CHIA SẺ

maxresdefault

Muốn luyện cho tâm mình thấy được tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ mình, việc đầu tiên cần phải làm phát triển Tâm Bình Đẳng. Cũng như trước khi hoạ hình , chúng ta cần xem kỹ mặt vẽ có bằng phẳng hay không, phải cho thật bằng phẳng không lồi lõm thì mới có thể vẽ được. Ở đây cũng vậy, trước khi quán chúng sinh là mẹ, tâm của ta đối với tất cả chúng sinh phải tuyệt đối bình đẳng. Nói cách khác, phải san bằng tâm lý thiên vị phân biệt, đừng cảm thấy thân thiết với người này, xa lạ với kẻ kia. Vì vậy phải phát triển Tâm Bình Đẳng, còn gọi là Tâm Đại Xả.

Bây giờ tôi sẽ hướng dẫn phương pháp luyện Tâm Bình Đẳng. Vị nào đã từng nghe qua phương pháp này rồi, xin hãy thiền quán theo lời giảng. Còn vị nào chưa từng nghe qua, xin chú ý lắng nghe ghi nhớ. Xin tất cả quý vị ngồi đây hãy cố gắng “khởi chí nguyện phát Bồ Đề Tâm” nghĩ rằng mình nhất định phải có cho được Tâm Bồ Đề. Như tôi có nói, pháp tu này do các vị Lama dòng Kadampa dạy, hữu hiệu vô cùng, nhất là pháp tu kết hợp Bảy Điểm Nhân Quả và Hoán Chuyển Ngã Tha do Lama Tông Khách Ba truyền dạy. Vì vậy xin quý vị hãy chăm chú lắng nghe, phát khởi tâm nguyện cho thật mãnh liệt, như sau: “Tôi nhất định sẽ tu theo, nhất định sẽ phát Tâm Bồ Đề”.

Bây giờ hãy quán tưởng phía trước có ba người: một người luôn làm quý vị khó chịu, nghĩ tới thôi đã cảm thấy mất vui. Kế bên là một người quý vị luôn cảm thấy thương yêu, nghĩ tới thôi đã cảm thấy hân hoan vui vẻ. Kế bên lại có một người hoàn toàn xa lạ, không làm lợi, cũng không gây hại cho quý vị. Nghĩ đến ba người như vậy, quý vị cảm thấy ghét bỏ người mình không ưa, quyến luyến người mình thích và dửng dưng đối với kẻ lạ.

Bây giờ, quý vị hãy nghĩ tới người mình ghét, tự hỏi “ người này thật ra đã làm gì tôi? Tại sao tôi lại ghét đến như vậy?” Quý vị sẽ thấy thật ra quý vị ghét như vậy chỉ vì người ấy trong kiếp hiện tại đã từng làm hại quý vị một tí. Ngang đây nên quán về sự biến chuyển của khái niệm bạn và thù tong pháp tu Lam – rim dành cho bậc trung căn. Đây là một trong những khiếm khuyết của luân hồi: chúng ta không thể biết chắc ai là bạn, ai là thù. Có khi đang bạn lại biến thành thù, có khi đang thù lại trở thành bạn. Phải nghĩ như vầy: “Mặc dù người ấy đã từng hại tôi trong đời này, nhưng từ vô lượng đời kiếp quá khứ cũng đã nhiều lần lo lắng chăm sóc tôi. Trong kiếp hiện tiền dù có hại tôi chăng nữa, cũng vẫn ít lắm so với mối quan tâm đã từng chia sẻ cho nhau từ vô lượng kiếp trước. Vậy mà tôi lại xem người ấy như kẻ thù chân chính, thật quá sai lầm”. Quý vị nên suy nghĩ như vậy nhiều lần để dần dần san bằng cảm giác thù ghét.

Bây giờ hãy nghĩ đến người mà quý vị yêu thương, luôn khiến quý vị vui vẻ hạnh phúc khi gặp mặt. Quý vị cho rằng đây là người bạn chân chính, thân thiết hơn bất cứ một ai, quyến luyến đến nỗi không muốn rời xa dù chỉ trong chốc lát. Nếu xét kỹ vì sao lại như vậy, sẽ thấy lòng yêu thích ấy chỉ đến từ chút ít lợi lạc người kia mang đến cho quý vị. Nhận được một ít lợi lạc nên quý vị cảm thấy hân hoan vui vẻ. Nhưng thật ra quý vị phải thấy rằng: “Mặc dù kiếp này người ấy đã mang chút ít lợi lạc đến cho tôi, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Trong các đời kiếp vô lượng về trước, người này đã từng là kẻ thù của tôi, đã từng làm hại tôi đến nỗi chỉ thấy mặt thôi là đã phát ghét. Cho dù người ấy đã có làm lợi cho tôi, đang làm lợi cho tôi, và sẽ làm lợi cho tôi chăng nữa, cũng không nên vì vậy mà yêu quý quyến luyến quá độ, vì người ấy cũng đã từng làm hại tôi rất nhiều rồi.” Cứ suy nghĩ vậy cho thật nhiều, rồi sẽ từ từ bỏ được cảm giác tham đắm.

Bây giờ quán tới người xa lạ. Khuynh hướng tự nhiên của quý vị đối với người này sẽ là: “Tôi không quen, cũng không quan tâm. Người này có liên hệ gì tới tôi đâu, trong quá khứ cũng không, trong hiện tại cũng không, trong tương lại cũng không nốt, việc gì tôi phải quan tâm đến người ấy?” Thái độ như vậy hoàn toàn sai lầm. Quý vị phải nghĩ như thế này: “tuy rằng bây giờ người ấy đối với tôi chẳng phải bạn cũng chẳng phải thù, nhưng trong rất nhiều đời kiếp về trước đã từng là người thân của tôi. Vì vậy tôi không thể dửng dưng.” Phải suy nghĩ như vậy nhiều lần để san bằng cảm giác dửng dưng đối với kẻ lạ, tương tự như khi quý vị tập san bằng cảm giác thương ghét đối với người thân kẻ thù.

Vậy khi ngồi thiền, trước tiên quý vị phải nghĩ rằng hoàn toàn không có lý do gì để mình phải ghét kẻ thù, vì kẻ thù cũng đã từng là bạn thân của mình trong nhiều đời quá khứ. Cần quán như vậy rất nhiều lần để san bằng cảm giác ghét bỏ, mở tâm bình đẳng đối với người mình ghét. Rồi lại nghĩ rằng cũng chẳng cần phải quyến luyến người mình thương, vì người mình thương bây giờ cũng đã từng là kẻ thù trong nhiều kiếp trước. Quán như vậy nhiều lần để san bằng cảm giác tham luyến, mở Tâm Bình Đẳng đối với người mình thương.

Khi quán ba loại người như vậy, chúng ta nhìn họ qua ba lăng kính khác nhau: bạn, thù và kẻ lạ. Tuy vậy không ai cứ mãi là bạn, là thù, hay là kẻ lạ. Vì vậy chúng ta chẳng có lý do gì để mà ghét người này, thương người kia, hay dửng dưng với kẻ nọ.

Nếu xét kỹ lại xem ba người kia thực sự là ai, sẽ thấy họ đều là chúng sinh, đều giống nhau ở điểm cùng muốn được hạnh phúc, cùng không muốn khổ đau. Vì vậy không có lý do gì lại dựa vào lòng thương ghét hay dửng dưng của mình để phân họ ra thành ba loại người như vậy. Quý vị phải tập nhìn như vậy, cho thật nhiều lần, đến một lúc nào đó, quý vị sẽ thấy cúng sinh ai cũng như ai, tình cảm quý vị dành cho mọi loài đồng đều như nhau. Đây là kết quả mà quý vị cần phải đạt đến.
Dù cho mỗi ngày quý vị có tụng câu Tứ Vô Lượng Tâm: Nguyện cho chúng sinh / cùng được hạnh phúc / và mầm hạnh phúc / nguyện cho chúng sinh / cùng thoát khổ đau / và mầm khổ đau v.v. nhưng nếu không có Tâm Bình Đẳng thì trong thực tế tụng như vậy cũng giống như là tụng “nguyện cho chúng sinh cùng được hạnh phúc và mầm hạnh phúc, nhưng mà chỉ nguyện cho chúng sinh nào tôi thích thôi, mặc kệ chúng sinh tôi không thích.” Dù quý vị có tụng câu này siêng năng thiết tha đến đâu chăng nữa, nếu chưa có Tâm Bình Đẳng thì tất cả cũng chỉ là ngôn từ, không phải Tứ Vô Lượng Tâm thật sự.

Do đó Tâm Bình Đẳng quan trọng vô cùng. Dù phải tốn nhiều năm thắng nhập thất chỉ để miên mật tu Tâm Đại Xả, cũng là việc rất nên làm. San bằng được cảm giác thương ghét đối với người thân kẻ thù là điều vô cùng lợi lạc cho tâm thức của mình.

Ribur Rinpoche
Việt dịch: Hồng Như
Nguồn: Phát Tâm Bồ Đề