CHIA SẺ

duc phat (1)

Thuở xưa ở trong một cái hồ kia có một con rùa và hai con cò trắng thường lui tới làm bạn với nhau.

Năm ấy trời đại hạn, suốt một năm trời ròng rã như không có cơn mưa nào cả. Nước ở trong hồ cứ cạn dần vì thiêu đốt gay gắt của mặt trời. Cỏ lát trong hồ cũng vàng úa tàn tạ. Có thể nước nóng như một chảo nước sôi, vì thế loài thủy tộc chết lần chết hồi…

Ở trong tình trạng đó, chàng rùa ta ngồi đứng không yên và trong đầu óc luôn luôn suy nghĩ một phương kế thoát thân khỏi cái địa ngục nóng này.

Thì may thay! Trong lúc ấy có hai vợ chồng cò đến chơi. Thấy bộ dáng thiểu não của chàng rùa, hai vợ chồng cò ân cần hỏi thăm:

– Chắc có chuyện gì buồn chăng? Mà trông bác có dáng lo nghĩ thế? Rùa rầu rầu đáp:

– Hai bác ôi, tôi đang gặp phải đại hoạn, phen này chắc chết mà không còn trông gặp mặt hai bác nữa.

Chàng cò chận lời:

– Chúng ta là bạn bè thân thiết với nhau, sung sướng cùng chia thì hoạn nạn cùng chịu. Vậy bác hãy cho chúng tôi biết nguyên nhân nào làm cho bác phiền muộn, họa may chúng tôi có thể tìm phương giải quyết và giúp đỡ bác chăng! Chớ chưa chi mà bác đã than van thất vọng như thế.

Rùa trả lời với một giọng lâm ly thống thiết:

– Không biết hai bác này làm ăn thế nào, chứ tôi hai hôm nay chưa có lót dạ nữa con tép chứ đừng nói tôm cá, vì chúng đã hết trọi! Mà nước thì cạn dần thế này, thì trước sau thế nào cũng không thoát khỏi bàn tay độc ác của lũ chăn trâu. Cách đây 5 năm tôi đã bị chúng bắt một lần, may nhờ một bà già nua và đem đến chùa phóng sanh nên mới sống sót đến ngày hôm nay. Vì thế mỗi lần nghĩ đến tai nạn chết chóc, tôi bắt rùng mình…

Trong lúc chàng cò đang ra dáng suy nghĩ thì chị cò thương hại hỏi:

– Sao bác không đi ở nơi khác một phen xem thế nào?

– Bác thử nghĩ, xưa nay tôi có từng đi đâu, đường sá thì xa xôi nguy hiểm mà sự đi lại của tôi quá chậm chạp, nên tôi nghĩ thà chết nơi chôn nhau cắt rún còn hơn.

Bỗng chàng cò ngóng cổ nói lớn lên với một niềm hy vọng:

– Thôi bác khỏi lo! Cách đây mười dặm, có một hồ sen không khi nào cạn, mặc dù là lúc trời hạn hán. Chúng tôi sẽ đem bác đến đấy, trước là giải quyết sinh kế mà sau nữa được gần gũi nhau trong lúc tối lửa tắt đèn…

Nhưng chàng rùa vẫn lo ngại nói vẻ thất vọng:

– Trời ơi! Mười dặm. Một dặm mà tôi đã đi đến chưa, huống nữa là mười dặm, thôi tôi đành chịu chết vậy!

– Ðiều ấy bác cũng không nên lo, chàng cò tin tưởng nói. Chúng tôi đã có phương pháp; nhưng có điều hơi khó là bác cần phải bình tĩnh và can đảm.

– Bác nói thử xem, chàng rùa vội vàng hỏi, khó thế nào tôi cũng cố gắng.

Chàng cò giải thích với một điệu bộ quan trọng:

– Phương pháp như thế này: Hai vợ chồng tôi tha một cái cây mỗi người một đầu. Còn bác thì ngậm ngay chặng giữa, chúng tôi sẽ tha bác đến cái hồ kia. Nhưng có một điều tối quan trọng và nguy hiểm bác nên nhớ. Trong lúc chúng tôi bay bác phải ngậm chặt vào cây và không được nói năng hỏi han gì cả mặc dù gặp phải trường hợp thế nào đi nữa. Chỉ trong vòng nữa giờ là chúng ta đến nơi. Bác nhớ nhé! Tôi dặn lại: Dầu gặp trường hợp nào bác cũng phải ngậm miệng không được nói năng.

Chàng rùa ra dáng hiểu biết:

– Thôi tôi nhớ rồi, hai bác xem tôi chẳng bằng con nít, dặn đi dặn lại mãi.

Sau khi sửa soạn xong, chàng cò lại thiết tha căn dặn lần cuối cùng:

Ðó, bác bây giờ bác muốn ho hen hay nói gì thì nói đi. Chớ chốc nữa mà mở miệng thì nguy hiểm lắm đấy!

Xong câu đấy, cả ba làm theo ý định bốn cánh vỗ mạnh, hai cặp chân cò duỗi thẳng, chàng rùa hỏng mặt đất rồi từ lên cao, chẳng khác nào chiếc máy bay hai động cơ…

Bay được một lát mặc dù lần đầu tiên thấy những cảnh kỳ lạ hiện ra trước mắt: đây cánh đồng xanh rì gợn sóng như tấm nhung xanh, kia con sông trắng phau nằm quằn quèo như con bạch xà lượn khúc, và cây cối, nhà cửa v.v… bao nhiêu là cảnh đẹp mắt… Ðã bao lần chàng rùa định mở miệng để hỏi cho thỏa tính tò mò, nhưng may thay! Mỗi lần định hỏi, chàng lại sực nhớ đến lời dặn quan trọng của anh chàng cò trắng.

Nếu sự đời yên ổn thì nói làm chi, rủi thay, trên đường hành trình của chàng rùa không qua khỏi cặp mắt tinh quái của lũ trẻ.

Một đứa la lớn:

– Anh em ơi! Ra đây coi nè! Hai con cò tha một con rùa! A ha! Vui quá!

Bọn trẻ đồng la ầm lên. Một thằng lớn nhất trong bọn hét lớn:

– A ha! Thật giống hai thằng mổng dắt một anh thầy bói. A ha! Thầy bói! Thầy bói!

Không dằn được tức giận, chàng rùa định bụng trả lời: “Mặc kệ chúng tao, mắc mớ gì chúng mày. Ðồ nhảy con!”. Nhưng tội nghiệp thay, vừa mới mở miệng, rùa ta đã rơi xuống và tan thân vì đụng nhằm một tảng đá…

Ðức Phật dạy: “Ở đời đã biết bao nhiêu người vì không giữ cái miệng, nói không đúng thời mà phải mang họa như trường hợp con rùa trên đây. Này các đệ tử! Họa từ miệng phát sanh, vậy các con hãy giữ gìn cái miệng”.

Người Mẹ

Nắng hồng bắt đầu tươi thắm trên muôn ngàn cây cỏ. Những tiếng chim ríu rít hòa lên khúc nhạc tưng bừng. Ðàng xa, một dáng điệu oai nghiêm bệ vệ trong chiếc y vàng, hào quang chói lọi, khoan thai lần bước với chiếc gậy trúc tẩm màu sương nắng.

Ðây chính Ðức Phật.

Như thường lệ mọi lần nắng lên Ngài đi khất thực. Ngài chỉ sống bằng những hạt cơm cúng dường của những tâm hồn mộ đạo; nhân đó để giáo hóa mọi người, quay về đường thiện.

Ðức Phật đến nhà ông Ðế Ðô, một nhà có tiếng giàu sang nhất, nhưng cũng không kém phần ích kỷ. Chủ đi vắng, con chó nằm trước cửa đôi mắt đỏ ngầu cau lại như phóng ra những tia lửa hung ác. Nanh nhe khỏi mồm như sẵn sàng một thứ khí giới trắng nhọn vô cùng ghê tởm. Nó gừ một hơi rồi nhảy chồm đến Ngài theo một tiếng “Gầu” dữ dội. Không chút sợ hãi hay hoảng hốt, Ngài thản nhiên ôn tồn nói: “Ngươi hãy im”. Chó ta chỉ đưa mình lui để lấy thế, rồi nhanh như chớp chồm lên cao, lanh tay nhưng rất dịu dàng Ngài đỡ lấy hai chân trước, âu yếm thốt ra những lời đầy thương hại: “Ngươi hãy bớt nóng, Ta hiểu… Ngươi chính là mẹ của chủ nhà này, kiếp trước ngươi rất hung ác tham lam. Lâu đài nguy nga đây, tất cả châu báu đây, chính ngươi đã xây dựng trên bao nhiêu mồ hôi nước mắt của mọi người. Ngươi đã không chút thương tâm thẳng tay đục khoét tận tủy tận xương từ những người giàu cho đến kẻ bần cùng. Mãi đến giờ phút, trước khi tắt thở ngươi vẫn còn tâm niệm độc ác và tiếc nuối những của cải, nên…ngươi bị đọa, đầu thai vào kiếp chó và trở lại đây bo bo giữ lấy tài sản ấy. Thế mà ngươi không lo tu tỉnh còn mãi tham lam tàn ác!”

Oai đức của Phật đã nhiếp phục được tâm hồn đen tối, chó im lặng, buồn bã gục đầu xuống đất. Ðức Phật nhẹ nhàng lui bước. Ðôi mắt chó tắt hẳn những tia lửa hung tàn, đọng lại trên đôi mi những ngấn lệ đau thương, chán nản nhìn theo Ngài cho đến khi khuất dạng sau màn cây.

Từ đó chó bỏ ăn uống và không còn muốn nhếch bước đi đâu. Cử chỉ ấy làm cho Ðế Ðô phải ngạc nhiên và lo sợ. Trước kia chó rất mạnh mẽ, giữ nhà cẩn thận; mỗi lần người lạ mặt vào không khỏi hết hồn với nó. Thế mà nay nó chỉ nằm trong xó không một hơi sủa.

Ðế Ðô tìm cách tra hỏi đứa ở của ông, nó kể lại chuyện Ðức Phật đến khất thực: “Không hiểu Ngài làm gì chó ta mà từ đấy nó buồn đau đớn”.

Ông đỏ bừng mặt lên, vô cùng căm tức, la hét vang nhà như một kẻ điên dại, rồi chạy tìm ngay Ðức Phật để nhiếc mắng và đòi thường.

Trước cử chỉ hung hăng tàn bạo của ông ta, Ðức Phật vẫn vui vẻ điềm đạm bảo:

– “Ta sẽ nói cho ngươi hay, nhưng ngươi phải dịu lòng đi đã. Nhờ công năng tu tập ta đã chứng được Túc mạng minh, thấy rõ kiếp trước của mọi người, nên ta biết chó kia chính là mẹ ngươi kiếp trước, vì quá tham lam tàn bạo nên nay phải hóa thân vào kiếp chó để trở lại giữ của cải cho nhà ngươi.” Ðế Ðô cướp lời:

– “Những lời nói của ông đều là huyễn hoặc vu khống tôi không thể tin được”.

– “Sự thật chính là thế. Vì thương mẹ con ngươi nên ta mới nói cho ngươi rõ. Ngươi không tin về đào lên phía dưới giường nơi chó thường nằm, sẽ thấy một lọ vàng.” Lòng tham lam của Ðế Ðô đã dằn được cơn giận, vội vàng hỏi:

– “Thật không ông? Sao ông biết?”

– “Lọ vàng ấy trước kia mẹ ngươi chôn, nhưng vì khi lâm chung không kịp trối lại, nay mẹ kia-chính chó ấy thường nằm trên đó để giữ cho ngươi. Ngươi làm theo lời ta sẽ hiểu ta nói đúng hay sai”.

Từ nét mặt sung sướng, ông ta trở thành đau đớn vì đã có một nguồn tin bé nhỏ len qua con người sân hận tham lam thấm vào trái tim hồng.

Quả nhiên, bới lên, một lọ lớn đầy cả vàng với vàng, nhưng vàng không còn gợi được lòng tham của Ðế Ðô. Nguồn tin đã hòa mạnh trong tim hồng làm tiêu tan tất cả những tham luyến hung tàn. Ông ôm lấy chó khóc nức nở vô cùng ăn năn. Ðoạn đến quỳ bên Ðức Phật đôi mắt đầm đìa dịch cảm, run lên những lời cầu khẩn thiết tha, xin sám hối tội lỗi và nhờ Phật chỉ phương cứu mẹ thoát khỏi những cảnh giới khổ đau. Ðức Phật liền bảo:

– “Nay ngươi đã biết ăn năn, thế là ngươi đã có thể trở lại con đường lành. Ngươi là một người con có hiếu. Nhưng nghiệp chướng của mẹ ngươi quá nặng. Ngươi hãy phát tâm quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới và đem hết lòng thành kính sám hối cho mẹ ngươi; đem tiền của bố thí cho mọi người, và cúng dường Tăng chúng. Nhờ công đức ấy, mới mong cứu khổ cho mẹ ngươi được. Khổ hay sướng là do mình tự gây lấy, ta chỉ là người giác ngộ, chỉ lại cho chúng sanh con đường giải thoát”. Ðế Ðô vâng lời Phật dạy, ngoài sự chí thành cầu nguyện, còn đem gia sản bố thí cúng dường…

Không lâu, một hôm, chó duỗi mình khoe khoắn tấm thảm rồi buông ra một hơi thở dài. Không còn là hơi thở đầy luyến tiếc tham lam muốn bám víu lấy sự sống mà lại là một hơi thở đầy sung sướng và thỏa mãn.

Chó đã chết.

Nhưng, chó ấy-mẹ của Ðế Ðô-sẽ về đâu. Kiếp sau như thế nào?

Tối hôm sau, trong giấc mộng, Ðế Ðô thấy trên nền trời xanh cuộn lên những vòm mây trắng, uốn dòn đến trước mặt người. Từ trong đó hiện ra một dáng người đàn bà hiền dịu, ân cần vỗ nhẹ lên vai Ðế Ðô và nói:

– “Từ lâu vì lầm lỗi, mẹ đã tham lam độc ác quá nhiều nên bị đọa vào những cảnh giới khổ sở, đau đớn vô cùng. Chó ta hôm trước chính là mẹ đây con. Con ơi, con nghĩ đến đời sống con chó, con sẽ hình dung được nỗi khổ của mẹ hồi ấy. Nay nhờ Ðức Phật cứu độ và lòng hiếu thảo của con, mẹ đã thoát khỏi kiếp đau thương, được vãng sanh vào thế giới đầy sung sướng an vui. Thật cái luật nhân quả không ai tránh khỏi. “Gieo nhân gì gặt quả ấy”. Tham lam tàn ác bị lầm than; tu nhân tích đức sẽ được an vui tự tại. Từ đây con hãy vâng lời Phật dạy, gắng công tu học. Thôi mẹ từ biệt con…”

Hòa thượng Minh Chiếu sưu tập
Trích: Truyện Cổ Phật Giáo – Nhà xuất bản Tôn giáo