CHIA SẺ

Văn hóa Óc eo

Khác với Trung Hoa có biên giới đường bộ với Việt Nam, Ấn Độ không có sự tiếp giáp trực tiếp với Việt Nam, nhưng nền văn hóa Ấn Độ lại có ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Việt Nam. Trên nhiều bình diện, văn hóa Ấn Độ “thẩm thấu” – chữ dùng của GS, TS. Phạm Đức Dương – bằng nhiều hình thức và liên tục.

Khi xem xét mối quan hệ, giao lưu và tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Ấn Độ, cần thấy, quá trình mức độ của quan hệ giao lưu này có khác nhau qua các thời kì lịch sử và các không gian văn hóa.

Trong giai đoạn đầu tiên của thiên niên kỉ đầu sau công nguyên, trên dải đất Việt Nam hiện nay có ba nền văn hóa: Văn hóa Việt ở Bắc Bộ, Chăm pa ở Trung Bộ, và Óc Eo ở Nam Bộ. Sự giao lưu, tiếp biến văn hóa của văn hóa Ấn Độ với ba nền văn hóa này có khác nhau.

Trước công nguyên, nguyên nhân thúc đẩy người Ấn Độ thông thương buôn bán với cư dân Đông Nam Á trong đó có cư dân của ba nền văn hóa trên là việc buôn bán vàng, sau khi việc buôn bán với thế giới La Mã bị cấm.

Thứ nhất là văn hóa Óc Eo, sự biến mất của nền văn hóa này vào thế kỉ VIII làm cho chúng ta hôm nay khó dựng lại được diện mạo của nó, vì thế tìm hiểu ảnh hướng của văn hóa Ấn Độ không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã khẳng định nền văn hóa Óc Eo là nền văn hóa của “một quốc gia ngay từ buổi đầu đã được xây dựng trên cơ sở một nền nông nghiệp trồng lúa nước khá phát triển bắt nguồn từ vùng ruộng nương trung nguyên sông Cửu Long của cư dân Môn – Khơme kết hợp với nghề biển cổ truyền của cư dân Nam Đảo. Trên cơ tầng đó, các đạo sĩ Bà la môn từ Ấn Độ đã tổ chức một quốc gia mô phỏng theo mô hình Ấn Độ trên tất cả các mặt: tổ chức chính trị, thiết chế xã hội, đô thị hóa, giao thông, kĩ thuật công nghiệp cùng một hệ thống tôn giáo và các nền văn hóa kèm theo, trong đó đạo Bà la môn đóng vai trò chi phối; đạo pháp Bà la môn là tối thượng, chữ Brahmi của Sanscrit là chữ thánh hiền.”

Thứ hai là nền văn hóa Chăm pa. Nhận xét về quan hệ giữa văn hóa Chăm pa và văn hóa Ấn Độ, TS. Ngô Văn Doanh khẳng định: “một điều không thể phủ nhận được là những ảnh hưởng Ấn Độ đã góp một phần cực kì quan trọng vào quá trình hình thành ra vương quốc Chăm pa cũng như một nền văn hóa phát triển rực rỡ và đầy bản sắc – văn hóa Chămpa. Có điều ấy là kết quả của một quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa văn hóa Ấn Độ và văn hóa Chămpa. Người Chăm tiếp nhận mô hình văn hóa Ấn Độ từ việc xây dựng một chế độ vương quyền đến việc tạo dựng mọi thành tố của nền văn hóa Chămpa. Nhưng ở đây cũng lại có một độ khúc xạ khá lớn giữa văn hóa Ấn Độ và văn hóa Chămpa, chẳng hạn như ở khía cạnh tôn giáo, chữ viết, đẳng cấp xã hội v.v…

Thứ ba là nền văn hóa Việt ở châu thổ Bắc Bộ. Trước khi văn hóa Ấn Độ tràn vào, văn hóa Việt đã định hình và phát triển. Người Việt ở đây tiếp nhận văn hóa Ấn Độ vừa trực tiếp, vừa gián tiếp. Những thế kỉ đầu công nguyên, châu thổ Bắc Bộ là địa bàn trung chuyển văn hóa Ấn Độ, nhất là tôn giáo. Các nhà sư từ Ấn Độ đi qua Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) để rồi tìm đường lên phương Bắc và các nhà sư Trung Quốc sang Ấn Độ tìm kinh cũng qua Luy Lâu, coi đây là trạm dừng chân. Người Việt tiếp nhận văn hóa Ấn Độ trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Họ đối mặt với văn hóa Hán, vừa tiếp nhận văn hóa Hán, vừa lo đối phó với chính trị. Bởi vậy, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ chỉ diễn ra trong tầng lớp dân chúng, nhưng lại có sức phát triển rất lớn. Giao Châu trở thành trung tâm Phật giáo lớn ở Đông Nam Á… Người Việt thích ứng và tiếp biến đạo Phật một cách dung dị vào cơ tầng văn hóa bản địa; bởi đạo Phật vốn có tinh thần bình đẳng và bác ái, chủ trương dân chủ, không đảng cấp. Với tín ngưỡng đa thần, người Việt dễ dàng tiếp nhận Phật giáo Đại thừa, mặc dù có thời gian, Phật giáo Tiểu thừa đã ngự trị khá vững chắc ở châu thổ Bắc Bộ. Vì thế, có thể nói, ngay từ buổi đầu, ở Bắc Bộ, Phật giáo đã có tính chất dân tộc. Tựu trung, việc giao lưu, tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Ấn Độ, qua từng thời kì lịch sử và ở từng vùng đất diễn ra khác nhau, nhưng cơ bản là giao lưu, tiếp biến một cách tự nhiên, tự nguyện.

Tác giả: GS Trần Quốc Vượng

Nguồn: Cơ sở Văn hóa Việt Nam