CHIA SẺ

3

Những bài thực hành như tích lũy công đức và sự tịnh hóa là những pháp tu chuẩn bị cho bài thực hành Mahamudra (Đại Thủ Ấn) và Dzogpa Chenpo (Đại Toàn thiện). Trong những Pháp tu mở đầu hay sự thực hành Nội Ngondro, bạn phải chuẩn bị bằng pháp thiền chỉ, hay còn gọi là pháp “Shiney”. Nếu không có sự trợ giúp của pháp Shiney, bạn sẽ không bao giờ thực chứng Phật tính của mình. Tuy nhiên, điều này cũng không hoàn toàn đúng đối với tất cả mọi người, bởi có một số người có khả năng đặc biệt thực chứng Phật tính mà không cần trải qua pháp tu này. Những người đó đã hoàn thiện việc tích lũy công đức và tịnh hóa trong nhiều đời trước.

“Shiney” chính là không chấp thủ. Khi bạn có thể tìm ra phương pháp giải quyết nguyên nhân của chấp thủ thì bạn không nhất thiết cần tới “Shiney” nữa.

Tất cả những cảm xúc phiền não đều do chấp thủ

Tất cả những phiền não hiện khởi trong cảm xúc của chúng ta đều do chấp thủ. Chấp thủ mang cho chúng ta tất cả các loại khái niệm và ý tưởng. Đôi khi nó mang đến những khái niệm tốt – tốt theo nghĩa chúng là những khái niệm có ích – nhưng thường thì nó mang đến cho chúng ta những điều vô nghĩa. Trong bất cứ trường hợp nào, chấp thủ cũng đem những thăng trầm vào đời sống của chúng ta (một số thì có ích, một số thì không), nó là sự ngụy tạo. Đây là nền tảng của thủ chấp sai lầm. Do vậy, rất nhiều các kinh điển quý giá và linh thiêng đã nhắc đi nhắc lại rằng vô chấp là tinh túy của thiền định. Một câu hỏi thường xuất hiện trong tâm tôi: “Liệu một người có thể đạt đến cấp độ chứng ngộ trong pháp “Shiney” mà không cần phải thực hành vô chấp hay không?” Theo kinh điển thì điều này là không thể, nếu như bạn không nỗ lực tinh tiến tu tập và thành tựu giai đoạn này, thì bạn sẽ không bao giờ đạt tới trạng thái Shiney hoàn hảo.

Tuy nhiên, theo lý thuyết chung, điều này đôi khi vẫn có thể xảy ra. Với những người không biết tu tập pháp vô chấp mà họ thực hành phát triển một loại Shiney khác, nhờ sự trợ giúp của những bài tập và sự chú tâm thông thường. Tôi muốn nói rằng loại “Shiney” mà không có sự trợ giúp của pháp tu tập vô chấp, chỉ là một loại “Shiney” tương đối của thế gian. Nó không lợi ích nhiều cho việc thực hành Dzogpa Chenpo và Mahamudra. Điều quan trọng là chúng ta nên lựa chọn tu tập loại “Shiney” được kiến lập trên nền tảng của pháp tu vô chấp.

Chúng ta sinh ra với chấp thủ và sống cùng với nó

Tôi rất thích luận bàn về chấp thủ, bởi vì chúng ta đều biết rằng chúng ta chấp thủ kiên cố vào mọi thứ. Thật bất hạnh! Tất cả mọi người sinh ra cùng với chấp thủ và sống cùng nó. Do vậy, sẽ rất thú vị khi luận bàn về nó, bởi cuộc sống của chúng ta không xa lìa chấp thủ. Chúng ta không muốn bàn về những gì không quen thuộc vì điều này rất tẻ nhạt. Ví dụ, khi chúng ta nói về điều mà mình không biết thì thật chẳng cảm hứng gì. Nhưng nếu đàm luận về những gì đã trải nghiệm thì sẽ thú vị hơn nhiều.

Cần phải biết rằng: Chúng ta luôn bị chấp thủ chi phối, nó thường làm chúng ta tán loạn. Bất cứ đi đâu, làm gì, toàn bộ thời gian, mọi hành động tốt xấu của bạn đều bị chấp thủ chi phối.

Chấp thủ mạnh mẽ hơn vào sân giận và hận thù.

Bạn bám víu vào điều tốt và ngay cả điều xấu. Bạn chấp thủ vào những cảm xúc và thân thể. Bạn chấp trước vào thời gian và tất cả sự vật, hiện tượng bên ngoài của thế giới này. Như vậy, bạn không chỉ chấp trước vào những điều tốt lành, đẹp đẽ hay hấp dẫn, mà còn chấp thủ ngay cả vào những điều xấu, cho dù nó có thể tác động trực tiếp hay gián tiếp.

Nhiều người cho rằng, chúng ta chỉ chấp thủ vào những thứ hấp dẫn hay đẹp đẽ mà chúng ta yêu thích. Tuy nhiên, điều này không đúng. Khi bạn ghét một điều gì hoặc một người nào, đó cũng là một loại chấp thủ. Ở đây tôi thực sự muốn nói rằng, thậm chí nó còn là một loại chấp thủ mạnh mẽ hơn so với chấp thủ vào những thứ đẹp đẽ. Ý tôi là sự chấp thủ của chúng ta vào sân giận và hận thù thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Hận thù những điều bất như ý và ham muốn những thứ đẹp đẽ, hấp dẫn đều là chấp thủ. Do vậy, tôi nghĩ rằng không có sự khác biệt giữa “tốt” và “xấu” trong chấp thủ. Bất kể bạn làm gì từ sáng đến tối cho đến khi bạn đi ngủ, thậm chí ngay cả trong chiêm bao, đều hoàn toàn bị chi phối bởi chấp thủ. Bạn nên chiêm nghiệm lại nơi bạn, xem điều đó có thật hay không, bởi vì có thể đúng với tôi nhưng lại không đúng với bạn. Trong phần lớn cuộc đời tôi, bất kỳ điều gì tôi làm cũng bị chi phối rất nhiều bởi chấp thủ.

Vì vậy, nếu chúng ta biết rằng mỗi khoảnh khắc cuộc đời đều bị chi phối bởi chấp thủ, thì chúng ta sẽ cố gắng hết sức để giải phóng khỏi nó. Tôi nghĩ rằng giải pháp tốt nhất để giải phóng khỏi chấp thủ là minh sát toàn bộ tiến trình chấp thủ – chấp thủ phát triển như thế nào, giữ vai trò gì. Nếu bạn thấu đáo tiến trình này, bạn sẽ khám phá ra nó vốn không có gốc rễ và nền tảng. Bạn sẽ hiểu rõ được rằng chấp thủ thực sự là Mahamudra. Khi đó chấp thủ sẽ mất chức năng trước kia, và trạng thái “vô chấp” hiển lộ. Nếu bạn muốn thành tựu được vô chấp, bạn phải phải sử dụng phương pháp đặc trưng, thấy rõ chấp thủ thông qua quan kiến của Mahamudra. Đây là phương pháp Mahamudra đặc trưng lý giải được mọi điều.

Việc phàn nàn sẽ không bao giờ chấm dứt bởi chấp thủ.

Bởi vì bạn chấp thủ hay còn một ý niệm chấp thủ mạnh mẽ nào, bạn sẽ không bao giờ có được bất kỳ sự an bình trong cuộc đời; mọi thứ sẽ trở nên quá nhiều. Ví dụ như, thời tiết sẽ không bao giờ đẹp và dù bạn ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thú vị; bất cứ điều gì trong cuộc đời này và trong thế giới này đều trở nên tồi tệ và khó chịu. Có thể thời tiết ở đây quá lạnh, bạn không thể thích nghi được với nó, hoặc bạn có hàng trăm sự than phiền về môi trường, bạn bè, ô tô, thực phẩm, thứ này, thứ khác…Việc phàn nàn của bạn sẽ không bao giờ chấm dứt bởi bạn còn chấp thủ.

Cuối cùng, bạn sẽ phàn nàn về chính bản thân: “Mình tồi tệ làm sao!” Bạn than phiền về chính mình và toàn bộ thế giới này dường như trở nên tiêu cực. Đôi khi, có chút cơ hội để bạn hưởng thụ như lúc bạn đang uống rượu hoặc ăn rất nhiều thịt. Sau khi no nê bạn đi ngủ, điều này khiến bạn cảm thấy đôi chút thỏa mãn. Nhưng đồng thời, nó đang kích động chấp thủ! Và bạn ngày càng trầm chìm trong trạng thái chấp thủ, nó hoàn toàn làm cho bạn phát điên, do đó chúng ta phải suy ngẫm tường tận về điều này.

Từng bước bạn sẽ trở nên ngày càng ít chấp thủ. Từng bước bạn sẽ trở nên ngày càng ít chấp thủ với mọi thứ. Hay nói một cách khác, bạn trở nên giống một hành giả cao cấp ở phương diện thực hành Mahamudra. Sau đó bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn và nhận thức sâu sắc hơn về mọi điều xung quanh. Bạn sẽ cảm kích và hài lòng với những gì bạn đang có, với người bạn cùng đi du lịch, với thực phẩm mà bạn đang ăn, với nhiệt độ thời tiết. Tất cả mọi thứ đều trở nên tốt đẹp. Ngay cả khi bạn không hài lòng với mọi thứ xung quanh, thì bạn cũng sẽ chấp nhận tình huống này, bởi vì những tinh tiến trong việc tu tập của bạn.

Sau đó từng bước khi bạn đạt tới mức độ vô chấp, bạn sẽ đạt tới cảnh giới “Đại lạc”, hoặc “Tánh không” hay “Mahamudra”. Khi bạn không còn sự chấp thủ, bạn có thể luận bàn về “Đại lạc” và “Tánh không”.

Ngay khi ngồi trong chúng hội này, chúng ta chưa có “Đại lạc”, ăn và uống không phải là “Đại lạc”. Nó chỉ cho ta một chút cảm giác vui vẻ thoáng qua mà thôi, đó chỉ là lạc thú thế gian chứ không phải “Đại lạc”. “Đại lạc” có nghĩa là với bạn không còn bất kỳ một điều gì tiêu cực; mọi thứ xung quanh bạn trở nên hoàn hảo, ngay cả khi những điều rất tồi tệ có thể xảy ra. Đối với một hành giả chân chính, không bao giờ nghĩ một cách tiêu cực, những thứ này không thể ảnh hưởng được đến xúc cảm của họ. Nên họ không còn thấy điều gì tiêu cực xảy ra xung quanh. Đây là kết quả cuối cùng của việc thực hành không chấp thủ.

Khi đó, bạn sẽ đạt tới mức độ có thể nói: “Tốt rồi, tất cả thật tuyệt vời, tất cả đều là Tánh không, tất cả đều là Mahamudra, tất cả đều là Dzogpa Chenpo, tất cả đều là Đại Toàn thiện”. Chỉ tới lúc đó chúng ta mới có đủ phẩm hạnh để nói rằng “Tất cả là Đại Toàn Thiện”

Nhưng ngay cả khi chúng ta nói “Tất cả là Đại Toàn Thiện” thì cũng chẳng mang bất kỳ nghĩa gì. Không có gì hoàn hảo, vì thế làm sao có thể có Đại Toàn thiện được? Không có gì là hoàn hảo đối với chúng ta cả! Vì thế thật thú vị, nếu chúng ta từng bước suy ngẫm tường tận chân lý này. Tôi luôn mong ước và hy vọng rằng tất cả chúng ta đều quán chiếu chân lý này, bởi vì chính chúng ta là những người có khả năng nhất để tự khám phá điều này. Không một ai khác có thể khám phá cho ta, kiểm soát được ta. Thậm chí nếu một người nào đó giả bộ rằng, họ có thể kiểm soát được bạn, bạn sẽ không thích. “Tôi không thích! Tôi không thích điều đó nếu như một người khác kiểm soát tôi! Tôi muốn có cái riêng của tôi”. Bạn có quyền đối với sự riêng tư của mình và bạn cũng có quyền kiểm tra chính mình. Không nên có bất kỳ sự mâu thuẫn nào giữa bạn với chính bạn! Do vậy, bạn nên kiểm soát mình đang ở đâu, ở mức độ nào; liệu bạn đang ở mức độ chấp thủ mạnh mẽ, ở mức độ yếu hơn hay ở mức độ vô chấp.

Khi bạn ở trạng thái vô chấp, bạn không phải làm bất kỳ điều gì!

Khi bạn ở mức độ chấp thủ rất mạnh mẽ, bạn phải tinh tiến tu tập để giải phóng chính mình. Nếu như có thiện căn, bạn có thể đạt tới mức độ cao hơn một chút…điều đó rất tốt, xin chúc mừng bạn! Bạn có thể thực hành dễ dàng hơn một chút. Bạn có thể đi kinh hành và thư giãn! Khi bạn đã ở trạng thái vô chấp thì bạn không phải làm bất kỳ điều gì! Bạn thực sự luôn tự do. Ý tôi là bạn không phải làm gì hết, bởi vì bạn đã làm tất cả mọi thứ rồi. Đó chính là Pháp! Đó là kết quả của việc tu tập, kết quả của giáo lý Dzogchen hay Mahamudra. Bất kể những gì bạn phải làm, đều đã hoàn tất vì thế bạn không cần phải làm bất cứ điều gì nữa!

Bởi vậy, trước khi chúng ta luận bàn và chú tâm về điều này thì việc đầu tiên phải kiểm soát được chính mình và biết rõ ràng mình đang ở đâu. Đó là con đường rất thiết thực đã được giảng dạy. Đây là một việc cần rất nhiều tâm huyết, phải được thực hiện cho lợi ích và sự tiến bộ của chính bạn. Nếu bạn áp dụng nó với người khác để kiểm tra xem họ đang ở đâu thì bạn đang sử dụng sai phương pháp này. Bạn sẽ nói những điều như: “Ồ, anh ta chẳng đạt được gì cả, đó là lý do anh ta phiền não! Bạn biết không, anh ta chẳng đạt được gì và ‘chẳng là cái gì’. Đó là lý do làm cho anh ta sân giận”. Bạn không nên khám phá theo cách này, nếu không sẽ đi sai mục đích và sử dụng sai giáo lý quý báu của mình. Bởi vậy, Giáo Pháp luôn nhấn mạnh rằng: Bạn phải khám phá chính bạn một cách đúng đắn. Chúng ta không nên sử dụng phương pháp này như một cái kim mà phải như một chiếc gương phản chiếu chính mình! Đây là những gì chúng ta bàn luận và tôi luôn hy vọng.

Thực hành không chấp thủ là cốt tủy

Như trên, tôi cho rằng về phương diện thực hành thì vô chấp là cốt tủy không những của pháp thực hành Shiney tịnh chỉ mà còn là cốt tủy của Mahamudra, Dzogpa Chenpo, Madyamaka (Lý Trung đạo) và của toàn bộ sự tu tập; thậm chí là cốt tủy của Theravada (Tiểu thừa), Mahayana (Đại thừa Hiển giáo), thực hành Mật giáo và của tất cả! Mọi pháp môn tu tập đều lấy vô chấp làm nền tảng.

Miễn là bạn không chấp thủ vào những thứ xung quanh, thì mọi vật đều thực sự hoàn hảo. Chúng sẽ không chi phối, thâm nhập vào bạn giống như cái kim! Mọi vật sẽ không đi vào trong bạn, chúng không thể lôi kéo ràng buộc bạn. Miễn là bạn không có bất cứ một mảy may chấp thủ nào, thì những thứ xung quanh bạn đều hoàn hảo. Đây là lý do tại sao tôi thường nói “Thế giới này luôn hoàn hảo”. Thậm chí, ngay cả luân hồi sinh tử cũng hoàn hảo; mọi thứ đều hoàn hảo. Do vậy, việc phát triển không chấp thủ trong thực hành Mahamudra là rất quan trọng.

Những bài thực hành tâm linh như phát triển tâm đại bi, sự dâng hiến, từ bi và trí tuệ có thể được tu tập một cách hoàn hảo mà không có bất kỳ chướng ngại nào, nếu như bạn không chấp thủ. Mọi người có thể nghĩ rằng: nếu không có chấp thủ thì làm thế nào để chúng ta phát triển được tâm đại từ đại bi và lợi ích cho người khác?… Nhưng tôi phải nói rằng đây là một sự ngộ nhận rất lớn. Nếu như bạn không chấp thủ, nó sẽ hoàn toàn có thể giúp bạn phát triển tâm đại từ đại bi chân thật. Nếu như bạn chấp thủ, thì tâm từ bi của bạn là có điều kiện (hữu duyên từ). Để tu tập lòng đại từ bi và sự dâng hiến vô điều kiện (vô duyên từ), bạn cần phải phát triển chính kiến về không chấp thủ.

Là hành giả của Mahamudra hay Dzogpa Chenpo, chúng ta cần tâm vô điều kiện.

Là những hành giả của Mahamudra hay Dzogpa Chenpo thì chúng ta cần những gì? Chúng ta cần một trạng thái tâm vô điều kiện, đặc biệt là đối với việc tu tập tâm đại từ, nghĩa là có tình yêu thương vô hạn… Do vậy, không chấp thủ là điểm then chốt trong việc tu tập. Lòng nhân ái và từ bi có điều kiện rất thường tình. Không chỉ loài người mà tất cả loài vật gồm cả côn trùng hàm thức đều có lòng nhân ái và từ bi có điều kiện. Tất cả chúng có sự quan tâm chăm sóc có điều kiện đối với gia đình, bạn bè và cộng đồng của chúng, điều đó rất bình thường. Thực ra cũng tốt, không có gì là sai cả! Không có gì là sai khi có lòng nhân ái và từ bi này. Trong thực tế nó có thể là hạt giống cho việc phát triển lòng nhân ái và từ bi vô điều kiện nhưng nó rất thông thường. Là hành giả Mahamudra và Dzogpa Chenpo, chúng ta cần thực hành mức độ cao hơn thông thường, đó là tâm từ bi vô điều kiện. Nó không bao giờ gây ra cho chúng ta bất cứ vấn đề rắc rối gì. Còn với lòng từ bi có điều kiện, nó có thể mang lại hậu quả không tốt. Vì vậy, lòng nhân ái và từ bi vô điều kiện là vô giá.

Thông qua thực hành không chấp thủ, cuối cùng bạn sẽ đạt được quan kiến thanh tịnh thông qua thực hành không chấp thủ, những pháp tu tập Mahamudra và Dzogpa Chenpo cùng với chánh kiến về không chấp thủ, không những bạn sẽ chuyển hóa được thái độ đối với môi trường mà quan kiến của bạn cũng sẽ thay đổi. Ví dụ như, cái mà chúng ta gọi là “quan kiến thanh tịnh Mahamudra và quan kiến thanh tịnh Dzogchen” sẽ hiển hiện. Ngay lúc này, nó là một thứ gì đó rất xa vời với chúng ta, chỉ vì chúng ta chưa biết thực sự quan kiến thanh tịnh là gì. Thật ra có một quan kiến hoàn toàn khác với quan kiến hay cái nhìn mà chúng ta đang có trong lúc này là một quan kiến không thanh tịnh, ý tôi là như vậy. Quan kiến Dzogchen và “Chagchen” (quan kiến Mahamudra) là quan kiến thanh tịnh – một trạng thái quan kiến hoàn toàn không chấp thủ. Ví dụ như, động vật có quan kiến riêng của chúng và loài người chúng ta cũng có quan kiến của riêng mình, cũng giống như những tư tưởng, khi chính chúng ta còn nhỏ chúng ta cũng có những cách nghĩ, quan niệm và phong cách sống khác. Sau này khi trưởng thành, những thay đổi trong cuộc sống xảy ra, vì thế tất cả mọi thứ thay đổi và trạng thái tu tập cũng thay đổi theo mức độ hiểu biết mà chúng ta đạt được.

Nương theo kết quả bạn đạt được trong sự tu tập, quan kiến của bạn cũng thay đổi. Thế nên, bạn không nên chấp vào quan kiến hiện nay của bạn vì nó luôn thay đổi. Quan kiến của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi khi bạn đạt đến Mahamudra. Nếu bạn không đạt đến mức độ Mahamudra, không phải là hành giả Mahamudra cái chết sẽ chấm dứt quan kiến của bạn, khi bạn sinh ra là một con chó, con khỉ, con ngựa, bạn sẽ có một quan kiến khác và mới. Vì thế không nên chấp thủ! Dù bạn cố chấp thủ, nó cũng hoàn toàn chẳng mang lại ích lợi gì, không những thế nó còn tạo cho bạn rất nhiều chướng ngại trong sự tu tập.

Vì một lý do nào đó mà chúng ta có hai mắt! Nhờ vào đôi mắt này, mà chúng ta có thể thấy mọi thứ. Đôi mắt kính mà tôi đang đeo cũng vậy. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, nếu như tất cả đều bị đảo ngược thì bạn sẽ nhìn mọi thứ khác đi. Nếu như bạn đang nhìn vào hình tam giác thì toàn bộ quan kiến của bạn sẽ bị đảo ngược, hầu hết con người và động vật đều có hai mắt nhưng tại sao chúng ta không thể có ba, bốn hoặc một mắt? .Mỗi hình dạng của mắt tạo ra mỗi quan kiến khác nhau. Khoan bàn đến việc không chấp thủ, đến Mahamudra và Dzogpa Chenpo, mà chỉ đơn giản thay đổi hình dạng và chức năng của mắt, điều này sẽ tạo ra nhiều loại cái thấy khác nhau. Ví dụ, những người bị bệnh mù màu, họ nhìn vật màu trắng thành màu vàng mặc dù màu thật là màu trắng, thấy màu vàng là do bệnh mù màu. Cũng như vậy mỗi chúng ta có cái thấy riêng, hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi chấp thủ và vô minh, nên đã nhìn mọi thứ theo quan kiến riêng của mình vì thế đừng chấp thủ vào quan kiến của mình. Khi bạn đạt đến mức độ viên mãn Mahamudra, hoặc Dzogpa Chenpo, bạn thực sự sẽ có thứ được gọi là “quan kiến thanh tịnh”.

Chúng ta luôn nói về quan kiến thanh tịnh nhưng không một ai trong chúng ta biết nó là cái gì, ngoại trừ các Bậc giác ngộ như những Guru và các đại Đạo sư, chúng ta không thể nghĩ bàn vì nó vượt ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Thật ngớ ngẩn nếu cho rằng quan kiến hiện nay của chúng ta vẫn tồn tại khi chúng ta đạt tới Phật quả, giác ngộ trạng thái cuối cùng của Mahamudra hay Dzogpa Chenpo! Chúng ta luôn nghĩ đơn giản rằng, quan kiến mà chúng ta có hiện nay phải tồn tại mãi. Bất kể chúng ta có nói ra điều này hay không, chúng ta có thể hiện hay không thì sự tin tưởng này vẫn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta. Điều này thật ngớ ngẩn, đúng không? Quan kiến của chúng ta luôn thay đổi vì thế dĩ nhiên khi giác ngộ, quan kiến của bạn hoàn toàn thay đổi, bạn sẽ có một “quan kiến thanh tịnh”. Thế thì tại sao bạn cần chấp thủ vào những hình thức bên ngoài như màu sắc đỏ, vàng hay trắng, to nhỏ, đẹp đẽ hay khủng khiếp và tất cả những cái thấy khác? Tại sao bạn cần nói rằng, mọi thứ phải ở cách này hay cách khác, hoặc rằng lẽ ra chúng phải ở cách này hay cách kia? Tại sao chúng ta lại cứ nhìn sự vật theo cách sai lầm đó? Tại sao chúng ta phiền não về những điều đó? Tại sao chúng ta lại đặt chính mình vào hoàn cảnh mà làm cho chúng ta phiền não? Tại sao chúng ta phải trải qua tất cả sự thất vọng và hứng khởi này…Chẳng có ý nghĩa gì khi làm như vậy, bởi vì tất cả mọi thứ có thể thay đổi, tất cả mọi thứ phải được thay đổi, bởi vì mọi thứ đều vô thường. 

Nếu muốn giải thoát vô minh thành trí tuệ, bạn phải tu tập không chấp thủ

Vô thường luôn luồn lách vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống chúng ta, trong tu tập tâm linh, trong đời sống tinh thần và vật chất. Vô thường luôn tồn tại cho dù bạn có thích nó hay không, nó luôn hiện hữu. Màu đỏ tự bản chất nó không phải màu đỏ. Không có một nhãn mác nguyên thủy nào chỉ ra rằng nó là ‘màu đỏ’. Cũng không có ‘đen’,“trắng” hay “vàng” – tất cả những hình dáng và màu sắc này không được sinh ra đồng thời với tên gọi đó, sau này chúng mới được đặt danh. Vì vậy thông qua việc đặt danh cho nó, chúng ta đã ngụy tạo nó. Chúng ta ngụy tạo tất cả những thứ này một cách rất khéo léo! Chúng ta luôn tin tưởng vào sự hư ngụy của mình và vì thế trở thành một cộng đồng vô minh chấp thủ những quan điểm này. Theo nghĩa đó, chúng ta trở thành những người bạn tốt và đối tác của nhau. Chúng ta nói: “Đây là màu vàng, có phải không?” “Ồ phải!” Bạn có cần phải nói thế không? Khi mà cả cộng đồng đều đồng ý rằng nó là ‘màu vàng’, ‘màu trắng’, hay ‘màu đỏ’? Không biết từ khi nào, từ thời điểm nào, tất cả chúng ta đều quyết định quy ước như vậy. Đây là một quyết định mà chúng ta đã tạo ra và đó là chấp thủ! Đó là cách mà chúng ta sống, cách mà chúng ta tạo ra luân hồi sinh tử. Vì vậy, không có lý do nào chúng ta cứ phải chấp thủ vào mọi thứ. Chúng ta không nên than phiền, chống lại những tư tưởng của người khác, nhưng cũng không nên đồng hành với những ý tưởng cố thủ này, đã được đại đa số quyết định nhìn nhận mọi thứ một cách cụ thể. Khi chúng ta không thể nói ‘không’, thì tốt hơn là chúng ta không nên nói bất cứ điều gì mà chỉ im lặng. Song tinh thần chúng ta không phải chấp nhận mọi thứ giống như thế, chúng ta đừng để chúng chi phối làm cho tinh thần chúng ta điên đảo! Trong thâm tâm chúng ta hoàn toàn có quyền nói: “Điều đó không đúng, đó là quyết định sai lầm!” Đây chính là ý nghĩa của việc tu tập Mahamudra. Thủ chấp là một loại hồ dán – hệt như khi bạn phết hồ trên bề mặt rồi tự dán mình vào nó. Tuy nhiên, muốn giải thoát vô minh thành trí tuệ bạn phải tu tập không chấp thủ. Nếu không tu tập bạn sẽ bị trói buộc trong chấp thủ và không thể giải thoát.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa