CHIA SẺ

Dalai Lama

Ở cấp độ cơ bản, là con người, chúng ta đều giống nhau. Mỗi người trong chúng ta đều khao khát hạnh phúc và không ai muốn khổ đau. Đó là lý do tại sao mỗi khi có cơ hội, tôi luôn cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người đến điều mà – những ai là thành viên của gia đình nhân loại – chúng ta đều có điểm chung và bản chất kết nối sâu sắc về sự tồn tại và phúc lợi của chúng ta.

Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về Hòa bình và An lạc nội tâm với đám đông 60,000 người ở công viên Trung Tâm, New York, Hoa Kỳ ngày 21 tháng 9 năm 2003 (ảnh: Manuel Bauer)

Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về Hòa bình và An lạc nội tâm với đám đông 60,000 người ở công viên Trung Tâm, New York, Hoa Kỳ ngày 21 tháng 9 năm 2003 (ảnh: Manuel Bauer)

Ngày nay, ngày càng có nhiều công nhận, cũng như ngày càng nhiều bằng chứng khoa học khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa trạng thái của tâm thức và hạnh phúc của chúng ta. Mặt khác, nhiều người trong chúng ta sống trong xã hội phát triển về vật chất nhưng có rất nhiều người không hạnh phúc. Ngay bên dưới bề mặt của sự sung túc có một loại rối loạn tâm thần, dẫn đến sự thất vọng, những cuộc tranh cãi không cần thiết, bị lệ thuộc vào ma túy hay rượu chè, và trong trường hợp xấu nhất là tự sát. Không có gì bảo đảm rằng chỉ riêng sự sung túc có thể đem lại niềm vui hay sự thành đạt mà bạn tìm kiếm.  Các bạn của quý vị cũng nói vậy thôi.  Khi quý vị đang trong trạng thái tức giận hay thù hận, thì ngay cả một người bạn vô cùng thân thiết cũng có thể xuất hiện như băng giá, lạnh lùng, xa cách và quấy rầy.

Tuy nhiên, là con người, chúng ta được ban tặng cho một trí thông minh tuyệt vời. Ngoài ra, con người còn có khả năng rất quyết tâm và có khả năng chỉ đạo ý thức  mạnh mẽ đó theo chiều hướng mà họ muốn. Bao lâu mà chúng ta còn nhớ rằng chúng ta có món quà kỳ diệu này về sự thông minh của con người cùng với khả năng phát triển sự quyết tâm và sử dụng nó theo chiều hướng tích cực, thì chúng ta sẽ bảo vệ được sức khỏe tinh thần của mình. Sự nhận ra được rằng chúng ta có tiềm năng to lớn này sẽ tạo cho chúng ta một sức mạnh nền tảng. Sự nhận ra này đóng vai trò như một cơ chế giúp chúng ta đối phó với bất kỳ khó khăn nào, bất cứ tình huống nào mà không mất đi niềm hy vọng hoặc bị chìm vào cảm giác thiếu tự tin.

Tôi viết lên điều này như một người đã bị mất tự do ở tuổi 16, rồi mất cả Tổ quốc của mình khi lên 24 tuổi. Do đó, tôi đã sống lưu vong trong hơn 50 năm, trong thời gian đó, người Tây Tạng chúng tôi đã cống hiến để gìn giữ bản chất Tây Tạng sống mãi và bảo tồn văn hóa và giá trị của chúng tôi. Hầu hết những tháng ngày này, những tin tức từ Tây Tạng thật đau lòng, nhưng những người sống trong những thách thức này không ai bỏ cuộc cả! Một trong những phương pháp mà bản thân tôi cảm thấy rất hữu ích là vun trồng ý tưởng rằng: nếu tình huống như vậy có thể giải quyết được thì không cần phải âu lo. Hay nói cách khác, nếu có một giải pháp để thoát khỏi khó khăn đó, thì bạn không cần phải cảm thấy bị áp lực. Hành động thích hợp là tìm kiếm cho ra giải pháp. Tiêu tốn năng lượng để tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp thì rõ ràng có ý nghĩa hơn là lo lắng cho vấn đề. Ngoài ra, nếu không có giải pháp, không có khả năng giải quyết, thế thì cũng không có điểm nào để phải lo âu vì – dẩu sao – bạn cũng không thể làm được bất cứ điều gì. Trong trường hợp đó, bạn càng sớm chấp nhận thực tế chừng nào, thì nó càng dễ hơn cho bạn chừng nấy. Cách làm này tất nhiên, đối diện trực tiếp với vấn đề và chọn lấy cái nhìn thực tế. Nếu không, bạn sẽ không thể biết được liệu có giải pháp cho vấn đề hay không.

Chọn lấy một cái nhìn thực tế và nuôi dưỡng một động lực thích hợp có thể là lá chắn ngăn bạn khỏi cảm giác sợ hãi và lo âu. Nếu bạn phát triển một động cơ thực sự và chân thành, nếu bạn được thội thúc bởi một ước muốn giúp đỡ trên cơ bản lòng tốt, sự bi mẫn và lòng kính trọng, rồi bạn tiếp tục trong bất cứ công việc nào, lĩnh vực nào và thực thi hiệu quả hơn, với ít lo âu sợ hãi hơn, không lo ngại người khác nghĩ gì hay dù bạn cuối cùng sẽ đat tới mục tiêu thành công hay không. Ngay cả khi bạn không đạt được mục tiêu, bạn cũng cảm thấy tốt vì mình đã nỗ lực. Nhưng với một động cơ không tốt, mọi người có thể khen ngợi bạn, hoặc bạn có thể đạt được mục tiêu, nhưng bạn vẫn không thể cảm thấy hạnh phúc.

Một lần nữa, đôi khi chúng ta cảm thấy cuộc sống mình không đạt yêu cầu, chúng ta cảm thấy bị choáng ngợp bởi những khó khăn phải đối mặt. Điều này xảy ra cho tất cả chúng ta ở từng mức độ khác nhau theo từng thời điểm khác nhau. Khi nó xảy đến, chúng ta sẽ nỗ lực hết sức để tìm cách nâng cao tinh thần cho mình. Chúng ta có thể làm được bằng cách nhớ lại những lúc ta được may mắn. Ví dụ như – chúng ta có thể được yêu thương bởi ai đó, chúng ta có thể có một số tài năng nào đó, chúng ta có thể được học hành đến nơi đến chốn, chúng ta có thể có đủ đầy các nhu cầu cơ bản – thực phẩm để ăn, quần áo để mặc, nơi nào đó để sống – chúng ta có thể đã từng rất vị tha trong quá khứ. Chúng ta cần xem xét tới cả những khía cạnh tích cực nhỏ nhất trong đời mình. Bởi vì nếu chúng ta thất bại trong việc tìm ra cách để tự làm cho mình trở nên vững chãi lên, thì điều đó thật là nguy hiểm bởi lẽ ta sẽ bị chìm đắm trong cảm giác bất lực. Điều này có thể dẫn chúng ta đến chỗ tin rằng mình không có khả năng để làm bất cứ việc tốt nào. Như thế, chúng ta lại tạo điều kiện cho những nỗi tuyệt vọng.

Là một tu sĩ Phật giáo, tôi học được rằng, nguyên nhân chính làm xáo trộn sự an lạc nội tâm chính là cái mà chúng ta gọi là cảm xúc gây rối – phiền não. Tất cả những ý nghĩ, cảm xúc đó và những sự kiện tinh thần phản ảnh những trạng thái tâm tiêu cực, thiếu từ bi chắc chắn sẽ phá hỏng sự trải nghiệm an lạc nội tâm của chúng ta. Tất cả những ý nghĩ và cảm xúc tiêu cực của chúng ta – như sân giận, hận thù, kiêu hãnh, ham muốn, tham lam, ganh tị, v…v…được xem là cội nguồn của khó khăn, bị quấy rầy. Tư tưởng và cảm xúc tiêu cực là những cản trở cho hầu hết các nguồn cảm hứng cơ bản – để được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau. Khi chúng ta hành động dưới sự ảnh hưởng của chúng, ta không chú ý đến sự ảnh hưởng của những hành động của mình lên người khác: đó là nguyên nhân của những cách hành xử phá hoại của chúng ta, cho chính mình và cho người khác. Giết người, tai tiếng và lừa dối, tất cả đều có nguồn gốc của nó chính là những cảm xúc phiền não.

Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến câu hỏi – chúng ta có thể huấn luyện tâm thức? Có nhiều phương pháp để huấn luyện tâm. Trong số đó, theo truyền thống Phật giáo, là một hướng dẫn đặc biệt gọi là rèn luyện tâm, tập trung trưởng dưỡng sự quan tâm đối với người khác và biến nghịch cảnh thành lợi thế. Chính lối suy nghĩ này chuyển hóa những vấn đề rắc rối trở thành niềm hạnh phúc, điều này đã giúp người dân Tây Tạng duy trì phẩm giá và tinh thần của mình để đối mặt với những khó khăn to lớn. Tôi đã tìm thấy lời khuyên này từ lợi ích thực hành lớn lao trong cuộc sống của riêng tôi.

Một bậc Thầy vĩ đại của Tây Tạng về sự rèn luyện tâm thức đã nhấn mạnh rằng một trong những phẩm chất tuyệt với của tâm thức là có thể chuyển hoá. Tôi không có bất cứ sự nghi ngờ nào đối với những người chuyển hoá tâm thức của họ rằng họ có thể khắc phục được những cảm xúc tiêu cực của mình để đạt được sự an lạc trong tâm hồn, và theo thời gian, họ sẽ thay đổi được trạng thái của tâm thức và cách xử sự đối với con người và sự kiện. Tâm trí của họ sẽ trở nên tích cực và kỷ luật hơn. Và tôi chắc chắn rằng họ sẽ tìm thấy được niềm an lạc hạnh phúc tăng trưởng khi họ phụng sự cho tha nhân. Tôi cầu nguyện cho những người thực hiện điều này sẽ được gia hộ và thành tựu được mục đích của mình.

Đạt Lai Lạt Ma

Ngày 31 tháng 12, 2010

Được xuất bản từ nguồn của Hindustan Times, Ấn Độ, ngày 03 tháng 01, 2011

Nguồn: https://vn.dalailama.com/messages/compassion-and-human-values/countering-stress-and-depression