CHIA SẺ

tuong-a-di-da-phat (1)

Đầu tiên, tôi muốn nói với các bạn rằng tinh túy giác ngộ luôn hiện hữu trong mỗi người. Nó hiện hữu trong từng trạng thái, cả luân hồi và niết bàn, và trong từng chúng hữu tình; không có ngoại lệ. Hãy trải nghiệm Phật tánh, biến nó thành thực hành liên tục của các bạn, và bạn sẽ đạt đến giác ngộ. Trong cuộc đời tôi, tôi đã biết rất nhiều, rất nhiều người đạt đến trạng thái giác ngộ như thế, cả đàn ông và đàn bà. Đạt đến giác ngộ không phải chuyện hoang đường thời cổ. Nó không phải thần thoại. Đó là điều thực sự đã xảy ra. Hãy đưa những chỉ dẫn khẩu truyền vào trải nghiệm thực tế của bản thân và giác ngộ là điều hoàn toàn có thể; nó không phải chuyện cổ tích về bà tiên.

Để nhận ra Phật tánh này, chúng ta cần sự hỗ trợ của ba nguyên tắc. Đầu tiên là Phật bảo, vị thầy tổ người chỉ ra bản tánh giác ngộ cho người khác. Kế đó là Pháp bảo, giáo lý về cách thức tu tập để trải nghiệm bản tánh giác ngộ. Cuối cùng, là Tăng bảo, những người nắm giữ và phổ biến giáo lý. Bên cạnh đó, có tam căn bản: đó là đạo sư (guru), nguồn gốc của sự gia trì; bổn tôn (yidam), nguồn gốc của thành tựu; và Không hành mẫu (dakini), nguồn gốc của các hoạt động. Các ngài sở hữu sự tỉnh thức toàn tri, từ bi ngập tràn, hành động vì lợi lạc của chúng sinh và khả năng bảo vệ và cứu giúp chúng sinh.

Đôi khi, chúng ta có những nghi ngờ và do dự với các giáo lý Phật Đà, nhưng đừng để điều đó xảy ra. Điều quan trọng là chứng thực điều giá trị và điều gì không. Các vị thầy của tôi từng đề cập đến bốn kiểu chứng thực. Đầu tiên là các lời nói của một bậc chứng ngộ hoàn hảo, như là Đức Phật, những lời nói của ngài không bao giờ là ngu xuẩn. Kế tiếp là những giáo lý của chư đạo sư vĩ đại của truyền thừa, từ thầy sang trò cho đến ngày nay. Thứ ba là các chỉ dẫn chúng ta nhận được từ vị thầy của bản thân. Cuối cùng, để quyết định với sự chắc chắn, chúng ta cần sự chứng thực của trí tuệ của mình. Đừng để điều gì đánh lừa niềm tin. Hãy quán sát bản thân xem đâu thực sự là sự thật.

Lý do cho những khổ đau mà mỗi chúng sinh trải qua là gì? Nguyên do của những ảo mộng trong luân hồi là gì? Nó không gì khác ngoài việc thiếu đi những kinh nghiệm về bản tánh giác ngộ. Chúng ta lờ đi cái hiện hữu từ thời vô thủy; chúng ta thờ ơ với cái liên tục hiện diện trong chúng ta: Phật tánh. Thay vào đó, dấn sâu vào các cảm xúc lẫn lộn, chúng ta đuổi theo các mục đích sai lầm, thứ mà dẫn đến những kinh nghiệm sai lầm bất tận hơn nữa. Đó là luân hồi. Chúng ta đã làm điều này trong vô số đời, đời này sang đời khác, chết rồi lại tái sinh. Bây giờ, nếu bạn không thể tận dụng cơ hội này, khi bạn vẫn là một con người, để nhận ra điều hoàn toàn có thể, trong tương lai bạn sẽ tiếp tục theo con đường sai lầm đó.

Hãy hiểu rằng Phật tánh là điều hiện hữu trong mỗi người. Không ai thiếu đi tiềm năng này, không ai trên thế giới này. Nếu bạn không biết cách đưa nó vào trải nghiệm cá nhân, tu tập trong đó và nhận ra nó, bạn sẽ duy trì trong ảo vọng. Ảo vọng không bao giờ tự nó biến mất. Quay quanh bánh xe luân hồi xấu xa, trong thập nhị nhân duyên, bạn sẽ tiếp tục đời này rồi đời khác. Chúng ta đều sẽ chết, và tái sinh, và lại chết, vô số lần như thế.

Nhưng, trong đời này, bạn có thể học để trải nghiệm bản tánh giác ngộ, và nếu bạn làm được điều đó, bạn có thể, trước khi chết, đạt đến trạng thái giác ngộ hoàn hảo của một vị Phật. Cách thức để chuyển hóa thân người thành ánh sáng cầu vồng lúc chết chỉ là thông qua việc nhận ra và chứng ngộ Phật tánh; không còn cách nào khác. Chỉ dẫn về cách thức làm như thế vẫn luôn có. Hãy đặt niềm tin tưởng vào Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Hãy nhận những chỉ dẫn này từ bậc nắm giữ truyền thừa không gián đoạn; dòng truyền thừa này phải thanh tịnh. Nếu không thì, mọi người chết; không có ngoại lệ. Trong quá khứ, mọi người từng sống trên thế giới này đều chết. Ngay bây giờ mọi người đang sống đều sẽ chết. Mọi người sinh ra trong tương lai cũng sẽ chết. Mọi thứ trên đời sẽ thay đổi; không có thứ gì là không đổi, không có gì là mãi mãi, không có gì tồn tại mãi. Nếu bạn muốn thành công, nếu bạn thực sự muốn chăm sóc bản thân – hãy nhận ra bản tánh giác ngộ của bạn.

Tulku Urgyen Rinpoche

Việt dịch: Tuệ Tang
Trích: Vang vọng lời Phật dạy – Nhà xuất bản Rangjung Yeshe 2006