CHIA SẺ

Chúng ta có bản tánh cốt tủy của sự giác ngộ. Hơn nữa, bởi sinh tử không có lúc bắt đầu, cũng có lúc ta phải đạt được nền tảng – một hiện hữu làm người cao quý – trong đó ta gặp điều kiện – vị Thầy tâm linh tốt lành. Điều gì ngăn trở chúng ta trong việc thành Phật? Bốn chướng ngại ngăn trở không cho ta và những người như ta đạt được Phật quả.

Bốn trở ngại ngăn cản việc thành tựu Phật quả

  1. Tham luyến những kinh nghiệm của cuộc đời này,
  2. Tham luyến hạnh phúc thế gian,
  3. Tham luyến hạnh phúc của sự an bình và
  4. Không biết những phương tiện nhờ đó Phật quả được thành tựu.

Điều gì có thể giải trừ bốn trở ngại này? Chúng được giải trừ bằng cách chú tâm vào giáo huấn của các vị Thầy tâm linh tốt lành và đưa những giáo huấn này vào thực hành. Câu trả lời được đưa ra bằng cách tóm lược:

“Tất cả giáo huấn của các vị Thầy tâm linh tốt lành được tóm tắt làm bốn chủ đề: thiền định về sự vô thường, thiền định về những khiếm khuyết của sinh tử và về những hành động và kết quả của chúng, thiền định về lòng từ và bi, và các giáo lý về sự trau dồi Bồ đề tâm.”

Nghĩa là giáo huấn của các vị Thầy tâm linh tốt lành bao gồm:

  1. Lời dạy về cách thiền định về sự vô thường,
  2. Lời dạy về cách thiền định về những khiếm khuyết của sinh tử và về những hành động và kết quả của chúng,
  3. Lời dạy về cách trau dồi lòng từ và bi và
  4. Lời dạy về cách trau dồi tâm giác ngộ lớn lao nhất (Bồ đề tâm).

Những lời dạy này sẽ là những phương thuốc theo cách thức sau:

Thực hành thiền định về sự vô thường dùng để chữa trị: tham luyến những kinh nghiệm của cuộc đời này

Thực hành thiền định về những khiếm khuyết của sinh tử để chữa trị tham luyến hạnh phúc thế gian

Thực hành thiền định về lòng từ và bi để chữa trị tham luyến hạnh phúc của sự an bình

Thực hành giáo lý về cách nuôi dưỡng sự giác ngộ siêu việt để chữa trị không biết cách đạt được Phật quả

Những lời dạy này bao gồm tất cả các giáo lý – từ quy y (1) cho tới ý nghĩa của hai loại vô-ngã (2) hay từ năm giai đoạn của con đường và mười cấp độ (3) xuống tới các giáo lý về Bồ đề tâm. Một số chủ đề này tạo thành nền tảng cho Bồ đề tâm, một số là mục tiêu của nó, một số là những nghi thức được nối kết với sự phát triển Bồ đề tâm, một số là lời chỉ dạy về Bồ đề tâm, một số liên quan tới những phẩm tính và lợi ích của Bồ đề tâm và một số trình bày những kết quả của nó. Không có chủ đề Đại thừa nào mà không được bao gồm trong các giáo lý Bồ đề tâm. Tất cả những hình thức giáo huấn này bắt rễ từ vị Thầy tâm linh tốt lành: chúng phụ thuộc vào vị Thầy tâm linh.

Vì thế Kinh Hoa Nghiêm nói:

“Vị Thầy tâm linh tốt lành là suối nguồn đích thực của mọi giáo lý đức hạnh.”

“Sự toàn trí tùy thuộc vào giáo huấn do những vị Thầy tâm linh tốt lành truyền dạy.”

Tổ Gampopa

Trích: Pháp Bảo của sự giải thoát – Gems of Dharma, Jewels of Freedom

Bản dịch Anh ngữ từ tiếng Tây Tạng của Ken và Katia Holmes dựa trên những giảng nghĩa chi tiết theo truyền thống của Dòng Kagyü

Thanh Liên dịch sang Việt ngữ