CHIA SẺ

47314596_1990517954351190_751943890428231680_n

Các vị trời thế gian có thể bảo vệ ai, trong khi chính họ đang bị giam cầm trong luân hồi? Quy y nơi Tam Bảo Bậc không bao giờ từ bỏ người họ bảo vệ là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Sáu phần trước đã giải thích các phần dự bị cho việc phát triển tâm bồ đề. Bạn cần biết tầm quan trọng và sự hiếm có của đời người mà bạn sở hữu, và bạn cần nhận ra sự cấp bách của cái chết. Bạn cảm thấy một sự vỡ mộng lớn lao với thế giới này và quyết định thoát khỏi những hoàn cảnh xao lãng và ảnh hưởng sai lạc, và cố gắng điều phục tâm theo các chỉ dẫn của một vị thầy chân chính. Bây giờ, bạn đã sẵn sàng để bước qua cánh cửa Pháp và quy y nơi Tam Bảo.

Người ta thường tìm kiếm nơi nương tựa, ai đó hay điều gì đó bảo vệ họ khỏi khổ đau và dầy vò. Một vài người quay về với các bậc oai hùng với hy vọng đạt được sự giàu có, hài lòng và tầm ảnh hưởng. Một số tìm kiếm sự bảo vệ nhờ các sức mạnh tự nhiên, như là các ngôi sao hay ngọn núi. Số khác tìm kiếm sự hỗ trợ qua sức mạnh của các tinh linh. Nhưng không thứ gì trong số những nơi nương tựa sai lầm này thoát khỏi sự ngu dốt và luân hồi, và vì thế chúng không thể cung cấp sự nương tựa tuyệt đối. Lòng từ bi của chúng, nếu có, là phân biệt và có hạn.

Nơi nương tựa đích thực chỉ có thể được cung cấp bởi điều gì đó hoàn toàn tự do – thoát khỏi những bó buộc của luân hồi và thoát khỏi sự an bình giới hạn của niết bàn một mặt. Phẩm tánh của nơi nương tựa chân chính này chỉ được tìm thấy ở Tam Bảo – Phật, Pháp và Tăng, với trí huệ tối thượng, lòng từ bi không phân biệt và khả năng không thể cản ngăn.

Đầu tiên trong Tam Bảo là Phật Bảo. Các phẩm tánh miêu tả của Đức Phật có thể thấy được ở ba khía canh, hay cấp độ, gọi là các kaya (thân) trong tiếng Phạn – Pháp thân, thân tuyệt đối; Báo thân, thân của khả năng hoàn hảo; và Hóa thân, thân thị hiện. Ba thân này là tất cả các khía cạnh của một bản chất.

Pháp thân là sự trải rộng trống rỗng, thậm thâm, tuyệt đối của trí tuệ. Tâm trí tuệ giác ngộ của Đức Phật thấm nhuần với giác tánh, từ bi và khả năng. Vượt khỏi các chi tiết quan niệm, sự hiển bày của nó là năm trí tuệ nguyên sơ. Báo thân là sự hiển bày tự nhiên của năm trí tuệ nguyên sơ này, khởi lên từ năm sự thật – vị thầy hoàn hảo, giáo lý hoàn hảo, thời gian hoàn hảo, địa điểm hoàn hảo và đoàn tùy tùng hoàn hảo. Báo thân duy trì sự bất biến và không ngừng trong suốt quá khứ, hiện tại và vị lai, vượt khỏi cả sự phát triển và suy giảm. Chư Phật thị hiện là Hóa thân theo sự cần thiết và căn cơ khác nhau của chúng sinh, và vì thế Hóa thân xuất hiện trong vô số hình tướng khác nhau.

Với một vị Bồ Tát ở một trong mười địa, chư Phật thị hiện ở khía cạnh Báo thân. Với chúng sinh bình phàm với công đức và may mắn lớn lao, chư Phật thị hiện là các hóa thân tối thượng, như là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Với chúng sinh có công đức ít hơn, ngài thị hiện dưới hình tướng con người là các người bạn tâm linh. Với những người không có niềm tin vào Tam Bảo, các ngài xuất hiện trong vô số hình tướng hữu ích, như là các loài vật, bánh xe, cây cầu, thuyền, các cơn gió dịu nhe, các dược thảo và tương tự. Các ngài thị hiện liên tục để làm lợi lạc cho chúng sinh thông qua vô số hoạt động.

Ba khía cạnh này của bản tánh chư Phật không phải ba thực thể tách rời. Nó không phải như thể chúng là ba con người khác nhau. Trong ba khía cạnh này, chỉ Pháp thân Phật là nơi quy y tối thượng. Nhưng để nhận ra được nơi quy y Pháp thân, chúng ta cần nương tựa vào các giáo lý được ban ra bởi Hóa thân Phật.

Trong thời đại của chúng ta, Hóa thân Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni. Ngài là vị thứ tư trong 1002 Phật xuất hiện trong kiếp này. Vào đêm giác ngộ tất cả các vị Phật này đều đã phát rất nhiều khẩn nguyện rộng lớn để lợi lạc chúng sinh. Phật Thích Ca Mâu Ni đã có 500 đại nguyện rằng ngài sẽ có thể giúp chúng sinh trong thời đại khó khăn và suy đồi này, và tất cả các vị Phật khác tán thán ngài là bậc Bạch Liên Hoa [Hoa sen trắng] – bông sen lớn lên và phát triển trong bùn, nhưng vẫn không bị vấy bẩn bởi bùn.

Chưa bao giờ thực sự rời khỏi Pháp thân, Đức Thích Ca Mâu Ni xuất hiện là thái tử xứ Ấn Độ. Ngài thực hiện mười hai công hạnh của một vị Phật, và đạt giác ngộ dưới tán bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng. Ở cấp độ Báo thân, ngài thị hiện là Mahavairochana đến đoàn tùy tùng vô tận của chư Bồ Tát.

Chư Phật luôn biết đến niềm tin và lòng sùng mộ của bạn, và biết khi bạn quy y. Đừng nghĩ rằng chư Phật ở đâu đó rất xa trong cõi giới tuyệt đối, nơi các lời cầu nguyện và khẩn nguyện không thể được nghe thấy và chú ý đến. Chư Phật luôn hiện hữu như là hư không.

Bảo thứ hai là Pháp Bảo, giáo lý mà Đức Phật ban ra về cách thức giác ngộ ngài đã đạt được có thể chứng ngộ thông qua thực hành. Trên thế giới này, Đức Thích Ca giảng ba loại giáo lý gọi là Tam Tạng [Luật tạng, Kinh tạng, Luận tạng], vinya hay các giới luật; sutra hay các chỉ dẫn cô đọng và abhidharma hay vũ trụ và siêu hình học. Ngài ban các giáo lý này từ các quan điểm khác nhau ở những nơi chốn và thời điểm khác nhau, gọi là Ba lần chuyển Pháp luân. Trong lần chuyển Pháp luân thứ nhất, ngài giảng sự thật tương đối; trong lần thứ hai, ngài giảng về sự kết hợp của sự thật tương đối và tuyệt đối; và trong lần thứ ba, ngài dạy sự thật tối thượng, không thể phủ nhận.

Bảo thứ ba, Tăng Bảo, là cộng đồng những người đi theo Đức Phật. Bao gồm tám đại Bồ Tát, mười sáu vị A La Hán, bảy trưởng lão kế thừa Đức Phật, và tất cả những người giảng dạy giáo lý Phật Đà cùng với những người thực hành chúng.

Đức Phật là bậc chỉ ra cho bạn con đường giác ngộ. Không có ngài bạn không có lựa chọn nào khác ngoài duy trì trong bóng tối vô minh. Bởi thế bạn nên coi Đức Phật là thầy. Pháp là con đường, cách thức không sai lầm dẫn trực tiếp đến giác ngộ. Tăng bao gồm những người bạn đồng hành với bạn trên con đường phi thường đó. Sẽ rất tốt nếu có những người đồng hành có thể giúp bạn tránh những hiểm nguy và cạm bẫy và chắc chắn bạn sẽ đến an toàn khi bạn ở những miền đất xa xôi và lạ lẫm.

Theo Mật thừa, Tam Bảo cũng có các khía cạnh bên trong. Đó là Tam Căn bản, tức là vị thầy [hay Guru], bổn tôn thiền định [hay Yidam] và nguyên tắc trí tuệ nữ giới [hay Dakini]. Các gốc này là nền tảng của mọi sự phát triển: nếu gốc khỏe mạnh và có những phẩm tánh tốt, cây sẽ lớn và đơm quả dễ dàng. Vị thầy là nguồn gốc của mọi sự gia trì. Bổn tôn thiền định là nguồn gốc của mọi thành tựu, và Không hành mẫu cùng với chư vị Hộ Pháp là nguồn gốc của mọi hoạt động. Mặc dù các thuật ngữ là khác nhau, Tam Căn bản tương ứng với Tam Bảo. Vị Thầy là Phật, Bổn tôn thiền định là Pháp và Chư Dakini và Hộ Pháp là Tăng.

Vị thầy có thể được coi là hiện thân chân chính của cả Tam Bảo. Tâm ngài là Phật, khẩu ngài là Pháp và thân ngài là Tăng. Vì thế ngài là suối nguồn của mọi sự gia trì xua tan những chướng ngại và giúp chúng ta tiến bộ trên đường tu.

Ở cấp độ tuyệt đối, Pháp thân là Phật, Báo thân là Pháp và Hóa thân là Tăng. Tất cả là một trong vị thầy, Đức Phật thật sự.

Động cơ để quy y có thể có ba cấp độ khác nhau, tuy theo căn cơ chúng sinh. Các cấp động cơ này định ra ba thừa. Những người có thái độ hạn chế, như là trong Tiểu thừa, thừa cơ bản, tìm kiếm sự quy y vì sợ khổ đau tràn ngập trong ba cõi. Những người có thái độ rộng lớn hơn, các vị Bồ Tát của Đại thừa, tìm kiếm sự quy y vì sợ thái độ ích kỷ, với động cơ rộng lớn là giúp đỡ tất cả các chúng sinh cũng như bản thân được giải thoát khỏi luân hồi. Các hành giả Kim Cương thừa quy y bởi vì sợ hãi vô minh, để giải phóng mọi chúng sinh khỏi vô minh của luân hồi và chuỗi những cảm xúc phiền não; họ quy y để nhận Phật tánh cố hữu.

Tương tự như vậy, có rất nhiều điểm khác biệt trong thời hạn quy y. Hành giả Tiểu thừa quy y trong thời hiện tại. Với Đại thừa, điều này được xem là không thích hợp, và chư vị Bồ Tát quy y cho đến khi ngài và tất thảy chúng sinh đạt được giác ngộ của Phật quả hoàn hảo.

Một vị vua có mối bận tâm chính là hạnh phúc cho thần dân của ngài sẽ được coi là vị vua cao quý, trong khi vị vua chăm sóc hạnh phúc và sự thoải mái của bản thân hơn thần dân sẽ được cho là ích kỷ. Giống như vậy, bạn không nên quy y với mối bận tâm hẹp hòi là đạt đến giác ngộ cho bản thân. Với rất nhiều đời trong quá khứ, bạn đã kết nối với tất thảy chúng sinh, và lúc này hay lúc khác, tất cả họ đều đã là cha mẹ yêu quý của bạn. Bạn cần quy y vì lợi ích của họ. Khi bạn quy y, hãy coi tất cả chúng sinh này đều quy y cùng với bạn, thậm chí những người còn chưa biết đến Tam Bảo.

Quy y là cánh cổng mở ra mọi giáo lý Phật Đà, và tức là sự thực hành của mọi thừa. Như khi bạn phải bước qua cánh cửa để vào nhà, mỗi thực hành trong Kinh thừa, Mật thừa hay thừa tuyệt đối của Đại toàn thiện, đều có quy y là phần mở đầu. Nếu bạn quán tưởng chư Bổn tôn và tụng đọc thần chú mà không có niềm tin vào Tam Bảo, bạn sẽ không đạt được chút thành tựu nào. Trong giáo lý Đại toàn thiện, nhận ra bản tánh chân thật của mọi hiện tượng là quy y tuyệt đối, nhờ đó bạn chứng ngộ ba thân.

Niềm tin là điều kiện tiên quyết để quy y và là bản chất của nó. Quy y không có nghĩa là tụng đọc lời nguyện quy y. Nó cần đến từ sâu thẳm trái tim, từ trong tận xương tủy. Nếu bạn có niềm tin trọn vẹn vào Tam Bảo, sự gia trì sẽ luôn bên bạn, như mặt trời và mặt trăng không ngừng phản chiếu trên nước trong và lặng. Không bị thiêu bởi kính phóng đại, cỏ khô không thể bắt lửa từ tia sáng mặt trời, cho dù chúng có chiếu sáng toàn bộ mặt đất. Giống như vậy, chỉ khi được tập trung lại nhờ kính phóng đại của niềm tin và lòng sùng mộ, mọi tia sáng ấm áp tràn khắp tỏa ra từ lòng từ bi của chư Phật mới làm sự gia trì rực sáng trong bạn, như cỏ khô bốc cháy.

Khi niềm tin phát triển, bốn cấp độ niềm tin kế tiếp có thể được phân biệt. Khi bạn gặp một vị thầy, nghe các kinh điển, biết được các phẩm tánh phi thường của chư Phật và Bồ Tát, hay đọc về cuộc đời các đại Đạo sư trong quá khứ, một niềm hoan hỉ sống động khởi lên trong tâm khi bạn phát hiện ra những người như vậy. Đó là kiểu niềm tin thứ nhất, niềm tin sống động.

Khi nghĩ về các vị Đạo sư vĩ đại, ngập tràn trong bạn là sự khao khát mãnh liệt được biết thêm về ngài, thọ nhận giáo lý từ ngài và phát triển các phẩm tánh tâm linh, đó là kiểu thứ hai, niềm tin tha thiết.

Khi bạn quán chiếu về giáo lý, thực hành và thấu triệt chúng, bạn phát triển niềm tin trọn vẹn vào sự thật của chúng, và vào sự hoàn hảo vô lượng của Đức Phật. Bạn nhận ra rằng thậm chí Đức Phật thị hiện Niết Bàn, ngài không chết như một người bình thường, mà vẫn luôn hiện hữu trong Pháp tánh tuyệt đối. Bạn hiểu rõ rằng về luật nhân quả, và sự cần thiết phải hành xử phù hợp với nó. Vào giai đoạn này, bạn thoát khỏi mọi hoài nghi. Đó là kiểu thứ ba, niềm tin kiên định.

Khi sự tin tưởng của bạn được thiết lập đến mức không dao dộng, dù phải trả giá bằng tính mạng, đó là kiểu thứ tư, niềm tin không thể lay chuyển.

Để quy y theo cách đúng đắn, bạn cần có bốn kiểu niềm tin này, đặc biệt là niềm tin không thể lay chuyển. Niềm tin và lòng sùng mộ biến bạn trở thành bình chứa hoàn hảo cho cam lồ gia trì đến từ vị thầy, để những phẩm tánh tốt lành của bạn phát triển tốt vững chắc như là mặt trăng tròn. Lòng sùng mộ quý giá như bạn có một bàn tay khéo léo có thể làm mọi thứ đồ thủ công. Nó giống như một kho tàng lớn mà hoàn thành mọi nguyện ước, một thứ thuốc bách bệnh trị khỏi tất thảy. Hãy giao phó trái tim và tâm cho Tam Bảo như ném hòn đá xuống nước sâu.

Không có niềm tin, quy y sẽ vô nghĩa. Nó giống như trồng hạt giống đã cháy, thứ mà không bao giờ nảy mầm dù trong điều kiện hoàn hảo bao lâu. Không có niềm tin, bạn sẽ không thể phát triển bất kỳ phẩm tánh tốt nào. Thậm chí nếu Đức Phật có xuất hiện ngay trước bạn, không có niềm tin bạn sẽ không thể nhận ra các phẩm tánh của ngài, và thậm chí bạn có thể tạo ra tà kiến về ngài – như là một vị thầy ngoại đạo đã làm trong thời đại của ngài. Như thế bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội được ngài làm lợi lạc.

Sau khi quy y, bạn cần quán sát các giới nguyện cẩn thận. Có ba điều cần phải tránh và ba điều phải làm.

Ba điều phải tránh là (1) đã quy y Phật, bạn không được quy y các vị trời thế gian và những người có sức mạnh trên thế giới này; (2) đã quy y Pháp, bạn nên từ bỏ mọi kiểu bạo lực, dù trong suy nghĩ, lời nói hay hành động; và (3) đã quy y tăng bạn không nên sống giống như những người có cách sống sai lầm, hay không tin vào luật nhân quả.

Ba điều nên làm là, (1) đã quy y Phật, bạn nên kính trọng tất cả các đại diện của Đức Phật, bao gồm các bức tranh và tượng, thậm chí những thứ đang hư hỏng và giữ chúng ở nơi cao quý; (2) đã quy y Pháp, bạn nên kính trọng tất thảy kinh văn; điều này áp dụng cho cả một chữ cái trong bảng chữ cái bởi những chữ cái này là sự hỗ trợ của Pháp. Không bao giờ bước qua kinh sách; chính Đức Phật từng nói rằng trong thời đại suy đồi này ngài sẽ thị hiện dưới dạng kinh văn. Và (3) đã quy y Tăng, bạn nên kính trọng các thành viên Tăng đoàn và cộng động các hành giả Pháp.

Đạt được Pháp, các vị Bồ Tát đã trải qua rất nhiều khó khăn. Trong nhiều đời trước khi còn lại một vị Bồ Tát, Đức Phật đã sinh ra làm vua của những nước xa xôi nơi chẳng có vị thầy nào. Để kiểm tra sự quyết tâm của vị vua Bồ Tát, chư Phật đã thị hiện là ẩn sĩ lang thang. Để thọ nhận giáo bốn dòng giáo lý, như là:

Tránh việc ác

Làm nhiều việc thiện

Làm chủ tâm mình

Đó là giáo lý của Phật

Vị vua sẵn sàng từ bỏ hoàng hậu, những người kế vị và toàn thể vương quốc, và đưa bốn dòng này vào thực hành, đạt đến chứng ngộ.

Sự hiến dâng như vậy thì luôn rất khó để thực hiện, nhưng một cách chắc chắn bạn có thể nhớ đến Tam Bảo trong mọi hoạt động suốt cả ngày, dù vui hay buồn. Nếu bạn thấy một phong cảnh, một bông hoa đẹp hay bất cứ điều gì tuyệt vời và cuốn hút, hãy cúng dường nó lên Tam Bảo. Khi các thuận duyên khởi lên, hãy xem chúng là sự gia trì và lòng tốt của Tam Bảo. Hãy coi mọi bệnh tật và chướng ngại, không chút phàn nàn là sự gia trì giả dạng giúp bạn tịnh hóa các ác nghiệp. Khi đối mặt với khó khăn lớn hay những hoàn cảnh sợ hãi, hãy khẩn cầu Tam Bảo trợ giúp. Vào lúc đó, lực gia trì của Tam Bảo sẽ bảo vệ bạn. Khi bạn thực hành quy y theo cách này, quy y sẽ trở thành một phần tự nhiên trong tâm thức bạn.

Hãy quy y từ sâu thẳm trái tim, vì lợi ích của mọi chúng sinh, cho đến ngày tất thảy đạt đến giác ngộ. Đó là con đường đúng đắn mà một vị Bồ Tát phải đi.

Tác giả: Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguyên tác: Trái Tim Từ Bi