CHIA SẺ

dee66da00fc511ecbb7429b843c314ac

Nguồn gốc phương pháp quán nhược điểm của Tâm Vị Kỷ nằm trong các bộ kinh luận như Nhập Bồ Tát Hạnh của ngài Tịch Thiên và Cúng Dường Đạo Sư [Guru Puja]. Dưới đây là một bài kệ trong Cúng Dường Đạo Sư, nói rằng:

Chỉ biết đến mình
là bệnh kinh niên
là cội nguồn của
tất cả khổ đau
không ai mong cầu.
Thấy được điều này
con xin thành kính
hướng về đạo sư
xin thầy hộ trì
cho con chán ngán
diệt bỏ ác quỷ
là Tâm Vị Kỷ.

Có một câu kệ trong Nhập Bồ Tát Hạnh, nói rằng

Tất cả mọi khổ đau
trên toàn cõi thế giới
đều đến từ ham muốn
hạnh phúc cho riêng mình.
Chánh văn bảy điểm chuyển tâm, có nói như sau:
Hảy trục xuất nó đi
Cái thứ thật đánh trách
Thủ phạm của mọi điều.

Nói như vậy có nghĩa là thủ phạm duy nhất gây ra tất cả mọi khổ đau, mọi vấn đề, mọi chướng ngại, mọi sai sót, mọi khổ nạn có trên đời này, chính là tâm lý nuông chìu chính mình. Cái ở đây gọi là “khổ đau” không phải chỉ là những gì xảy ra đến với quý vị, mà còn bao gồm cả những vấn đề lớn hơn, chiến tranh giữa các nước, sự bất đồng ý kiến giữa các nhà lãnh đạo, tranh chấp nơi làm việc, xung đột trong gia đình, cha mẹ con cái cấu xé nhau, v.v.. Tất cả chuyện bất như ý này đều đến từ tâm vị kỷ, tâm lý chỉ biết nâng niu nuông chiều chính mình, vì vậy tâm vị kỷ chính là thủ phạm duy nhất gây ra mọi vấn đề.

Lại thêm một ví dụ khác về nhược điểm của tâm vị kỷ: nói ví dụ quý vị ăn nhiều quá nên bội thực mà chết. Mặc dù đây là chứng bệnh đường ruột, do bộ tiêu hóa có vấn đề, tuy vậy thủ phạm chính vẫn chỉ là tâm nuông chiều bản thân, không thấy thỏa mãn cứ muốn ăn thêm. Chết như vậy không phải vì tiêu hóa mà vì quá nuông chiều chính mình.

Ngay cả những việc không phải do quý vị gây ra, như bị hàm oan, cướp bóc, sát hại, …, khi gặp phải cảnh bất khả kháng như vậy, nguyên nhân chính cũng là vì tâm vị kỷ. Việc xảy ra bây giờ là kết quả của nghiệp đã tạo trong quá khứ, nghiệp ấy bị tác động bởi tâm vị kỷ. Trong những đời quá khứ, vì ích kỷ chỉ biết đến hạnh phúc của riêng mình nên quý vị đã từng vu oan, cướp bóc hay giết hại người khác. Bây giờ phải trả nghiệp đã gieo. Thủ phạm chính gây ra khổ đau lại cũng vẫn là tâm vị kỷ.

Trong quá khứ, quý vị đã từng phải sinh vào ba cõi ác đạo rất nhiều lần, đó cũng vì tâm vị kỷ. Tâm vị kỷ khiến quý vị tạo nghiệp sinh vào cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục, cõi súc sinh. Nói ví dụ, keo bẩn là nguyên nhân khiến phải sinh làm ngạ quỷ, mà keo bẩn là vị ích kỷ, xem mình quý hơn người khác. Hoặc là để thỏa mãn tự ái, quý vị chê bai dung mạo của người khác, chê mặt người ta giống như mặt súc sinh, làm như vậy là tạo nghiệp sinh vào cõi súc sinh. Do đó thủ phạm gây ra tất cả mọi khổ đau triền miên trong ác đạo vẫn không phải ai khác hơn là tâm vị kỷ.

Ngay như trong đời sống hàng ngày, tâm vị kỷ luôn rất tai hại. Nói ví dụ, quý vị vì tự cao nên hễ gặp ai hơn mình là lập tức phát sinh tâm lý ganh ghen khổ sở. Hễ gặp người bằng mình thì lại muốn kèn cựa ganh đua. Nếu lại là một nhà thương nghiệp, quý vị lúc nào cũng muốn ngồi trên đầu người khác, tâm lý cạnh tranh này luôn dẫn đến nhiều vấn đề. Rồi khi gặp người thua mình thì lại muốn ăn hiếp người ta, hạ nhục, chỉ trích, bêu, rếu, … tất cả những tâm lý bất thiện này đều đến từ tâm vị kỷ. Cũng vì hành động như vậy mà quý vị tạo ra vô số vấn đề trong hiện tại, gieo trồng vô số nghiệp dữ trong tương lai. Cứ ngồi suy nghĩ cho tận tường về tất cả khuyết điểm của tâm vị kỷ, quý vị sẽ thấy tâm này tạo nhiều vấn đề tai hại không thể đo lường.

Nói tóm lại, tất cả mọi khổ đau, mọi vấn đề khó khăn mà quý vị đã gặp từ vô lượng đời kiếp trong quá khứ cho đến ngày hôm nay, tất cả mọi cảnh sống bất như ý trong luân hồi, đều do tâm vị kỷ mà có. Nói cho thật chính xác, tất cả mọi khổ đau luân hồi đều từ tâm vô minh chấp ngã và tâm vị kỷ nuông chìu bản thân. Xét về mặt triết lý thì hai tâm này khác nhau, nhưng nếu nhìn về phương diện chuyển hóa tâm thì lại như nhau. Một bên là tâm chấp ngã – chấp bám vào cái tôi nhất định, chấp vào cái ngã – và một bên là cái tâm thay vì buông xả cái tôi đi thì lại nâng niu, cưng quý, nghĩ rằng “tôi muốn hạnh phúc, tôi cần cái này, tôi muốn cái kia”. Đó là tâm vị kỷ, từ đó phát sinh tất cả mọi khổ đau, mọi cảnh sống bất như ý, và cũng từ đó mà phát sinh đủ mọi ác nghiệp. Vì vậy, tâm này là thủ phạm của tất cả mọi vấn đề.

Nếu quý vị chân thành muốn tu theo phật pháp, phải suy nghĩ về điều này cho thật thường xuyên, suy nghĩ về nhược điểm của tâm vị kỷ và lợi điểm của tâm vị tha, phải biết quan tâm đến người khác thay vì quan tâm đến bản thân. Cũng phải nghĩ rằng chúng ta không nên chỉ biết lo cho kiếp sống hiện tại mà còn phải nghĩ đến lợi ích của những kiếp tương lai. Đó là những điều quý vị nên làm.

~ Ribur Rinpoche
Việt dịch: Hồng Như Thubten Munsel

Trích: Phát tâm Bồ Đề