CHIA SẺ

“Điểm quan trọng chúng ta nhấn mạnh là lòng tin vững chắc nơi bản tánh của chúng ta.”

Con đường nhất tâm

“Dù cho mặt trời mọc ở hướng tây, Bồ-tát chỉ có một đường.”

Mục đích bài nói của tôi không phải là cho quí vị một sự hiểu biết nào đó có tính cách lý trí, mà chỉ là bày tỏ lòng biết ơn của tôi về sự tu Thiền của quí vị. Có thể ngồi thiền với quí vị là rất, rất ư khác thường. Dĩ nhiên, bất cứ điều gì chúng ta làm đều khác thường, bởi vì chính cuộc đời của chúng ta rất khác thường. Phật nói, “Biết ơn kiếp người hiếm hoi của mình như đất trên móng tay.” Quí vị biết, bụi bẩn khó dính trên móng tay. Kiếp người của chúng ta hy hữu và kỳ diệu; khi tôi ngồi tôi muốn ngồi mãi, nhưng tôi tự khuyến khích mình tu một pháp khác nữa, chẳng hạn tụng kinh, hay lễ bái. Và khi tôi lễ bái, tôi nghĩ, “Pháp này kỳ diệu.” Nhưng tôi lại phải đổi pháp tu của tôi sang tụng kinh. Như thế mục đích cuộc nói chuyện của tôi là bày tỏ sự biết ơn của tôi, chỉ thế thôi. Con đường của chúng ta không phải là ngồi để có được một cái gì đó mà là để biểu hiện chân tánh của mình. Đó là cách tu của chúng ta.

Nếu quí vị muốn biểu hiện chính mình, chân tánh của quí vị, thì nên có một cách biểu hiện nào đó tự nhiên và thích hợp. Ngay cả nghiêng qua bên phải hay bên trái khi quí vị ngồi xuống hay đứng lên từ tọa thiền cũng là sự biểu hiện chính mình. Nó không phải là sự chuẩn bị để tu tập, hay thư giãn sau khi tu tập; nó là một phần của tu tập. Vì thế chúng ta không nên thực hiện nó như là chuẩn bị cho một cái gì khác. Điều này đúng trong đời sống hằng ngày của quí vị. Nấu, hay làm một món ăn nào đó, thì không phải là chuẩn bị, theo Đạo Nguyên, ấy là tu tập. Nấu không phải chỉ là chuẩn bị thức ăn cho một người nào đó hay cho chính mình; nó biểu hiện lòng chân thành của quí vị. Như thế khi nấu quí vị nên biểu hiện mình trong hoạt động của quí vị ở nhà bếp. Nên để cho mình có nhiều thì giờ, nên làm việc đó với tâm không có gì, và không mong bất cứ điều gì. Quí vị chỉ nấu! Đó cũng là sự biểu hiện lòng chân thành của chúng ta, một phần của tu tập. Cần ngồi trong tọa thiền, theo cách này, nhưng ngồi không phải là cách duy nhất. Bất cứ điều gì quí vị làm, nó nên là một biểu hiện của cùng một sự hoạt động sâu xa. Chúng ta nên biết ơn những gì chúng ta đang làm. Không có sự chuẩn bị nào cho một cái gì khác.

Con đường của Bồ tát được gọi là “con đường nhất tâm,” hay “một con đường sắt dài ngàn dặm.” Con đường sắt thì luôn luôn bằng nhau. Nếu nó trở nên rộng hơn hay hẹp hơn, ấy sẽ là tại họa. Quí vị đi bất cứ nơi nào, con đường sắt cũng luôn luôn bằng nhau. Đó là con đường của Bồ tát. Như vậy dù cho mặt trời mọc hướng tây, Bồ tát cũng chỉ có một con đường duy nhất. Con đường của Bồ tát, trong mọi giây phút, là biểu hiện bản tánh và lòng chân thành của ngài.

Chúng ta nói con đường sắt, nhưng thực ra chẳng có vật gì như thế. Chính lòng chân thành là con đường sắt. Cảnh vật chúng ta thấy từ đoàn tàu sẽ thay đổi, nhưng chúng ta luôn luôn đang chạy trên cùng đường ray. Và không có sự bắt đầu hay kết thúc đối với đường ray: đường ray không có bắt đầu và không có chấm dứt. Không có điểm khởi đầu hay mục tiêu, không có gì để đạt. Chỉ chạy trên đường ray là cách của chúng ta. Đây là bản tánh tu Thiền của chúng ta.

Nhưng khi quí vị trở nên tò mò về con đường sắt, nguy hiểm ở đó. Quí vị không nên nhìn xem con đường sắt. Nếu quí vị nhìn đường ray sẽ bị chóng mặt. Chỉ biết ơn quan cảnh mà quí vị nhìn thấy từ đoàn tàu. Đấy là cách của chúng ta. Hành khách không cần phải tò mò về đường ray. Ai đó sẽ chăm sóc nó. Phật sẽ chăm sóc nó. Nhưng đôi khi chúng ta cố gắng giải thích đường ray bởi vì chúng ta tò mò nếu cái gì đó luôn luôn như vậy. Chúng ta hiếu kỳ, “Làm thế nào mà vị Bồ tát luôn luôn như thế? Ngài có bí mật gì?” Nhưng chẳng có bí mật nào cả. Mọi người đều có cùng bản tánh như đường ray.

Có hai người bạn thân, Trường Khánh (Chokei) và Bảo Phước (Hofuku). Họ nói chuyện về con đường của Bồ tát. Trường Khánh nói, “Ngay cả A la hán cũng còn ham muốn xấu, đến Như Lai (Tathagata) không có hai lời. Tôi nói Như Lai có lời, nhưng không có lời nhị nguyên.” Bảo Phước nói, “Dù huynh nói thế, lời huynh cũng không toàn hảo.” Trường Khánh hỏi, “Huynh hiểu lời Như Lai thế nào?” Bảo Phước nói, “Chúng ta đã nói đủ rồi, vậy hay uống trà đi!” Bảo Phước đã không cho bạn mình câu trả lời, bởi vì không thể giải thích đạo bằng lời nói. Tuy nhiên, như là phần tu tập của họ, hai người bạn tốt này đã thảo luận về con đường của Bồ-tát, dù cho họ không mong tìm ra sự giải thích mới. Vì thế Bảo Phước đáp, “Chúng ta bàn luận đã xong. Hãy uống trà đi!”

Đó là một câu trả lời rất hay, phải không? Đối với bài nói của tôi cũng vậy, khi tôi nói xong, quí vị cũng nghe xong. Không cần nhớ tôi nói gì; không cần hiểu tôi nói gì. Quí vị hiểu; quí vị có cái hiểu đầy đủ bên trong chính quí vị. Không có vấn đề gì cả.

Lặp đi lặp lại

 “Nếu quí vị đánh mất tinh thần của sự lặp đi lặp lai, sự tu tập của quí vị trở nên khá khó khăn.”
Tư tưởng và thực hành của Ấn độ mà Phật gặp phải đặt căn bản trên ý tưởng về con người như là một kết hợp của các yếu tố tinh thần và thể xác. Họ nghĩ rằng bên thể xác của con người ràng buộc với bên tinh thần, vì thế việc tu tập tôn giáo của họ nhằm mục đích làm cho yếu tố thể xác yếu hơn để được tự do và làm mạnh tinh thần. Như thế sự tu tập mà Phật tìm thấy ở Ấn độ nhấn mạnh sự ép xác khổ hạnh. Nhưng khi tu tập ép xác khổ hạnh Phật thấy rằng không có giới hạn nào đối với sự thử tẩy sạch mình về mặt thể xác, và làm cho sự tu tập tôn giáo trở thành rất lý tưởng. Loại chiến tranh này đối với thân chỉ có thể chấm dứt khi chúng ta chết. Nhưng theo tư tưởng này của Ấn độ, chúng ta sẽ trở lại trong một kiếp khác, và một kiếp khác nữa, lặp lại cuộc đấu tranh mãi mãi, mà không bao giờ đạt được giác ngộ toàn hảo. Và nếu như quí vị nghĩ rằng mình có thể làm cho sức mạnh thân xác của mình yếu đi đủ để giải thoát sức mạnh tinh thần, nó chỉ có hiệu quả chừng nào quí vị còn tiếp tục tu tập khổ hạnh ép xác. Nếu quí vị bắt đầu lại cuộc sống hằng ngày của mình, quí vị sẽ phải tăng cường sức mạnh của thân, nhưng rồi quí vị sẽ phải làm yếu nó trở lại để phục hồi sức mạnh tinh thần. Và rồi quí vị sẽ phải lặp đi lặp lại quá trình này mãi mãi. Đây có thể là sự đơn giản hóa rất nhiều việc tu tập của người Ấn độ mà Phật gặp phải, và chúng ta chúng ta có thể cười nhạo việc này, nhưng thực tế một số người vẫn tiếp tục cách tu tập này cho đến ngày nay. Đôi khi vì không nhận thức được điều đó, ý tưởng về khổ hạnh ép xác ở trong hậu trường của tâm họ. Nhưng tu tập theo cách này sẽ không có kết quả tiến bộ gì.

Con đường của Phật hoàn toàn khác hẳn. Ban đầu ngài học các phép tu Ấn độ giáo của thời gian và khu vực Ngài ở, và ngài đã tu luyện khổ hạnh ép xác. Nhưng Phật không thích thú những yếu tố bao hàm trong con người cũng như những lý thuyết siêu hình về hiện hữu. Ngài quan tâm nhiều hơn về chính mình hiện hữu như thế nào trong giây phút này. Đó là điểm quan trọng của ngài. Bánh mì được làm từ bột lúa mì. Đối với ngài, làm sao bột lúa mì trở thành bánh mì khi đưa nó vào lò nướng là điều quan trọng nhất. Làm sao chúng ta trở nên giác ngộ là sự thích thú chính của ngài. Người giác ngộ là một tính cách toàn hảo, đáng mong muốn, đối với chính mình và những người khác. Phật muốn tìm ra con người làm cách nào phát triển tính cách lý tưởng này – những hiền nhân khác nhau trong quá khứ làm cách nào trở thành hiền nhân. Để tìm ra làm cách nào cục bột nhồi trở thành bánh mì hoàn hảo, ngài làm đi làm lại nó mãi, cho đến khi ngài hoàn toàn thành công. Đó là cách tu tập của ngài.

Nhưng chúng ta có thể thấy không thích thú gì cả khi nấu đi nấu lại cùng một món mỗi ngày. Quí vị có thể bảo nó nhàm chán quá. Nếu quí vị đánh mất tinh thần của sự lặp đi lặp lại nó sẽ trở nên rất khó khăn, nhưng nó sẽ không khó khăn nếu quí vị tràn đầy sức mạnh và sinh lực. Dù sao, chúng ta cũng không thể giữ bất động; chúng ta phải làm một cái gì đó. Như vậy nếu quí vị làm một điều gì đó, quí vị nên quan sát nhiều, cẩn thận, và cảnh tỉnh. Cách của chúng ta là đặt cục bột nhồi vào lò nướng và canh chừng nó một cách cẩn thận. Một khi quí vị biết được cách cục bột nhồi trở thành bánh mì như thế nào, quí vị sẽ hiểu được giác ngộ. Như vậy làm thế nào thân này trở thành hiền nhân là niềm thích thú chính của chúng ta. Chúng ta không quan tâm nhiều về bột lúa mì là gì, hay cục bột nhồi là gì, hay hiền nhân là gì. Một hiền nhân là một hiền nhân. Những giải thích siêu hình về bản tánh con người không phải là điểm quan trọng.

Vì vậy loại tu tập mà chúng ta nhấn mạnh như thế không thể trở thành quá lý tưởng. Nếu một nghệ sĩ trở nên quá lý tưởng, anh ta sẽ tự tử, bởi vì giữa lý tưởng và khả năng thực tế của anh ta có một khoảng hở to lớn. Bởi vì không có chiếc cầu đủ dài để đi qua khoảng hở đó, anh ta sẽ trở nên thất vọng. Đó là con đường thông thường của tinh thần. Nhưng con đường tinh thần của chúng ta không quá lý tưởng. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta nên lý tưởng; ít nhất chúng ta nên thích làm bánh mì có vị ngon và trông đẹp mắt! Cách tu tập thực tế là lặp đi lặp lại mãi cho đến khi quí vị tìm ra làm thế nào trở thành bánh mì. Trong cách của chúng ta không có bí mật. Chỉ thực hành tọa thiền và đưa chính mình vào lò nướng là cách của chúng ta.

Thiền và sự kích động
“Thiền không phải là một loại kích động nào đó, mà là sự tập trung vào sinh ho hằng ngày của chúng ta.”
Thầy của tôi viên tịch khi tôi được ba mươi mốt tuổi. Mặc dù tôi chỉ muốn hiến mình tu Thiền ở chùa Vĩnh Bình (Eiheiji), tôi phải thừa kế thầy tôi ở tại chùa của ông. Tôi trở nên rất bận rộn, và vì rất trẻ tôi gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn đó đã cho tôi kinh nghiệm nào đó, nhưng so với cách sống chân thực, trầm lặng, tịch tĩnh nó chẳng có nghĩa gì.
Giữ cách không thay đổi là cần thiết đối với chúng ta. Thiền không phải là một loại kích động nào đó, mà là sự tập trung vào sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Nếu quí vị trở nên quá bận rộn và quá bị kích động, tâm của quí vị trở nên thô kệch và rách nát. Đây không phải là điều tốt. Nếu có thể, hãy cố gắng luôn luôn bình tĩnh, vui vẻ và giữ mình không bị kích động. Thông thường chúng ta càng lúc càng trở nên bận rộn hơn, hết ngày này đến ngày khác, năm này đến năm khác, nhất là trong thế giới hiện đại. Nếu chúng ta trở lại thăm viếng những nơi xưa cũ, quen thuộc sau một thời gian dài, chúng ta kinh ngạc vì những thay đổi. Điều ấy không thể tránh được. Nhưng nếu chúng ta trở nên thích thú trong sự kích động nào đó, hay trong sự thay đổi của riêng mình, chúng ta sẽ trở nên hoàn toàn can thiệp vào đời sống bận rộn, và chúng ta sẽ bị lạc mất. Nhưng nếu tâm của quí vị bình tĩnh và kiên định, quí vị có thể giữ mình khỏi thế giới ồn ào ngay cả khi quí vị ở trong đó. Ở giữa ồn ào và thay đổi, tâm của quí vị sẽ bình tĩnh và vững vàng.

Thiền chẳng phải là một cái gì đó để phải kích động. Một vài người bắt đầu tu thiền chỉ vì tò mò, và họ chỉ làm cho mình bận rộn hơn. Nếu việc tu tập làm cho quí vị tệ hơn, thì đáng buồn cười. Tôi nghĩ nếu quí vị cố gắng ngồi thiền một tuần một lần, điều đó cũng đủ làm cho quí vị bận rộn hơn. Chớ quá thích thú Thiền. Khi những người trẻ bị kích động về Thiền, họ thường bỏ học và đi đến một hòn núi hay một khu rừng nào đó để ngồi. Loại thích thú đó chẳng phải thích thú thật.

Chỉ tiếp tục sự tu tập bình tĩnh, bình thường của mình rồi tính cách của quí vị sẽ được tạo thành. Nếu tâm của quí vị luôn luôn bận rộn, sẽ không có thì giờ để tạo thành, và quí vị sẽ không thành công, nhất là quí vị làm việc quá khó nhọc vì nó. Tạo thành tính cách cũng giống như làm bánh mì – quí vị phải trộn từng chút một, từng bước một, và cần nhiệt độ điều hòa. Quí vị tự biết rất rõ, và quí vị biết cần bao nhiêu nhiệt độ. Quí vị biết chính xác những gì mình cần. Nhưng nếu bị kích động thái quá, quí vị sẽ quên mất nhiệt độ bao nhiêu là tốt cho mình, và quí vị sẽ mất cách riêng của mình. Điều này rất nguy hiểm.

Phật đã nói như vậy về người đánh xe bò giỏi. Người đánh xe biết con bò có thể chở nặng bao nhiêu, và anh ta giữ cho con bò không bị nặng quá lố. Quí vị biết cách của mình và tâm thái của mình. Chớ có mang quá nhiều! Phật cũng nói rằng tạo dựng tính cách thì giống như xây một con đê ngăn nước. Quí vị nên rất cẩn thận trong việc xây cái bờ. Nếu quí vị cố gắng làm tất cả ngay một lúc, nước sẽ rò rỉ. Hãy làm cái bờ một cách cẩn thận và quí vị sẽ hoàn thành con đê vững chắc cho cái hồ chứa nước.

Cách tu tập không có gì kích động của chúng ta có thể có vẻ rất tiêu cực. Nhưng không phải thế. Đó là cách khôn ngoan và hiệu quả để làm việc với chính mình. Đó chỉ là rất bình dị. Tôi thấy điểm này rất khó hiểu đối với nhiều người, nhất là những người trẻ, Mặt khác là, dường như tôi đang nói về sự thành tựu dần dần. Cũng chẳng phải như vậy. Sự thực, đây là cách đột biến, bởi vì khi sự tu tập của quí vị an tĩnh và bình thường, đời sống hằng ngày chính là giác ngộ.

Nỗ lực chân chính
 “Nếu sự tu tập của quí vị tốt, quí vị có thể trở nên kiêu hãnh vì nó. Những gì quí vị làm thì tốt, nhưng một cái gì đó đã được thêm vào. Kiêu hãnh là thừa. Nỗ lực chân chính là loại bỏ vật thừa đó.”

Điểm quan trọng nhất trong sự tu tập của chúng ta là có nỗ lực chân chính hay hoàn hảo (chánh tinh tấn). Nỗ lực chân chính đúng hướng là cần thiết. Nếu nỗ lực của quí vị sai hướng, nhất là nếu quí vị không ý thức điều này, đó là nỗ lực mê hoặc. Nỗ lực trong tu tập của chúng ta nên hướng từ chỗ đắc (đạt được) đến chỗ bất đắc (không đạt được).
Thông thường khi quí vị làm một điều gì đó, quí vị muốn đạt được một cái gì đó, quí vị bám lấy một kết quả nào đó. Từ đạt được đến không đạt được có nghĩa loại bỏ những kết quả không cần thiết và xấu của nỗ lực. Nếu quí vị làm một điều gì đó trong tinh thần bất đắc, trong đó có phẩm chất tốt. Như vậy chỉ làm một điều gì đó mà không có bất cứ nỗ lực đặc biệt nào là đủ rồi. Khi quí vị nỗ lực đặc biệt để đạt một cái gì đó, một tính chất thái quá, một yếu tố thừa can dự vào đó. Quí vị nên loại bỏ vật thừa đó. Nếu sự tu tập của quí vị tốt, mà không ý thức về nó quí vị sẽ trở nên kiêu hãnh về sự tu tập của mình. Kiêu hãnh đó thừa. Những gì quí vị làm thì tốt, nhưng một cái gì đó đã được thêm vào. Vì vậy quí vị nên loại bỏ vật thừa đó. Điểm này rất quan trọng, nhưng thông thường chúng ta không đủ tế nhị để nhận ra nó, và chúng ta đi sai hướng.

Bởi vì tất cả chúng ta đang làm một việc giống nhau, đang mắc phải sự sai lầm giống nhau, chúng ta không nhận ra điều đó. Vì không nhận ra, chúng ta đang tạo ra nhiều sai lầm. Và chúng ta tạo ra những vấn đề giữa chúng ta. Loại nỗ lực tệ hại này được gọi là “Pháp bị nhiễu loạn” (Dharma-ridden) hay “tu tập bị nhiễu loạn” (practice-ridden). Quí vị bị vướng vào một ý tưởng nào đó về tu tập hay đạt được, và quí vị không thể ra khỏi. Khi quí vị bị vướng mắc vào một ý tưởng nhị nguyên nào đó, có nghĩa là sự tu tập của quí vị không thanh tịnh. Bằng chữ thanh tịnh chúng ta không muốn nói là mài giũa một vật gì đó, cố gắng làm một vật gì đó bất tịnh thành thanh tịnh. Với chữ thanh tịnh chúng ta muốn nói sự vật như chúng hiện hữu. Khi thêm vào một cái gì, đó là bất tịnh. Khi điều gì đó trở thành có tính chất nhị nguyên, nó bất tịnh. Nếu quí vị nghĩ mình sẽ có được một cái gì đó từ tu tập tọa thiền, thì quí vị đã vướng vào sự tu tập bất tịnh. Nói có tu tập, có giác ngộ thì được rồi, nhưng chúng ta không nên để bị vướng mắc trong lời tuyên bố. Quí vị không nên để bị nó nhuộm màu. Khi quí vị tu tập tọa thiền, chỉ tu tập tọa thiền.

Nếu giác ngộ đến, nó đến. Chúng ta không nên bám vào sự đạt được. Phẩm tính thật của tọa thiền luôn luôn ở đó, dù cho quí vị không biết nó, vì thế hãy quên đi tất cả những gì quí vị nghĩ mình có thể đạt được từ tọa thiền. Chỉ tọa thiền thôi. Phẩm chất tọa thiền sẽ tự biểu hiện; rồi quí vị sẽ có nó.

Người ta hỏi tu tập tọa thiền mà không có ý nghĩ đạt được thì có nghĩa gì, loại nỗ lực gì cần thiết cho loại tu tập ấy? Câu trả lời là: nỗ lực loại bỏ cái gì thừa trong tọa thiền của chúng ta. Nếu một ý tưởng thừa đến, quí vị nên cố gắng ngừng nó lại; quí vị nên giữ sự tu tập thanh tịnh. Đó là điểm mà nỗ lực của chúng ta hướng đến.

Chúng ta nói, “Nghe tiếng vỗ của một bàn tay.” Thông thường tiếng vỗ do hai bàn tay tạo ra, và chúng ta nghĩ rằng một bàn tay không tạo ra được tiếng vỗ. Nhưng thực tế, một bàn tay là tiếng vỗ. Quí vị vỗ với hai bàn tay, quí vị có thể nghe tiếng vỗ. Mặc dù quí vị không nghe, vẫn có tiếng vỗ. Nếu quí vị vỗ với hai bàn tay, quí vị có thể nghe tiếng vỗ. Nhưng nếu tiếng vỗ đã không hiện hữu trước khi vỗ tay, quí vị không thể tạo ra tiếng vỗ được. Trước khi quí vị tạo ra, đã có tiếng vỗ rồi. Bởi vì có tiếng vỗ, quí vị có thể tạo nó, và quí vị có thể nghe nó. Tiếng vỗ ở khắp mọi nơi. Nếu quí vị chỉ thực hành, là có tiếng vỗ. Đừng cố gắng lắng nghe nó. Nếu quí vị không lắng nghe nó, tiếng vỗ ấy ở khắp cả. Bởi vì quí vị cố gắng nghe nó, đôi khi có tiếng vỗ, và đôi khi không có tiếng vỗ. Quí vị hiểu không? Mặc dù quí vị không làm gì cả, quí vị luôn luôn có phẩm tính của tọa thiền. Nhưng nếu quí vị cố gắng tìm nó, nếu quí vị cố gắng thấy phẩm tính ấy, quí không có phẩm tính nào cả.

Quí vị đang sống trong thế giới này như một cá thể, nhưng trước khi quí vị mang hình dáng con người, quí vị đã ở đó rồi, luôn luôn ở đó. Chúng ta luôn luôn ở đây. Quí vị hiểu không? Quí vị nghĩ rằng trước khi sinh ra quí vị đã không ở đây. Nhưng làm sao quí vị có thể xuất hiện trong thế giới này, khi không có quí vị? Bởi vì quí vị đã ở đó, quí vị có thể xuất hiện trong thế giới. Cũng vậy, không thể có vật gì đó không hiện hữu mà nó biến mất. Bởi vì vật gì đó ở đó, vật gì đó biến mất. Quí vị có thể nghĩ rằng khi mình chết, mình biến mất, mình không còn hiện hữu nữa. Nhưng dù cho quí vị biến mất, cái gì đó hiện hữu không thể nào không hiện hữu. Đó là huyền thuật. Chúng ta không thể tự đặt bất cứ thần chú nào lên thế giới này. Thế giới là huyền thuật của riêng nó. Nếu chúng ta nhìn vào một vật gì đó, nó có thể biến mất khỏi tầm nhìn của chúng ta, nhưng nếu chúng ta không cố gắng thấy nó, vật ấy không thể biến mất. Bởi vì quí vị đang nhìn nó, nó có thể biến mất, nhưng nếu không ai nhìn nó, làm sao vật gì có thể biến mất? Nếu ai đó đang nhìn quí vị, quí vị có thể chạy trốn người đó, nhưng nếu không ai nhìn, quí vị không thể chạy trốn chính mình được.

Như vậy đừng cố gắng thấy cái gì đó một cách đặc biệt; đừng cố gắng đạt một điều gì đặc biệt. Quí vị đã có mọi sự vật trong phẩm tính thanh tịnh riêng của mình. Nếu quí vị hiểu được sự kiện tối hậu này, thì không có sợ hãi nào cả. Dĩ nhiên, có thể có sự khó khăn nào đó, nhưng không có sợ hãi. Nếu người ta có sự khó khăn mà không biết về sự khó khăn ấy, đó là khó khăn thực sự. Họ có thể có vẻ rất tin tưởng, họ có thể nghĩ họ đang tạo một nỗ lực lớn theo đúng hướng, nhưng không biết nó, những gì họ làm phát xuất từ sợ hãi. Một cái gì đó có thể biến mất đối với họ. Nhưng nếu quí vị nỗ lực của đúng hướng, thì không có sự sợ mất bất cứ cái gì. Dù cho có sai hướng, nếu quí vị biết điều đó, quí vị sẽ không bị mê hoặc. Không có gì khác để mất. Chỉ có phẩm tính thanh tịnh bất biến của tu tập đúng.

Không dấu vết

“Khi quí vị làm một điều gì đó, quí vị nên tự đốt cháy mình một cách trọn vẹn, như ngọn lửa mừng, không lưu lại dấu vết nào.”

Khi chúng ta tu tập tọa thiền tâm chúng ta an tĩnh và rất đơn giản. Nhưng thông thường tâm chúng ta rất bận rộn và phức tạp, và khó tập trung vào cái gì chúng ta đang làm. Đây là vì trước khi hành động chúng ta suy nghĩ, và sự suy nghĩ này lưu lại dấu vết nào đó. Sự hoạt động của chúng ta bị một ý niệm đã suy nghĩ trước che bóng. Sự suy nghĩ ấy không những chỉ lưu lại dấu vết hay cái bóng nào đó mà còn cho chúng ta nhiều ý niệm khác về các hoạt động và sự vật. Những dấu vết và ý niệm này khiến cho tâm chúng ta rất phức tạp. Khi chúng ta làm một điều gì đó với tâm rất đơn giản, trong sáng, chúng ta không có ý niệm hay bóng che nào cả, và hành vi của chúng ta mạnh mẽ và thẳng thắn. Nhưng khi chúng ta làm một điều gì với tâm phức tạp, liên hệ đến những sự việc khác hay người khác, hay xã hội, hoạt động của chúng ta trở nên phức tạp.

Đa số người ta có đôi ba ý niệm trong một hoạt động. Có câu nói, “Một đá chọi hai chim.” Đó là điều người ta thường hay cố gắng làm. Bởi vì họ muốn bắt rất nhiều chim họ thấy khó tập trung vào một việc làm duy nhất, và rốt cuộc có thể không bắt được chim nào cả! Loại suy nghĩ đó luôn luôn lưu lại cái bóng của nó trên hoạt động của họ. Thực ra cái bóng không phải là sự suy nghĩ. Dĩ nhiên cần phải suy nghĩ hay chuẩn bị trước khi chúng ta hành động. Nhưng suy nghĩ đúng không lưu lại cái bóng nào. Sự suy nghĩ lưu lại dấu vết đến từ cái tâm tương đối bối rối của quí vị. Tâm tương đối là cái tâm tự đặt nó trong liên hệ với những sự vật khác, như thế là nó đang giới hạn chính nó. Nó là cái tâm nhỏ tạo ra những ý niệm về được và lưu lại dấu vết của chính nó.

Nếu quí vị lưu lại một dấu vết của sự suy nghĩ của quí vị trên hoạt động của mình, quí vị sẽ bị ràng buộc với dấu vết ấy. Chẳng hạn, quí vị có thể nói, “Đây là những gì tôi đã làm!” Nhưng thực ra không phải thế. Trong hồi tưởng quí vị có thể nói, “Tôi đã làm một việc như thế và như thế theo cách đó,” nhưng thực ra điều đó không bao giờ đúng y với những gì đã xảy ra. Khi suy nghĩ theo cách này quí vị giới hạn kinh nghiệm thực tế của mình về những gì quí vị đã làm. Như vậy nếu bám vào ý nghĩ về những gì mình đã làm, quí vị bị vướng mắc trong những ý nghĩ vị ngã.

Thường chúng ta nghĩ những gì mình đã làm là tốt, nhưng thực tế có thể không phải vậy. Khi già, chúng ta thường rất kiêu hãnh về những gì mình đã làm. Khi những người khác lắng nghe người nào đó kiêu hãnh kể điều y đã làm, họ cảm thấy buồn cười, bởi vì họ biết hồi tưởng của người đó là phiến diện. Họ biết rằng những gì người đó kể không đúng y như những gì người đó đã làm. Hơn nữa, người đó kiêu hãnh về những gì mình đã làm, sự kiêu hãnh đó sẽ tạo ra một vấn đề nào đó cho y. Lặp đi lặp lại những hồi tưởng của mình theo cách này, nhân cách của người đó sẽ bị méo mó càng lúc càng nhiều, cho đến khi y trở thành một người rất bướng bỉnh, khó chịu. Đây là một thí dụ về sự lưu lại dấu vết suy nghĩ của con người. Chúng ta không nên quên những gì chúng ta đã làm, nhưng không nên có dấu vết thừa. Lưu lại dấu vết không giống như nhớ lại một điều gì đó.

Cần phải nhớ những gì chúng ta đã làm, nhưng không nên trở nên bị ràng buộc với những gì chúng ta đã làm theo một nghĩa đặc biệt nào đó. Những gì chúng ta gọi là “ràng buộc” chỉ là những dấu vết của những ý nghĩ và hoạt động của mình.

Để không lưu lại bất cứ dấu vết nào, khi làm điều gì, quí vị nên làm với toàn thể thân tâm; quí vị nên tập trung vào cái gì mình làm. Quí vị nên làm nó một cách trọn vẹn, như ngọn lửa mừng. Quí vị không nên là thứ lửa có khói. Quí vị nên đốt cháy mình trọn vẹn, không để lại một dấu vết nào của mình trong những gì mình làm. Quí vị sẽ có cái gì đó còn lại không bị đốt cháy trọn vẹn. Hoạt động Thiền là hoạt động đốt cháy trọn vẹn, không gì còn lại trừ tro. Đây là mục đích tu tập của chúng ta. Đó là những gì Đạo Nguyên muốn nói khi sư nói, “Tro không trở lại thành củi.” Tro là tro. Tro nên hoàn toàn là tro. Củi nên là củi. Khi loại hành vi này xảy ra, một hành vi bao hàm hết mọi vật.

Như vậy sự tu tập của chúng ta không phải là chuyện một hay hai giờ, hay một hay hai ngày. Nếu quí vị tu tập tọa thiền với toàn thể thân tâm, dù chỉ một phút chốc, đó là tọa thiền. Như vậy từ giây phút này đến giây phút khác quí vị nên hiến mình cho tu tập. Quí vị không nên để còn lại gì sau khi làm điều gì đó. Nhưng điều này không có nghĩa là quên tất cả những gì về nó. Nếu quí vị hiểu được điểm này, tất cả sự suy nghĩ nhị nguyên và tất cả mọi vấn đề của đời sống sẽ biến mất.

Khi quí vị tu Thiền quí vị trở thành một với Thiền. Không có quí vị và không có tọa thiền. Khi quí vị lễ bái, không có Phật và không có quí vị. Một lễ bái duy nhất xảy ra, đó là tất cả. Đây là Niết-bàn. Khi Phật truyền pháp tu của chúng ta cho Đại Ca-diếp, ngài chỉ nhặt một bông hoa giơ lên với nụ cười. Chỉ có Đại Ca-diếp hiểu ý ngài muốn nói gì; không người nào khác hiểu. Chúng ta không biết đây có phải là một sự kiện lịch sử hay không, nhưng nó có ý nghĩa nào đó. Nó là một chứng minh con đường truyền thống của chúng ta. Một hoạt động nào đó bao hàm mọi thứ là hoạt động chân chính và bí mật của hoạt động này được truyền từ Phật đến chúng ta. Đây là tu Thiền, không phải một giáo lý nào đó được Phật dạy, hay những qui tắc sống nào đó được ngài dựng lên. Giáo lý hay qui tắc nên được thay đổi theo nơi, hay theo người tuân giữ, nhưng bí mật của pháp tu này không thể thay đổi. Nó luôn luôn đúng.

Như thế đối với chúng ta, không có cách nào khác để sống trong thế giới này. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn là thật; và nó dễ chấp nhận, dễ hiểu, và dễ tu tập. Nếu quí vị so sánh loại đời sống đặt căn bản trên pháp tu này với những gì đang xảy ra trên thế giới này, hay trong xã hội loài người, quí vị sẽ thấy chân lý mà Phật đã để lại cho chúng ta có giá trị như thế nào. Chân lý thật đơn giản, và pháp tu hoàn toàn đơn giản. Nhưng dù vậy, chúng ta không nên làm ngơ nó; phải khám phá giá trị vĩ đại của nó. Thông thường khi nó rất đơn giản chúng ta nói, “Ô, tôi biết điều đó! Nó hoàn toàn đơn giản. Mọi người biết điều đó.” Nhưng nếu chúng ta không tìm ra giá trị của nó, nó vô nghĩa. Đó giống như không biết. Càng hiểu văn hóa nhiều, quí vị càng hiểu lời dạy này đúng và cần thiết như thế nào. Thay vì chỉ phê bình văn hóa của mình, quí vị nên hiến tâm và thân mình tu tập pháp tu đơn giản này. Rồi xã hội và văn hóa sẽ trưởng thành từ quí vị. Điều này có thể đúng đối với những người quá cố chấp phê bình văn hóa của họ. Thái độ phê bình của họ có nghĩa là họ đang trở lại với chân lý đơn giản mà Phật đã để lại. Nhưng cách tiếp cận của chúng ta chỉ là tập trung vào pháp tu căn bản đơn giản và cách hiểu căn bản đơn giản về cuộc sống. Không nên có dấu vết nào trong hoạt động của chúng ta. Chúng ta không nên chấp vào những ý tưởng hão huyền nào đó hay những sự vật đẹp đẽ nào đó. Chúng ta không nên tìm kiếm một cái tốt nào đó. Chân lý luôn luôn ở gần tầm tay, bên trong tầm với của quí vị.

Thượng đế cho
“Cho là không chấp giữ, tức là, chỉ không chấp giữ bất cứ cái gì là cho.”
Mọi hiện hữu trong thiên nhiên, mọi hiện hữu trong thế giới con người, mọi tác phẩm văn hóa chúng ta sáng tạo, là một cái gì đó đã cho, hay đang cho chúng ta, nói một cách tương đối. Nhưng vì mọi sự vật vốn là một, chúng ta, trong thực tế, đang cho đi mọi sự vật. Từ giây phút này đến giây phút khác, chúng ta đang sáng tạo một cái gì đó, và đây là niềm vui của chúng ta trong cuộc sống. Nhưng cái “Tôi” này đang sáng tạo và luôn luôn cho đi một cái gì đó thì không phải là cái “tôi nhỏ bé”; nó là cái “Tôi lớn.” Mặc dù quí vị không nhận ra nhất thể của cái “Tôi lớn” này với mọi sự vật, khi quí vị cho một vật gì đó quí vị cảm thấy tốt, bởi vì lúc đó quí vị cảm thấy là một với những gì mình đang cho. Đây là lý do tại sao cảm thấy cho tốt hơn là lấy.

Chúng ta có câu nói, “Dana prajna paramita.” “Dana” có nghĩa là cho (bố thí), “prajna” là trí tuệ, và “paramita” có nghĩa là vượt qua hay sang đến bờ bên kia. Cuộc đời của chúng ta có thể xem như là sự đi qua một dòng sông. Mục đích nỗ lực của chúng ta trong đời sống là đi đến bờ bên kia, Niết-bàn. “Prajna paramita” hay bát-nhã ba-la-mật, chân trí tuệ của cuộc sống, là trong từng bước đường, thực sự đi đến bờ bên kia. Đi đến bờ bên kia bằng mỗi bước đi qua là cách sống chân chính. “Dana prajna paramita” hay bố thí bát-nhã ba-la-mật, là cách thứ nhất trong sáu cách sống chân chính. Cách thứ nhì là “sila prajna paramita,” hay trì giới bát-nhã ba-la-mật, là các giới luật Phật giáo. Rồi có “kshanti prajna paramita” hay nhẫn nhục bát-nhã ba-la-mật là nhẫn nhục; “virya prajna paramita” hay tinh tấn ba-nhã ba-la-mật là nỗ lực nhiệt tình và kiên định; “dhyana prajna paramita” hay thiền định bát-nhã ba-la-mật là thiền định hay tu Thiền; và “prajna paramita” hay bát-nhã ba-la-mật là trí tuệ [đi đến bờ bên kia]. Thực ra sáu “prajna paramita” (bát-nhã ba-la-mật) này là một, nhưng vì chúng ta có thể quan sát cuộc sống theo các mặt khác nhau, chúng ta tính là sáu.

Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Cho là không chấp giữ.” Tức là, chỉ không chấp giữ bất cứ cái gì là cho. Cho cái gì không là vấn đề. Cho một xu hay một chiếc lá là “dana prajna paramita,” là bố thí bát-nhã ba-la-mật; cho một câu, hay ngay cả một lời dạy là “dana prajna paramita.” Nếu cho với tinh thần không chấp giữ, thì cho một đồ vật và cho một lời dạy có giá trị như nhau. Với tinh thần chân chính, tất cả những gì chúng ta làm, tất cả những gì chúng ta tạo ra đều là “dana prajna paramita.” Vì thế Đạo Nguyên nói, “tạo ra một vật gì, tham gia vào hoạt động con người cũng là “dana prajna paramita.” Cung cấp cho người ta một con đò, hay làm cho người ta một cái cầu là “dana prajna paramita.” Thực tế, cho một câu giáo lý có thể tạo thành một con thuyền cho một người nào đó!

Theo Ki-tô-giáo, mọi hiện hữu trong thiên nhiên là một cái gì đó do Thượng đế tạo ra cho chúng ta. Đó là ý tưởng toàn hảo về cho. Nhưng nếu quí vị nghĩ rằng Thượng đế tạo ra con người, và quí vị có gì đó cách biệt với Thượng đế, quí vị phải nghĩ mình có trách nhiệm tạo ra cái gì đó tách rời, cái gì đó không do Ngài ban cho. Ví dụ, chúng ta chế tạo máy bay và làm ra xa lộ. Và khi chúng ta lặp đi lặp lại, “Tôi tạo ra, tôi tạo ra, tôi tạo ra,” chẳng bao lâu chúng ta quên mất “tôi” thực sự là ai tạo ra nhiều vật khác nhau; chẳng bao lâu chúng ta quên mất Thượng đế. Đây là mối nguy hiểm của văn hóa con người. Thực ra, sáng tạo với cái “Tôi lớn” là cho, là bố thí; chúng ta không thể tạo ra và sở hữu cái gì chúng ta tạo ra cho chính mình vì mọi vật là do Thượng đế tạo ra. Không nên quên điểm này. Nhưng vì chúng ta thực sự quên ai đang thực hiện sự sáng tạo và lý do sáng tạo, chúng ta trở nên bị ràng buộc vào giá trị vật chất hay giá trị trao đổi. Điều này vô giá trị khi so sánh với giá trị tuyệt đối của sự vật như là sự sáng tạo của Thượng đế. Mặc dù cái gì đó không có giá trị vật chất hay tương đối đối với cái “tôi nhỏ,” nó có giá trị tuyệt đối nơi chính nó. Không bị ràng buộc vào một vật nào đó là biết giá trị tuyệt đối của nó. Nên đặt căn bản mọi sự vật trên sự tỉnh giác như thế, không phải trên những ý niệm giá trị vật chất hay vị ngã. Rồi bất cứ điều gì mình làm cũng là chân bố thí, là “dana prajna paramita.”

Khi chúng ta ngồi trong tư thế xếp chéo chân [tư thế hoa sen hay tư thế kiết già], chúng ta phục hồi hoạt động sáng tạo nền tảng của mình. Có lẽ có ba loại sáng tạo. Thứ nhất là biết rõ chính mình sau khi chúng ta tọa thiền xong. Khi chúng ta ngồi chúng ta là không, ngay cả chúng ta không nhận ra mình là gì; chúng ta chỉ ngồi. Nhưng khi chúng ta đứng dậy, chúng ta ở đó! Đó là bước đầu trong sự sáng tạo. Khi chúng ta ở đó, mọi vật khác ở đó; mọi vật được tạo ra tức thời. Khi chúng ta hiện ra từ không, khi mọi vật hiện ra từ không, chúng ta thấy tất cả như mới sáng tạo tươi tắn. Đây là không chấp trước. Loại sáng tạo thứ hai là khi quí vị hành động, hay sản xuất hay chuẩn bị một cái gì đó như thức ăn hay trà. Loại thứ ba là tạo ra một cái gì đó bên trong chính chúng ta, như giáo dục, hay văn hóa, hay nghệ thuật, hay một hệ thống nào đó cho xã hội. Như vậy có ba loại sáng tạo. Nhưng nếu quí vị quên loại thứ nhất, loại quan trọng nhất, hai loại kia sẽ giống như trẻ con mất cha mẹ; sự sáng tạo đó sẽ vô nghĩa.

Thông thường mọi người quên lãng tọa thiền. Mọi người lãng quên Thượng đế. Họ làm việc rất khó nhọc với các loại sáng tạo thứ nhì và thứ ba, nhưng Thượng đế không giúp sự hoạt động ấy. Làm sao Ngài có thể giúp khi Ngài không nhận ra Ngài là ai? Đó là lý do tại sao chúng ta có rất nhiều vấn đề trên thế giới này. Khi chúng ta quên cái nguồn sáng tạo nền tảng của mình, chúng ta giống như những đứa trẻ không biết làm gì khi mất cha mẹ.
Nếu quí vị hiểu “dana prajna paramita,” quí vị sẽ hiểu làm sao chúng ta tạo ra rất nhiều vấn đề cho chính chúng ta. Dĩ nhiên, sống là tạo ra vấn đề. Nếu chúng ta không xuất hiện trong thế giới này, cha mẹ chúng ta không có khó khăn nào với chúng ta hết! Chỉ vì xuất hiện mà chúng ta tạo ra những vấn đề cho họ. Điều này hoàn toàn đúng. Mọi vật đều tạo ra một số vấn đề nào đó. Nhưng thông thường người ta nghĩ rằng khi họ chết, mọi sự đều qua đi, các vấn đề biến mất. Nhưng cái chết của quí vị cũng có thể tạo ra vấn đề! Thực ra, những vấn đề của chúng ta nên được giải quyết và hóa giải trong đời này. Nhưng nếu chúng ta ý thức rằng những gì chúng ta làm hay những gì chúng ta sáng tạo thực sự là tặng phẩm của cái “Tôi lớn,” thì chúng ta sẽ không bị ràng buộc với nó, và chúng ta sẽ không tạo ra vấn đề cho chính mình hay người khác.

Và chúng ta nên quên, mỗi ngày, những gì chúng ta đã làm; đây đúng là không chấp giữ. Và chúng ta nên làm một cái gì mới. Làm một cái gì mới, dĩ nhiên chúng ta phải biết quá khứ, điều này đúng thôi. Nhưng chúng ta không tiếp tục bám giữ bất cứ điều gì chúng ta đã làm; chúng ta chỉ nên phản ánh nó. Và chúng ta phải có một ý tưởng nào đó về những gì chúng ta nên làm trong tương lai. Nhưng tương lai là tương lai, quá khứ là quá khứ,; bây giờ chúng ta nên làm việc với một cái gì mới. Đây là thái độ của chúng ta, và chúng ta nên sống như thế nào trong thế giới này. Đây là “dana prajna paramita,” cho hay bố thí, hay tạo ra một cái gì đó cho chính chúng ta. Như vậy, làm một điều gì đó thông suốt là phục hồi hoạt động sáng tạo đích thực của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta ngồi. Nếu chúng ta không quên điểm này, mọi sự việc sẽ được thực hiện một cách tốt  đẹp. Nhưng một khi chúng ta quên điểm này, thế giới giới sẽ đầy bối rối.

Thiền sư Shunryu Suzuki
Trích trong Tâm thiền tâm ban sơ