CHIA SẺ

TUR (1)

Xin hãy ban cho con sự gia trì để tâm con đi theo Pháp.

Xin hãy ban cho con sự gia trì để thực hành Pháp của con trở thành con đường.

Xin hãy ban cho con sự gia trì để con đường xua tan vô minh.

Xin hãy ban cho con sự gia trì để vô minh tỏa sáng như trí tuệ.

Gampopa

Bởi vì tôi không sở hữu mọi phẩm tánh của việc nghiên cứu hay thành tựu, tôi sẽ chỉ đơn giản lặp lại những lời nói hoàn hảo của Đức Phật để làm lợi lạc chúng sinh, những người đã bày tỏ niềm yêu thích chân thành với Pháp.

Bậc đạo sư vĩ đại, không thể sánh bằng và nổi tiếng thế giới, Đức Gampopa đã cô đọng mọi giáo lý được ban ra và sẽ được ban ra bởi một nghìn vị Phật trong hiền kiếp này thành bốn câu, thường được biết đến là Bốn Pháp của Gampopa. Những câu nói rộng lớn vô cùng này là sự kết hợp giữa Kinh điển và Mật điển, và được giảng giải bởi Đại đạo sư Longchen Rabjam. Nếu một hành giả nhận các chỉ dẫn này và tinh tấn, anh/cô ta sẽ có thể đạt đến giác ngộ hoàn toàn chỉ trong một đời. Thật đáng ngạc nhiên về mức độ siêu phàm của các giáo lý trọng yếu của chư Phật và các hành giả chứng ngộ.

Chư Phật đã làm hoàn hảo mọi phẩm tánh của sự từ bỏ và chứng ngộ; các ngài đã từ bỏ những che chướng và chứng đắc mọi phẩm tánh trí tuệ. Với lòng từ bi lớn lao hướng về chúng sinh, giống như mẹ hiền thương con nhỏ, các bậc đại giác đã chuyển bánh xe chánh Pháp. Nguồn gốc của Phật giáo trên trái đất này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một bậc toàn giác. Giáo lý của ngài được trao truyền thông qua dòng truyền của các vị Bồ Tát an trú trong các bhumi, các địa Bồ Tát. Bởi thế, những giáo lý này được trao truyền qua một dòng truyền thừa không gián đoạn các hành giả chứng ngộ đến bậc đạo sư gốc của tôi.

Đầu tiên trong Bốn Pháp của Gampopa là “Xin hãy ban cho con sự gia trì để tâm con đi theo Pháp!” Điều này được thực hiện bằng cách quán chiếu về bốn niệm chuyển tâm. Thứ nhất là sự khó khăn của việc đạt được thân người quý giá với tám tự do và mười thuận duyên. Bởi chúng ta đã là con người, dường như chúng ta đã đạt được thân người mà không mấy nỗ lực; tuy nhiên, sự thật không phải thế. Cần rất nhiều nghiệp thiện được tích lũy trong nhiều đời trước để một cá nhân có thể sinh ra trong thân người quý giá. Có rất nhiều người, nhiều như những vì sao buổi tối. Nhưng trong số những người này, chỉ những người yêu thích việc thực hành Pháp thiêng liêng, những người với một thân người quý giá, thì rất ít, như những vì sao buổi sớm. Trong số những người yêu thích Pháp, những người có sự tinh tấn chân thành thậm chí còn ít hơn. Thực hành chánh Pháp nghĩa là từ bỏ mọi mối quan tâm thế tục và thay vào đó theo đuổi giác ngộ hoàn toàn chỉ trong đời này.

Mặc dù chúng ta đã đạt được thân người quý giá, nó vẫn bị chi phối bởi vô thường. Vô thường nghĩa là không thứ gì, dù là thế giới này hay chúng sinh trong đó có thể tồn tại mãi. Đặc biệt, tuổi thọ của con người thì lại đặc biệt ngắn, và không thể dự đoán trước và không chắc chắn như tia chớp sáng hay bong bóng trong nước. Trên trái đất này chẳng ai có thể sống mãi; người này kế tiếp người khác qua đời. Sau khi chết, nếu chúng ta sinh vào ba cõi thấp, chúng ta sẽ trải qua những khổ đau vô cùng và không thể miêu tả. Hiên tại ta đang nỗ lực để đạt được những điều kiện hoàn hảo, sự dễ chịu và giàu có. Nhưng dù điều kiện giàu sang và hạnh phúc thế tục có kỳ diệu thế nào, chúng ta vẫn không thể mang theo bất kỳ thứ gì trong đó – bạn bè, gia đình hay tài sản của chúng ta – sau khi chết.

Mặc dù chúng ta cảm thấy yêu thương và quý mến gia đình và bạn bè, lúc chết, chúng ta vẫn phải du hành cô độc đến một nơi không biết. Chúng ta lặp lại trải nghiệm giống nhau trong tất cả các đời trước, để lại đằng sau tất cả người quen và từ bỏ mọi tài sản. Dù bao nhiêu hạnh phúc và sự giàu có mà chúng ta giành được trong đời này, nó cũng mong manh như giấc mơ ta có vào đêm qua. Hiểu rằng không có gì là mãi mãi, rằng mọi thứ trôi qua như một giấc mơ là hiểu về vô thường và cái chết.

Nếu đơn giản cuộc đời chúng ta kết thúc trong hư vô, như nước bay hơi hay một ngọn lửa bị dập tắt, điều đó thật hoàn hảo. [Nếu vậy] sẽ chẳng có điều gì để lo lắng. Nhưng tôi rất tiếc phải nói rằng sự thật hoàn toàn không như thế, bởi thức của chúng ta không phải thứ gì đó có thể chết. Sau khi chết chúng ta bị buộc phải trải qua các ảnh hưởng của nghiệp đã tích tập trước đó. Bởi sự ngu dốt, chúng ta mãi trôi lăn trong luân hồi, không thể được giải thoát, liên tục quay vòng trong ba cõi thấp và ba cõi cao, từ cõi này sang cõi khác. Để giải thoát chúng ta khỏi sáu cõi luân hồi, chúng ta cần thực hành chánh Pháp ngay bây giờ khi có cơ hội.

Chúng ta tiếp tục trong luân hồi chừng nào chúng ta còn bị những che chướng cảm xúc và che chướng nhận thức bao phủ. Hai thứ che chướng này chính xác là thứ ngăn chúng ta đạt đến trạng thái Phật quả toàn tri. Để xua tan chúng, ta cần tham gia vào các thực hành gọi là các Pháp tu dự bị. Những thực hành này được bao trọn trong giáo lý thứ hai của Đức Gampopa, “Xin hãy ban cho con sự gia trì để thực hành Pháp của con trở thành con đường.” Đầu tiên chúng ta quy y và lễ lạy, như thế xua tan các lỗi lầm nghiệp chướng và các che chướng về thân được tích tập trong vô số đời. Để xua tan các ác nghiệp và che chướng về khẩu, thứ mà chúng ta đã tích tập từ vô thủy, chúng ta thực hành thiền định và trì tụng Kim Cương Tát Đỏa. Để xua tan các che chướng và ác nghiệp về tâm, chúng ta cúng dường mạn-đà-la bên ngoài, bên trong và bí mật. Cuối cùng, để xua tan các ác nghiệp và che chướng, được tích tập bởi cả thân, khẩu và ý từ vô thủy, chúng ta thực hành các khía cạnh bên ngoài, bên trong và bí mật của Đạo sư Du già (guru yoga). Người ta nói rằng, “chứng ngộ xảy ra tự nhiên khi các che chướng được đẩy lùi.” Đạo sư Du già là một thực hành vô cùng rộng lớn, hoàn hảo để xua tan các che chướng và phát triển sự chứng ngộ. Mặc dù nằm trong các thực hành dự bị, nó rộng lớn hơn chính phần thực hành chính yếu.

Giáo lý của Đức Gampopa tiếp theo là “Xin hãy ban cho con sự gia trì để con đường xua tan vô minh.” Ở đây, “con đường” cần được hiểu trong phạm vi của nền tảng, con đường và kết quả, một cấu trúc chứa đựng toàn bộ giáo lý của Kinh điển và Mật điển. Nền tảng là Phật tánh, sugata-garbha, Pháp thân của chư Phật, luôn hiện hữu trong mọi chúng hữu tình. Nó được so sánh với vàng mười, không lỗi lầm, với những phẩm tánh tối thượng và không vết hư hại. Làm sao mà Phật tánh hiện hữu trong mọi người? Ví dụ được chỉ ra đó là về dầu trong hạt mù tạc. Khi bị ép, hạt mù tạt tạo ra dầu. Giống như vậy, trong mọi chúng hữu tình đều đã có tinh túy Phật quả, tức Phật tánh. Không ai là không có nó. Chư Phật và Bồ Tát đều có Phật tánh, mọi chúng sinh cho đến cả con côn trùng bé nhất cũng có, không một sự khác biệt dù kích cỡ hay phẩm tánh ra sao.

Phật tánh bao trùm cả luân hồi và niết bàn. Hư không vượt ra khỏi trung tâm và bờ vực. Dù hư không tràn đến đâu, cũng đều có chúng sinh. Ở đâu có chúng sinh, ở đó có Phật tánh. Đó là ý nghĩa khi nói rằng Phật tánh bao trùm cả luân hồi và niết bàn, tất cả các cõi, tất cả chúng sinh.

Mặc dù Phật tánh hiện diện trong mọi người, chúng ta chẳng thể nhận ra nó. Sự ngu dốt này là nguyên nhân chủ yếu cho việc trôi lăn trong luân hồi. Bởi sự ngu dốt không biết bản tánh của mình, chúng hữu tình trượt về phía vô minh, như vàng mười rơi xuống bùn và bị bẩn. Chư Phật không trượt về phía vô minh mà duy trì ở “trụ xứ tự nhiên” của các ngài. Điểm khác biệt giữa chư Phật và chúng sinh là sự khác biệt giữa biết và không biết bản tánh bẩm sinh.

Mặc dù vàng là vàng, khi nó rơi xuống bùn, nó bị che lấp bởi các chất bẩn, trở nên không thể nhận ra. Vàng hiện thời bị bùn che lấp là ví dụ về chúng hữu tình không thể nhận ra bản tánh của mình. Mọi hữu tình chúng sinh là Phật, nhưng vì những che chướng tạm thời, họ không thể nhận ra điều đó. Nền tảng giống như vàng mười, trong khi con đường giống như vàng khi bị rơi xuống chất bẩn và bị che lấp bởi những khiếm khuyết. Trong hoàn cảnh này, con đường nghĩa là trạng thái vô minh.

Phật quả, trạng thái chứng ngộ của các bậc tỉnh thức, nghĩa là không trượt về phía vô minh, mà nhận ra trạng thái của nền tảng như là thứ vàng mười. Bởi sức mạnh của vô minh, chúng ta hiện giờ vẫn trượt trên con đường – vàng mười vẫn bị che lấp bởi bùn. Chúng ta hiện đang bị vô minh khống chế. Bởi chìm trong giấc ngủ của sự ngu dốt, chúng ta đi qua các giấc mơ của ba giới, tái sinh trong sáu cõi luân hồi liên tục không ngừng.

Các phẩm tánh là bản chất của Phật tánh được biết đến là ba thân hay thân, khẩu và ý thiên bẩm. Thân Kim Cương là phẩm tánh bất biến của Phật tánh; khẩu Kim Cương là phẩm tánh không thể diễn tả, không ngừng của nó; và ý Kim Cương là phẩm tánh không thể sai lầm. Theo cách này, thân Kim Cương, khẩu Kim Cương và ý Kim Cương vốn hiện diện như là Phật tánh của chúng ta.

Hiện tại, thân Kim Cương bất biến bị che lấp bởi thân vật lý, tạm thời và dễ hỏng. Khẩu Kim Cương liên tục không ngừng, âm thanh của Phật tánh, bị che lấp tạm thời bởi những lời nói lặp lại trong những cuộc chuyện trò bình thường của chúng ta. Giống như vậy, ý Kim Cương không lồi lầm bị che lấp bởi những ý nghĩ sai lầm của chúng ta. Mặc dù thân, khẩu và ý của mọi Đấng Chiến Thắng luôn hiện diện trong Phật tánh của chúng ta, chúng bị che lấp bởi thân, khẩu và ý bình phàm.

Bởi chúng ta bị vô minh kiểm soát, ta đang ở trạng thái của con đường. Các giáo lý được ban ra để con đường có thể xua tan vô minh, nhờ thế mà tịnh hóa được những che chướng của thân, khẩu và ý. Các thực hành khác nhau được giảng dạy gồm có: giai đoạn phát triển, để quán tưởng rằng thân của chúng ta trong hình tướng của chư Phật; giai đoạn trì tụng, tụng đọc các thần chú bằng giọng của chúng ta; và giai đoạn hoàn thiện, để tâm an trú trong trạng thái samadhi (định).

Giai đoạn phát triển hay quán tưởng không phải là tưởng tượng ra điều gì đó không hiện hữu liên tục. Thân Kim Cương của Các Đấng Chiến Thắng luôn ở trong chúng ta, cố hữu với Phật tánh của chúng ta. Bằng cách thực hành giai đoạn phát triển, chúng ta xua tan các che chướng đã che lấp bản tánh này và ngăn cản chúng ta không thể nhận ra nó. Khẩu Kim Cương không ngừng của chư Phật, vua của mọi sự bày tỏ du dương, cũng luôn hiện hữu trong chính chúng ta. Sự tụng đọc ba loại mantra – vidya, dharani và guhya – cho phép chúng ta xua tan các che chướng của giọng nói bình thường. Ý của chư Phật, sự tỉnh giác không quan niệm, cũng là bản tánh của chúng ta, nhưng nó bị che lấp bởi các ý nghĩ quan niệm nhất thời. Đơn giản an trú trong trạng thái bình thản của định sẽ phát lộ ý Kim Cương thiên bẩm của chúng ta.

Đừng cho rằng giai đoạn phát triển liên quan đến việc tưởng tượng điều gì đó không thực, như là giả vờ rằng một miếng gỗ là vàng mười. Giai đoạn phát triển không phải như thế. Nó đơn giản là công nhận điều vốn có, cái luôn tồn tại. Giai đoạn phát triển nghĩa là tạo ra hay tưởng tượng trong tâm trí hình tướng của chư Phật. Mặc dù sự quán tưởng ở đây là cấu trúc giả, một hành động giả tạo, nhưng nó vẫn là sự bắt chước cái đã luôn có sẵn trong chúng ta. Cho đến khi chúng ta có thể thực hành giai đoạn phát triển tối thượng, chúng ta vẫn cần quán tưởng hay tạo ra những hình ảnh thanh tịnh bằng trí óc để tiến gần đến trạng thái tuyệt đối đó.

Giai đoạn phát triển tối thượng liên quan đến việc đơn giản an trú trong tâm yếu của chư Phật, ở đó hai thân – Báo thân của ánh sáng cầu vồng và Hóa thân của thân vật lý – tự nhiên hiển bày. Trên thực tế, Phật tánh là điểm khởi đầu cho giai đoạn phát triển và bản tánh thiên bẩm này được hiện thực hóa thông qua thực hành định của chân như. Giai đoạn phát triển được tạo ra nhờ định của chân như, đó là Pháp thân của tất cả chư Phật. Trong Pháp thân mở ra Báo thân, định

1 Giai đoạn phát triển: thiền định du già mà qua đó ta tịnh hóa bản thân khỏi các tham đắm quen thuộc đưa ta đến bốn trạng thái tái sinh khác nhau và trong giai đoạn này, ta thiền định về sắc tướng, âm thanh và tư tưởng giống như những điều này có đủ phẩm tánh của vị Bổn tôn (hay Hộ Phật), của các câu minh chú và trí tuệ, của huyễn hoặc và từ Báo thân xuất hiện Hóa thân bằng phương tiện của định về chủng tử tự. Đó là cách thức mà giai đoạn phát triển diễn ra.

Định chân như là sự nhận ra chính Phật tánh, trạng thái hoàn hảo và thanh tịnh nguyên sơ của Pháp thân. Nếu chúng ta chưa nhận ra bản tánh này bằng kinh nghiệm cá nhân, chúng ta có thể làm gần giống hay giả tạo nó bằng cách tưởng tượng rằng mọi hiện tượng, mọi thế giới và chúng sinh, tan biến vào sự trống rỗng, bằng cách trì tụng, ví dụ, thần chú OM MAHA SHUNYATA JNANA VAJRA SVABHAVA ATMA KOH HANG. Với sự đại trống rỗng này, sự thấu suốt của nhận thức mở ra như là mặt trời mọc lên trên bầu trời và chiếu sáng. Đó là định của sự chói tỏa, về bản chất là Báo thân. Trong hư không có ánh sáng mặt trời, và từ ánh sáng mặt trời cầu vồng xuất hiện. Đó là sự tương tự với Hóa thân, định của chủng tử tự mà từ đó hình tướng bổn tôn hiển bày. Hóa thân có thể nhìn thấy được nhưng không thể sờ thấy; chúng ta không thể cầm nắm nó bằng tay nhưng nó vẫn xuất hiện. Chúng ta nên tưởng tượng hình tướng của vị bổn tôn là rõ ràng nhưng không ngoài tự tánh. Giống như cầu vồng trên trời không phải vật thể rắn chắc, bổn tôn cũng không được tạo nên bởi thịt và máu.

Cần phải nhắc lại rằng, giai đoạn phát triển diễn ra trong cấu trúc của tam thân. Pháp thân tràn khắp như hư không. Trong hư không của Pháp thân, Báo thân hiện diện sống động như ánh sáng mặt trời. Hóa thân xuất hiện như cầu vồng để đem đến hạnh phúc cho chúng sinh. Giống như mặt trời không thể mọc và chiếu sáng mà không có sự mở rộng của hư không, Báo thân liên tục không thể hiển bày khi không có bản tánh không sinh khởi của Pháp thân. Không có hư không, mặt trời không thể chiếu tỏa; không có ánh sáng đó, cầu vồng không thể xuất hiện. Như thế, ba thân là bất khả phân.

Bởi thế, thực hành ba định cung cấp cho chúng ta cấu trúc để quán tưởng bổn tôn. Kế tiếp, chúng ta triệu thỉnh Bổn tôn từ cõi giới Akanishta và tan biến vị đó vào chính chúng ta. Sau đó, chúng ta tán thán, cúng dường và các thực hành khác. Tất cả các hoạt động có vẻ như theo truyền thống này trong giai đoạn phát triển giống như các hoạt động của con người bình thường, như khi chúng ta mời những người quan trọng đến thăm, tán dương họ và mời họ thức ăn và quà tặng. Mục đích của giai đoạn phát triển là tịnh hóa các tập khí của con người. Nó không phải là để làm an dịu các vị trời bằng cách cúng dường. Các vị bổn tôn không phải hài lòng khi được thờ cúng và tức giận khi không được; chính chúng ta là người nhận được lợi lạc bằng cách tịnh hóa các che chướng và tích tập công đức.

Khi thực hành giai đoạn phát triển, hãy làm điều đó với nhận thức về sự rộng lớn, bao la, và mở rộng. Đừng quán tưởng bổn tôn trong ngôi nhà nhỏ bé của bạn, trong thế giới nhỏ bé này. Đầu tiên, mọi thứ tan hòa toàn bộ vào sự trống rỗng, vào hư không rộng lớn. Trong sự rộng lớn của hư không, mạn-đà-la của năm yếu tố được tạo ra. Trên đỉnh của nó chúng ta tưởng tượng ra núi Tu Di rộng lớn. Trên đỉnh núi Tu Di có cung điện linh thiêng, và trong đó có ngai cùng với đĩa mặt trời và mặt trăng. Trên ngai này, chúng ta xuất hiện trong hình tướng của bổn tôn thiền định, bất cứ kiểu gì có thể. Đó là cách mà chúng ta nên thực hành giai đoạn phát triển, đừng tưởng tượng chúng ta ở trong căn phòng nhỏ bé của mình.

Mục đích chính của giai đoạn phát triển là để phá hủy sự bám chấp vào sự thực vững chắc. Nó là bám chấp của chúng ta vào vật cụ thể, mà làm ta tiếp tục trôi lăn trong luân hồi. Giai đoạn phát triển phá hủy điều đó. Làm sao chúng ta đạt được như thế? Bằng cách tưởng tượng thế giới này là một cõi tịnh độ, nơi chúng ta cư ngụ là cung điện linh thiêng, và chúng sinh trong đó đang trong hình tướng tuyệt vời của chư bổn tôn, có thể nhìn thấy nhưng không thể sờ được như cầu vồng trên trời.

Giống như vậy, trì tụng thần chú phá hủy sự bám chấp của chúng ta vào khẩu gián đoạn thông thường, thứ mà dừng lại và lại bắt đầu. Thần chú [mantra] được biết đến là vua của khẩu. Nó là khẩu Kim Cương không ngừng. Cuối cùng, ý Kim Cương không nhầm lẫn phá hủy ý nghĩ quan niệm thông thường của chúng ta.

Ở cuối giai đoạn trì tụng là giai đoạn hoàn thiện, trong hoàn cảnh này là sự tan biến của cung điện và bổn tôn vào hư không trống rỗng, và sự tái xuất hiện từ trạng thái trống không đó trong hình tướng của bổn tôn. Mục đích của việc tan hòa là để xua tan bám chấp tập khí vào các hình tướng rằng đó là thật và vĩnh viễn, cũng như xu hướng hướng về tri kiến của sự bất diệt. Bằng cách xuất hiện lại trong hình tướng có thể nhìn thấy nhưng không sờ được của vị bổn tôn, chúng ta cũng phá hủy nền tảng cho chủ nghĩa hư vô, tri kiến cho rằng không có thứ gì tồn tại. Bởi thế, bằng cách rèn luyện trong việc tiêu trừ các xu hướng của tà kiến, thực hành này thực sự là con đường xua tan vô minh.

Tóm lại, đây là cách thức để con đường xua tan vô minh. Hiện tại, chúng ta đang bị vô minh che lấp. Thông qua các thực hành này, chúng ta có thể xua tan vô minh này và nhận ra thân, khẩu và ý Kim Cương của chư Phật. Một ẩn dụ hay cho vô minh này đó là ảo giác được tạo ra bởi cà độc dược tạo ảo giác. Thông thường, chúng ta thấy bản thân và người khác có một mặt, hai tay và hai chân. Nhưng khi bị trúng độc này, thình lình chúng ta thấy mọi người không phải như thế nữa, mà có mười đầu, hai mươi tay, năm mươi chân, hay những điều như thế. Hiện tại chúng ta đang bị thứ độc dược vô minh chế ngự và tiếp tục sai lầm trong sáu cõi luân hồi. Khi ảnh hưởng của cà độc dược giảm dần, chúng ta lại thấy mọi người như họ trong trạng thái bình thường. Nhưng ngay bây giờ, ảnh hưởng của vô minh vẫn chưa mất; chúng ta vẫn còn bị vô minh kiểm soát. Để xua tan vô minh trên con đường, chúng ta cần thực hành các giai đoạn phát triển, trì tụng và hoàn thiện.

Giáo lý thứ tư của Đức Gampopa, “Xin hãy ban cho con sự gia trì để vô minh tỏa sáng như trí tuệ” liên quan đến giai đoạn hoàn thiện. Các đề cập trước đây về giai đoạn hoàn thiện được định nghĩa bởi và phụ thuộc vào một sự quán tưởng hoặc là tan biến vào hư không hoặc tái hiện lại từ hư không; vì thế nó được gọi là giai đoạn hoàn thiện với các đặc tính. Giai đoạn hoàn thiện chân thực, chủ đề của giáo lý thứ tư mà Đức Gampopa giảng, liên quan đến việc nhận ra Phật tánh. Khi vàng mười bị che phủ bởi bụi bẩn, không rõ ràng rằng nó là vàng, mặc dù chất bẩn chỉ là tạm thời. Nhưng khi nó được dọn đi, chúng ta nhận ra rằng đó là vàng. Giống như vậy, khi vô minh được tịnh hóa, trí tuệ, vốn là tỉnh thức cơ bản của chúng ta hiển bày.

Hiện tại, trạng thái của người bình thường giống như vàng mười bị che lấp bởi bụi bẩn. Phật tánh của chúng ta bị che lấp bởi những che chướng tạm thời. Một trong các che chướng chính, cần được tịnh hóa là bám chấp của chúng ta vào quan điểm nhị nguyên, về sự thực vững chắc. Khi được tinh chế, vàng cũng chỉ là vàng mười. Chừng nào tâm chúng ta còn trong vô minh, hoang dã, lừa dối và nhầm lẫn, Phật tánh tiếp tục bị kéo lê trong luân hồi. Nhưng khi tâm thoát khỏi vô minh, không nhầm lẫn và không dối gạt, nó chính là Phật tánh. Không phải rằng Phật tánh là một thứ và tâm là một thứ tách biệt khác. Chúng không phải là hai thực thể khác biệt. Chính tâm chân thật là thứ vàng mười, Phật tánh. Hữu tình chúng sinh không có hai tâm. Khi tâm bị lừa dối, nó mang tên “hữu tình chúng sinh.” Khi tâm không bị lừa dối, không nhầm lẫn, nó được biết đến là Phật.

Người ta nói rằng “không có Phật nào ngoài chính tâm của bạn.” Chúng ta không có hai tâm. Chỉ có một tâm, hoặc là vô minh hoặc không. Phật tánh chính xác là phẩm tánh không sai lầm ngay từ đầu của tâm chúng ta, cũng được biết đến là Samantabhadra [Phật Phổ Hiền], Pháp thân Phật.

Theo một hệ thống, khía cạnh Pháp thân của phẩm tánh không sai lầm ngay từ đầu là Đức Phổ Hiền. Khía cạnh Báo thân là Đức Kim Cương Trì và khía cạnh Hóa thân là Kim Cương Tát Đỏa. Ví dụ, hư không, ánh sáng, và sự xuất hiện của cầu vồng là không thể tách biệt. Ánh sáng không thể chiếu đến nơi nào khác ngoài hư không, và cầu vồng không thể xuất hiện theo cách nào khác ngoài sự trộn lẫn của hư không và ánh sáng. Pháp thân giống như hư không, Báo thân như mặt trời, và Hóa thân như cầu vồng. Giống như vậy, Ba vị Phật, Phổ Hiền, Kim Cương Trì, và Kim Cương Tát Đỏa không phải là ba bậc giác ngộ khác nhau. Các ngài là bất khả phân, cùng một bản tánh, giống như ba thân hiển bày rõ ràng, không thể tách biệt trong Phật tánh của chúng ta.

Có một điểm khác biệt giữa vô minh và giác ngộ, giữa chứng ngộ và không chứng ngộ bản tánh của chúng ta. Phẩm tánh không sai lầm ngay từ đầu được biết đến là giác ngộ, là Phật quả, hay trạng thái tỉnh thức của Pháp thân. Khía cạnh sai lầm từ đầu được gọi là ngu dốt, hay kinh nghiệm sai lầm của chúng hữu tình. Mặc dù chúng ta có Phật tánh trong người, nó hiện thời bị che lấp.

Cốt tủy các giáo lý Phật Đà là phương thức để vô minh chiếu tỏa như trí tuệ. Điểm trọng yếu nhất ở đây là sự giới thiệu đến và nhận ra Phật tánh, trí tuệ bẩm sinh của Pháp thân mà luôn hiện diện trong chúng ta. Bốn Pháp của Gampopa là giáo lý về cách thức nhận ra, tu tập và làm vững chắc sự chứng ngộ Phật tánh. Hiểu điều này chính là tri kiến, thực hành nó là định, và làm vững chắc nó là Phật quả. Phật quả không nằm ở bên ngoài. Nó không phải thứ gì khác mà thình lình bị hút vào chúng ta và chuyển biến kỳ diệu ta thành một vị Phật.

Chúng ta có một tâm nhưng chúng ta cần phân biệt hai khía cạnh của nó: bản chất và sự hiển bày. Hãy hiểu ví dụ về mối quan hệ giữa hai điều này. Bản chất giống như mặt trời chiếu sáng trên trời. Sự hiển bày giống như hình bóng của nó trên nước. Mặt trời trên cao là thật. Hình ảnh phản chiếu của nó dưới nước trông như mặt trời nhưng không phải mặt trời thật. Hãy cùng gọi mặt trời trên cao là Phật tánh, phẩm tánh giác ngộ không lỗi lầm, chính là bản chất. Hình ảnh phản chiếu của mặt trời trên nước là ví dụ về ý nghĩ sai lầm thông thường của chúng ta. Không có mặt trời trên cao, bóng của nó không thể xuất hiện. Mặc dù thực sự chỉ có một mặt trời, nó trông giống như là hai. Nó là một nét đặc thù với hai khía cạnh. Bản chất, Phật tánh, giống như mặt trời chiếu sáng trên cao. Sự hiển bày của nó giống như ý nghĩ của chúng ta, được so sánh với bóng của mặt trời.

Trạng thái là một vị Phật là không lẫn lộn và không dối lừa, giống như mặt trời chiếu sáng trên cao. Trạng thái của tâm chúng sinh giống như hình bóng của mặt trời trên nước. Như hình bóng phụ thuộc vào nước, ý nghĩ của chúng ta phụ thuộc vào đối tượng. Đối tượng là cái mà được nghĩ về, chủ thế là tâm nhận thức. Bám chấp vào chủ thế-đối tượng là nguyên nhân cho việc tiếp tục trong luân hồi sai lầm, ngày và đêm, đời này sang đời khác. Bám chấp vào chủ thể và đối tượng, chủ thể nhận thức và đối tượng bị nhận thức, trở nên ngày càng vững chắc mỗi lần và do đó tái tạo luân hồi. Ngay bây giờ chúng ta đang có năm đối tượng giác quan của hình ảnh, âm thanh, hương vị, mùi vị và kết cấu. Ở giữa, như các cánh cửa, chúng ta có năm giác quan, và cũng có nhiều thức khác nhau, mà liên tục nắm bắt các đối tượng của các giác quan khác nhau này.

Liệu rằng hình ảnh phản chiếu của mặt trời trên nước có thể chiếu rọi toàn bộ thế giới? Liệu rằng nó có thể chiếu sáng trên toàn mặt hồ? Liệu nó có thể làm mọi thứ lớn lên? Không, bởi vì nó không có những phẩm tánh của một mặt trời thực thụ. Giống như vậy, khía cạnh của tâm được biết đến là sự hiển bày, ý nghĩ của chúng ta, thiếu đi những phẩm tánh của trạng thái Phật quả chân thật. Nhưng mặt trời trên cao chính nó có thể chiếu sáng và mang đến thế giới này sự ấm áp, xua tan bóng tối. Một cách đơn giản, tâm của chư Phật không bị che chướng, trong khi tâm của chúng hữu tình thì có. Vậy che chướng là gì? Đó là bám chấp tái xảy ra của chúng ta về chủ thể và đối tượng.

Phật tánh luôn hiện diện trong chính chúng ta cũng như mọi người khác, không một ngoại lệ nào. Về bản chất nó không bao giờ bị che chướng. Nó không tăng hay giảm. Không phải đôi khi nó bị che lấp và lúc khác thì không. Nó hoàn toàn vượt ra ngoài các cấu trúc tinh thần. Nó không thay đổi về kích thước. Hoàn toàn không phải là ai đó có Phật tánh lớn và người khác thì nhỏ. Không có điểm khác biệt về phẩm tánh. Nó liên tục hiện diện cùng mức độ ở mọi người.

Nhận ra Phật tánh luôn hiện hữu trong mỗi người chính là tri kiến. Duy trì sự liên tục của điều đó chính là thiền định hay tu tập. Hòa quyện điều đó với hành động hàng ngày và hành xử hòa hợp với Pháp được biết đến là hành động. Và nhận ra nó là hoàn toàn không che chướng, như mặt trời chiếu sáng trên cao với sự rạng ngời bất biến được biết đến là kết quả. Chúng ta cần nhận ra tri kiến; chúng ta cần nhận ra Phật tánh. Mặc dù nó là điều gì đó chúng ta đã có, chúng ta cần công nhận cái chúng ta sở hữu. Các thực hành dự bị, giai đoạn phát triển, và các thực hành khác đều nhằm đến việc giúp chúng ta nhận ra Phật tánh. Chúng đều như những người trợ giúp, kẻ phụ tá.

Nói rằng “nhận ra bản tánh của chúng ta, Phật tánh!” không có nghĩa rằng chúng ta cần tạo ra điều gì đó không tồn tại, như cố gắng ép vàng từ mẫu gỗ, điều hoàn toàn không thể. Chúng ta cần nhận ra cái chúng ta đã sở hữu. Nhưng, con người, thông minh và có khả năng nhất trong chúng hữu tình, dường như có khuynh hướng ném đi viên ngọc như ý quý giá nhất. Trạng thái bình thường của con người giống như ai đó đã tìm thấy viên ngọc như ý quý giá nhưng lờ nó đi, nghĩ rằng mẩu ngọc giả có giá trị hơn. Không có điều gì buồn hơn hay lãng phí hơn như thế.

Hãy nghĩ nghiêm túc về điều này. Cố gắng hiểu rằng hoàn cảnh chúng ta đang có giống như nắm giữ một viên ngọc như ý trong tay. Không dễ để tái sinh lại làm người, và hoàn toàn không dễ để có thân người quý giá với cơ hội thực hành Pháp. Đó là một cơ hội hiếm có vô cùng xảy ra không thường xuyên đến mức giống như tận hưởng một bữa ăn ngon một trăm năm một lần. Nếu chúng ta chỉ có một bữa ăn ngon một lần trong một thế kỷ, chúng ta liệu rằng có thể không đánh giá cao nó và quá đỗi vui mừng nói rằng, “Cuối cùng, ta cũng có một bữa ngon!” Chúng ta sẽ rất hạnh phúc. Nhưng cơ hội này thậm chí còn giá trị hơn nhiều. Một cách tuyệt đối, không một lượng bữa ăn ngon nào sẽ giúp ích chúng ta. Cơ thể sẽ là một cái xác khi chết, dù nó được ăn ngon hay không. Thân người quý giá này là thứ gì đó cực kỳ hiếm có. Nếu chúng ta không tận dụng cơ hội này, không có gì đảm bảo liệu rằng chúng ta có được thân người trong đời tiếp theo không. Trên thực tế, gần như chắc chắn rằng chúng ta sẽ không, bởi các tập khí về nghiệp quá nặng nề. Cánh cửa nhỏ bé giờ đây sẽ bị che lấp trong nhiều kiếp trước khi chúng ta lại có được thân người. Hãy nghĩ chân thành về điều này: liệu rằng có lãng phí nào hơn việc ném đi viên ngọc như ý khi bạn cuối cùng đã tìm thấy một viên?

Nếu chúng ta không có viên ngọc như ý này rồi, sẽ rất khó để tìm. Nhưng, vấn đề là, qua vô số đời, chúng ta chưa bao giờ không có nó. Nếu chúng ta được bảo rằng, “Bạn cần có một viên ngọc như ý!” thì chúng ta sẽ gặp rắc rối bởi vì bất thình lình chúng ta sẽ phải tìm thấy một thứ ta không có. Nhưng viên ngọc như ý, Phật tánh luôn hiện hữu trong chúng ta. Chính là bởi sự ngu dốt và sai lầm mà chúng ta không nhận ra nó, và tiếp tục đời này sang đời khác trong sáu cõi luân hồi. Thật buồn là mọi người ném đi thứ giá trị và thay vào đó đuổi theo thức ăn, tài sản, sự nổi tiếng và tán dương. Nhưng nếu chúng ta không nắm lấy điều thực sự giá trị trong đời này, chúng ta sẽ chỉ tiếp tục trong luân hồi bất tận. Không phải tôi đang bảo bạn phải hiểu điều này; bởi dĩ nhiên bạn đã làm thế; tôi chỉ đơn giản nhắc nhở bạn.

Phật tánh vốn luôn hiện hữu là bản tánh của tâm chúng ta, giống như sự rạng ngời bất biến của của mặt trời chiếu tỏa trên cao. Nhưng bởi những ý nghĩ nhị nguyên thông thường của chúng ta, mặt trời Phật tánh này không thể hiển bày; ta không thể thấy nó. Nhưng thậm chí một phần của những phẩm tánh bẩm sinh của Phật quả cũng không hiển bày trong trạng thái tâm của một người bình thường. Các ý nghĩ quan niệm chúng ta có suốt ngày và đêm che lấp Phật tánh, giống như mặt trời trên cao bị che lấp bởi các đám mây và dường như bị che chướng. Bởi các đám mây trôi qua của sự ngu dốt, chúng ta không nhận ra Phật tánh.

Phật tánh hiện hữu giống như mặt trời không bị che lấp trên trời, nhưng ánh sáng không bao giờ chiếu đến một hang động hướng về phương bắc. Hang động này là ví dụ cho sự hiểu lầm, tà kiến, hay hiểu không trọn vẹn.

Phật tánh từ vô thủy đã tràn khắp, hiện hữu trong mọi người từ Phật Phổ Hiền đến con côn trùng nhỏ nhất. Bản tánh giác ngộ này có thể được đặt cho những cái tên khác nhau: Pháp thân, Phổ Hiền [Samantabhadra], tỉnh thức tự sinh khởi hay giác ngộ tối thượng. Trạng thái ngu dốt của chúng hữu tình cũng có rất nhiều tên – nó được gọi là ý nghĩ, tâm quan niệm, thức nhị nguyên hay thức.

Trước cuộc đời này, chúng ta sinh ra ở một nơi khác và trước cuộc đời đó lại là một nơi khác. Chúng ta đã có vô số đời trước. Tâm chúng ta không tự nhiên xuất hiện từ sự trống rỗng. Nó không có sự bắt đầu. Tâm chúng ta đã sinh ra nhiều lần từ vô thủy. Chúng ta có vô số đời – và hiện tại chúng ta đạt đến cuộc đời này. Nó giống như điểm phân chia hành trình mà ở đó chúng ta đi trên con đường hoặc dẫn lên trên hoặc xuống dưới.

Tâm chúng ta tạo ra thiện và ác hạnh, giọng nói và thân hành xử như là kẻ phục tùng hay đầy tớ của tâm. Ở đây ác hạnh là gì? Nó cơ bản là sự tham luyến, sân hận và ngu dốt. Tôi đã giải thích về tâm giác ngộ; giờ đây tôi sẽ chỉ ra tâm nhị nguyên của chúng ta.

Hãy lấy ví dụ là các đối tượng của mắt. Khi chúng ta nhìn thấy một mảnh gấm đẹp đẽ, ngay lập tức ta nghĩ rằng “Thật đẹp làm sao!” Đó là bám chấp. Nếu chúng ta thấy một cái khăn tay đã sử dụng, ta không thích nó. Đó là sự thù ghét hay sân hận. Nếu chúng ta thấy một cái khăn tay sạch, phẳng, ta cũng không quan tâm. Đó là sự thờ ơ hay ngu dốt. Tất cả chúng ta đều giống nhau trong mặt này: khi ta thấy một vật đẹp đẽ, ta thích nó, thấy một vật xấu xí, ta ghét nó, thấy vật gì trung lập, ta chẳng thèm quan tâm. Chúng ta thích các âm thanh du dương, chứ không thích âm thanh thô ráp, khó nghe. Sở thích của chúng ta là sự tham luyến, sở ghét của chúng ta là sự thù ghét, sân hận, và sự thờ ơ của chúng ta là sự ngu dốt. Phản ứng của chúng ta là tương tự với cái ta ăn, ngửi, hay chạm. Ba cảm xúc tiêu cực cơ bản này hiển bày trong mối quan hệ với năm giác quan và năm đối tượng bên ngoài. Chủ thể, tâm bên trong, thích sự dễ chịu, ghét đau đớn, và cũng có thể duy trì sự thờ ơ. Sáu kiểu kinh nghiệm – hình ảnh, âm thanh, mùi, hương, kết cấu và đối tượng tinh thần – được biết đến là sáu bộ của thức.

Từ vô thủy đến tận bây giờ, các hành động chủ yếu mà chúng ta làm là các hoạt động của ba độc – tham, sân và si. Chúng ta không ngừng tham gia vào việc thích, ghét và thờ ơ, không chỉ trong một hay hai đời, mà là vô số đời. Đây là chỉ dẫn chỉ ra tâm nhị nguyên của chúng ta.

“Tâm vượt qua các quan niệm” liên quan đến trạng thái thoát khỏi ba độc. Một người bình thường hoàn toàn mải mê trong tam độc suốt cả cuộc đời. Để giải thoát khỏi luân hồi, chúng ta cần để lại đằng sau tam độc. Làm sao ta có thể thoát khỏi chúng? Chúng ta không thể chôn chúng xuống đất, xối nước, đốt, thổi đi hay thậm chí ném một quả bom nguyên tử vào chúng và trông chờ tam độc biến mất. Sự dính líu không ngừng của chúng ta với chúng giống như chiếc máy ma quỷ. Đức Phật hoàn hảo miêu tả luân hồi là đại dương của khổ đau bất tận, hay giống như vòng quay bất tận của chiếc máy ma quỷ, giống như vòng tròn ác độc. Đức Phật dạy rằng chúng ta cần áp dụng phương pháp để giải phóng bản thân và tất thảy hữu tình khỏi đại dương luân hồi.

Nguồn gốc cơ bản cho luân hồi là tâm nhị nguyên của chúng ta, như tôi vừa chỉ ra. Một vài người có thể tuyên bố rằng, “Tôi không phạm phải bất cứ ác hạnh nào! Tôi không sát sinh, tôi không trộm cắp, và tôi không nói dối. Tôi không làm điều gì ác!” Trong khi chúng ta có thể không tiến hành các hành động tiêu cực tầm thường, các hành động tiêu cực tinh tế vẫn liên tục được tạo ra trong tâm. Chừng nào sự thích, ghét và thờ ơ của chúng ta còn chưa được tịnh hóa, chúng còn ngăn cản con đường dẫn đến giải thoát và giác ngộ hoàn toàn. Vì thế điều gì có thể xua tan tam độc trong tâm chúng ta? Đó là nhận thức về Phật tánh, giác tánh tự sinh khởi.

Giác tánh tự sinh khởi này chính là con đường mà chư Phật ba thời đã đi. Chư Phật của quá khứ đã đi con đường của trí tuệ tự sinh khởi, rangjung yeshe, và đạt đến giác ngộ. Chư Phật hiện tại đi theo con đường của trí tuệ tự sinh khởi, và trong tương lai, bất kỳ ai đạt đến giác ngộ cũng đều đạt được như vậy bởi nhận ra trí tuệ tự sinh khởi. Thậm chí không có một nguyên tử của bất cứ con đường nào khác dẫn đến giác ngộ thực sự.

Hãy lấy một ví dụ khác: tưởng tượng một căn phòng mà hoàn toàn khóa kín và đã duy trì sự tăm tối trong mười nghìn năm. Trạng thái ngu dốt của tâm một người bình thường, người chưa nhận ra bản tánh của tâm, Phật tánh, giống như màn đêm đen kịt của căn phòng đó. Khoảnh khắc nhận ra trí tuệ tự sinh khởi giống như bật công tắc đèn trong phòng, mà hoàn toàn tối tăm trong mười nghìn năm. Trong khoảnh khắc đó, mọi tăm tối đều biến mất, đúng không? Mười nghìn năm tăm tối được xua tan chỉ trong một giây. Giống như vậy, trí tuệ của việc nhận ra bản tánh của chúng ta xua tan hàng đại kiếp ngu dốt và ác hạnh. Khi bạn ấn nút bật đèn trong căn phòng tối tăm mười nghìn năm đó, không phải bóng tối biến mất ngay lập tức sao? Hãy hiểu ví dụ đó.

Nếu mọi cửa sổ và cánh cửa trong phòng đều bị đóng, chúng ta sẽ không thể thấy thứ gì, nhưng khi ánh đèn được bật lên, chúng ta có thể thấy mọi thứ một cách hoàn hảo và rõ ràng. Hoàn toàn có thể tịnh hóa ác nghiệp của vô số kiếp và đạt đến trạng thái giác ngộ hoàn toàn chỉ trong đời này bởi trí tuệ tự sinh khởi là rất mạnh mẽ và vô cùng hiệu quả.

Bây giờ tôi sẽ cho Phật tánh một cái tên. Nó được gọi là tỉnh giác tự sinh khởi trống rỗng và có thể nhận thức. Khía cạnh trống rỗng, bản chất, giống như hư không lan tỏa khắp nơi. Nhưng không tách biệt với khía cạnh trống rỗng này là khả năng tự nhiên có thể nhận thức, tỉnh giác cơ bản. Phật tánh được gọi là tự sinh khởi bởi vì nó không được tạo ra từ thứ gì hay bởi bất kỳ ai. Tự sinh khởi nghĩa là không được tạo ra bởi các nguồn gốc từ đầu và không bị phá hủy bởi các hoàn cảnh lúc kết thúc. Sự tỉnh giác tự sinh khởi này hiện hữu trong mọi chúng sinh không sót một ai. Ý nghĩ và sự tỉnh giác tự sinh khởi của chúng ta không bao giờ tách biệt. Tâm suy nghĩ được gọi là sự hiển bày, trong khi sự tỉnh giác cơ bản được gọi là bản chất. Vì thế thực tế là có hai tên cho tâm. Với một chúng hữu tình ngu dốt, tâm được gọi là nhận thức trống rỗng với cốt lõi là sự ngu dốt. Tâm của chư Phật là sự nhận thức trống rỗng với cốt lõi là giác tánh.

Để giúp chúng ta có thể nhận ra hay biết được bản tánh của bản thân, vị thầy, Bậc Kim Cương Đạo sư, ban các chỉ dẫn chỉ ra. Nó chỉ vì mục đích duy nhất đó. Tuy nhiên, điều mà ngài chỉ ra không phải điều gì đó chúng ta không có. Chúng ta luôn sở hữu Phật tánh.

Đầu tiên, chúng ta cần nhận ra Phật tánh, bản tánh của chúng ta. Sau đó chúng ta cần nỗ lực với sự tinh tấn mãnh liệt để duy trì nhận thức đó, đó chính là sự rèn luyện. Cuối cùng, để đạt đến trạng thái mà không một mảy may ý nghĩ quan niệm còn duy trì, khi mà ý nghĩ quan niệm được tịnh hóa, được gọi là sự đạt đến tính ổn định. Sự ổn định này được biết đến là giác ngộ Phật quả hoàn toàn.

Các giáo lý của cả Đại Thủ ấn và Đại toàn thiện đều đưa ra một ví dụ truyền thống cho trình tự này. Ngày đầu tiên của lịch âm khi chúng ta nhìn lên bầu trời, ta không thấy gì cả; mặt trăng không thể nhìn thấy được. Nhưng vào đêm ngày thứ ba, ta có thể thấy một vầng trăng khuyết. Vào lúc đó, người ta hoàn toàn có thể chỉ vào mặt trăng và nói rằng, “Có một mặt trăng!” Chúng ta nhìn và chúng ta thấy rằng mặt trăng là mặt trăng. Đó được gọi là nhận ra. Mỗi ngày tiếp theo, mặt trăng tròn dần, cho đến đêm ngày mười lăm, nó tròn đầy và tỏa sáng, chiếu tỏa trên cao. Đó là ví dụ cho Pháp thân của tánh giác tự sinh khởi thoát khỏi các cấu trúc. Một lần nữa, việc chỉ ra mặt trăng được gọi là nhận ra. Viêc nó tròn dần được gọi là rèn luyện. Khi nó trở nên tròn [vào ngày rằm: ND], đó là sự chứng ngộ ổn định, giác ngộ hoàn toàn.

Một ví dụ khác là hạt của một loài hoa. Biết rằng có là hạt giống là ví dụ cho việc nhận ra Phật tánh. Sau khi nó được trồng và tưới nước, và bắt đầu đâm chồi, nhị và hoa, nó được gọi là sự rèn luyện. Cuối cùng khi cây hoa trưởng thành, với những bông hoa đẹp đẽ, đó là ví dụ của sự chứng ngộ ổn định. Hạt giống của cây hoa không giống như cây hoa với những chùm hoa. Nhưng hạt giống, không thể nhầm lẫn là hạt giống của một cây hoa đẹp có thể được trồng và nó sẽ lớn lên thành cây hoa đó.

Mặc dù khi chúng ta thấy một bông hoa, nó đẹp một cách ngạc nhiên, chúng ta không thấy hạt giống cho cây hoa đó đẹp tý nào. Giống như vậy, đừng trông mong rằng việc nhận ra bản tánh của tâm là điều gì đó ngoạn mục. Nhưng khi sự nhận ra trở nên vững chắc, như trong trường hợp của một vị Phật, trạng thái giác ngộ hoàn toàn chứa đựng những phẩm chất vĩ đại, như là những sự vô úy bốn phần, mười sức mạnh, mười tám phẩm tánh độc đáo, và tương tự. Trạng thái Phật quả cũng chứa đựng sức mạnh chuyển hóa một giây thành một đại kiếp, và ngược lại. Các phẩm tánh của Phật quả là khó có thể tưởng tượng, và mọi phẩm tánh này đều hiện hữu trong Phật tánh. Chúng không phải một vài phẩm tánh mới đến sau đó. Không phải là hai kiểu khác biệt của Phật tánh – nó không phải là chư Phật có một kiểu Phật tánh và chúng ta, hữu tình chúng sinh thì có một kiểu khác.

Con người nhiều như sao trên trời vào buổi đêm, nhưng những người có được thân người quý giá thì như sao buổi sớm. Tất cả các bạn đều giống như sao buổi sớm. Mặc dù tôi không cần phải bảo các bạn quý trọng giáo lý này, coi nó là cực kỳ quan trọng, vẫn cần thiết phải lặp lại rằng, sự thực hành nhận ra Phật tánh cần được liên tục trong suốt các đời. Chúng ta cần quân bình giữa cuộc đời và thực hành. Nói cách khác, chúng ta không nên thực hành trong một thời gian ngắn và sau đó từ bỏ Pháp. Chúng ta nên rèn luyện chừng nào còn sống.

Tulku Urgyen Rinpoche

Việt dịch: Tuệ Tạng
Trích: Vang vọng lời Phật dạy