CHIA SẺ

shrine

Vì sao phải hàng ngày cúng dường Tam Bảo?

Là Phật tử quy y Tam Bảo, hàng ngày chúng ta cần cúng dường Tam Bảo để tự nhắc nhở tâm quy y. Ngoài ra, cúng dường cũng là một phương pháp tích lũy công đức rất thù thắng. Không phải vì không cúng dường Phật sẽ bị đói khát: Phật vốn không cần phẩm cúng dường của chúng ta. Chỉ là nhờ vào Phật mà khi dâng phẩm cúng dường, chúng ta tích lũy được nhiều công đức.

Phẩm cúng dường có hai loại, một là cúng dường bằng phẩm vật cụ thể bày biện, hai là cúng dường bằng công phu quán tưởng.

Cúng dường không phải là việc phức tạp hay tốn kém. Chỉ cần lập một bàn thờ đơn giản, không cần nhiều tiền của, có được gì cũng đều có thể dùng làm phẩm cúng dường dâng lên Phật. Buổi sáng dâng phẩm cúng dường, buổi tối thu dọn, làm cho đúng cách, với cái tâm cho thật đúng đắn. Nhờ tâm đúng đắn khi dâng phẩm cúng dường mà tích lũy nhiều công đức, vì vậy không cần nhiều tiền của vẫn có thể rộng rãi cúng dường.

Nói về phẩm cúng dường

Cúng dường Tam Bảo phải trở thành một phần trong công phu tu tập hàng ngày. Bàn thờ giữ cho thật sạch, không để bụi bám, mỗi ngày lưu ý lau chùi sạch sẽ. Mỗi sáng thức dậy, rửa tay, che khẩu trang không để hơi thở làm ô nhiễm phẩm cúng dường, mang một bình nước đến trước bàn thờ. Chén nước hôm qua đã lau sạch úp sẵn trên bàn thờ, sáng nay mở từng chén rót nước vào. Khi rót có thể đọc minh chú cúng dường. Cúng nước rồi, đối trước bàn thờ lạy ba lạy. Cứ như vậy, buổi sáng dâng nước cúng dường, buổi tối dẹp nước, chùi chén cho khô sạch, úp trở lại trên bàn thờ. Đây là việc làm đơn giản, ai cũng có thể làm được.

Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng phải cúng phẩm đắt tiền mới được nhiều công đức. Thật ra công đức không đến từ giá trị của phẩm vật cúng dường mà đến từ giá trị của tâm người cúng dường. Tâm người cúng dường mới là yếu tố quyết định lượng công đức nhiều hay ít. Tâm không tham lẫn là cái tâm cần phải có khi cúng dường.

Nhiều người cho rằng cúng nhiều tiền thì được nhiều công đức. Nếu thật là như vậy, người không tiền làm sao cúng dường Tam Bảo? Vô lẽ không tiền thì không thể tích lũy công đức hay sao? Cũng có người mang nhiều tiền của cúng dường Tam Bảo, đến khi gia cảnh sa sút lại tiếc rẻ, phải chi đừng cúng nhiều như vậy. Những loại tâm lý như vậy đều là tâm lý khiến hao tổn công đức. Thực chất công đức không nằm ở giá trị của phẩm vật cúng dường mà nằm ở cái tâm không tiếc lẫn.

Nhiều Phật tử khi cúng dường thường mang tâm lý tham lẫn. Lấy ví dụ trường hợp đệ tử mua một cái chuông thật mắc tiền để cúng dường sư phụ, sau đó cứ mỗi lần đến chùa lại cứ nhấp nhổm nhìn xem sư phụ có dùng cái chuông của mình hay không, có thích nó hay không. Nếu sư phụ mang chuông tặng cho người khác, chắc chắn trong bụng sẽ không vui, nghĩ sao cái chuông mình tặng mà Thầy lại nỡ lòng đem cho người khác. Tất cả mọi trạng thái tâm lý này rất quen thuộc với chúng ta, mặc dù đã cúng dường nhưng vẫn tiếp tục giữ làm của mình, không xả được tâm lý tiếc lẫn. Chính tâm lý tiếc lẫn này sẽ khiến công đức bị chiết giảm trầm trọng, thậm chí không còn công đức gì lại còn tạo thêm ác nghiệp.

Vì lý do này mà cúng nước là phương pháp cúng dường cực kỳ thù thắng. Không ai mang nước ra cúng mà băn khoăn ít nhiều, mắc rẻ. Nước là món dễ kiếm, bất cứ một ai, dù giàu hay nghèo, đều đủ khả năng cúng mỗi ngày. Đây là phương pháp tạo công đức dễ dàng nhất, lại không bị tâm lý tham lẫn làm tổn hại công đức.

Muốn tu thì phải tích lũy nhiều công đức. Người giàu công đức khi tu sẽ chóng đạt kết quả. Công đức giúp tăng phước, tăng thọ, giúp mọi việc suôn sẻ dễ dàng. Cả trong đời sống hàng ngày cũng vậy, công đức rất cần thiết. Thử nhìn việc trong đời mà xem, nhiều người tài năng xuất chúng nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, đó là vì thiếu công đức. Nếu chúng ta biết cách tích lũy công đức thì việc đời việc đạo đều sẽ rất thuận tiện suôn sẻ.

Hôm nay Thầy hướng dẫn quí vị phương pháp cúng nước này là để quý vị tích lũy công đức, hầu giúp đường tu của quí vị được mọi điều thuận tiện. Chỉ cần chút siêng năng là làm được, không tốn nhiều thời gian, không cần nhiều tiền của.

Lập bàn thờ rồi, xin quí vị quan tâm giữ bàn thờ cho thật sạch. Phải ngày ngày xem xét, chùi dọn, quét bụi. Thầy nghe có Phật tử nói rằng bàn thờ không được thường xuyên lau chùi, phải một năm mới được phép lau chùi một lần. Phong tục tập quán như vậy không biết đến từ đâu, nhưng không nên theo. Ngay như chúng ta đây là người thường, bàn ăn giường ngủ cũng phải giữ cho sạch, không thể nào một năm mới chùi dọn một lần. Bản thân mình phải sạch sẽ mới thấy thoải mái, huống chi là bàn thờ Phật. Nơi thờ Phật không thể nào để dơ hơn nơi ở của chính mình, không thể một năm chùi một lần. Quí vị nên hàng ngày lau chùi bàn thờ cho gọn gàng sạch sẽ.

Phẩm cúng dường cũng vậy, không cần món đắt tiền, nhưng đã cúng thì phải tùy khả năng mà chọn những gì tốt nhất, đẹp nhất và nhiều nhất để cúng dường. Cúng trái cây thì đừng mang cúng loại trái cây đã hỏng chính mình chê không ăn. Làm như vậy là không được. Hay như người Tây tạng cúng đèn bơ, đợi khi bơ hư mốc không ăn được nữa mới mang ra làm đèn cúng Phật là không được. Cúng Phật như vậy không những không được công đức mà lại còn gieo nhiều ác nghiệp. Phẩm cúng dường phải luôn là những món thanh sạch nhất, tươi tốt nhất.

TÂM NGƯỜI CÚNG DƯỜNG

Cúng dường được công đức hay không còn tùy nơi tâm người cúng dường. Vậy phải cúng dường bằng cái tâm như thế nào mới được nhiều công đức?

Nếu cúng Tam Bảo với cái tâm cầu mong Tam Bảo hộ trì cho mình được giàu sang, cho mình hết bệnh tật, cho mình được điều này điều kia…cúng dường với cái tâm mong cầu hồi báo như vậy sẽ làm hao tổn công đức. Người cúng dường ít gì cũng phải nhớ về cảnh sống trong sinh tử luân hồi khi cúng dường, biết mọi sự trong cõi sinh tử luân hồi đều mang tính chất của khổ đau: khổ vì sinh, vì lão, vì bệnh, vì tử. Chúng ta là người ngụp lặn trong sinh tử luân hồi mà lại không hiểu về khổ đau của sinh tử luân hồi, không biết gì về khổ nạn của chính mình. Chư Phật, chư Bồ Tát nhìn vào cảnh sinh tử luân hồi, thấy chúng sanh khổ đau mà sinh lòng thương xót, đến nỗi nổ tung thành từng mảnh. Các vị thấy rõ, hiểu rõ nỗi khổ mà chúng sanh phải gánh chịu trong cõi sinh tử luân hồi. Còn chúng ta là kẻ chịu khổ sinh tử, vậy mà đối với khổ đau của chính mình lại không hay không biết. Loại khổ đau nào dễ thấy lắm thì còn hiểu được chút ít, còn đối với các loại khổ đau vi tế chúng ta lầm tưởng đó là an lạc hạnh phúc nên cứ mãi bám dính vào, không muốn buông ra.

Phải hiểu khổ sinh tử luân hồi thì mới phát tâm cầu thoát sinh tử luân hồi. Khi cúng dường, chí ít phải cúng dường bằng cái tâm cầu thoát sinh tử luân hồi, được vậy công đức mới đủ mạnh.

MUỐN TU PHẢI CÓ CÔNG ĐỨC

Có người đến nghe pháp, vừa nghe đã hiểu, vừa hiểu đã có thể hành trì, vừa hành trì đã đạt kết quả. Thành tựu lợi ích như vậy đều phụ thuộc vào công đức. Muốn tu phải có công đức. Muốn nghe pháp, hiểu pháp, cũng phải có công đức. Vậy chúng ta phải quan tâm đúng mức đến việc tích lũy công đức. Cần biết cách cúng dường như thế nào để tạo nhiều công đức. Công đức phải dồi dào đường tu mới thoát chướng ngại, đạt kết quả.

CÚNG DƯỜNG MANDALA

Trong tu học Mật Tông, thì tích lũy hai bồ tư lương phước trí là việc cực kì trọng yếu. Chính sự tích tập cùng lúc 2 thứ này trong pháp tu là sự khác biệt chính yếu làm cho Mật Tông trở thành pháp tu mà mọi người hay gọi nôm na là “tu tắt” – do sức nhanh chóng trong việc tích tập đầy đủ hai tư lương này.

PHÁP CÚNG DƯỜNG MANDALA

Trong Phật Giáo có rất nhiều pháp tích lũy công đức. Trong các pháp, pháp đem lại lợi lạc nhiều nhất có thể nói đến pháp cúng dường Mandala. Pháp cúng dường Mandala được đề cập nhiều trong pháp tu ngondro dự bị trong tất cả mọi dòng truyền thừa của Phật Giáo Tây Tạng.

Pháp cúng dường Mandala khi thực hiện thì dùng đồ cúng dường mandala. Vừa cất lời tụng, tay vừa rãi các hạt gạo, cát, hoặc đá quý….lên từng vòng, theo thứ lớp để tạo thành mandala. Ở đây sự cúng dường này không chỉ mang ý nghĩa là chỉ cúng dường gạo, cát hoặc đá quý…mà là sự dâng hiến lên cho Bổn Sư, cho dòng truyền thừa, cho Tam Bảo TẤT CẢ NHỮNG GÌ TỐT ĐẸP NHẤT mà mình sở hữu.

Ngoài phước báu lợi lạc do sự cúng dường này, thực cúng dường mandala còn là một phương pháp tuyệt vời để CẮT BỎ TÂM THAM ĐẮM, BÁM CHẤP ….

Những bài kệ được trì tụng khi thực hành cúng dường mandala này ý nghĩa thật tuyệt vời và trong sáng.

Như bài kệ của dòng truyền Drukpa:

Thân mạng, tài sản, bao công đức

Thành tâm cúng dường Phật Pháp Tăng

Nguyện đạt phúc tuệ tối thượng thừa

Idam Guru Ratna Mandala Kamniryatayami

Hoặc trong dòng mũ vàng và truyền thống Longchen Nyingthik

Mặt đất trải đầy hương và hoa

Tu Di bốn châu cùng Nhật Nguyệt

Con xin dâng cúng cõi Phật thanh tịnh này

Nguyện cho chúng sinh thọ hưởng Phật cảnh

Idam Guru Ratna Mandala Kamniryatayami.

* * *

TÁM PHẨM CÚNG DƯỜNG

images

Hình 1 : Bảy chén nước và một ngọn đèn


Seven offeringsHình 2: Tám phẩm cúng dường riêng biệt – lót chén bằng đá quí

Bây giờ Thầy hướng dẫn phương pháp dâng tám phẩm cúng dường. Cần tám cái chén, to nhỏ đều được, tùy khả năng tài chánh mà chọn chất liệu tốt nhất: vàng, bạc, đồng, pha lê, gốm sứ…].

Ở đây Thầy dùng gạo để lót phẩm cúng dường. Nếu dùng gạo hay hạt ngũ cốc lót phẩm cúng dường không tiện – vì sinh ẩm mốc, hoặc vì vấn đề sâu bọ, quí vị có thể tìm vụn đá quí nhiều mầu để lót.

Khi cho gạo hay đá quí vào chén, hãy chú ý đừng đổ quá đầy, trào ra ngoài không tốt, cũng đừng quá vơi, nhìn không đẹp. Phải vừa đủ cách miệng chén bằng bề ngang một hạt gạo].

Khi bày chén, đừng để hai chén chạm vào nhau, cũng không cách nhau quá xa, giữ khe hở giữa hai chén bằng bề ngang một hạt gạo. Chén xếp thẳng hàng, đừng để xiên xẹo méo mó.

Bày biện xong, nếu có bình báu [bumpa] thì có thể dùng nước trong bình để thanh tịnh phẩm cúng dường. Tịnh phẩm cúng dường như vậy là tịnh cái gì? Tịnh tâm lý tham lẫn của mình khi cúng. Nếu không có bình báu, quí vị có thể dùng cỏ cát tường nhúng nước rảy và đọc câu chú thanh tịnh tâm chấp ngã của chính mình khi dâng phẩm cúng dường.

ÔM SOA BA VA XU ĐA XẠT VA ĐẠT MA SOA BA VA XU ĐA HAM

Ở đây chúng ta thấy Thầy dùng khăn che miệng khi cúng dường. Quí vị có thể dùng khẩu trang che miệng, làm như vậy để tránh hơi thở làm ô nhiễm phẩm cúng dường. Ngoài ra, che miệng cũng giúp tâm chuyên chú, ngăn không nói chuyện, tránh văng nước miếng làm ô nhiễm phẩm cúng dường.

Phẩm cúng dường có tám. Chúng ta có thể cúng bảy chén nước và một ngọn đèn [hình 1], hoặc bày đủ tám phẩm cúng dường riêng biệt [hình 2]. Đây là những phẩm quý giá thời Phật. Mỗi phẩm cúng đều tương ứng với một thủ ấn và một câu chú. Tuy vậy, chúng ta hàng ngày cúng dường không cần bắt thủ ấn và tụng chú, chỉ khi nào hành trì nghi quỹ mới cần đến.

Dưới đây là chi tiết tám phẩm cúng dường:

Phẩm 1. Nước uống [nước]

[OmBenza Argham Ah Hum – Ôm Ben-dza Ạt-Găm A Hum]

Phẩm 2. Nước rửa chân [nước]

[OmBenza Padyam Ah Hum – Ôm Ben-dza Pan-đên A Hum]

Phẩm 3. Hoa: gieo thiện nghiệp để kiếp sau làm người thân tướng tươi đẹp [hoa tươi hay pha lê].

[OmBenza Pushpe Ah Hum – Ôm Ben-dza Púp-pê A Hum]

Phẩm 4. Hương thơm: gieo thiện nghiệp để kiếp sau làm người, thân thể thơm tho không hôi thối. [dầu thơm, nhang, trầm, không cần đốt]:

[OmBenza Dhupe Ah Hum – Ôm Ben-dza Đúp-pê A Hum]

Phẩm 5. Đèn: giúp tịnh nghiệp vô minh, đặc biệt là xua tan bóng tối cõi trung ấm, đặc biệt cho người đang trong giai đoạn cận tử, 49 ngày sau khi chết. [đèn cầy hay đèn dầu].

[Om Benza Aloke Ah Hum – Ôm Ben-dza A-lô-kê A Hum]

Phẩm 6. Nước thơm: Vào thời Phật, trước khi Phật đến thuyết pháp, người ta thường hay rãi nước để lắng bụi uế trong thành [nước]

[OmBenza Gande Ah Hum – Ôm Ben-dza Ghên-đê A Hum]

Phẩm 7. Thực phẩm [quả hay bánh trái]

[OmBenza Newe Ah Hum – Ôm Ben-dza Niu-đê A Hum]

Phẩm 8. Âm nhạc [vỏ ốc]

[OmBenza Shapda Ah Hum – Ôm Ben-dza Sáp-ta A Hum]

Phẩm cúng dường bày từ trái qua phải, đếm từ phẩm thứ nhất đến thứ 8. Thu dọn theo chiều ngược lại.

Nếu dùng bảy chén nước và một ngọn đèn thì bày ngọn đèn ở phẩm số 5.

Nếu cúng đủ tám phẩm cúng dường thì dùng gạo hay đá quí để lót phẩm cúng dường [lót các phẩm số 3, 4, 5, 7 và 8].

Nếu lót bằng gạo, buổi tối phải dẹp cả tám chén. Gạo không thể giữ trên bàn thờ qua đêm vì vấn đề chuột, bọ. Gạo cúng rồi không ăn mà rải ra cho chim chóc ăn. Sáng hôm sau bày gạo mới và cúng phẩm mới.

Nếu kiếm được đá quý thì dùng đá quý lót phẩm cúng dường, thỉnh thoảng mang ra rửa sạch phơi khô. Nếu dùng đá quí lót cúng phẩm, mỗi ngày chỉ cần thay ba chén nước [chén số 1, số 2 và số 6]

Phẩm trái cây tốt nhất nên thay mỗi ngày, nhưng vẫn có thể giữ vài hôm, miễn đừng hư héo. Trái cây và nước sau khi cúng dường đều có thể ăn, uống, hoặc cũng nên mang ra vườn rải nơi thanh sạch, nghĩ rằng loài ngạ quỷ đói khát lâu ngày không có đồ ăn nước uống, nhờ vào thực phẩm này nguyện cho họ được no đủ. Rải phẩm cúng dường bằng cái tâm như vậy thì ngạ quỷ sẽ hưởng được.

Nếu không tìm được đá quý và không muốn dùng gạo thì có thể đơn giản dùng 7 chén nước và 1 ngọn đèn [hình 1], năng dụng như nhau.

Hỏi Đáp

Hỏi. Nước cúng dường là nước đun sôi hay là nước chưa đun, nước giếng hay nước lấy từ vòi?

Đáp. Chỉ cần nước sạch sẽ tinh khiết. Có thể đun sôi để nguội hoặc nước mưa, nước giếng, nước lọc đều được. Miễn đừng cúng nước nóng.

Hỏi. Người Việt Nam có bàn thờ, thờ tổ tiên một bên và thờ Phật một bên. Bây giờ làm thêm bàn thờ Phật theo Mật tông thì có thể làm thêm một bàn thờ trong phòng ngủ của mình không? Vì bàn thờ Phật có sẵn cao trên trần nhà, rất khó bày chén cúng.

Đáp. Nếu muốn thì lập bàn thờ Mật tông riêng cũng được, bằng không cứ dùng chung với bàn thờ có sẵn . Quan trọng là phải giữ bàn thờ cho thật sạch. Bàn thờ Phật Việt Nam Thầy không rõ ra sao, chỉ thấy Phật tử Mã lai cúng hương trên bàn thờ, rớt đầy tàn nhang, nhưng cứ để dơ như vậy không chùi dọn, nói rằng bàn thờ một năm mới được dọn một lần. Thầy nói làm như vậy sẽ không được chút công đức nào mà còn tạo ác nghiệp. Bàn thờ phải giữ cho gọn gàng, sạch sẽ, phải khiến cho mình có được cảm giác thoáng mát tươi đẹp. Trong trường hợp bàn thờ quá cao khó bày chén nước thì vẫn có thể lập thêm một bàn thờ ở ngang tầm tay. Phải leo ghế để cúng Phật trẻ tuổi không sao, lớn tuổi có khi nguy hiểm.

Hỏi. Đèn cầy có thể để cả ngày đêm?

Đáp. Đèn cầy nên để cho tới khi tự cháy hết. Trong trường hợp cả nhà đi vắng không ai coi chừng thì có thể tắt đèn cầy, nhưng không được thổi (tránh hơi thở, nước miếng văng vào phẩm cúng dường), mà nên dùng tay phẩy cho tắt. Có thể dùng đèn dầu thay cho đèn cầy. Nếu dùng đèn dầu, buổi tối dẹp cúng phẩm cứ để lại ngọn đèn dầu cháy cả ngày cả đêm.

Hỏi- Thực phẩm cúng sữa bột được không? Có thể để qua đêm được không?

Đáp– Nên để tối đa 3 ngày sau đó thay đổi, nếu thay được hàng ngày thì tốt.

Hỏi- Nước cúng dường có thể uống cho khỏe được không hay là phải rải ra vườn?

Đáp– Nước gia trì có thể uống được hoặc là rải ra vườn để bố thí cho súc sanh ngạ quỷ, tùy tâm mình.

Sonam Tenzin Rinpoche