự ác ý của họ chuyển thành hành động chống lại ta, là phải chấp nhận sự thua thiệt và mất mát về phần mình và nhường cho họ sự chiến thắng. Đấy là ý nghĩa của tiết thơ trên đây.

Tiết thứ sáu là: “Đối với một người mà tôi hằng mang lại điều tốt cho họ, thế nhưng họ lại đối xử tồi tệ với tôi, thì xin cho tôi được xem người ấy như một vị đạo sư tối thượng”. Tất nhiên trong số trùng trùng điệp điệp chúng sinh, luôn luôn có một số nào đó mà ta phải miễn cưỡng giúp đỡ họ, hoặc phải cố gắng tỏ ra thật tốt đối với họ – đấy là một thái độ cao cả và thích đáng. Thói thường người được giúp đỡ phải tỏ ra biết ơn và phải có một vài cử chỉ nào đó trước lòng tốt của ta. Thế nhưng cũng có trường hợp mà người được ta giúp đỡ lại đối xử một cách quá thấp kém không xứng đáng với hành động của ta. Trường hợp đó khiến cho ta cảm thấy bị tổn thương và bị đối xử tệ bạc. Vậy một người đang tu tập cách hành xử trong cuộc sống hay nói cách khác là một vị bồ-tát, thì phải phản ứng ra sao? Tất nhiên là phải đối xử với người ấy như là một vị đạo sư hướng dẫn tâm linh cho mình, và xem đấy là một dịp may vô cùng quý giá được gặp một người như thế để yêu mến họ, bởi vì chính họ đã mang lại một cơ hội hiếm hoi để giúp mình luyện tập sự kiên nhẫn và lòng bao dung. Đấy là thể dạng tâm thức mà người bồ-tát phải tập luyện.

Sau đây chúng ta xét đến nội dung của tiết thứ bảy, đấy là: “Tóm lại, tôi xin được trực tiếp hay gián tiếp mang lại sự tốt lành và tình thương cho tất cả những người mẹ của tôi; tôi xin được kín đáo nhận chịu về phần tôi tất cả những bất hạnh và khổ đau của những người mẹ ấy”. Trường hợp này vẫn còn thuộc vào cấp bậc giác ngộ tương đối của tâm thức. Nếu muốn cho cách hành xử tốt đẹp đó, tức là yêu thương người khác hơn cả chính mình, được phát huy thật cao độ và nhiệt tình, thì nó phải được thoát ra từ cội nguồn của lòng từ bi. Từ bi là một phản ứng của tâm thức khi nó không thể chịu đựng nổi trước những cảnh khổ đau của người khác và phát lộ những ước nguyện mãnh liệt cầu mong sao cho họ tìm được sự giải thoát trước những khổ đau ấy. Tất nhiên một mặt chúng ta phải biết lo lắng sâu xa khi nghĩ đến những cảnh thống khổ của người khác, thế nhưng một mặt khác thì chúng ta cũng phải biết mở rộng lòng mình cho niềm hân hoan tràn ngập, khi chúng ta nhìn thấy những cảnh hạnh phúc và an vui của người khác, và đấy cũng là một cách phát lộ lòng tốt và tình thương của mình. Cả hai thái độ ấy – tức lòng từ bi và sự hân hoan phát sinh từ tình thương chân thật – là cội nguồn giúp cho yêu thương bám rễ, và sự yêu thương đó sẽ thúc đẩy chúng ta nên nghĩ đến người khác hơn là chính mình. Đấy cũng là nguyên tắc căn bản trong phép luyện tập gọi là tonglen (tức là cách hiến dâng và nhận lãnh) mà tiết thơ trên đây đã nêu lên.

Thật ra trên thực tế, sự kiện hoán chuyển hạnh phúc của mình cho người khác và ngược lại xin nhận chịu khổ đau của họ chỉ có thể xảy ra được trong một số trường hợp thật hiếm hoi: tức là chỉ có thể thực hiện được khi nào giữa ta và người ấy đã từng có một sự liên hệ và tương quan nghiệp lực thật đặc biệt nào đó từ các kiếp trước. Chỉ trong các trường hợp như thế thì sự hoán chuyển khổ đau của người khác sang cho cho mình may ra mới có thể xảy ra được, trên thực tế thì chuyện ấy rất khó thực hiện. Thế nhưng tại sao lại khuyến khích mọi người nên tập luyện theo phép tu tập ấy? Bởi vì đấy là một phương pháp giúp đạt được một cá tính cực mạnh, một lòng quả cảm vô song và một sự nhiệt tình sâu đậm; những phẩm tính ấy sẽ giúp cho sự tu tập của mình thăng tiến nhanh hơn trên đường đưa đến giác ngộ tâm linh.

Tiết thứ tám và cũng là tiết cuối cùng mang ý nghĩa như sau: “Cầu xin cho sự tu tập của tôi tránh được mọi sự ô nhiễm của tám mối lo toan thế tục. Vì quán nhận được tất cả các dharma tức là các thành phần cấu hợp tạo ra mọi hiện tượng đều là ảo giác, nên tôi cầu xin loại bỏ được chúng hầu giải thoát cho tôi ra khỏi sự trói buộc của các chu kỳ hiện hữu”. Ý nghĩa nêu lên trong tiết thơ thứ tám là sự giác ngộ tuyệt đối của tâm thức. Trong khi các tiết khác chỉ nhắm vào các phương tiện tu tập, thì tiết thứ tám lại hướng trực tiếp vào con đường giác ngộ tâm linh.

Phát huy tâm thức hướng vào mục đích yêu thương người khác hơn cả chính mình đôi khi cũng cho thấy một sự nguy hiểm nào đó, bởi vì chúng ta từng bị chi phối từ quá lâu đời bởi những lệch lạc tâm thần thường phát sinh khi tu tập Đạo Pháp. Vì muốn được nhiều người biết đến nên đôi khi ta cũng có thể rơi vào sự thèm khát uy danh do phép tu tập vì lòng vị tha mang lại; hoặc biết đâu từ trong thâm tâm ta cũng mong đợi một cách kín đáo những người được hưởng các thành quả tu tập của ta sẽ mang tặng ta những món quà hồi đáp. Hoặc giả ta cũng có thể thốt lên: “Chính thế! Tôi đây là một người tu hành, một người tu tập Đạo Pháp!”. Đó là những gì có thể mang lại cho ta những cảm tính kiêu hãnh để tự thấy mình cao hơn và chính mình là người ban ơn cho kẻ khác. Tất cả những sự méo mó tâm thần đó và các thái độ do chúng làm phát sinh có thể xảy ra với chúng ta bất cứ lúc nào. Vì thế việc tu tập mang lại giác ngộ cho tâm thức cũng có thể trở nên nguy hiểm, do đó chúng ta phải thật thận trọng không để vướng vào những gì mà người ta gọi là “tám mối lo toan của thế tục” (còn gọi là “tám dharma thế tục”) (có thể xem thêm bài viết “Khái niệm về tám mối lo toan thế tục” của Hoang Phong trên các mạng Thư Viện Hoa Sen, Quảng Đức,…), trong số các mối lo toan đó có thể kể ra: hy vọng được vinh quang, hy vọng được ngợi khen, hy vọng được thích thú, hy vọng được lợi lộc… Nhất định phải loại bỏ hoàn toàn những thứ lệch lạc ấy ra khỏi việc tu tập Đạo Pháp của mình. Phải giữ cho sự tu tập được tinh khiết, tức là phải hoàn toàn quên mình và đặt người khác lên trên mọi sự ngờ vực. Đấy là một điều vô cùng quan trọng.

Vài lời lạm bàn của người dịch

Đức Đạt-Lai Lạt-Ma viết và thuyết giảng theo nhiều cấp bậc khác nhau nhằm mục đích thích nghi với quảng đại người đọc và người nghe. Quyển sách trên đây thuộc vào một cấp bậc khá đại cương, thế nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Bài thơ của nhà sư Guéshé Langri Tangpa trên đây có thể xem như một bài kinh ngắn, và những lời bình giảng của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma tuy ngắn gọn, dễ hiểu nhưng thật ra rất thâm sâu và uyên bác, thế nhưng thiết nghĩ một vài lời ghi chú thêm về một vài chi tiết biết đâu cũng có thể giúp cho người đọc dễ theo dõi hơn nữa về bài thơ cũng như phần bình giải của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Các lời ghi chú này gồm trong ba chủ đề: thứ nhất là tính cách thiết thực của việc tu tập do bài thơ nêu lên, thứ hai là sự kiện nêu lên trong tiết thơ thứ bảy cho rằng tất cả chúng sinh đều là những người mẹ của mình, thứ ba là khái niệm về sự giác ngộ tuyệt đối nêu lên trong tiết thơ thứ tám thay cho phần kết luận của toàn bộ bài thơ.

Tính cách thiết thực của bài thơ

Mở đầu cho phần thuyết giảng Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cho biết là nội dung của bảy tiết thơ đầu tiên thuộc lãnh vực của sự giác ngộ quy ước còn gọi là bồ-đề-tâm tương đối. Vậy sự giác ngộ hay bồ-đề-tâm quy ước là gì?

Đó là những lời nguyện ước và các cách hành xử của một người bồ-tát. Vì thế trong mỗi tiết thơ chúng ta đều nhận thấy trước hết là sự nguyện ước, sau đó là hành động:

– tiết thứ nhất: quyết tâm thực hiện sự an vui cho tất cả chúng sinh – tôi xin yêu thương tất cả họ.

– tiết thứ hai: xin được làm người khiêm tốn nhất – xem tất cả các chúng sinh khác đều cao hơn mình.

– tiết thứ ba: nguyện canh chừng từng xúc cảm bấn loạn – cương quyết đương đầu và loại bỏ các xúc cảm ấy.

– tiết thứ tư: xin hội đủ nghị lực để yêu thương những người hung ác – xem họ như một gia tài quý báu khôn lường.

– tiết thứ năm: xin nhẫn nhục chịu đựng sự ngược đãi của những người hung ác – hiến dâng cho họ sự vinh quang.

– tiết thứ sáu: nguyện rằng nếu những người mà mình hằng giúp đỡ làm thương tổn đến mình – thì sẽ xem họ như những vị thầy tốt nhất.

– tiết thứ bảy: nguyện hiến dâng hạnh phúc của riêng mình cho tất cả các người mẹ – xin gánh chịu tất cả khổ đau của họ.

Các quyết tâm và các cách hành xử trên đây là những phương tiện thiện xảo (upaya) giúp các người tu tập và các vị bồ-tát thăng tiến trên đường giác ngộ. Các phương tiện thiện xảo đó cũng có thể xem như những phương thuốc hóa giải giúp cho một cá thể khống chế cái tôi của mình. Thật vậy đối với một người tu tập, cái tôi luôn luôn là một trở ngại to lớn nhất và kiên cố nhất. Chẳng những “cái tôi” là một bức tường vững chắc ngăn chặn con đường hướng về giác ngộ mà còn là một yếu tố tâm thần gây ra mọi thứ xúc cảm bấn loạn trong tâm thức và cũng là nguyên nhân chính yếu nhất trói buộc một cá thể trong chu kỳ bất tận của luân hồi. Một cách vắn tắt, bảy tiết thơ đầu tiên là những liều thuốc hóa giải giúp cho người tu tập quên mình để phát động lòng từ bi hướng vào người khác, hầu vượt lên trên cái ngã của mình. Tuy nhiên liều thuốc nêu lên trong tiết thơ thứ bảy có vẻ là một liều thuốc mạnh hơn hết, đó là cách tập cho mình nhìn vào tất cả chúng sinh và xem họ là những người mẹ của mình. Vậy ý nghĩa thật sự của tiết thơ này ra sao?

Xem tất cả chúng sinh đều là những người mẹ của mình

Nội dung của toàn bài thơ được dựa trên nguyên tắc của phép tu tập gọi là “phép hoán chuyển giữa ta và người khác” (tonglen), thế nhưng ý nghĩa của tiết thơ thứ bảy biểu trưng rõ rệt và trực tiếp nhất cho nguyên tắc đó: tức nhận chịu mọi khổ đau của người khác và hiến dâng cho họ tất cả hạnh phúc của mình. Người khác ở đây có nghĩa là tất cả chúng sinh và đấy cũng là tất cả những người mẹ của mình, gồm người mẹ trong kiếp sống này và tất cả những người mẹ của mình trong muôn ngàn kiếp trước. Những người mẹ ấy tất nhiên đã tái sinh và biết đâu họ là những chúng sinh đang sống bên cạnh chúng ta hôm nay, hoặc đang hiện hữu khắp nơi trong thế giới này. Chúng ta phải cư xử với họ như những người mẹ của mình. Do đó thiết nghĩ cũng nên mở thêm một dấu ngoặc ở đây để nghĩ rằng Vu Lan không nhất thiết là một dịp lễ để chúng ta cầu an hay cầu siêu cho một người mẹ, mà đúng hơn là một dịp để mỗi chúng ta hồi hướng tất cả công đức và hiến dâng hạnh phúc của mình cho tất cả những người mẹ trong ba ngàn thế giới thế giới, đã từng sinh ra mình trong quá khứ và sẽ còn sinh ra mình trong tương lai. Các chữ “trực tiếp” trong tiết thơ thứ bảy là có ý nói đến người mẹ của mình trong kiếp sống này, và chữ “gián tiếp” là để chỉ tất cả những người mẹ của mình trong quá khứ xuyên qua hình tướng của những chúng sinh khác.

Phép tu tập “hoán chuyển giữa ta và người khác” nêu lên trong tiết thơ thứ bảy là do Tịch Thiên (thế kỷ thứ VIII) đề nghị trong tập Nhập Bồ-đề Hành luận (Bodhicaryavatara) và cũng biểu trưng cho liều thuốc hóa giải mạnh nhất để chống lại cái tôi hay cái ngã. Tuy nhiên Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cũng nhắc cho chúng ta biết nội dung của tiết thơ thứ bảy vẫn còn thuộc vào lãnh vực của bồ-đề-tâm tương đối. Vậy bồ-đề-tâm tuyệt đối là gì và phần kết luận trong tiết thơ thứ tám muốn nói lên điều gì?

Khái niệm về Bồ-đề-tâm

Bồ-đề-tâm tiếng Phạn là Bodhicitta, bodhi có nghĩa là tỉnh thức, tỉnh giác hay giác ngộ, citta là tâm trí, tâm thức… Sở dĩ mạn phép dài dòng như trên đây vì nguyên gốc Hán ngữ của chữ tâm có nghĩa là tim, thế nhưng chữ tâm trong thuật ngữ bồ-đề-tâm lại có nghĩa là lý trí hay trí tuệ và không tượng trưng cho một thể dạng xúc cảm nào cả. Bồ-đề-tâm do đó có nghĩa là “Tâm thức giác ngộ”, “Tinh thần giác ngộ” hay “Tư duy giác ngộ”… Bồ-đề-tâm là một khái niệm xác định vị trí, lý tưởng, hành động và sự giác ngộ của một người bồ-tát, do đó bồ-đề-tâm được xem là khái niệm căn bản nhất của Phật giáo Đại thừa nói chung và của Phật giáo Tây Tạng nói riêng. Bồ-đề-tâm gồm có hai thể dạng khác nhau là bồ-đề-tâm tương đối và bồ-đề-tâm tuyệt đối, mà Đức Đạt-Lai Lạt-Ma còn gọi một cách khác là sự giác ngộ quy ước và sự giác ngộ tuyệt đối. Một cách tổng quát Bồ-đề-tâm tương đối biểu trưng cho lòng từ bi và bồ-đề-tâm tuyệt đối biểu trưng cho sự Giác ngộ hay Trí tuệ.

Bồ-đề-tâm tương đối (samvrtibodhicitta) gồm có hai thể dạng là bồ-đề-tâm ước vọng tức là sự biểu lộ ước nguyện của người bồ-tát ước mong đạt được giác ngộ vì lợi ích của chúng sinh, và bồ-đề-tâm thực hiện tức là hành động của người bồ-tát. Hai thể dạng ấy được thể hiện trong bảy tiết đầu tiên của bài thơ.

Bồ đề tâm tuyệt đối (paramarthabodhicitta) là sự quán nhận hai thứ tánh không (sunyata) cùng một lúc: tánh không của một “cái tôi cá thể” và “bản chất vô thực thể” tức ảo giác của mọi hiện tượng, và cũng thật tuyệt vời vì tuy rằng tất cả đều là trống không thế nhưng bồ-đề-tâm tuyệt đối vẫn hàm chứa một sức mạnh quán thấy được Phật tính nơi mỗi chúng sinh. Nói cách khác bồ-đề-tâm-tuyệt đối là khả năng cảm nhận thật sâu xa bản thể “như lai” (tathata – ainsité, suchness) của hiện thực. Đấy là ý nghĩa biểu trưng cho sự Giác ngộ và Giải thoát nêu lên trong tiết thơ thứ tám thay cho phần kết luận.

Tóm lại khi nào chúng ta chưa đủ sức chuyển động chung với vô thường, hòa nhập với bản chất vô thực thể của vũ trụ và nhìn thấy Phật tính trong nơi sâu kín của mỗi chúng sinh thì khi ấy chúng ta vẫn còn là kẻ tôi đòi của sự bám víu và nô lệ cho cái tôi đang chỉ huy từ bên trong tâm thức của chính mình.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch Hoang Phong

Bures-Sur-Yvette, 29.07.11

Nguồn: Tám Tiết Thơ Giúp Tập Luyện Tâm Thức

Bậc Thầy và nguồn cảm hứng

NGUỒN CẢM HỨNG THIẾT YẾU ĐỂ TU TẬP

Trước khi bước lên kim cương thừa, cỗ xe tối thượng, nên biết vì sao ta phải từ bỏ lối nhìn hạn hẹp phàm tình của ta về chính mình, và làm phát sinh tự tính giác ngộ của một con người đã hoàn toàn tiến hóa. Ta phải thấy chính vì nghĩ mình thấp thỏi mà ta tiếp tục bị giam giữ trong vòng bất mãn triền miên. Chu kỳ đau khổ bất toại ấy là do ta không biết đến bản chất thuần tịnh cốt yếu của mình. Khi đã có ba yếu tố tiên quyết – từ bỏ, bồ đề tâm, thấy đúng – và an trú tâm trong sáng nguyên ủy, là ta tạo được khoảng trống cho sự chuyển hóa tự thân.

Tuy nhiên hiểu biết như thế chưa đủ, ta phải phát sinh sức mạnh và niềm tin để đi theo pháp môn mãnh liệt đưa đến toàn giác. Nói cách khác ta cần một nguồn cảm hứng. Giác ngộ không chỉ là một khả tính trên lý thuyết, mà là một điều có thể chứng đạt và đã được chứng bởi những con người như chúng ta. Trong truyền thống mật tông, nguồn cảm hứng này là bậc thầy, hướng đạo tâm linh của ta. Trọng tâm của mật tông là hợp nhất mình với nguồn cảm hứng ấy nhờ pháp đạo sư du già.

Hiện tại chúng ta không thể nào giải quyết những vấn đề mà tâm chấp ngã của ta đã gây ra. Đức Phật Thích ca mâu ni đã dạy những phương pháp để giúp ta thoát khỏi ngục tù bản ngã và tự đồng hóa với những thực thể giác ngộ của quá khứ, hiện tại và tương lai. Những thực thể giác ngộ ấy đã kiện toàn một trạng thái trong đó không có sự tách rời, phân biệt giữa cao và thấp; chỉ có sự bình đẳng hoàn toàn của kinh nghiệm giác ngộ. Pháp hành trì đạo sư du già chuẩn bị cho ta đi vào kinh nghiệm hợp nhất với sự thành tựu viên mãn. Nhờ xem mình với thầy là một, ta trừ được tâm tự bỉ như “Chư phật quá cao xa, tôi không sao sánh được.” Thay vì thế, ta tập đồng nhất bản tâm mình với tâm bậc thầy, được xem như một vị phật toàn giác.

Nhờ hành trì pháp đạo sư du già mà trí tuệ hạn cuộc của ta đi đến viên mãn. Năng lượng đại từ bi đại trí tuệ và đại phương tiện của bậc thầy gieo hạt giống trong tâm ta để ta cũng thể hiện được những đức tính tốt lành vô hạn ấy. Chính chúng ta trở thành bậc thầy, và như vậy ta cũng có thể đem lại sự giúp đỡ vô lượng và bất tận cho tất cả chúng sinh. Nếu ta không phát sinh những đức tính của một bậc thầy chân chính trong ta, thì làm sao ta có thể đem lại lợi ích rốt ráo cho bất cứ người nào ? Ta lại còn không thể tự giúp mình cho thích đáng nữa.

BẬC THẦY NỘI TÂM VÀ BẬC THẦY BÊN NGOÀI 

Những kinh điển mật tông thường nói rằng tất cả thực chứng đều phát sinh từ bậc thầy. Điều này đúng, nhưng ta phải hiểu rằng “thầy” có hai mức độ ý nghĩa khác nhau. Bậc thầy khách quan tương đối là người chỉ cho ta bằng nhiều cách, làm thế nào để khám phá sự toàn vẹn của chính mình. Nhưng trên phương diện sâu xa hơn, bậc thầy chính là trí tuệ, tính trong sáng căn để của tâm ta.

Cùng một lời dạy, cùng một bậc thầy, mà phản ứng người nghe không ai giống ai. Có người không hiểu giáo lý ngay cả trên bình diện tri thức; có người hiểu được nhưng không thể đi sâu vào ý nghĩa. Nhưng cũng có người vượt ngoài danh từ khái niệm, hoàn toàn hòa nhập với bi và trí của bậc thầy. Những phản ứng ấy đều do mỗi người đạt một trình độ khác nhau về tiến hóa tri thức và tâm linh. Càng giao cảm với bậc thầy nội tâm, người học càng thâm hiểu giáo lý sâu sắc.

Trên thực tế, vị thầy tương đối bên ngoài dù nỗ lực bao nhiêu cũng không bảo đảm cho ta đạt thực chứng. Nhưng bậc thầy bên trong, trí tuệ sáng suốt của chính ta, thì có thể hoàn thành tất cả mọi sự. Bởi thế, pháp hành trì đạo sư du già cốt yếu là một phương pháp để học cách lắng nghe tiếng nói của bậc thầy nội tâm ấy.

Thông thường, mặc dù ta có tiếng nói nội tâm của trí tuệ, nhưng ta không lắng nghe nó nói. Ta lại còn không biết đến tiếng nói ấy, vì ta luôn luôn bận nghe tiếng lải nhải của những tâm lý nhị nguyên thô trọng trong ta. Ta đã quá quen thuộc với tiếng nói này tới nỗi khi trí tuệ trực giác phát sinh, ta thường chối bỏ nó. Nhờ thực hành đạo sư du già, ta có thể đoạn tuyệt quan hệ thô thiển với thế gian để tiếp xúc với trí tuệ bẩm sinh. Khi ấy, ta còn có thể tương quan mật thiết sâu xa với bậc thầy bên ngoài. Nhưng khi mất liên lạc với bậc thầy nội tâm, thì dù giáo lý bậc thầy bên ngoài có sâu sắc đến đâu, ta cũng không bao giờ hội nhập được.

Nhưng nói thế không có nghĩa là vị thầy bên ngoài không quan trọng. Trái lại, vị ấy hết sức cần thiết. Mặc dù sự thực là giáo lý mật tông của đức Thích ca mâu ni đã hiện hữu trên 2500 năm, song đối với ta giáo lý ấy kể như không nếu ta không gặp được một bậc thầy mật tông đủ tư cách. Khi ấy thì giáo lý mật tông có thực đối với ta hay không? Dù chư tổ Naropa, Marpa và Tsongkapa có những lối giải thích phong phú đến đâu, ta có thể biến mật tông thành chân lý dành cho ta không, nếu ta chưa được bậc thầy nào khai thị? Dĩ nhiên là không. Về kinh giáo cũng vậy, sự kiện đức Phật giảng giáo lý Tứ đế rất lâu xa về trước cũng không làm cho giáo lý ấy là thực hữu đối với ta. Giáo lý ấy chỉ trở thành hiện thực đối với ta khi ta đã thực chứng giáo lý, nhờ gặp được một vị thầy có thể khai thị một cách sáng sủa cho ta hiểu. Nếu không có tấm gương sống động và cảm hứng từ bậc thầy bên ngoài, thì trí tuệ nội tâm ta vẫn yếu ớt, không phát triển được.

BẬC ĐẠO SƯ VÀ GƯƠNG MẪU 

Giáo lý giác ngộ đến với chúng ta, gây được ấn tượng trên tâm thức ta, là nhờ một hệ truyền thừa không gián đoạn giữa thầy và đệ tử tiếp nối. Bậc thầy, một thành phần của hệ truyền thừa ấy, làm cho giáo lý Tứ diệu đế trở thành sinh động đối với ta nhờ nguồn cảm hứng hay sự gia trì của ngài. Nhờ biết rõ tính tình, khả năng ta, nên bậc thầy có thể làm cho chân lý trở nên sáng sủa đối với ta, làm tâm ta trở thành con đường của thực chứng. Ý nghĩa của cảm hứng hay sự gia trì chỉ có thế. Và pháp hành trì đạo sư du già hay thờ kính thầy, chỉ là để cho chúng ta mở lòng ra mà đón nhận nguồn cảm hứng này.

Hơn nữa, ta cần một người dẫn đạo có kinh nghiệm để chỉ cho ta cách áp dụng những giáo lý vào thực hành. Ta sẽ không đi tới đâu nếu chỉ học từ trong sách, tự mò mẫm mà hi vọng tìm ra mọi sự. Có thể những thông tin vẫn đầy đủ trong sách, nhưng hầu hết các mật điển đều có tính mơ hồ, chỉ rõ ý nghĩa khi được giải thích. Chỉ một điều trang bị thông tin ấy như thế nào, cũng không dễ gì biết được. Ta cần một người chỉ dạy, cho ta một chứng minh thực tiễn. Người ấy là bậc thầy.

Trong mật tông, một bậc thầy có kinh nghiệm rất cần thiết, vì pháp tu này nặng về kỹ thuật nội tâm. Chúng ta cần được chỉ dẫn mọi sự ăn khớp với nhau như thế nào trước khi ta thực sự thân chứng điều ấy. Nếu không có sự hướng dẫn thích đáng thì ta sẽ rối ren không khác gì một người thay vì được một chiếc xe hơi lại chỉ nhận được một đống bộ phận rời rạc và một quyển sách dẫn. Nếu không phải là một thợ máy chuyên môn, thì người ấy sẽ hoàn toàn mù tịt.

Lý do ngày nay tôn giáo đã suy đồi tận gốc ở phương đông cũng như phương tây chính là vì hiếm có được những tấm gương sáng về tâm linh. Nếu chưa bao giờ gặp được những bậc thầy chứng ngộ thì người ta không cách nào biết đến những khả năng vô hạn của tâm thức mình. Đọc sách nói về hành vi và sự nghiệp những bậc thầy quá khứ chưa đủ gợi nguồn cảm hứng cho ta. Kỳ thực, lắm lúc những tiểu sử ấy càng làm ta cảm thấy mình cách xa trời vực. Ta nghĩ “Phật và Chúa đã sống mấy ngàn năm trước, sự trong sáng của các ngài thuộc về một thời đại khác. Một người như tôi sống vào thế kỷ 20 suy đồi này thực vô phương đạt đến bất cứ mức độ thanh tịnh nào giống như thế.” Hoặc ta có thể hoàn toàn phủ nhận những chuyện kể về các bậc thầy quá khứ, xem như chuyện thần tiên chỉ thích hợp với trẻ nhỏ dễ tin. Cách duy nhất ta có thể dập tắt những cảm giác hoài nghi, vô năng và châm biếm ấy là, phải tiếp xúc với một người đã khơi dậy được tiềm năng cao thượng nhất nơi chính họ. Chỉ khi đó ta mới có được một tấm gương về sự thanh tịnh và tiến hóa tâm linh mà chúng ta có thể trông thấy tận mắt, để nghĩ lại chính mình.

Bởi thế bậc thầy bên ngoài thật vô cùng quan trọng. Ta cần một điển hình về một người cũng là con người như chúng ta, nhưng đã phát triển vượt ngoài giới hạn những gì ta xem là có thể. Khi ta thấy một người đã vượt ngoài ngã chấp, một người không còn những bận tâm nhỏ nhen về cuộc đời này mặc dù vẫn sống trên đời, một người nói và làm bằng trí trực giác và thực sự hiến mình cho sự an lạc của tất cả, thì khi ấy ta có thể tin chắc rằng ta cũng có thể đạt đến những thực chứng ấy. Nếu không, khi ta chỉ toàn thấy những điển hình của tham lam thù hận, thì tầm nhìn của ta về ta là gì và có thể trở thành gì, sẽ bị hạn cuộc một cách thê thảm.

Một tấm gương sáng là điều quan trọng, không riêng chỉ đối với người đang theo một con đường tu tập. Nhu yếu khẩn thiết nhất trong thế giới ngày nay là hòa bình và hòa điệu, tất cả chúng ta đều cảm thấy nhu cầu này, dù có tôn giáo hay không. Nhưng hòa bình không thể được mang lại chỉ nhờ danh từ, và đương nhiên không thể nhờ sức mạnh mà có hòa bình được. Ngược lại ta cần tấm gương của những người mà trọng tâm của đời sống họ là hòa bình, hòa hợp. Chỉ có tấm gương của những người sống một cuộc đời vừa hùng lực vừa trong sáng như vậy, mới có thể thuyết phục được cái thế gian đang vỡ mộng, và chứng minh cho họ thấy rằng hòa bình nội tâm và ngoại giới là điều có thể thực hiện ngay bây giờ và tại đây.

TRUYỀN ĐẠT BẰNG SỰ GIA TRÌ 

Muốn tiến trên con đường mật tông để đạt đến sự viên mãn cho tự thân, cần có sự gặp gỡ giữa bậc thầy bên trong và bậc thầy bên ngoài. Khả năng giác ngộ của chúng ta phải được thêm sức, phải được cảm hứng nhờ tiếp xúc với một người nào đã phát triển tiềm năng ấy đến chỗ viên mãn. Mỗi pháp tu Mật tông tập trung vào một vị trời thiền biểu trưng cho một khía cạnh đặc biệt của cái tâm toàn giác. Và cũng như cái tâm chấp ngã phàm tình đã tạo ra hoàn cảnh giới hạn của riêng nó, tâm hoàn toàn giác ngộ của một vị thần sẽ tạo ra hoàn cảnh đã được chuyển hóa trong đó tâm ấy vận hành để lợi lạc cho người khác. Sự phối hợp giữa vị thần và hoàn cảnh đã được chuyển hóa ấy, gọi là một Mandala, và nếu muốn thể hiện một vị thần nào đó trong tâm mình, trước hết ta phải được giới thiệu vào Mandala của vị ấy nhờ một bậc thầy mật tông đủ tư cách. Chỉ khi ấy những tu tập về chuyển hóa bản thân mới có thể thành đạt.

Mỗi vị thần mật tông có một hệ truyền thừa không gián đoạn gồm những hành giả thuộc hệ phái ấy. Một hệ phái chân thực đáng tin cậy thì phải bắt nguồn từ kinh nghiệm giác ngộ của vị thầy chân chính. Hơn nữa kinh nghiệm này cần phải được truyền thừa đến chúng ta qua một chuỗi không gián đoạn gồm những hành giả uyên thâm, mỗi người đều đã thực chứng nhờ viên mãn những pháp hành trì về vị thần liên hệ. Sức mạnh của mật tông – tantra có nghĩa đen là sự tương tục – nằm trong sự duy trì và truyền đạt kinh nghiệm giác ngộ qua một hệ phái hành giả liên tục không gián đoạn. Bởi thế điều cần thiết là phải thiết lập được liên lạc với hệ truyền thừa sinh động ấy nếu muốn tự chuyển hóa mình. Cách thức để làm cuộc tiếp xúc ấy là qua một lễ nhập môn (hay quán đảnh, hay gia trì.)

Thụ pháp quán đảnh hay gia trì là cốt để đánh thức một loại năng lượng đặc biệt trong tâm ta. Nhờ thiết lập một tương quan mật thiết với bậc thầy, sự tiếp xúc ấy đánh động cái tiềm năng trong tâm ta để đi con đường mật tông đến chỗ viên mãn. Nhập môn là một hành vi thiền định mà thầy trò cùng san sẻ; chứ không phải chuyện một ông thầy cổ quái nào từ Tây tạng sang làm pháp thuật để ban cho bạn những quyền năng ghê gớm như hàng phục rắn và bò cạp ! Đừng nên hiểu nghĩa gia trì theo kiểu ấy. Chúng ta cũng không bận tâm đến những khía cạnh hình thức của cuộc lễ như cầu nguyện đọc tụng, rung chuông v.v…Điều cần hiểu là sự gia trì có thâm ý lớn lao.

Câu chuyện kỳ diệu về hành giả tu chứng rất cao ở Ấn vào thế kỷ thứ 10 tên Tilopa và môn đệ Naropa của ông chứng minh được bản chất cốt yếu của sự gia trì trong mật tông. Đã nhiều năm, Naropa mong muốn thọ pháp gia trì từ bậc thầy Tilopa, và thường lặp lại lời thỉnh cầu. Vốn là một bậc thầy hành tung quái dị khó dò, Tilopa không bao giờ đáp ứng lời cầu xin ấy. Lúc thì ông giả vờ không nghe, lúc lại đánh trống lấp bằng cách nói những câu hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng Naropa vẫn kiên trì.

Một ngày kia sau 12 năm chung sống- trong thời gian đó Tilopa đã đặt môn đệ vào vô số tình huống thử thách đầy hiểm nguy- khi hai thầy trò đang đi bộ qua một sa mạc nóng cháy, Tilopa đột ngột tuyên bố: “Bây giờ đúng là lúc nên làm lễ nhập môn. Hãy đem cho ta một mandala!” Trong câu này thì Mandala có nghĩa là một phẩm vật hiến dâng tượng trưng cho toàn thể vũ trụ, và theo truyền thống, khi đệ tử dâng thầy một mandala để xin được nhập môn, mandala ấy phải gồm những vật quý giá và bày biện đẹp đẽ. Nhưng giữa sa mạc mênh mông chẳng có thứ gì ngoài đất cát, Naropa bèn tiểu tiện xuống đấy để có thể nắn một hình mandala thô sơ. Tilopa nhận món lễ vật quái dị ấy và ban phép “gia trì” bằng cách ném nó vào đầu đệ tử cho vỡ nát! Tâm của Naropa lúc ấy bị cuốn hút bởi lối gia trì bất thường kia một cách sâu xa đến độ ông ta nhập ngay vào một định chứng đầy phúc lạc. Rất lâu, khi cuối cùng ông xuất khỏi định chứng sâu xa ấy, thầy ông đã biến mất. Nhưng Naropa đã nhận được cái mà ông đã bao năm chờ đợi, đó là sự trao truyền tuệ giác thực thụ.

Câu chuyện này kể ra cốt để nhấn mạnh rằng một phép gia trì không phải đơn giản chỉ là nghi lễ. Hoàn toàn không phải thế. Đấy là một loại truyền thông đặt biệt giữa thầy và môn đệ; và bởi thế nó tùy thuộc rất nhiều vào sự mở lòng ra của môn đệ và trình độ tu tập của ông ta cũng như vào sự thực chứng của bậc thầy. Mối truyền thông mật thiết ấy khởi động bản chất sâu xa của chúng ta đến độ ta được thêm năng lực để thực hành không gián đoạn và viên mãn tất cả những thực chứng trên đường tu tập.

Nhiều người phương đông cũng như phương tây có những ý tưởng nhầm lẫn về lễ nhập môn hay gia trì của mật tông. Họ tưởng chỉ có việc tham gia cuộc lễ, bậc thầy sẽ làm tất cả mọi sự. “Ngài sẽ cho một điều gì đặc biệt, và tôi sẽ nhận được, miễn tôi có mặt.” Nhưng thế là quá thụ động. Sự gia trì đích thực chỉ xảy đến khi có sự tham dự tích cực của cả thầy lẫn đệ tử. Đấy là khi hai tâm hồn cùng san sẻ một kinh nghiệm. Chỉ khi điều này xảy đến ta mới có thể nói pháp gia trì đã thực sự diễn ra.

THỌ PHÁP GIA TRÌ

Thọ pháp cần nhiều điều hơn là chỉ có tham dự bằng thân xác, như đi đến một nơi nào đó vào một lúc nào đó để nhận một cái gì đó mà một người nào đó sẽ trao vào tay bạn. Thọ pháp gia trì còn là sự tham gia trực tiếp bằng cả tâm hồn. Chúng ta cần có khả năng buông xả để cho kinh nghiệm tự xảy đến, hơn là có thái độ căng thẳng, bị ám ảnh. Bởi vì sự quán đảnh – bao gồm tất cả những pháp thiền quán trong đó – là một phương pháp để dẫn ta đi vào một kinh nghiệm về sự toàn vẹn, và sự toàn vẹn này là một liều thuốc chữa trị cái tâm nhị nguyên của chúng ta đầy thói cục bộ bất mãn và cuồng tín. Qua kinh nghiệm nội tâm về pháp gia trì chân chính, mọi chướng ngại cho việc thực chứng cái Toàn vẹn đều bị loại trừ, không phải nhờ ta nghe được hay học thêm được điều gì, mà nhờ thực chứng bằng bản thân.

Thế thì tại sao chúng ta gọi đây là một phép nhập môn hay quán đảnh? Bởi vì đấy là khởi đầu của kinh nghiệm thiền, khởi sự tác động lên việc tập trung thiền quán của ta, và thâm nhập vào thực tại của mọi sự. Qua năng lực của một pháp gia trì như thế, ta xử dụng được trí tuệ, phương tiện và từ bi mà ta đã có. Đây là sự bừng dậy của những gì có sẵn.

Điều quan trọng là nhận ra mình có sẵn những đức tính trí tuệ, phương tiện thiện xảo và từ bi. Thực sai lầm khi nghĩ có người nào thiếu những đức tính ấy, nghĩ nhờ pháp gia trì họ mới nhận được những đức tính họ không sẵn có trong tận cùng bản thể. Giáo lý Phật nói chung và Mật tông nói riêng, thường nhấn mạnh rằng có một tài nguyên vô hạn về tuệ giác sâu xa và từ bi rộng lớn đã nằm sẵn trong mỗi người chúng ta. Điều cần thiết là bây giờ chúng ta phải động đến tài nguyên ấy, “cho chạy” cái năng lượng giác ngộ tiềm tàng ấy.

Để sự gia trì có kết quả, cả thầy lẫn trò đều phải tham dự trong việc tạo nên không khí thích hợp. Vị thầy có bổn phận hướng dẫn lễ gia trì sao cho nó thực thụ đánh động tâm đệ tử, và phải đủ thiện xảo và mềm dẻo để uốn nắn sự gia trì cho hợp khả năng đệ tử. Những đệ tử thì phải biết làm phát sinh một thái độ khoáng đạt, và để tâm mình trong trạng thái sẵn sàng đón nhận. Nếu quá bám vào sự vật giác quan, hoặc vướng sâu ngã ái, hoặc chấp chặt tướng ngoài của sự vật, xem chúng là thực hữu, thì sẽ không có chỗ cho thực chứng len vào tâm thức. Nhưng khi đã luyện tập đầy đủ Bồ đề tâm và chính kiến về tính không, thì đệ tử sẽ dễ dàng cởi bỏ những thành kiến để mở lòng đón nhận sự trao truyền tuệ giác.

Khi cả thầy lẫn trò đều đủ tư cách thích hợp, thì sự gia trì thấm nhuần tuệ lạc lớn lao. Thay vì tạo điều kiện để đi vào mật tông, sự gia trì trong trường hợp ấy đã giúp đệ tử ngộ đạo, thực chứng kinh nghiệm hỉ lạc siêu việt. Quả thế trong quá khứ, đã có nhiều môn đệ đạt giác ngộ ngay trong lúc thọ phép nhập môn.

Và điều quan trọng cần nhớ là, một hành giả nghiêm túc không chỉ thọ quán đảnh một lần duy nhất. Người ta có thông lệ thọ pháp quán đảnh để đi vào một pháp hành trì mật tông đặc biệt, mỗi lần như thế họ lại có thể nhận được những mức độ kinh nghiệm thực chứng càng ngày càng sâu. Bởi thế ta không nên thất vọng nếu lúc đầu thiền quán của ta chỉ dừng lại ở mức độ tưởng tượng thay vì kinh nghiệm thực thụ. Điều này cũng đã khá tốt, đừng tưởng nó không ăn thua gì. Chỉ tưởng tượng mà thôi cũng gieo được những hạt giống vào trong ruộng thức bao la của ta, và cuối cùng những hạt giống ấy sẽ phát triển thành kinh nghiệm thực thụ. Đây là một tiến trình rất tự nhiên. Bởi thế bạn phải luôn luôn cỡi mở buông thư, và hài lòng với bất cứ gì xảy đến.

PHÁP HÀNH ĐẠO SƯ DU GIÀ 

Khi đã thọ pháp nhập môn để hành trì một pháp quán đặc biệt về vị thần nào đó, ta có thể khởi tu quán hàng ngày về “sadhana” của vị thần ấy. Một trong những pháp thiền đầu tiên của “sadhana” (những chỉ dẫn từng bước để thực hành pháp thiền quán liên hệ đến một vị thần mật tông) là Đạo sư Du già, vắn tắt như sau. Quán tưởng trước mặt hoặc trên đỉnh đầu mình, vị thần thiền chính yếu của mật điển mà ta đang thực hành, hình ảnh vị ấy được vây quanh bởi những bậc thầy trong hệ phái. Những bậc thầy hệ phái này là những người đã truyền thừa giáo lý và thực chứng pháp quán ta hành trì, gồm từ sơ tổ cho đến vị thầy hiện tại, vị thầy mà ta đã thọ pháp nhập môn.

Sau đó ta khẩn cầu những thành phần trong hội chúng ấy ban cho ta niềm cảm hứng và ân phước. Đáp ứng lời thỉnh cầu này, những vị ấy tan hòa thành ánh sáng nhập vào trong ta xuyên qua đỉnh đầu đi xuống huyệt đạo trung ương (xem chương 10) và tan vào trong tim ta. Khi điều này xảy đến thì mọi danh tướng nhị nguyên phàm tình đều tan vào khoảng không trong sáng của tính không. Khi ấy ta thiền quán cái cảm giác rằng bậc thầy, vị thần, và bản tâm ta, cả ba đã trở thành một thực thể bất khả phân.

Tinh túy bậc thầy là trí tuệ, trạng thái tâm hoàn toàn trong sáng trong đó lạc và tuệ -sự thực chứng Tính Không- chỉ là một. Bởi thế khi quán tưởng vị thầy tan vào trong tim mình, ta phải có cảm giác một dấu ấn bất khả hoại của trí tuệ ấy đang ấn sâu vào đáy tim ta. Từ giây phút ấy về sau, ta phải thường xuyên nhớ lại kinh nghiệm nội tâm này về đại lạc và trí bất nhị, dù có gặp hoàn cảnh nào đi nữa. Nếu chính niệm về kinh nghiệm nội tâm này suy giảm, ta sẽ dễ dàng rơi vào ảnh hưởng của kinh nghiệm giác quan thô động, và hỉ lạc nội tâm về trí bất nhị cuối cùng sẽ hoàn toàn tan biến.

Khi quán tưởng bậc thầy mình như vị thần thiền, ta nên đặc biệt nghĩ đến lòng tử tế và sự quan tâm của thầy đối với ta. Nói đơn giản, mặc dù vị thầy như trời thần ấy không phải là cha, mẹ, hay người thân của tôi, vị ấy đã lo cho tôi không khác gì những người thân ấy. Dường như thầy chỉ hiện hữu vì tôi, cho tôi có thể phát triển một thân tâm lành mạnh thù thắng. Đấy là cách ta nên nghĩ về vị thầy như trời thần khi thiền quán.

Nhờ quán tưởng theo cách trên, nghĩ đến sự tử tế của thầy đối với ta, mà một giây liên hệ mãnh liệt được thiết lập. Thay vì quán một hình ảnh mơ hồ không có tính người, ta quán bản chất vị thần không khác gì bậc thầy từ bi vô lượng của ta. Bằng cách ấy một cảm giác thân thiết vô cùng sẽ phát sinh. Do cảm giác mật thiết này, và cũng vì vị thần được quán thành một thực thể ánh sáng tuyệt đẹp, mà cảm hứng có thể đến với bạn rất nhanh. Sự quán tưởng của bạn như nam châm cuốn hút cảm hứng và phúc lạc, nhờ vậy bạn có thể khai triển những thực chứng. Chung quy đây là toàn thể mục đích của pháp hành trì đạo sư du già. Mục đích của sự nhìn thấy bậc thầy dưới hình dạng cao siêu thù thắng hoàn toàn không cốt để làm lợi cho bậc thầy- một bậc thầy chân chính không cần gì đến sự tôn vinh ấy- mà chỉ cốt để thúc nhanh sự tiến bộ tâm linh của ta.

LIÊN TỤC NHẬN RA TÍNH NHẤT THỂ 

Thấy bậc thầy, vị thần và bản tâm ta là một thực thể duy nhất, không phải là điều chỉ cần làm trong thời thiền quán. Ta phải thực hành đạo sư du già- tự đồng hóa với Phật tính cốt tủy của bậc thầy- trong mọi lúc của đời ta. Thay vì nghĩ đến cái tâm bất mãn khốn khổ của mình, ta nên nhận chân Nhất thể giữa bản tâm ta với bậc thầy bên trong. Khi tâm chấp ngã khởi lên, thì thay vì thêm nhiên liệu cho nó bằng cách lao mình vào tâm trạng mê muội, ta nên cố nhận ra tâm ấy có bản chất Thầy-Phật, đó là pháp thân (xem chương 10). Khi ấy năng lượng của tâm mê được xử dụng để chuyển thành trí tuệ. Đây là giáo lý nổi bật của mật tông.

Nhưng muốn thành tựu sự chuyển hóa sâu xa này, ta phải liên tục thực hành đạo sư du già. Phải thân thiết với lối nhìn bậc thầy, vị thần và bản tâm mình cốt lõi chỉ là một. Tác phẩm Cúng dường đạo sư nói: “Ngài là bậc thầy, là thần nam, thần nữ, thần hộ pháp.” Để giải thích điều này ta có thể mượn hình ảnh Kitô giáo, một truyền thống tâm linh dựa trên hiện hữu của một thượng đế duy nhất, một thực tại tuyệt đối. Mặc dù thượng đế thể hiện dưới ba phương diện Cha, con và thánh thần, tinh túy thượng đế chỉ là một, đó là nguyên lý Toàn thể. Tương tự, mật điển nói đến nhiều vị thần khác nhau, nam thần, nữ thần, thần hộ pháp…, nhưng có lúc tất cả những thực thể này phải được xem như một tổng thể duy nhất. Khi đã thực chứng toàn thể tiềm năng nội tâm, thì chính bạn trở thành một vị Phật. Đấy là mục đích tối hậu của đạo sư du già.

ĐỘNG ĐẾN TIM NHỜ CẢM HỨNG

Vấn đề của chúng ta là thông thường, sự hiểu biết tôn giáo chỉ nằm trong đầu óc, không phải trong tim ta. Chúng ta hãnh diện đã nghiên cứu, nắm vững triết lý và thực hành của nhiều tôn giáo hoàn cầu, nhưng thâm tâm ta vẫn mê muội, không được điều phục. Những người Tây tạng thường nói: “Bơ là để thuộc da, nhưng cái bình da đựng bơ vẫn cứng trơ không nao núng.” Tri kiến tâm linh là cốt để giảm bớt thành kiến hạn cuộc, khắc phục mê muội. Thế nhưng người ta có thể hiểu biết nhiều về tôn giáo mà vẫn không thay đổi chút nào nhờ hiểu biết ấy. Nghiên cứu vấn đề tâm linh bằng tri thức thì trái tim ta vẫn bất động, không ảnh hưởng gì.

Chúng ta thiếu một nguồn cảm hứng hay sự gia trì cho tâm ta. Ta cần được thuyết phục bằng kinh nghiệm sống động về một thực tại tâm linh mãnh liệt cùng hiệu lực của nó, trong ta và ngoài ta. Nếu không, con mắt tuệ của ta vẫn khép lại, không thể thấy được thực tại sâu xa dù có nghiên cứu bao nhiêu sách vở.

Như chúng ta đã nói, chính bậc thầy là người cung cấp nguồn cảm hứng cần thiết ấy, cung cấp mối liên lạc giữa tâm ta và kinh nghiệm tâm linh thực thụ. Trong lối hành xử của bậc thầy, ta có thể trông thấy tận mắt những hiệu quả tốt lành của sự luyện tâm theo từ bi và trí tuệ. Nhờ nghĩ đến cuộc đời tận tụy của thầy ta đối với mọi người, không chút ngã ái, cũng như nghĩ đến nhiều đức tính khác nơi thầy, rồi nhờ tan hòa hệ phái của thầy vào tim ta, mà ta có thể thấm nhuần những đức tính giác ngộ. Nhiều thế hệ bậc thầy đã kinh nghiệm rằng thực hành những pháp quán ấy, đồng thời buông bỏ ngã chấp, sẽ có hiệu quả sâu xa, chuyển hóa được tri thức khô khan thành tuệ giác.

Khi thực hành đạo sư du già, cần phải kiên nhẫn tiến hành tuần tự, không nên miễn cưỡng làm cho xong việc. Nhất là việc xem thầy như vị thần trong thiền quán. Trong thực tế ta không thể đồng nhất như vậy, nếu chưa phát triển được phần nào những đức tính của vị thần trong chính tâm ta. Bởi thế không nên gắng gượng. Nếu sự tu tập những kỷ thuật mật tông sâu xa này mà phải thoái hóa thành một lễ tục bắt buộc, thì thật là điều quá tệ, không khác nào chỉ đi nhà thờ vì tục lệ xã hội bắt buộc. Để tránh điều này, ta phải làm cho việc tu tập phát triển từ từ. Cuối cùng khi đã quen thuộc với bản chất của tâm, với những đức tính của bậc thầy, với hiệu nghiệm của việc quán tưởng vị thần bằng ánh sáng, ta sẽ bắt đầu cảm thụ được sự thâm thúy của Đạo sư du già.

BỎ THÓI QUEN CHẤP TƯỚNG

Những pháp hành mật tông chẳng những giúp ta hết lệ thuộc khoái lạc giác quan, mà còn khỏi thói chấp tướng và các khái niệm phàm tình. Từ vô thủy đến nay, ta đã bị “tẩy não” để tin cái thế giới thuộc cảm quan là tuyệt đối có thực. Bây giờ tu mật tông là ta cố phá hủy thói quen thâm căn cố đế này. Việc ấy không phải dễ; trí chân không còn ấu trĩ nơi ta rất dễ dàng bị sự áp đảo của cái biết thô thiển thuộc giác quan. Cũng như nhà khoa học đã biết cái bàn chỉ là một tập hợp tạm thời của những năng lượng không ngừng chuyển động, nhưng trên thực tế ông lại thấy nó là vật thể tĩnh và đặc. Bởi thế ta cần thường xuyên thực hành quán chiếu để đánh tan quan niệm sai lầm về tính thực hữu của các pháp, tăng cường chính kiến về bất nhị.

Một khó khăn lớn là ta dễ chấp nhận thực tại thuộc kinh nghiệm giác quan hơn là thực tại do quán tưởng. Ta thường nghĩ: “Tôi có thể quán thân mình thành ánh sáng, song đây chỉ là một trò chơi của tâm tôi. Nó không có thực, trong khi thân vật lý của tôi thì có thực; tôi có thể sờ chạm nó, thấy nó trong gương.”

Ta cần tập coi những kinh nghiệm do tưởng tượng không khác gì những kinh nghiệm giác quan. Cả hai chỉ hiện hữu với cái tâm đang kinh nghiệm chúng, không có thực tại tối hậu, tự tồn. Nhưng chỗ khác nhau là : kinh nghiệm giác quan phàm tình tiếp tục trói buộc ta vào chu kỳ khổ đau bất mãn, còn kinh nghiệm do thiền quán đưa chúng ta đi sâu vào tầng vi tế của bản thể. Với tâm rất vi tế bằng ánh sáng trong suốt này, ta có thể phá vỡ ngục tù khái niệm phàm tình, và kinh nghiệm được hạnh phúc bất tận của toàn giác.

Nếu chưa từng nếm vị phúc lạc của bản tâm và chưa từng thấy tận mắt làm thế nào để đạt đến trạng thái tỉnh giác và khoáng đạt sâu xa vượt ngoài cảm nghĩ, thì dĩ nhiên bạn rất hoài nghi. Có lẽ bạn nghĩ rằng niềm vui bạn có khi được ăn kem chẳng hạn là có thực, còn bất cứ hỷ lạc nào bạn có thể cảm nghiệm trong thiền định chỉ là ảo tưởng. Cách duy nhất để vượt qua hoài nghi này là tập quen thuộc với thực tại nội tâm của mình cho đến khi nó thành một thực tại không thể chối cãi. Và nhờ thực hành đạo sư du già và những phương pháp chuyển hóa kế tiếp, ta có thể quen thuộc với tính phúc lạc sâu xa của tâm ta.

Lama Thubten Yeshe 

Việt ngữ: Thích Nữ Trí Hải 

Nguyên tác: Introduction to Tantra – Biên tập: Jonathan Landaw

Nghiệp Cũ

Ngày xưa tại Kashmir có một tu sĩ Phật giáo tên Mirathi. Nhờ tu tập thiền định lâu ngày, Mirathi có một số năng lực đặc biệt. Học trò của Mirathi kể là ông có thể đứng trên không và xuất hiện một lúc ở nhiều nơi khác nhau. Ông có tài đọc ý nghĩ của người khác, kể tiền kiếp của người ta ra hoặc đoán biết những gì sắp xảy ra. Mirathi kiên trì giữ quy định của tu sĩ Phật giáo là bất bạo độngăn chay trường. Sau buổi trưa Mirathi không ăn bất cứ thứ gì nữa cho đến sang ngày hôm sau.

Một ngày nọ Mirathi nhóm bếp trong túp lều của mình và đổ vào đó các loại đất đỏ, đất vàng để làm màu nhuộm áo. Vị tu sĩ già đang ngồi khuấy nồi nước thì có một đám nông dân đi qua, tìm hỏi một con bò chạy lạc. Một nông dân nhìn nồi nước và la lên: “Bây có thấy mấy miếng thịt đỏ, thịt vàng này không. Tên già này đã bắt con bò làm thịt và đang nấu nồi súp”. Các nông dân khác không cần hỏi dài dòng, chụp đầu Mirathi đang im lặng không nói lời nào và lôi cổ ông về làng. Vị liên trưởng trong làng kết tội Mirathi ngay đêm hôm đó, không cần biết đầu đuôi. Người tu sĩ bị xiềng hai chân, nhốt trong căn hầm tối tăm. Mặc dù học trò của Mirathi kêu oan nhưng người ta vẫn xem là có tội, vì ông không nói lời gì minh oan, rõ là một sự thú nhận.

Vài ngày sau, một kẻ chăn trừu tìm được con bò bị thất lạc. Một đám đông ồn ào lập tức tới nhà niên trưởng đòi thả ngay Mirathi. Vị niên trưởng né tránh trách nhiệm, giao cho cấp dưới thi hành và cấp dưới cho rằng không phải trách nhiệm của mình rồi lại giao cho người thứ ba, thứ tư. Cứ thế mà không ai giải quyết cả. Mirathi cứ chịu cảnh tù ngục như thế, các đệ tử nộp đơn kiện đến nhà vua. Sáu tháng sau, một học trò mới gặp được nhà vua và trình bày sự tình, một người vô tội bị giam giữ vì không người nào thấy có trách nhiệm thả ra. Nhà vua hoảng sợ khi nghe câu chuyện, vì ông là người tin nơi luật nhân quả mà người Ấn Độ gọi là “Karma”. Ông tưởng tượng một vị tu sĩ ngồi tù oan ức, thậm chí chết oan và các người có liên quan phải nhận lãnh hậu quả trăm lần. Vương quốc của ông chắc là phải chịu thiên tai bệnh tật. Ngay tức khắc vua ra lệnh thả vị tu sĩ và đưa về kinh đô. Mirathi gầy mòn chỉ còn bộ xương, được hai người học trò dìu tới trước mặt vua. Vua đã cho để sẵn ghế ngồi để tu sĩ không quỳ trước mặt mình. Vua hỏi: “Làm sao chúng ta có thể chuộc lại lỗi lầm này? Làm sao ta có thể xin ngài tha thứ cho? Hay ta cho tất cả những người liên quan đều chịu lại hình phạt này?”

“Không”, Mirathi đáp bằng giọng nói chắc chắn, “Xin ngài đừng trừng phạt ai cả. Tôi phải chịu trách nhiệm về cái khổ của tôi và tôi vui lòng chịu đựng. Không ai trốn khỏi nghiệp đuợc cả. Và như ngài biết, khổ chính là kết quả tất nhiên của những hành động sai trái”. Nhà vua ngạc nhiên hỏi: “Tại sao một tu sĩ cao thượng như ngài mà còn chịu khổ?” Mirathi giải thích với quần thần rằng, trong một kiếp xa xưa, ông là một tên gây nhiều tội nghiệtĐặc biệt có một lần ông ăn trộm một con bò. Bị dân làng đuổi theo, ông chạy vào sân của một ông già, để bò lại đó và trốn thoát. Ông già bị lên án và bị giam đói sáu ngày liền.

“Vô số đời sống đã trôi qua từ đó”, Mirathi nói, “vô số lần tái sinh đã để ta trả món nợ này. Nhưng chỉ đến đời này, ta mới lấy được vị trí của ông già nọ và để tự mình sống được cái cảm giác vô tội mà bị kết án thì như thế nào. Ác nghiệp của ta như thế đã xong và ta không có gì hơn là lòng biết ơn sâu xa đối với các người liên quan và không bao giờ có cảm giác hận thù ai”.

Nói xong, Mirathi cúi đầu chào và trở lại khu rừng mà cách đó sáu tháng người ta đã bắt ông. Sau đó ông trở thành A-la-hán, là người đã vượt qua tác động của nghiệp và là người không phải thực hiện điều gì trên cõi đời này nữa.

Surya Das
Việt dịch: Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Sư tử tuyết bờm xanh

Đảo Chiều Tư Duy

Cơ bản mà nói, tất cả mọi người, mọi loài đều cho rằng mình đương nhiên phải được hưởng phúc hưởng vui. Khi đời sống va vấp phải đau khổ hay vướng chuyện không may, người ta hay quy rằng có cái gì đó bất ổn. Chuyện không có gì to tát nếu quý vị không nhào ra làm hết chuyện này chuyện kia, bất chấp phải tranh dành đấu đá, cốt để cảm thấy dễ chịu trở lại mỗi khi không vừa ý, không thoải mái.

Giáo lý nhà Phật dạy rằng, khổ là điều chẳng thể tránh được trong đời người. Thứ nhất, không ai trốn thoát được hiện thực của chết. Kế đến là những sự thật khác như già yếu, bệnh tật, điều mong cầu thì chẳng đến, điều không muốn cứ phải gặp hoài. Những chướng ngại như vậy là hiện thực của đời sống này. Ngay cả quý vị là Phật, là người đã chứng đắc giác ngộ viên mãn thì cũng vẫn phải kinh nghiệm già, bệnh, chết và nỗi đau xót khi mất đi người thân. Tất cả những thứ này chắc chắn sẽ đến. Nếu quý vị cứ dằn vặt day dứt thì sẽ đau khổ lắm.

Nhưng giáo pháp Phật dạy cũng nói rằng thật sự không phải là vì những điều gây ra đau khổ phiền não cho quý vị trong đời sống này đâu. Cái gây ra đau khổ chính là vì chúng ta luôn luôn tìm cách trốn tránh những sự thật hiển nhiên của đời sống, luôn cố tránh khổ tìm vui – chúng ta cứ cho rằng có sự hiện diện của một thứ an bình phúc lạc đời đời vĩnh cửu miễn là ta luôn làm mọi việc cho đúng.

Ngay trong đời này, quý vị có thể tự giúp mình và giúp thế gian này nhiều lắm đồng thời đảo chiều lối tư duy cũ kỹ. Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, Thánh giả Tịch Thiên đã chỉ ra rằng đau khổ rèn giũa chúng ta nhiều vô kể. Nếu biết nắm lấy cơ hội khi đối diện khổ đau thì khổ đau sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm lời giải đáp. Rất nhiều người, kể cả tôi, đã gia nhập con đường tâm linh vì những đau khổ sâu thẳm. Đau khổ dạy cho con người ta biết đồng cảm với những kẻ cùng cảnh ngộ với mình. Không những thế, đau khổ dạy chúng ta biết sống khiêm nhường. Ngay cả người kiêu căng nhất cũng phải mềm lòng lúc phải xa rời mất mát người thân.

Tuy vậy, về cơ bản ai cũng muốn mọi việc luôn phải thuận buồm xuôi gió và hễ bắt đầu thấy trầm uất, đơn độc hay thiếu thốn là nghĩ rằng mình đã phạm lỗi gì đó hay lầm lạc gì đó. Thật ra, khi quý vị cảm thấy trầm uất, cô đơn, bị phản bội hay bất kỳ một cảm giác không mong muốn nào, thì đây chính là thời khắc trọng yếu của con đường tâm linh. Đây chính là điểm mà sự chuyển hóa thật sự có thể xảy ra.

Chừng nào quý vị còn bị vướng kẹt trong sự kiếm tìm cái chắc thật và cái vui sướng hơn là biết trân quý hương vị và giá trị của những điều đang thực sự diễn ra, chừng nào quý vị còn muốn trốn chạy khỏi những bức bối khó chịu, thì quý vị sẽ còn vướng kẹt trong trận đồ của vô số khổ sở, phiền não và bất toại nguyện, và rồi quý vị sẽ cảm thấy yếu đuối dần đi. Nhận biết được điều này sẽ hỗ trợ cho chúng ta phát triển nội lực.

Và điều thật sự đáng mừng là tư duy về nội lực luôn thường trực trong mỗi chúng ta ngay đúng tại thời điểm ta nghĩ rằng mình đang trong tình trạng thê thảm, bi đát nhất. Thay vì tự nhủ “Làm sao tìm lại được cái vui sướng, cái an toàn?” chúng ta có thể tự hỏi: “Liệu mình có thể chạm đến tầng sâu nhất của nỗi đau này không? Mình có thể ngồi lặng yên với nỗi đau này mà không cần cố sức xua đuổi nó không? Mình có thể hiện hữu cùng với nỗi đau mất mát hay nỗi đau của nhục nhã – mọi ê chề đủ kiểu – và để chúng được cởi mở với mình chăng?” Cái mẹo nằm ở chỗ này.

Có rất nhiều cách nhìn nhận những sự việc xảy ra khi cảm thấy bị đe dọa. Những lúc trầm cảm – vì uất ức, cáu giận hay vì thất bại, quý vị có thể nhận thấy mình bị mắc bẫy và shenpa nổi lên như thế nào. Cách dịch nghĩa thông thường của từ shenpa là “dính mắc” nhưng cách dịch này chưa diễn tả đầy đủ nghĩa trọn vẹn. Tôi cho rằng ý nghĩa của shenpa là “bị mắc câu”. Một định nghĩa khác mà Dzigar Kongtrul Rinpoche hay sử dụng, đó là “cái sạc điện” – cái sạc điện phía sau ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta, cái nạp điện đằng sau cái “ưa” và cái “không ưa.”

Dịch chuyển sự tập trung và quan sát xem mình đã dựng lên rào chắn như thế nào cũng có ích. Những lúc như thế, chúng ta có thể quan sát xem mình đã thoái luivị kỷ ra sao. Chúng ta trở nên khô cứng, chua chát, e dè; chúng ta co cụm hoặc đông cứng vì sợ hãi nên càng bị đau khổ hành hạ. Theo lối mòn cũ, chúng ta tự động dựng lên bức tường che chắn và tính ích kỷ càng được gia cố.

Nhưng đây cũng chính là thời điểm quý vị có thể hành động khác đi. Ngay tại đó, bằng thực hành, chúng ta có thể làm quen với những rào chắn tự dựng lên trong lòng mình và xung quanh toàn bộhiện hữu của mình. Chúng ta có thể trở nên thân thiết từ ái với sự trốn chạy, chán chường và đông cứng của chính mình. Và sự gần gũi cởi mở dẫn đến sự thấu hiểu những rào cản sẽ chính là cái bắt đầu tháo dỡ chúng ra. Điều tuyệt diệu là khi chúng ta có mặt trọn vẹn với chúng, các rào cản sẽ tự bung gãy.

Xét cho cùng, tất cả các thực hành mà tôi đề cập ở đây đơn giản là những phương pháp chúng ta có thể tháo dỡ bức tường che chắn. Dù là học cách giữ chánh niệm bằng cách ngồi thiền, nhận thức sự bám luyến hay thực hành kham nhẫn, thì đấy chính là các phương pháp để tháo dỡ bức tường mà chúng ta đã tự dựng lên.

Khi quý vị tự dựng lên bức tường che chắn thì khái niệm về “ta” tách biệt với “người” ngày một mạnh mẽ hơn. Lúc rơi vào cảnh ngộ khó khăn chướng ngại, nếu không tự dựng lên lớp tường chắn thì toàn bộ tình thế có thể xoay chuyển; chỉ đơn giản mở lòng đón nhận những khó khăn thử thách, đón nhận những cảm giác mình đang phải trải qua, đơn giản đừng độc thoại với bản thân về những gì đang xảy ra. Đó đã là một bước tiến triển rồi đó. Trở nên gần gũi với những phiền muộn đau khổgiải đáp cho sự thay đổi trong hiện hữu cơ bản của chúng ta – cởi mở với mọi việc chúng ta trải nghiệm, để cho gai nhọn của những lúc khốn cùng đâm xé tim mình, hãy để những thời khắc ấy khai mở cho chúng ta, khiến chúng ta khiêm nhường hơn, minh mẫn hơn và quả cảm hơn. Hãy để những chướng ngại khó khăn chuyển hóa chúng ta. Chúng sẽ thay đổi ta. Từ trải nghiệm của mình, chúng ta chỉ cần học cách đừng trốn chạy.

Nếu ta sẵn sàng cố gắng có mặt với nỗi đau của mình thì một trong những trợ giúp tuyệt diệu nhất có thể tìm thấy chính là trưởng dưỡng được sự ấm áp và giản dị của tâm Bồ đề. Cụm từ tâm Bồ đề có rất nhiều cách diễn dịch, nhưng có lẽ cách diễn dịch thông dụng nhất là “tâm tỉnh thức.” Cụm từ này đề cập đến ngưỡng nguyện muốn tự giải thoát khỏi trói buộc của vô minh và vọng tượng nhằm giúp được người khác cũng làm được như vậy. Đặt giác ngộ cá nhân trên một bình diện rộng hơn, thậm chí trên bình diện toàn cõi thế gian, sẽ tạo ra sự khác biệt to lớn. Tâm Bồ đề ban tặng cho chúng ta một tri kiến bao la hơn về nguyên nhân vì sao ta lại muốn thực hiện công việc thách thức này.

Có hai loại tâm Bồ đề: tâm Bồ đề tương đối và tâm Bồ đề tuyệt đối. Tâm Bồ đề tương đối bao hàm lòng từ ái và maitri. Thầy Chogyam Trungpa dịch từ maitri theo nghĩa là “sự thân thiếtđiều kiện với bản thân”. Sự thân thiếtđiều kiện có nghĩa là chúng ta có một mối tương giao công bằng với mọi phần hiện hữu của chính mình. Vì vậy, trong hoàn cảnh phải đối diện với đau khổ, chúng ta có thể thiết lập được mối quan hệ thân thiết, từ ái với những phần trong con người mình, những phần mà ta vốn thường không muốn chạm tới.

Một số người thấy chia sẻ của tôi có chút lợi ích vì tôi khuyến khích họ đối xử từ ái với bản thân, nhưng điều này không hàm nghĩa là chúng ta vuốt ve bản tính điên khùng của mình. Lòng từ ái mà tôi học được từ những vị thầy và tôi hết lòng mong muốn chuyển tải đến mọi người chính là sự độ lượng từ ái đối với mọi phần trong hiện hữu của chúng ta. Những phần khó tha thứ nhất lại chính là những phần đau đớn nhất, những phần khiến chúng ta cảm thấy hổ thẹn, như thể ta không thuộc về chúng, như thể ta vừa đập chúng đi khi mọi thứ tan nát hết. Maitri có nghĩa là từ ái với chính mình khi mình chẳng còn có gì cả, khi mình sa cơ thất thế. Và điều này trở thành nền tảng để trải rộng tình thân thiết điều kiện với những người khác. Nếu luôn khước từ mọi phần của chính mình, lại còn cảm thấylý do để chối bỏ chúng, thì quý vị sẽ luôn luôn bỏ chạy khỏi bất kỳ điều gì khiến quý vị cảm thấy bất an.

Có bao giờ quý vị để ý xem những phần bên trong này được chạm đến? Ta càng hiểu rõ một người hay một hoàn cảnh nào đó thì cảm xúc càng trào dâng. Thường thì mối quan hệ ban đầu bao giờ cũng tốt đẹp cả nhưng khi quan hệ đó trở nên thân mật gần gụi hơn và bắt đầu làm quý vị nổi đóa, rồi quý vị chỉ muốn trốn thoát ra khỏi đó.

Do vậy tôi muốn nói với quý vị rằng con đường dẫn đến sự bình yên ở chính nơi đây, ngay khi quý vị muốn bỏ chạy. Quý vị có thể lèo lái đời mình không để bất cứ cái gì liên lụy vào, song nếu quý vị thật sự muốn sống một cuộc đời trọn vẹn, nếu muốn sống dấn thân, muốn thiết lập quan hệ với người khác, với loài vật, với đời sống thế gian thì chắc chắn quý vị sẽ phải trải nghiệm những cảm xúc khó chịu, bực tức và dính mắc chứ không chỉ kinh nghiệm những cảm giác vui tươi hạnh phúc. Thông điệp ở đây là: khi những cảm xúc như thế trỗi dậy thì đó không phải là thất bại gì cả mà đó chính là cơ hội để rèn luyện tinh thần maitri, tức là sự thân thiết từ áiđiều kiện với con người vừa hoàn thiện vừa bất hoàn thiện của quý vị.

Tâm Bồ đề tương đối cũng bao hàm lòng từ bi tỉnh giác. Một trong những hàm nghĩa của từ bi là “cùng đau khổ”, sẵn sàng cùng chịu đau khổ cùng với người khác. Điều này có nghĩa là quý vị càng chấp nhận tổng thể sự tồn tại của mình đến mức độ nào – sự phán xét của quý vị, cảm giác thất bại của quý vị cho đến cảm giác tự xót xa bản thân, sự trầm uất, tâm giận dữ, đam mê nghiện ngập – thì quý vị sẽ càng kết nối được với người khác từ cái tổng thể đó. Và đó sẽ là mối quan hệ bình đẳng. Quý vị sẽ có thể cảm được cái đau cái khổ của người khác như của chính mình. Quý vị sẽ cảm được nỗi đau của chính mình và hiểu rằng nỗi đau ấy cũng là nỗi đau chung.

Tâm Bồ đề tuyệt đối, còn được gọi là Shunyata, là một chiều không gian mở cho sự tồn tại của chúng ta, đó là tâm thức hoàn toàn rộng mở. Không còn lớp vỏ giữa “người” và “ta”, giữa “bạn” và “thù”, tâm Bồ đề tuyệt đối luôn luôn hiện hữu ở nơi đây. Trưởng dưỡng tâm Bồ đề tuyệt đối nghĩa là có mối quan hệ với một thế giới không còn ràng buộc bởi khái niệm, không bị phán xét, một mối quan hệ với hiện thực một cách trực tiếp, không bị bóp méo chỉnh sửa.

Đó chính là giá trị của thực hành thiền định. Quý vị được huấn luyện luôn luôn quay trở về với thực tại chân thực. Bất kỳ ý niệm nào khởi lên trong tâm, quý vị đều quán chúng với tâm xả bình đẳng và học cách làm chúng tan biến. Không cần phải chối bỏ những niệm tưởng và cảm xúc giấy khởi, thay vào đó chúng ta bắt đầu nhận thức rằng ý nghĩcảm xúc không hiện hữu chắc có như chúng ta vẫn thường nghĩ.

Để luyện tập lòng từ bi vô điều kiện cần phải có sự dũng cảm để tập “chịu đau khổ cùng người khác”, cần có lòng quả cảm để sống cùng với phiền não khi chúng xuất hiện mà không bỏ chạy hoặc dựng lên những bức tường ngăn cách. Cần có lòng quả cảm để không bị mắc câu và bị lôi tuột đi. Khi làm được điều này, chứng được tâm bồ đề tuyệt đối, kinh nghiệm được tâm thức con người thực sự có thể rộng mở và không vướng bận như thế nào sẽ bắt đầu khai mở cho chúng ta. Từ việc bắt đầu trở nên thoái mái, thanh thản hơn với những thăng trầm của đời người, sự chứng ngộ sẽ ngày một mạnh mẽ hơn.

Chúng ta bắt đầu nhìn kỹ vào khuynh hướng tự nhiên là hay sa đà vào sự bám luyến, tách rời mình với người, thu rút vào bên trong và tự dựng lên những bức tường ngăn cách. Khi làm quen dần với những khuynh hướng này, chúng sẽ từ từ trở nên dễ nhận biết hơn và quý vị sẽ nhận thấy thật ra tồn tại những khoảng không gian, những khoảng không gian bao ladễ chịu. Song điều này không có nghĩa là quý vị sẽ luôn được sống trong phúc lạc và sự dễ chịu vĩnh cửu. Trong không gian đó còn có cả khổ đau.

Chúng ta vẫn có thể bị phản bội, bị hận thù. Chúng ta vẫn có thể cảm thấy buồn rầu, bối rối. Nhưng cái ta sẽ không phạm phải là bị mắc câu. Những điều dễ chịu ở đó, những điều khó chịu cũng ở đó, những thứ bình thường cũng ở đó. Điều mà chúng ta từng bước phải học là đừng bao giờ trốn chạy khỏi sự có mặt trọn vẹn. Chúng ta cần phải luyện tập từng bước sơ khởi như vậy là vì đau khổ trải rộng khắp thế gian này. Nếu không tự rèn luyện từng chút một, từng khoảnh khắc một để vượt qua nỗi sợ hãi khổ đau thì khả năng trợ giúp sẽ rất hạn hẹp. Khả năng giúp chính mình cũng hạn hẹp mà giúp người càng hạn hẹp. Vì thế, hãy bắt đầu với chính mình, như chính mình, ngay bây giờ và ở đây.

Bài giảng trích từ Tạp Chí Lion Roar, Tháng 11/2016

Ni sư Pema Chodron sinh quán tại Mỹ năm 1936, bà tốt nghiệp Đại học California, Berkeley chuyên ngành Văn chương Anh. Ni sư thọ giới Sa di ni năm 1974 khi tu học với Lama Chime Rinpoche tại London. Sau đó bà được thụ phong Tỳ Kheo Ni trước sự chứng kiến của Thánh Đức Karmapa đời thứ XVI khi Ngài đến hoằng pháp tại Anh. Năm 1972, Ni sư Pema Chodron lần đầu gặp Đạo sư gốc của mình là Chogyam Trungpa Rinpoche, vị Thầy mà bà cảm nhận có một kết nối sâu sắc. Bà tu học dưới sự dẫn dắt của Chogyam Trungpa Rinpoche từ năm 1974 cho đến khi Ngài viên tịch năm 1987. Ni sư từng là giáo thọ tại Thiền viện Tushita, Dharamsala, Ấn Độ. Hiện nay, bà đang giảng dạy tại Mỹ và Canada và là nguồn cảm hứng đối với hàng trăm ngàn Phật tử Kim Cang thừa. Bà cũng là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng đã được dịch sang tiếng Việt như: Sống Đẹp Giữa Thế Gian Đầy Biến Động, Tự Tại Giữa Vô Thường, Hành Thiền Như Thế Nào, Sống Đời Từ Ái….

Ni sư Pema Chodron

Việt dịch: Chân Như chuyển
Bài giảng trích từ Tạp Chí Lion Roar, Tháng 11/2016

Thi kệ chính về sáu trung ấm

Bài thơ gồm bảy khổ được tìm thấy trong tác phẩm Bardo Thodol, còn được biết đến với tên tiếng Anh là The Tibetan Book of the Dead – Tử Thư Tây Tạng, do Đạo Sư Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) trước tác vào thế kỷ thứ 8, được vị phối ngẫu Yeshe Tsogyal của Ngài ghi chép lại và được vị khai mật tạng vương Karma Lingpa tìm thấy vào thế kỷ thứ 14. Bản dịch “Thi kệ chính về sáu trung ấm” này là của Chogyam Trungpa và Francesca Fremantle.

1. Trung ấm cuộc sống (shinay bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Cuộc Sống đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mọi lười biếng – chúng không có chỗ trong cuộc đời này,

Nhất tâm dấn bước trên con đường học hỏi suy tư và thiền định,

Đưa các vọng tưởng và tâm thức vào đường tu để nhận chân ra ba Thân Phật:

Giờ đây khi con đã có được thân người,

Trên con đường tu tập sẽ không có thời gian để tâm thức lang thang.

2. Trung ấm giấc mộng (milam bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Giấc Mộng đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ việc ngủ như xác chết đầy vô minh và bất cẩn,

Và sẽ đưa những niệm tưởng vào trong trạng thái bản nhiên không tán loạn,

Kiểm soát và chuyển hoá giấc mộng trong tánh sáng soi,

Con sẽ không ngủ như súc vật,

Mà hoàn toàn hợp nhất giấc ngủ với thực hành Pháp.

3. Trung ấm thiền định (samten bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Thiền Định đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mớ bòng bong những niệm tưởng phóng tâm và lẫn lộn,

An trụ trong trạng thái bao la không bám chấp hay tán loạn,

Kiên định trong hai pháp tu: quán tưởng [sinh khởi] và viên thành,

Trong thời thiền này với sự nhất tâm siêu vượt hoạt động,

Con sẽ không để sức mạnh của những cảm xúc mê lầm sai xử con.

4. Trung ấm cận tử (chikkai bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Cận Tử đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mọi bám chấp, mong mỏi và luyến ái,

Nhất tâm tỉnh giác nhớ về giáo huấn,

Và phóng tâm thức của mình vào trong cảnh giới tâm vô sinh;

Khi rời bỏ tấm thân giả hợp gồm thịt và máu này,

Con sẽ hiểu rằng thân đó là một huyễn hoá phù du.

5. Trung ấm Pháp tánh (chonyid bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Pháp Tánh ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mọi niệm tưởng sợ hãi hay hoảng loạn,

Sẽ nhận biết rằng bất cứ điều gì xuất hiện cũng là phản chiếu của chính [tâm] mình,

Và hiểu ra rằng đó là thị kiến của thân trung ấm;

Giờ đây khi con đã gặp thời khắc vô cùng quan trọng này,

Con sẽ không hoảng sợ khi đối diện các vị Bổn tôn an bình và phẫn nộ,

Các ngài chính là sự phản chiếu của chính [tâm] con.

6. Trung ấm trở thành (tái sinh) (sidpa bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Tái Sinh đang ló dạng trong con,

Con sẽ nhất tâm chánh định,

Nỗ lực trì giữ những kết quả của thiện nghiệp,

Đóng cánh cửa đi vào thai tạng và nghĩ đến sự kháng cự [việc đầu thai vào trong luân hồi] ;

Thời điểm này con cần kham nhẫn và khởi niệm thanh tịnh,

Loại bỏ đố kỵ và thiền định về Đạo Sư với vị phối ngẫu.

7. Khoảnh khắc hiện tại

Với tâm thức lan man không hề nghĩ đến cái chết ngày một đến gần,

Con tham gia vào các hoạt động vô nghĩa,

Để rồi ra đi trắng tay – [chao ôi]  thật là sự mê lầm tột độ.

Giáo Pháp siêu việt cần phải được thấu đạt,

Vậy tại sao con không thực hành Pháp ngay lúc này?

Những điều này được thốt ra từ khẩu những người trí:

“Nếu con không ghi khắc giáo huấn của Đạo Sư trong tim,

Thì con chẳng phải là kẻ dối lừa chính mình hay sao?”

Đức Liên Hoa Sinh
Nguồn: Giáo huấn về sáu trung ấm

Đời sống bình đẳng

Năm 1982, Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 đi Pháp để tham dự một hội nghị hòa bình. Trong một buổi tiếp tân, Ngài chuyện trò với Pawo Rinpoche, một Lạt-ma đã già, về vị Gyalwa Karmapa, là vị từ trần trước đó không lâu. Cả hai vui vẻ nhắc lại các câu chuyện xung quanh vị Gyalwa Karmapa đạt đạo và vừa nói qua về việc tái sinh sắp tới đây của vị này, thì Pawo Rinpoche khám phá một con kiến tội nghiệp đang bò trên sàn gỗ đánh bóng, dùng mọi sức dường như để tránh có ai sắp đạp lên thân mình. Vì chân Pawo Rinpoche đang bị liệt, ông nhờ Đạt-lai Lạt-ma làm sao cứu con kiến. Đạt-lai Lạt-ma liền đứng dậy, cúi xuống dưới bàn và nói nhỏ một câu phước lành. Xong ngài giữ con kiến trên tay, mang ra khỏi phòng ăn và đặt con kiến trước cửa dưới ánh mặt trời. Ngài mỉm cười trở lại bên cạnh người bạn già. “Tôi đã làm cho ngài một việc đấy nhé, Rinpoche”, Đạt-lai Lạt-ma nói. “Mắt Ngài già rồi nhưng còn tinh hơn tôi đấy. Nhiều người nói về tính Không của mọi sự và mục đích cao cả của Đại thừa, nhưng hiểu biết về sự bình đẳng của đời sống là một trong những đặc tính của Bồ-tát đích thực. Trong mắt ngài thì mọi dáng hình đời sống đều có giá trị như nhau, cái đó tôi gọi là lòng từ bi.”

Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 nhắc lại chuyện này trong một lần diễn giảng tại Pháp, trong đó ngài nói về lòng từ bi và tinh thần trách nhiệm.

“Giáo lý của chúng tôi chỉ đơn giản thôi, đó là lòng yêu thương, lòng cảm thông với mọi loài”, ngài trả lời câu hỏi mà người ta vẫn thường đặt ra cho ngài về thế giới quan của Phật giáo.

Surya Das
Việt dịch: Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Sư tử tuyết bờm xanh

Thi kệ chính về sáu trung ấm

81616314_2491612877613754_4239753945221693440_n

 

Bài thơ gồm bảy khổ được tìm thấy trong tác phẩm Bardo Thodol, còn được biết đến với tên tiếng Anh là The Tibetan Book of the Dead – Tử Thư Tây Tạng, do Đạo Sư Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) trước tác vào thế kỷ thứ 8, được vị phối ngẫu Yeshe Tsogyal của Ngài ghi chép lại và được vị khai mật tạng vương Karma Lingpa tìm thấy vào thế kỷ thứ 14. Bản dịch “Thi kệ chính về sáu trung ấm” này là của Chogyam Trungpa và Francesca Fremantle.

1. Trung ấm cuộc sống (shinay bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Cuộc Sống đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mọi lười biếng – chúng không có chỗ trong cuộc đời này,

Nhất tâm dấn bước trên con đường học hỏi suy tư và thiền định,

Đưa các vọng tưởng và tâm thức vào đường tu để nhận chân ra ba Thân Phật:

Giờ đây khi con đã có được thân người,

Trên con đường tu tập sẽ không có thời gian để tâm thức lang thang.

2. Trung ấm giấc mộng (milam bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Giấc Mộng đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ việc ngủ như xác chết đầy vô minh và bất cẩn,

Và sẽ đưa những niệm tưởng vào trong trạng thái bản nhiên không tán loạn,

Kiểm soát và chuyển hoá giấc mộng trong tánh sáng soi,

Con sẽ không ngủ như súc vật,

Mà hoàn toàn hợp nhất giấc ngủ với thực hành Pháp.

3. Trung ấm thiền định (samten bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Thiền Định đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mớ bòng bong những niệm tưởng phóng tâm và lẫn lộn,

An trụ trong trạng thái bao la không bám chấp hay tán loạn,

Kiên định trong hai pháp tu: quán tưởng [sinh khởi] và viên thành,

Trong thời thiền này với sự nhất tâm siêu vượt hoạt động,

Con sẽ không để sức mạnh của những cảm xúc mê lầm sai xử con.

4. Trung ấm cận tử (chikkai bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Cận Tử đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mọi bám chấp, mong mỏi và luyến ái,

Nhất tâm tỉnh giác nhớ về giáo huấn,

Và phóng tâm thức của mình vào trong cảnh giới tâm vô sinh;

Khi rời bỏ tấm thân giả hợp gồm thịt và máu này,

Con sẽ hiểu rằng thân đó là một huyễn hoá phù du.

5. Trung ấm Pháp tánh ( chonyid bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Pháp Tánh ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mọi niệm tưởng sợ hãi hay hoảng loạn,

Sẽ nhận biết rằng bất cứ điều gì xuất hiện cũng là phản chiếu của chính [tâm]  mình,

Và hiểu ra rằng đó là thị kiến của thân trung ấm;

Giờ đây khi con đã gặp thời khắc vô cùng quan trọng này,

Con sẽ không hoảng sợ khi đối diện các vị Bổn tôn an bình và phẫn nộ,

Các ngài chính là sự phản chiếu của chính [tâm]  con.

6. Trung ấm trở thành (tái sinh) (sidpa bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Tái Sinh đang ló dạng trong con,

Con sẽ nhất tâm chánh định,

Nỗ lực trì giữ những kết quả của thiện nghiệp,

Đóng cánh cửa đi vào thai tạng và nghĩ đến sự kháng cự [việc đầu thai vào trong luân hồi] ;

Thời điểm này con cần kham nhẫn và khởi niệm thanh tịnh,

Loại bỏ đố kỵ và thiền định về Đạo Sư với vị phối ngẫu.

7. Khoảnh khắc hiện tại

Với tâm thức lan man không hề nghĩ đến cái chết ngày một đến gần,

Con tham gia vào các hoạt động vô nghĩa,

Để rồi ra đi trắng tay – [chao ôi]  thật là sự mê lầm tột độ.

Giáo Pháp siêu việt cần phải được thấu đạt,

Vậy tại sao con không thực hành Pháp ngay lúc này?

Những điều này được thốt ra từ khẩu những người trí:

“Nếu con không ghi khắc giáo huấn của Đạo Sư trong tim,

Thì con chẳng phải là kẻ dối lừa chính mình hay sao?”

Đức Liên Hoa Sinh
Nguồn: Giáo huấn về sáu trung ấm

Hạt cải cho Phật

644108_10151235510114297_2106418632_n

Năm trăm năm trước công nguyên, Phật Cồ-đàm vị đạo sư thế gian của lịch sử đã sống trên trái đất này và du hành liên tục không biết mệt mỏi từ nơi này qua nơi khác, để tìm gặp được càng nhiều người càng tốt trong thời gian Ngài còn tại thếMột lần nọ có một bà mẹ đến tìm gặp Ngài tại một ngôi đền, khóc lóc thảm thiết. Bà mang đứa con đã chết trên tay và khóc lóc làm cho mọi người động lòng thương xót; ai cũng biết mất con là nỗi đau lớn nhất trên đời. Bà mẹ van xin: “Hãy để tôi gặp Phật Cồ-đàm”, vừa nói vừa gần như ngất lịm vì đau đớn. “Hãy cho tôi gặp Ngài, Ngài sẽ có một phép lạ. Ai cũng nói Ngài có thể cứu con tôi. Hãy để tôi tới Ngài”.

Phật Cồ-đàm cho bà vào gặp ngay. Trước cửa, các Tỳ-kheo đang cầu nguyện cho chúng sinh được giải thoát; sau cánh cửa, vị đạo sư ngồi trong sự an lạc với chính mình và thế gian. Với ánh mắt Phật, Ngài nhìn thi hài tí hon của đứa trẻ rồi nhìn khuôn mặt bà mẹ. Hơi ấm khó tả tỏa ra từ hào quang của Ngài bao trùm căn phòng, Ngài để cho người mẹ tuyệt vọng lấy lại được bình tĩnh, để cho bà sắp xếp được tư tưởng đang rối loạn. Bà đưa cho Phật xem thi hài đứa con rồi gọi: “Con của con đã chết. Con làm sao bây giờ. Bạch Thế Tôn, Ngài hãy giúp con. Hãy cứu nó sống dậy! Ngài là chúa tể của sự sống chết. Hãy cứu chúng con, nó là niềm vui của gia đình. Từ nhiều năm nay, chúng con không mong gì hơn là được đứa con. Bây giờ nó chết vì một thứ bệnh hiểm nghèo. Hãy mang ánh sáng lại trong mắt của nó. Hãy công bằng. Đứa con nhỏ tuổi này chết đi quá sớm”.

Bà van cầu đức Thế Tôn và Phật cứ để như thế cho đến lúc bà im lặng. Ngài nhìn đứa trẻ và đưa tay rờ vầng trán đã lạnh. Cuối cùng Ngài nói: “Hãy nghe ta, hỡi người đàn bà tốt dạ và trung thành. Nàng hãy đi từ nhà này qua nhà khác trong đô thị này và hãy xin một hạt cải của một nhà chưa có ai chết. Hãy mang hạt cải đó về đây và để xem ta có thể làm được gì không”.

Người đàn bà nghe xong mừng rỡ. Bà quỳ dưới chân Phậtcảm tạ bằng cách rờ chân của Ngài. Phật để hai tay trên đầu bà, truyền năng lượng an lạc lên người bà. Với phước lành đó, bà ôm đứa con ra đi. Bà đi suốt ngày trong thành phố, từ nhà này qua nhà khác, và xin hạt cải của tất cả gia đình mà trong đó chưa có người thân nào chết cả. Đi tới đâu, bà cũng kể chuyện thương tâm của mình, kể hoài, nhưng bà không tìm ra một gia đình nào mà chưa từng đối diện với cái chết. Không mệt mỏi, bà vẫn tiếp tục tìm kiếm, chỉ với hy vọng, xin được một vài hạt cải đem về cho Phật, để Ngài cứu sống con mình. Cuối ngày, bà vẫn không tìm ra được hạt nào cả, vì thực tế cái chết đến với tất cả mọi người. Nhiều người xót thương, đề nghị cho bà vài hạt cải, nhưng giấu chuyện trong nhà có người chết. Nhưng người đàn bà nọ không đồng ý, bà không thể lừa dối Phật. Bà chỉ cần tìm ra một gia đình mà trong đó chưa có ai chết cả. Mặt trời đã lặn. Trong ánh sáng cuối ngày, bà đứng đó với thi hài đứa con trên tay, và nghĩ về những câu chuyện hôm nay bà đã được nghe. Bà không có một hạt cải nào cả và bỗng nhận ra rằng, không ai thoát được cái khổ này cả, cái khổ mà trước đó bà nghĩ rằng chỉ mình phải chịu.

“Ta không phải là một ngoại lệ, con ta cũng không phải là người duy nhất phải chết”, lần đầu tiên bà nghĩ thế. “Cái gì có sinh, ắt cái đó có diệt. Đó là điều không thể thay đổi, vì thế ta phải kiếm cái không bao giờ sinh và cũng không bao giờ diệt, phải tìm chân lý trường cửu mà các bậc hiền nhân và đức Phật đang giảng thuyết. Ngài đã đưa ta vào đúng đường”. Bà cảm tạnghiêng mình về hướng Phật đang lưu trú.

Đêm dần buông khi bà về lại đền Phật ở, thi hài đứa con vẫn ở trong tay. Bà mẹ trẻ đó không tìm ra được một hạt cải nào, nhưng được một tri kiến mà bà mang trong lòng như một ngọn lửa bập bùng. Càng tới gần Phật, bà càng cúi đầu. Sau đó bà để đứa con dưới chân Ngài và nói: “Bạch Thế tôn từ bi, con đã hiểu những gì Ngài muốn nói. Cái vô thường thì phải chết, không thể tránh khỏi. Nhờ Ngài, con đã thấy một chút của chân như, cái chân như đó không chết, trong con và trong mọi thứ. Cái chân như đó cũng chính là cái mà đứa con của con đã thấy, ít nhất là trong một chốc ngắn ngủi, trước khi nó tìm kiếm một đời sống khác. Và cái chân như đó, con đã thấy ngay lúc con còn sống. Ánh sáng của tự tính thường hằng là cái duy nhất vĩnh cửu. Và từ nay về sau, con xin dựa vào nó thôi”.

Đức Phật mỉm cười và gật đầu đồng ý, khi người mẹ xin Ngài tiếp dẫn cho thần thức đứa con được sinh vào cõi Phật, trong đó thức người chết được lưu trú trong một giai đoạn, không bị thời gian và không gian lung lạc. Cùng với các tăng sĩ, Phật đặt thi hài đứa trẻ lên một đống lửa và để cho thân cháy, trong lúc tâm của đứa trẻ được đưa về cõi của tự tính, từ đó mà mọi hiện tượng phát sinh”.

Surya Das
Việt dịch: Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Sư tử tuyết bờm xanh

Ý nghĩa cúng dường theo Kim cương thừa

Có vô số cách thức cúng dường:

  • Thành kính cúng dường lên chư Phật chư Bồ Tát vì chư Phật Bồ Tát đã thành tựu những phẩm chất giác ngộ siêu việt và công hạnh lợi tha vĩ đại.
  • Thành kính tri ân và hiếu thảo với cha mẹ bậc sinh thành vì đã luôn từ bi chăm sóc dưỡng dục ta nên người.
  • Cúng dường bố thí cho những chúng sinh khổ đau nghèo khó rất cần nơi giúp đỡ nương tựa bởi đối với ta dù chỉ là một chút nhưng đối với họ ý nghĩa rất nhiều.

Hết thảy hạnh cúng dường này đều là cội nguồn giúp nhanh chóng tích lũy vô lượng công đức, chẳng khác nào vun bổi chăm bón cho cánh đồng phúc điền màu mỡ tốt tươi.

Bạn đừng nên so đo toan tính xem nên chọn cách cúng dường nào ưu việt nhất mà hãy hiểu rằng làm lợi ích cho chúng sinh với tâm vô ngã vị tha là cách tốt nhất, thù thắng nhất để cúng dường lên chư Phật, bởi chư Phật thương chúng sinh chẳng khác nào mẹ hiền thương con đỏ. Nếu bạn làm lợi ích cho bất cứ chúng sinh nào, người mẹ từ bi chắc chắn sẽ hoan hỷ mỉm cười.

Ý NGHĨA CÚNG DƯỜNG THEO TRUYỀN THỐNG KIM CƯƠNG THỪA

Thông thường bạn có thể nhận thấy khi nghe giảng Phật Pháp, mỗi bậc Thầy có thể giảng theo cách riêng của các Ngài – tùy theo giáo lý thuộc Nguyên thủy, Đại thừa hay Kim Cương thừa. Chỉ riêng trong Kim Cương thừa cũng có rất nhiều truyền thừa khác nhau. Đôi khi bạn thấy lúng túng, cũng có nhiều người nói với tôi rằng họ cảm thấy băn khoăn khi trở thành Phật tử. Trong Kim Cương thừa có quá nhiều con đường, nhiều pháp thực hành… khiến họ không biết phải chọn pháp thực hành nào. Giá như mọi thứ đơn giản hơn. Xét từ một góc độ nhất định thì họ nói đúng. Thoạt đầu bạn có thể thấy hơi phức tạp. Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng 84000 pháp môn khác nhau, bởi vô số người trong chúng ta có những tính cách và trình độ khác nhau. Chẳng hạn như ngày hôm nay tới đây, các bạn mỗi người đều mặc một bộ trang phục khác nhau. Người mặc áo trắng, người mặc comple hoặc đồ thời trang, bởi lẽ mỗi người chúng ta đều có những quan niệm riêng, phong cách và mong muốn riêng. Thế nên nếu có ai đó đưa một cái áo ngắn tay và yêu cầu tất cả mọi người đều phải thích trang phục đó thì chưa chắc mọi người đã nghe theo. Do vậy, nếu Đức Phật chỉ ban cho một pháp môn duy nhất thì có thể sẽ khó thích ứng được với tất cả mọi người. Bởi từ bi nên Ngài đã ban truyền vô số giáo pháp, 84000 pháp môn của Ngài dành cho vô lượng chúng sinh với muôn vàn đặc tính khác nhau.

Như vậy nhìn từ một góc độ khác, chúng ta thấy chỉ riêng số pháp môn vô lượng này cũng đã chứng tỏ Đức Phật là bậc Đại từ bi, với lòng từ mênh mông vô lượng Ngài đã chỉ ra vô số con đường. Bất kể lựa chọn đi theo lối nào, bạn cũng đều cần hiểu về Giáp Pháp, cần biết chắt lọc được tinh túy cốt lõi của 84000 pháp môn. Khi hiểu được điều tinh túy của các pháp môn, chúng ta có thể hiểu được trọn vẹn giáo pháp. Và cốt yếu của giáo pháp nằm trọn trong 3 điều:

(i) Không nên làm điều bất thiện gây tổn hại tới người khác hoặc chúng sinh, bởi đó chính là nhân dẫn tới đau khổ cho chính mình và chúng sinh.

(ii) Hãy làm mọi thiện hạnh lợi ích cho người khác vì những nghiệp này sẽ mang lại ích lợi cho chúng ta.

(iii) Điều thứ ba, vì sao chúng ta lại phạm nghiệp bất thiện ? Vì sao mình nói chuyện mềm mỏng với người này và cáu gắt với người kia. Tất cả đều do tâm. Nếu ta có tâm từ bi, tâm thấu hiểu, tâm cảm thông yêu thương – kết quả là những điều dễ chịu nảy sinh. Từ tâm sân giận, ghét bỏ – những điều bất thiện nảy sinh. Như vậy điều cốt yếu thứ ba là điều phục tâm. Làm việc thiện, từ bỏ việc bất thiện và điều phục  tâm mình chính là gốc, tâm sai sử gọi là Tâm vương. Tâm là chủ, Khẩu và Ý là tớ.

Cho dù bạn có đi khắp các đền chùa, dù có thực hành 10.000 khóa lễ cúng dường, thì tinh túy của việc thực hành đó cũng nằm trọn trong ba điểm cốt yếu này. Chẳng hạn hôm nay chúng ta có thể nghe rằng Đức Phật dạy khi thực hành thiện hạnh, chúng ta sẽ được đón nhận phúc báo. Những thiện hạnh có thể dưới bất cứ hình thức nào mang lại lợi ích cho người khác, có thể là cúng dường chư Phật và chư Bồ Tát, với động cơ thiện lành mong nguyện lợi ích cho chúng sinh, hoặc cũng có thể là một thiện hạnh giúp đỡ chúng sinh khác trong cơn nguy cấp. Thiện hạnh cứu trợ chúng sinh không nhất thiết phải sang tận Châu Phi mới làm được. Thí dụ ngay khi tới đây, bạn hòa đồng và tuân theo sự sắp xếp, ngồi ngay ngắn theo hàng, hoặc tiếp đón đạo hữu, tất cả những điều đó đều giúp bạn tích lũy công đức. Bất cứ sự cúng dường nào cũng đều mang lại công đức. Và trên con đường tu tập thực hành, chúng ta cũng có phương tiện tịnh hóa để tiêu trừ nghiệp báo khi mắc phải những nghiệp bất thiện. Vì sao chúng ta phải cúng dường rất nhiều – chẳng hạn như hôm nay có thể không nhiều phẩm vật cúng dường so với những dịp khác, nếu bạn biết chúng ta quán tưởng phẩm vật cúng dường như thế nào chắc hẳn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên.

Chúng ta quán tưởng những thiên nữ trong vũ điệu cúng dường. Vô số thiện nam tín nữ cùng phẩm vật như nhà cửa, xe cộ, vô số phẩm vật và nhã nhạc ngân vang, trong Kim Cương thừa chúng ta thường xuyên sử dụng âm nhạc. Vì sao bạn thường cầu nguyện thầm, trí tụng thầm, mọi thứ đều tiến hành trong lặng lẽ, vậy mà các nghi thức lại thường dùng rất nhiều pháp khí âm thanh. Có thể ngày nay bạn nhìn những pháp khí này và cảm thấy xa lạ, song cách đây hàng ngàn năm đây lại là những pháp khí vô cùng quen thuộc, giống như nhạc rock thời nay vậy. Có thể bạn vẫn thắc mắc, cho dù trống và linh có là những thứ quen thuộc trong thời quá khứ, vì sao chúng ta lại cúng dường âm thanh này lên chư Phật ? Có hai lý do, song cả hai đều không phải vì chư Phật thích âm nhạc từ những pháp khí này.

Lý do thứ nhất là sự nhìn nhận theo nhân quả: bất cứ thứ gì chúng ta yêu thích – chẳng hạn nếu chúng ta muốn sức khỏe, bạn cần thực hành bố thí thuốc men, như vậy bạn sẽ gieo nhân mang lại sức khỏe cho chúng sinh. Nếu bạn muốn luôn được nghe những điều tốt đẹp, những âm thanh dễ chịu, những điều êm tai, mọi người không la hét cáu gắt với bạn suốt ngày, bạn muốn Sếp luôn nói nhẹ nhàng với bạn, như vậy hàng ngày chúng ta cần nói những điều dễ chịu, mềm mỏng với những người xung quanh.

Khi thực hành Phật  Pháp – chúng ta cúng dường âm thanh nhã nhạc, đây là nhìn từ góc độ nhân quả. Như tôi đã nhắc ở trên, cốt yếu của Phật Pháp không nằm ngoài 3 điều – tích lũy công đức, đoạn trừ bất thiện nghiệp và điều phục tâm mình. Như vậy nếu nhìn từ góc độ điều phục tâm, chúng ta cúng dường âm nhạc lên chư Phật, giống như bất cứ khi nào cúng dường, chúng ta đều thực hành buông xả. Cho dù bố thí một đô la cho người hành khất, chúng ta cũng cần buông xả. Như vậy trong tâm chúng ta cũng buông xả âm thanh nhã nhạc để cúng dường lên chư Phật. Điều này có ý nghĩa khác biệt như thế nào ? Loài người chúng ta thường bám chấp mạnh mẽ vào âm thanh mà không chịu hiểu rằng âm thanh vốn là không. Chẳng hạn khi ai đó nói bạn là người tốt thì lập tức miệng bạn sẽ nở nụ cười rất tươi. Chỉ hai phút sau, nếu có ai đó nói bạn là người xấu, thì ngay lập tức tâm trạng bạn sẽ thay đổi. Thực chất khi có ai nói bạn tốt hay xấu, bạn sẽ không đẹp hơn, xấu hơn, gầy hay béo hơn. Tất cả chỉ là âm thanh. Xét theo khoa học, âm thanh được tạo nên từ sự rung động của các nguyên tử vô cùng nhỏ – trong đó chẳng có gì tốt, xấu, vui buồn. Chính sự bám chấp vào âm thanh khiến chúng ta thấy vui hay buồn. Do vậy khi cúng dường âm nhạc lên chư Phật, chúng ta thực hành đoạn trừ tâm bám chấp vào âm  thanh của chúng ta – tức là tâm tạo tác khiến chúng ta phân biệt âm thanh thành hay dở, khen chê, trách móc hay chỉ trích. Mọi trải nghiệm vui buồn của chúng ta cũng vậy, mà chúng ta thường gọi là ngũ trần, khởi nguồn từ ngũ căn của chúng ta. Chúng ta thích những thứ mềm mại, không thích những gì thô cứng. Chúng ta thích những thứ đẹp đẽ, không thích đồ xấu xí. Tương tự như vậy, từ âm thanh, mùi vị, đều bắt nguồn từ ngũ giác của chúng ta. Chúng ta có những thứ mình yêu thích hoặc ham muốn. Vậy nên chúng ta có thể cúng dường lên chư Phật bất cứ thứ gì mà ngũ căn của chúng ta yêu thích.

Nói như vậy để bạn hiểu được vì sao chúng ta lại có những thiên nam, thiên nữ trong vũ điệu cúng dường – bởi sự liên hệ với sự bám chấp vào nhãn căn (mắt nhìn). Như vậy chúng ta cúng dường những thứ tốt đẹp – mỹ nam, mỹ nữ, nhà cửa – bất cứ thứ gì mắt chúng nó nhìn thấy và cho là đẹp, đều có thể cúng dường lên chư Phật. Mấu chốt ở đây không phải là chư Phật thích những thứ này, mà đây là những thứ do nghiệp lực khiến chúng ta nảy sinh tham muốn và khởi tâm bám chấp – vì vậy chúng ta cần đoạn trừ tâm bám chấp này. Do đó, chúng ta có thể cúng dường bất cứ thứ gì có thể cuốn hút ngũ căn của chúng ta, như hoa đẹp, quả ngon, quần áo, trang sức – chúng ta cúng dường tất cả những thứ này lên chư Phật bởi chúng làm tăng trưởng tâm tham muốn và bám chấp mạnh mẽ của chúng ta. Mục đích không phải làm hài lòng chư Phật hay không, cho dù bạn có cúng dường một triệu đô la hay chỉ một hòn đá bình thường, đối với Phật đều như nhau. Bạn có phỉ báng hay tán thán chư Phật cả ngày cũng chẳng khác gì nhau, các Ngài sẽ chẳng hề động tâm. Chỉ có chúng ta sẽ gánh lấy nghiệp báo hay tích lũy công đức tùy theo hành động của mình, còn đối với chư Phật sẽ không có bất cứ sự phân biệt nào. Điều quan trọng là sự tác động đối với tâm chúng ta, vì vậy trong Đại Thừa hoặc Kim Cương Thừa, khi chúng ta cúng dường, chẳng hạn hôm nay chúng ta chỉ có vài bông hoa để cúng dường, song chúng ta vẫn quán tưởng toàn vũ trụ ngập tràn những bông hoa tươi đẹp. Chúng ta có thể cúng dường lên chư Phật cả Hong Kong. Cho dù chúng ta không có toàn quyền đối với Hong Kong, song chúng ta vẫn có thể quán tưởng như vậy. Và chúng ta vẫn tích lũy nhiều công đức, bởi tất cả đều bắt nguồn từ tâm chúng ta và giúp chúng ta đoạn trừ bám chấp. Đó chính là cách mọi thứ đang diễn ra.

Trích Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa về Pháp tu Lục Độ Mẫu Tara, tháng 1 năm 2013 tại Hong Kong

Nguồn: drukpavietnam.org

Bài Khẩn Nguyện Bảy Dòng một Terma của Đức Liên Hoa Sanh

Sự Thành tựu Sâu xa của Lạt ma được rút ra từ terma [1] của Lạt ma Sang Du [của Guru Chho Wang]

Kính lễ các Bổn Tôn! Ôi những đệ tử may mắn cao quý trong tương lai: nếu các con tìm kiếm sự nương tựa nơi ta, Orgyen,[2] hãy đi tới một nơi hẻo lánh và nghĩ tưởng về sự mỏi nhọc của vô thường và nỗi buồn của sinh tử. Điều này rất quan trọng. Hãy hoàn toàn giao phó các con cho ta – thân thể, trái tim, tinh thần. Hãy coi mọi nguồn mạch của sự hy vọng và nương tựa thì nằm ở trong ta, Orgyen, và hãy tin rằng ta hoàn toàn thấu hiểu những niềm vui, nỗi buồn, và hy vọng của các con. Đừng van nài ta bằng những vật cúng dường và tán thán. Hãy đặt sang một bên những sự tích tập. Thay vào đó, với thân, khẩu, và ý sùng mộ, hãy cầu nguyện với Bài Khẩn nguyện Bảy Dòng này:

HUNG OR GYEN YUL GYI NUP JYANG TSHAM
Hung Nơi biên giới phía bắc xứ Orgyen,
PEMA GE SAR DONG PO LA
Trong nhụy của một đóa hoa sen,
YA TSHEN CHHOK GI NGO DRUB NYEY
Ngài đã đạt được thành tựu kỳ diệu, tuyệt hảo nhất.
PEMA JYUNG NAY ZHEY SU DRAK
Lừng danh là Đức Liên Hoa Sanh,
KHOR DU KHAN DRO MANG PO KOR
Ngài được vây quanh bởi một đoàn tuỳ tùng rộng lớn gồm các dakini.
KHYE KYI JEY SU DAK DRUB KYI
Khi con thực hành, đi theo dấu chân Ngài,
JYIN GYIY LOB CHHYIR SHEK SU SOL
Con cầu nguyện Ngài quang lâm ban rải những ân phước.
GURU PEMA SIDDHI HUNG

Hãy tiếp tục cầu nguyện cho tới khi lòng khao khát mãnh liệt khiến các con rơi lệ. Nếu các con trở nên tràn ngập niềm tin, hãy hít một hơi thở sâu và an trụ trong tỉnh giác, đôi mắt nhận biết rõ ràng, rộng mở và không xao lãng. Cần gì phải nói rằng ta sẽ che chở cho những đệ tử đã cầu nguyện như thế? Họ sẽ trở thành những đứa con của các Đấng Chiến Thắng trong ba thời. Tâm họ sẽ đạt được sự quán đảnh siêu việt của giác tánh tự sinh. Sự thiền định của họ sẽ trở nên mãnh liệt và kiên cố, và giác tánh nguyên sơ sẽ triển nở. Họ sẽ thuần thục nhờ những sự ban phước siêu việt tự-sinh và có thể làm vơi đi nỗi đau khổ của người khác. Khi họ thay đổi, những nhận thức mà những người khác có về họ cũng đồng thời thay đổi. Vì thế họ sẽ thành tựu Phật sự và hoàn thiện mọi phẩm tính tâm linh. Trong sự bao la vĩ đại của Pháp Thân, cầu mong những con trai tâm yếu và những con gái thân thiết của ta gặp được phương pháp làm thuần thục và giải thoát siêu việt này. Đặc biệt, bởi Bài Khẩn nguyện Bảy Dòng này mang lại những sự ban phước sâu xa nhất của ta, ta khuyên các con bí mật trì giữ kho tàng tâm được tái khám phá này. Cầu mong nó gặp được Chokyi Wangchuk thông tuệ và bi mẫn.

(Trích VAJRAYANA FOUNDATION DAILY PRACTICE)
Bản dich Việt ngữ: Thanh Liên

[1] Kho tàng giáo lý được Đức Liên Hoa Sanh chôn dấu và sẽ được khám phá vào những thời điểm thích hợp để làm lợi lạc chúng sinh trong tương lai.
[2] Đức Padmasambhava (Liên Hoa Sanh).

Bài mới nhất

Cúng dường và Tịnh hoá

Theo truyền thống của Phật pháp, tu hành tâm thức là một tiến trình tiệm tiến. Chúng ta tịnh hóa chính mình bằng cách...