CHIA SẺ

Như giọt sương trên cỏ, những vui thú trong tam giới

Chẳng mấy chốc sẽ tự bốc hơi.

Nỗ lực đạt được giải thoát tối thượng

Điều không bao giờ thay đổi, là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Khi bạn hiểu được sự hợp nhất giữa tánh không và sự khởi lên phụ thuộc [duyên khởi] của các hiện tượng, bạn sẽ thấy rõ ràng cách thức thế giới thực sự ảo mộng và dối lừa ra sao, và như một lão già bị bắt phải chơi trò trẻ con, bạn sẽ hoàn toàn chán ngán.

Khi bạn nhận ra sự ngu dốt của việc giành cuộc đời gắn bó với bạn bè và lên kế hoạch chinh phục các kẻ thù và đối thủ, bạn sẽ thấy chán ngắt. Khi bạn nhận thấy sự vô nghĩa của việc để bản thân mãi bị ảnh hưởng và chi phối bởi các tập khí, bạn sẽ phát ngán nó. Khi bạn biết rằng bận rộn với các ý nghĩ về tương lai và đánh mất sự chú ý và cảnh giác ở hiện tại là sự ảo mộng đích thực, bạn sẽ thấy chán điều đó.

Mọi mục tiêu và tham vọng huyễn hoặc này, thậm chí nếu bạn cố gắng để chạy theo chúng và đạt được vài kết quả, điều đó có dẫn đến một kết quả vĩnh cửu không? Bạn sẽ nhận ra rằng không có gì là bất biến trong số chúng. Bạn có thể trở thành người thừa kế của ngai vàng, nhưng hiển nhiên là không có vị vua nào có thể duy trì quyền lực mãi mãi – nếu không còn gì khác, cái chết sẽ tóm lấy nó. Bạn có thể là một vị tướng oai hùng, nhưng bạn sẽ không bao giờ chinh phục được mọi kẻ thù của đất nước bạn, cho dù bao nhiêu cuộc chiến được phát động. Bạn có thể có sức mạnh, tầm ảnh hưởng, nổi tiếng và tài sản lớn, nhưng tất cả là vô nghĩa và trống rỗng.

Các niềm vui thế tục là sự hài lòng khi bắt đầu, nhưng khi thời gian trôi qua, chúng trở thành nguồn gốc của sự dày vò không ngớt. Nếu bạn bọc cổ tay bằng mảnh da ướt, ban đầu có vẻ ổn, nhưng khi da khô và co lại, nó siết bạn rất đau đớn. Một cách để giúp đỡ chính là cắt bỏ mảnh da bằng con dao.

Nếu bạn hướng tâm về với Pháp, và thực hành một cách đúng đắn dù chỉ một giờ mỗi ngày, đời này qua đời khác bạn sẽ dần tịnh hóa mọi lỗi lầm và thoát khỏi luân hồi. Điều này rất ý nghĩa. Như Đức Đạo sư Liên Hoa Sinh từng dậy:

Dù con chăm chỉ ra sao

Sẽ không có kết thúc cho các hoạt động thế tục;

Nhưng nếu con thực hành Pháp

Con sẽ nhanh chóng kết thúc mọi thứ.

Dù chúng có vẻ đẹp thế nào,

Các vấn đề trong luân hồi luôn kết thúc trong thảm họa;

Nhưng kết quả của việc thực hành Pháp

Sẽ không bao giờ suy giảm.

Từ thời vô thủy con đã tích tập và khuyến khích

Nghiệp, các cảm xúc phiền não và tập khí

Những thứ cuốn con vào luân hồi.

Nếu con tiếp tục như thế, khi nào mới được giải thoát?

Nếu con chỉ thấy tất cả điều này vào lúc chết,

Như thế là quá muộn –

Khi cái đầu đã bị chặt xuống,

Thuốc còn tác dụng gì?

Nhận ra khổ đau của luân hồi,

Hãy hướng về sự an bình của Niết bàn.

Nếu bạn nhận ra sự ảo mộng của điều này, bạn sẽ thấy rằng không có gì giá trị trong đời sống thế tục này, không gì trong toàn thể luân hồi[1]. Thậm chí các vị trời cao nhất trong thế giới này, như Phạm Thiên và Đế Thích, thân của các ngài tỏa ra ánh sáng có thể soi tỏ cả bầu trời, các ngài sở hữu châu báu và sức trang hoàng vô giá, và tận hưởng sức mạnh và sự giàu sang vô song, cũng không có lựa chọn nào khác ngoài phải rơi trở lại các trạng thái thấp hơn trong luân hồi khi nghiệp mà đưa họ đến vị trí cao quý đó cạn kiệt.

Các bậc chứng đắc nhận thấy rằng các cõi cao hơn cũng không tốt hơn cõi địa ngục. Chúng sinh có căn cơ thấp nhìn thấy những khổ đau của các cõi thấp hơn và mong muốn tái sinh vào các cõi cao hơn. Chúng sinh có căn cơ trung bình thấy rằng mọi thứ trong luân hồi là không thỏa mãn và đều kết thúc trong khổ đau. Họ thấy rằng luân hồi giống như ngôi nhà lớn trong lửa, chẳng thể ở trong đó.

Nhận ra bản tánh của luân hồi, bạn sẽ thấy chán nó, và sự chán nản này cuốn hút bạn nỗ lực hướng về giải thoát – và bằng cách nỗ lực như thế, bạn sẽ đạt được nó. Luân hồi không bao giờ tự biến mất. Bạn phải tự muốn thoát khỏi nó.

Nếu bạn công nhận khổ đau của luân hồi, bạn sẽ nhận ra rằng nguồn gốc của khổ đau nằm ở cảm xúc che chướng và các hành động tiêu cực mà chúng sinh ra, và nguồn gốc của các cảm xúc che chướng nằm ở sự bám chấp của bạn vào ý tưởng về cái tôi [ngã]. Nếu bạn có thể xua tan sự bám chấp đó, khổ đau sẽ kết thúc. Giải thoát nghĩa là giải phóng bản thân khỏi các cảm xúc và hành động xấu. Cách thức để giải phóng khỏi chúng là thực hành Pháp – tu tập trong trì giới, thiền định và prajna, trí tuệ cho phép bạn nhận ra sự không tồn tại của cái tôi cá nhân và các hiện tượng. Trì giới là nền tảng của thiền định; thiền định là nền tảng của trí tuệ. Nếu bạn thực hành Pháp một cách thích hợp, dù chỉ một giờ mỗi ngày, vô số các ác hạnh trong nhiều đời và kiếp sẽ được tịnh hóa.

Khi bạn thực hành Pháp một cách vững chắc, thậm chí theo một cách thức rất khiêm nhường, bạn sẽ dần tiến bộ trên con đường giải thoát. Cuối cùng, bạn sẽ đạt đến hỷ lạc chân chính không bao giờ suy giảm.

Như ngài Gyalse Thogme từng nói:

Bạn sẽ không thể thành tựu

Cả Pháp và mục tiêu thế tục –

Nếu đó là ước muốn của bạn

Không nghi ngờ gì bạn đang tự lừa dối mình.

Và ngài cũng nói:

Không có chướng ngại nào cho thực hành Pháp lớn hơn

Việc bị ám ảnh bởi các mục tiêu cuộc đời.

Nhận ra điều này, các hành giả vĩ đại trong quá khứ như ngài Milarepa đã rời bỏ gia đình, đến những miền cô tịch và thiền định trong các hang động với rất ít quần áo để mặc và đồ ăn để duy trì sự sống. Tuy nhiên Đức Milarepa và những vị khác đã đạt được sự chứng ngộ hoàn toàn của Pháp thân rộng lớn như hư không, bản tánh tuyệt đối, giác ngộ tối thượng. Sự chứng ngộ đó là tài sản duy nhất của các ngài. Đó là lý do tại sao ngài Jetsun Milarepa, người đã giành rất nhiều thời gian ngồi trên một tảng đá không mặc gì ngoài một mảnh cotton đơn giản, được kính trọng trên khắp thế giới như một tấm gương tiêu biểu về một hành giả tâm linh chân chính, thậm chí bởi nhiều người không theo tôn giáo. Khi ngài Jetsun Milarepa rời bỏ mảnh đất quê hương, Thầy ngài, Đức Marpa nói rằng: “Này con, nếu con không từ bỏ các mối bận tâm với cuộc đời, và cố gắng hòa Pháp với các vấn đề thế tục, Pháp của con sẽ biến mất. Đó là tất cả. Con à, hãy nghĩ về khổ đau của luân hồi.”

Đức Milarepa cũng ban lời khuyên này dưới dạng bài hát về những đặc tính của ma quỷ:

Sự thuyết minh của họ hàng về lòng yêu mến

Là lời khẩn cầu của ma quỷ hãy trì hoãn các thực hành của bạn:

Đừng tin chúng – cắt đứt mọi dây trói!

Thức ăn và giàu có là gián điệp của ma quỷ;

Nếu con trở nên nghiện chúng, mọi thứ sẽ đi sai hướng –

Hãy từ bỏ mọi thiên hướng như vậy!

Các hài lòng giác quan là thòng lọng của ma quỷ;

Chúng chắc chắn sẽ quyến rũ con –

Hãy cảnh giác với chúng!

Quê hương con là nhà tù của ma quỷ;

Thật khó để trốn thoát khỏi –

Hãy chạy thật xa, ngay bây giờ!

Cuối cùng, con sẽ phải đi, để lại tất cả –

Bởi thế hãy từ bỏ nó ngay bây giờ! Làm như vậy vô cùng ý nghĩa!

Này con, nếu con nghe những lời ta nói, và đưa chúng vào thực hành,

Con sẽ tận hưởng sự giàu có của Pháp cao quý.

Từ bỏ mọi mối quan tâm với các điều thế tục là giáo lý sâu sắc. Nếu bạn bảo ai đó, người mà tâm họ chưa được chuẩn bị rằng về bản chất mọi thứ là trống rỗng, anh ta sẽ không thể chấp nhận nó. Anh ta sẽ nghĩ rằng: “Lão già điên khùng!” Những người bình thường thấy rằng giáo lý về tánh không rất khó hiểu. Giống như vậy, nếu bạn nói với mọi người rằng, dù tâm linh hay không, hãy từ bỏ các vấn đề thế tục, họ sẽ nghĩ: “Lão già điên thật!”. Ý nghĩ thực sự của điều bạn đang nói không hòa vào tâm của họ. Tuy nhiên nếu bạn quá gắn chặt với sự hài lòng, những thứ đạt được, nổi tiếng, thì dù bạn có nghiên cứu, thiền định, cố gắng hài hòa các giáo lý cao, hay thậm chí trở thành một vị Thầy, điều đó cũng chẳng giúp gì.

Những người thưởng thức niềm vui duy nhất của thực hành Pháp thông qua việc từ bỏ các bận tâm thế tục là vô cùng hiếm. Nếu bạn bắt đầu giảng về việc quay lưng lại với họ hàng, tài sản, nhà cửa, ruộng đất và những niềm vui khác của cuộc đời, mọi người sẽ trông như khỉ bị đánh vào đầu bằng gậy. Mặt họ sẽ tối sầm, họ cảm thấy không thoải mái và dễ chịu, và không muốn nghe gì nữa.

Đức Tsangpa Gyare[2] nói rằng để từ bỏ thế gian, chúng ta cần giữ mười một nguyện:

Không tuân theo các thái độ của người bình thường, mà chỉ ở một mình.

Từ bỏ quê hương.

Cảm thấy bạn có đủ những lạc thú.

Duy trì điều kiện khiêm nhường nhất có thể, như thế thoát khỏi việc phải lo lắng người khác nghĩ gì.

Giữ một tên gián điệp trong tâm – thiền định về từ bỏ tâm gắn bó với người yêu thương của bạn.

Không được không chú ý đến lời mọi người nói; dù họ nói gì, hãy buông bỏ và để họ nói điều họ muốn.

Không cảm thấy khổ đau, thậm chí nếu gió có cuốn tất cả những gì bạn yêu quý đi.

Không có gì để hối tiếc trong đời này, như thể bạn là người ăn xin đang hấp hối.

Tiếp tục trì tụng thần chú: “Tôi không cần gì cả!”

Giữ chặt giây cương số mệnh trong tay.

Khi mọi người kết nối với những từ bỏ thế giới này, mặc y áo [tỳ kheo] và giành cuộc đời để nghiên cứu và quán chiếu, họ nên kính trọng những người này là những thành viên chân chính của Tăng đoàn, và giúp đỡ càng nhiều càng tốt.

Sự kính trọng tự nhiên này là sự hiện bày rõ ràng của lòng tốt tự nhiên trong Pháp.

[1] Có sáu nỗi khổ cơ bản trong luân hồi: (1) bạn bè và kẻ thù có thể thay đổi, (2) chúng ta dường như không bao giờ có đủ, (3) chúng ta chết nhiều lần; (4) chúng ta tái sinh nhiều lần; (5) chúng ta trôi lăn trong luân hồi nhiều lần; và (6) chúng ta luôn cô độc.

[2] Drogon Tsangpa Gyare, 1161 – 1211, là hình mẫu của bậc từ bỏ giác ngộ. Theo lời tiên tri về ngài của Đức Gylwa Lorepa (1187 – 1250) trong một linh kiến, ngài mở cánh cửa đến vùng đất bí mật Tsari, và có một linh kiến về Chakrasamvara, người tiên đoán rằng các giáo lý và dòng truyền thừa của ngài sẽ trải rộng khoảng cách mà một con đại bàng bay trong mười tám ngày. Ngài và người kế nhiệm thiền định tâm linh Gyalwa Gotsangpa (1189 – 1258) và đệ tử của ngài, Gyalwa Yangonpa là các bậc đạo sư chứng ngộ rất cao của truyền thống Drukpa Kagyu.

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguyên tác: Trái tim từ bi