CHIA SẺ
IMG_5281a-copy-1200x900-cropped
LỜI NÓI ĐẦU

Trong Đạo Phật, có hai cách tiếp cận với việc nghiên cứu, quán chiếu và thực hành Pháp cao quý: sự phân tích của một học giả và sự tiếp cận đơn giản của một thiền gia.

Kiểu của học giả sẽ là nghiên cứu rất nhiều chi tiết và quán chiếu cẩn thận về chúng, tinh lọc sự hiểu biết thông qua việc sử dụng ngôn từ của Phật, các lời nói của chư đạo sư giác ngộ, và sức mạnh tranh luận cá nhân. Bằng cách làm như thế, người ta có thể thiết lập sự hiểu rõ ràng về trạng thái chân thực của mọi vật như chúng là, tánh không rộng mở, bản tánh của sự chứng ngộ của chư Phật. Đây là một kiểu tiếp cận và đó là con đường xuất sắc.

Những người nhất định, với tích cách hướng về kiến thức, thấy rằng cách tiếp cận này là tốt nhất, đặc biệt nếu họ nuôi dưỡng rất nhiều ý nghĩ và nghi ngờ, hay người có xu hướng bới lông tìm vết và rất hoài nghi. Một người với sự hoài nghi về tâm linh thấy khó có thể tin tưởng một đạo sư chân chính, thậm chí sau khi gặp ngài và nhận được những chỉ dẫn cốt tủy để phát lộ. Một niềm yêu thích mạnh mẽ với việc chất vấn và phân tích ngăn họ đi theo cách thức tiếp cận của một thiền gia đơn giản và đạt được sự chắc chắn ngay lập tức vào bản tánh rộng lớn của tánh không, tỉnh thức cơ bản mà chính là cốt tủy của chư Phật. Bởi những lý do này một vài người thấy rằng sẽ có nhiều lợi lạc hơn từ sự tiếp cận phân tích thông qua đó những hoài nghi và sự thiếu hiểu biết dần được đẩy lùi.

Một kiểu người khác cảm thấy ít hướng đến nghiên cứu mọi ngôn từ của Phật và lời nói của các bậc đạo sư giác ngộ, hay quán xét chúng với sức mạnh của sự tranh luận thực sự. Thay vào đó, họ muốn tập trung ngay vào điểm cốt lõi của trạng thái tỉnh thức – sự tỉnh thức mà nhận thấy mọi khía cạnh có thể của kiến thức chính xác như nó là – một cách cá nhân, trong những kinh nghiệm của chính mình.

Những người như vậy không thấy thích thú vào việc đi trên con đường dài, quanh co qua những sự nghiên cứu chi tiết và quán chiếu phân tích; thay vào đó, họ muốn chứng ngộ ngay lập tức và trực tiếp. Với những người này, có một sự tiếp cận các chỉ dẫn cốt tủy gồm Đại thủ ấn 1 và Đại toàn thiện 2.

Một vài người bày tỏ sự nghi ngờ liệu rằng các chỉ dẫn cốt tủy về Đại thủ ấn và Đại toàn thiện có phải những lời nói chân chính của Phật và nếu vậy, chúng có thể tìm thấy ở đâu trong các bộ kinh điển. Sự hoài nghi như vậy đến từ việc chưa đọc Tam Tạng đủ kỹ, bởi vì nếu người ta nghiên cứu những kinh điển này kỹ càng, họ sẽ thấy sự tỉnh thức vị tha của Đại thủ ấn, hay của Đại toàn thiện với vấn đề đó, được miêu tả với sự rõ ràng nhất trong các Mật điển. Với sự thiếu uyên bác trong Tam Tạng và các luận giải (tiếng Tạng là Kangyur và Tengyur), và chưa nghiên cứu gì hơn là vài mẩu lời nói của Phật, điều rõ ràng không thể chứa đựng các thuật ngữ như Đại thủ ấn hay Đại toàn thiện, sẽ có nền tảng phong phú cho sự hoài nghi và nghi hoặc. Tóm lại, nghi ngờ đến từ sự thiếu nghiên cứu.

Truyền thống của Tulku Urgyen Rinpoche và các vị đạo sư khác ở cấp độ của ngài là tập trung vào sự tiếp cận đơn giản của thiền gia, cách tiếp cận mà chứa đầy những chỉ dẫn cốt tủy, trực tiếp. Đây là truyền thống của việc đơn giản đề cập mọi thứ như chúng là, trong khi cho phép các học trò đạt được kinh nghiệm cá nhân bằng cách luân phiên đặt câu hỏi và lời khuyên. Với việc liên tục bị đạo sư hỏi, sự không chắc chắn của đệ tử sẽ dần được xua tan, nhờ đó cuối cùng cốt tủy của trạng thái tỉnh giác sẽ được phát lộ và nhận ra trần trụi và trực tiếp.

1 Đại thủ ấn, Mahamudra. Đại thủ ấn có nghĩa là dấu ấn của chân tánh trên tất cả mọi sự và trên tất cả mọi hiện tượng nằm trong mạn-đà-la trí tuệ. Thuật ngữ này có thể dùng để chỉ rõ giáo lý, pháp thực hành thiền định hay quả vị thành tựu siêu việt.
2 Đại toàn thiện, hay Great Perfection. Pháp tu tối thượng của chín thừa. Toàn thiện hay Viên mãn nghĩa là tâm thức, trong bản tánh của tâm, bao gồm một cách tự nhiên tất cả mọi phẩm tánh cao quý của ba thân: bản tánh của tâm ấy là Tánh không, Pháp thân; sự hiển bày tự nhiên của tâm ấy là tánh sáng [sự chói ngời], Báo thân, và lòng bi mẫn trùm khắp, Hóa thân. Đại có nghĩa là Pháp viên mãn này chính là một duyên khởi tự nhiên của vạn pháp. Giáo lý Đại toàn thiện [hay Đại viên mãn] được chia làm ba phần: phần tâm, phần hư không và phần giáo lý tâm yếu trực chỉ.

Trừ phi người ta là một người hoàn toàn không thích hợp, khi đối mặt với một kiểu chỉ dẫn, họ chắc chắn sẽ đạt được một vài cảm xúc chắc chắn, một sự đảm bảo ngay lập tức rằng trạng thái tỉnh thức là như thế nào. Tuy nhiên, sau đó, hình ảnh của sự thấu suốt này cần được tiếp tục, và liệu rằng nó có được lặp lại và mang vào kinh nghiệm cá nhân hay không phụ thuộc vào cá nhân chứ không nằm ở sức mạnh của bậc đạo sư. Trách nhiệm của đạo sư là chỉ ra trạng thái tỉnh thức trần trụi; rèn luyện trong thiền định sau khi nhận ra trạng thái trần trụi đó nằm trong tay đệ tử. Trong bản văn này, thiền định là duy trì sự liên tục của điều đã được nhận ra, và điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, các đệ tử.

Hơn thế nữa, các hành động nghiệp của chúng ta, các cảm xúc phiền não và tập khí vô cùng mạnh mẽ, và bởi thế ta cần tịnh hóa các che chướng và tích lũy các sự tích tập công đức và trí tuệ. Thực hành như vậy sẽ giúp chúng ta duy trì được sự liên tục.

Theo cách này, mọi khía cạnh của giáo lý Phật Đà có thể được thu lại thành một điểm. Mặc dù bên ngoài có rất nhiều tầng bậc, nhiều lớp vỏ – các thực hành giúp ích cho trường thọ, khỏe mạnh, thông minh, và tương tự – một cách tuyệt đối, lợi lạc thực sự nằm ở việc nhận ra trạng thái tỉnh giác cơ bản như nó vốn là, thứ nhận thức mọi khía cạnh của kiến thức. Dù chúng ta tiếp cận thực hành tâm linh từ góc độ tịnh hóa và tích tập công đức hay chúng ta áp dụng kỹ thuật thiền định từ hệ thống Kim Cương thừa, đầu tiên, các thực hành khác sẽ trợ giúp việc nhận ra này cho ai đó mà chưa nhận ra. Với người mà đã nhận ra rồi, chúng giúp duy trì sự liên tục. Đó là điểm trọng yếu của mọi thực hành tâm linh.

Tulku Urgyen Rinpoche giảng dạy theo phong cách được gọi là chỉ dẫn thông qua kinh nghiệm cá nhân. Ngài đã giành nhiều năm nhập thất, thực hành trong nhận thức thấu triệt các giáo lý trong kinh nghiệm của ngài. Kết quả là, ngài nói ra từ kinh nghiệm, bộc lộ điều ngài đã trải qua. Các giáo lý như vậy rất độc đáo, và đôi lúc cách ngài diễn đạt các chỉ dẫn gây ra nhiều ngạc nhiên. Đôi khi, chúng không phải những lời đặc biệt hùng hồn, nhưng chúng luôn có ảnh hưởng lợi lạc lớn lao đến tâm thức người nghe. Tôi thấy rằng chỉ một nửa giờ nghe Rinpoche giảng còn lợi lạc hơn việc đọc nhiều bộ sách. Đó là kết quả của những chỉ dẫn thông qua kinh nghiệm tự thân. Đó là phong cách của ngài.

Giảng dạy rằng bản tánh giác ngộ luôn hiện diện trong tâm của mọi hữu tình chúng sinh; giảng dạy rằng bản tánh này như thế nào, một cách trực tiếp, bởi thế nó có thể được nhận ra trong trải nghiệm của người nghe; cho thấy sự cần thiết nhận ra nó và lợi lạc lớn lao của việc làm như vậy; chỉ ra rõ ràng vào lúc đó, Phật, trạng thái tỉnh thức, không cần tìm kiếm nơi khác mà luôn hiện hữu trong bạn ra sao; và rằng bạn trở nên giác ngộ thông qua trải nghiệm điều luôn có sẵn trong bạn – đó là điều mà Tulku Urgyen Rinpoche dạy và điều đó được viết ở đây. Tôi tin rằng khi đọc cuốn sách này cẩn thận và áp dụng nó cho bản thân theo một cách riêng, nó sẽ đem lại cho bạn những lợi lạc vô cùng.

Chokyi Nyima Rinpoche

Việt dịch: Tuệ Tạng
Trích: Vang vọng lời Phật dạy