CHIA SẺ

15875242_406558723017343_9192910312811729971_o

Theo thông lệ, những buổi lễ quán đảnh thường được ban truyền trong vòng giới hạn cho một số đệ tử đã được tuyển chọn trước. Nhưng ngược lại, đại lễ Kalachakra rất khác thường ở điểm là ai ai cũng có thể tham dự được quán đảnh này. Nếu ta duy trì được tâm thiện lành trong sáng khi nhận lễ quán đảnh thì chính việc thọ quán đảnh sẽ trở thành một năng lực gia trì, hay một nguồn cảm hứng, linh ứng, giúp ta thực hành giáo pháp Mật-điển Kalachakra trong tương lai. Còn nếu không được như vậy thì ít ra đây cũng sẽ là một kinh nghiệm lạ thường khi ta được chứng kiến một nghi lễ tâm linh vô cùng oai nghi phức tạp.

Để có thể thực hành Kalachakra, ta cần phải có một sự hiểu biết về Phật-Pháp căn bản cũng như phải một lòng quy y Tam Bảo. Hơn thế nữa, ta phải chuẩn bị để thọ Bồ-tát-giới (là một phần quan trọng của Phật-Giáo Đại-Thừa), cũng như thọ những giới riêng của Mật-điển và phải nhận được lễ quán đảnh từ một vị đại sư đầy đủ phẩm hạnh thuộc Mật-Tông.

Đức Đạt-Lai Lạt-Ma (đương thời là vị Pháp-Chủ Kalachakra lừng lẫy nhất), thường xuyên nhấn mạnh đến sự quan trọng của những buổi giảng sơ khởi [được ngài truyền dạy cho đại chúng trước khi nghi lễ quán đảnh thật sự xảy ra]. Vào năm 1999, trong đại lễ quán đảnh Kalachakra tại Bloomington, Hoa Kỳ, ngài có phát biểu như sau:

„Tôi xin thành thật chúc mừng những bạn nào đến đây chỉ để tham dự những buổi thuyết giảng sơ khởi, chứ không phải chỉ đến vì [lễ quán đảnh] Kalachakra. Bởi vì, trên thực tế, những gì mà tôi chia sẻ với các bạn trong chương trình thuyết giảng sơ khởi mới chính là phần trọng yếu hơn trong pháp môn này. Do đó, tôi rất muốn biểu lộ lòng biết ơn của tôi đối với những ai đến đây chỉ để tham dự chương trình thuyết giảng sơ khởi.

Ngược lại, tôi phải công nhận là những bạn nào đến đây với mục đích duy nhất là nhận lễ quán đảnh Kalachakra, những bạn đó phải nói là khôn ngoan hơn tôi rất nhiều. Như vậy là các bạn đã đánh lừa được tôi [đã phá vỡ mất dự tính của tôi rồi đấy]. Khi tôi thông báo [là tôi sẽ ban truyền] lễ quán đảnh Kalachakra, tôi biết tin này sẽ thu hút được rất nhiều người. Nhưng mục đích của tôi là tận dụng thật nhiều thời gian trong suốt chương trình đại lễ để giáo huấn đại chúng về những điều căn bản trên con đường tu. Tuy thế, trong số các bạn chỉ đến đây để nhận lễ quán đảnh, nếu các bạn đã có sẵn một nền tảng vững chắc về con đường đạo, về Phật Pháp căn bản, thì việc các bạn đến đây chỉ để tham dự nghi lễ quán đảnh cũng là chuyện tốt thôi. Nhưng nếu có những người trong số các bạn hoàn toàn không có được một nền tảng vững chãi dựa trên các giáo lý sơ khởi, thì tôi nghĩ việc bạn đến đây để chỉ nhận lễ quán đảnh suông sẽ chẳng mang đến được lợi ích gì.

Đi thẳng vào tận gốc của vấn đề hơn nữa, trong lễ quán đảnh đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát tại thành phố New York vào năm 1998, đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã phát biểu rằng:

„Nếu ta có một sự hiểu biết thông suốt về đường tu Mật-điển khi bước chân trên con đường của giáo pháp Kim-Cang Thừa, thì [đường tu của ta] sẽ thật sự rất thâm diệu và sẽ đem lại hiệu quả. Có nhiều đạo sư Tây-Tạng trong quá khứ đã từng đặt trọng tâm vào biểu tượng của chiếc chuông và chiếc chùy Kim-Cang trong những hướng dẫn về Kim-Cang Thừa. Người Tây-Tạng cho rằng, khi ta sử dụng hai pháp cụ này, nếu ta hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của chúng, cũng như nếu ta thấu hiểu được hoàn toàn giáo pháp Kim-Cang Thừa, thì việc ta rung chiếc chuông lên sẽ mang rất nhiều ý nghĩa và việc đó là một biểu tượng vô cùng thâm diệu. Nhưng [nếu không có được những nhận thức và hiểu biết như trên] thì việc ta rung chiếc chuông lên tự một mình nó sẽ chẳng mang một nghĩa lý nghĩa sâu xa nào cả. Ta cũng có thể thấy được rằng ngay cả đàn bò cũng có đeo những chiếc chuông quanh cổ của chúng, và chúng cũng có thể tạo ra được những tiếng kêu rất to.

Lý do tôi nêu vấn đề này lên là vì tôi thấy thật đáng tiếc những khi có người vội vàng, quơ quàng chạy đi thọ nhận những giáo pháp của Kim-Cang Thừa chỉ vì giáo pháp này được quảng bá là con đường hay ho nhất, cao cả nhất, nhanh chóng nhất [để đạt đến giác ngộ]. Người ta vội vàng, quơ quàng chạy đi thọ nhận quán đảnh mà không thật sự có một sự thấu hiểu sâu xa về những gì liên hệ đến giáo pháp này, và cũng không thật sự nắm vững được những nguyên lý vi diệu trong đó. Thật là vô cùng nguy hiểm vì như vậy thì tiếng chuông ta rung cũng chẳng khác chi tiếng chuông rung của một chú bò. Ngay cả điều này cũng rất phổ thông trong giới Phật-tử Tây-Tạng.

Khi mọi người nghe tin là có một buổi lễ quán đảnh, tất cả nháo nhào chạy vội đến nơi thọ nhận với thật nhiều hăng say. Nhưng nếu họ nghe nói là sẽ có một buổi thuyết giảng về Phật-Pháp thì họ sẽ trả lời rằng, „Vâng, nhưng mà…‟ [đại ý là chẳng có gì hứng thú hết]. Đôi khi, tôi cũng nhắm vào yếu điểm này của mọi người và… tìm cách lợi dụng cơ hội. Tôi tuyên bố là sẽ ban truyền đại lễ quán đảnh Kalachakra, thế là mọi người ào ào chạy đến. Tôi ban lễ quán đảnh sau cùng, và ban lễ rất nhanh, còn bao nhiêu thời giờ trước đó thì tôi đều để dành để giảng về những điểm trọng yếu và căn bản tổng quát của Phật Pháp. Nhờ vậy mà mọi người phải ngồi ở đó để nghe [những điều tôi muốn dạy]. Đây chính là phương tiện thiện xảo của tôi đấy! Cho dù tôi nghĩ tôi thật là khôn ngoan [khi làm như vậy], nhưng lại có những người còn khôn ngoan hơn tôi. Bằng mọi giá, các bạn ấy tìm cách chỉ xuất hiện đúng vào ngày tôi ban truyền nghi lễ quán đảnh mà thôi.‟

Kalachakra Nội Tại, Ngoại Tại và Cứu Cánh

‘Nguyện cho con cảm ứng, thành tựu các pháp tu thiền Của Tối Thượng Du Già trên đường tu Mật-điển, Của Kalachakra, vua của Mật Pháp, Và qua đó, sẽ tịnh hoá và phá vỡ được sắc thân vật lý, Làm bừng dậy vũ điệu của thân tịnh-không * Hợp cùng đại lạc bất biến. Đưa đến đạo quả giác ngộ tối thượng, Quả vị Pháp-thân Kalachakra bản nguyên.’

(Trích „Lời Khẩn Nguyện Kalachakra‟ của đức Ban-Thiền Lạt-Ma đời thứ 6 do Glenn Mullin chuyển Anh ngữ) [6]

________________ * thân vô sắc

Giới Thiệu

Kalachakra có nghĩa là ‘Luân-Xa Thời-Gian’ (Thời- Luân) vì theo tiếng Phạn, ‘Kala’ là ‘Thời-Gian’ và ‘Chakra’ là bánh xe [luân-xa]. Ta cũng có thể tạm dịch là ‘Chu-Kỳ Thời-Gian’ (Time-Cycles). Phần lớn giáo pháp này xoay quanh hai khái niệm ‘thời gian’ và ‘chu kỳ’: bắt đầu từ chu kỳ vận chuyển của các hành tinh, cho đến chu kỳ vận chuyển của từng hơi thở trong ta hợp cùng phương pháp điều khiển những luồng khí lực vi tế trong thân xác vật lý để ta có thể đạt đến được giác ngộ. Vị Pháp-chủ [Hộ Phật] (deity) Kalachakra là biểu tượng của toàn giác. Giống như tất cả mọi thứ trên đời này đều bị chi phối bởi thời gian, đấng Pháp-chủ [Hộ Phật] Kalachakra chính là thời gian, và do đó mà ngài có trí huệ toàn giác, thấy hết, biết hết. Tương tự như vậy, bánh xe thời gian được coi là vô thuỷ vô chung, không có bắt đầu và cũng không có chấm dứt.

Trong số bốn giáo phái của Phật-Giáo Tây-Tạng, pháp môn Kalachakra có vẻ thịnh hành nhất trong giáo phái Gelug, cho dù ba giáo phái kia [Nyingma, Kagyu, Sakya] thảy đều có thực hành pháp môn này. Giòng truyền thừa của chư vị Đạt-Lai Lạt-Ma rất chuộng pháp môn Kalachakra, nhất là đức Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ Nhất, thứ Nhì, thứ Bảy, thứ Tám, và đức Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ Mười Bốn đương thời.

Tại Tây-Tạng, hệ thống chiêm tinh của Kalachakra là một trong những viên gạch quan trọng nhất để tạo thành niên-lịch chiêm tinh Tây-Tạng. Hệ thống chiêm tinh của Kalachakra cũng không mấy khác hệ thống chiêm tinh của Tây-phương; cả hai hệ thống này đều đòi hỏi những công thức tính toán rất phức tạp để xác định một cách chính xác vị trí của những hành tinh.

Lắm khi, câu châm ngôn „bên ngoài ra sao thì bên trong ta cũng thế‟ (as it is outside, so it is within the body) rất thích hợp trong trường hợp của pháp môn Kalachakra vì pháp môn này chú trọng vào những điểm tương đồng giữa bản thể chúng ta và toàn thể vũ trụ; đây là nền tảng của khoa chiêm tinh, nhưng đây cũng là lý duyên sinh khởi, là những tương quan thâm diệu mà kinh điển Kalachakra đã chỉ dạy.

„Thời gian là tổng thể đã sinh ra tôi. Thời gian như một giòng sông cuốn tôi trôi, nhưng tôi chính là giòng sông đó, Như một con hổ ăn tươi nuốt sống tôi, nhưng tôi chính là con hổ đó, Như một ngọn lửa thiêu đốt tôi, nhưng tôi chính là ngọn lửa đó.‟ Jorge Luis Borges

Kalachakra Và Những Truyền Thống Tôn Giáo Khác

So với các pháp môn khác nằm trong hệ thống Mật-điển Tối Thượng Du-già (Skt. Anuttarayoga) thì pháp môn Kalachakra có nhiều điểm khác thường. Vô số những giải thích về pháp môn này cho thấy Kalachakra chỉ là một nhánh chẻ (deviate) của các hệ thống Mật-điển khác nhau của Phật-Giáo; tuy thế, những chỉ dạy của pháp môn này lại luôn luôn giúp bổ sung cho các hệ thống Mật-điển kia. Trên thực tế, khi pháp môn này được đem ra giới thiệu lần đầu tại viện đại học Phật-Giáo Nalanda danh tiếng tại Ấn-Độ, những điểm khác biệt này đã gây ra nhiều bối rối. Sau một thời gian nghiên cứu học hỏi tường tận, các bậc đại sư đều đồng ý rằng pháp môn này nguyên thủy chính là một pháp môn Phật-Giáo, và từ đó về sau, Kalachakra có một chỗ đứng vững vàng trong muôn vàn các giáo pháp khác thuộc truyền thống Đại Thừa. Ta có thể thấy được một cách rõ ràng rằng Phật-Giáo chính là cốt tủy của pháp môn Kalachakra — điều này dựa trên nhiều khía cạnh, chẳng hạn như những khái niệm về tâm từ bỏ thế gian, tâm Bồ-Đề, tánh Không, đạo quả giác ngộ, v.v. Tất cả đều là những điểm son vô cùng quan trọng của pháp môn này. Kalachakra còn có tên gọi là Mật-điển ‘quang minh’ (‘clear‟ tantra) bởi vì ngôn ngữ được dùng [để giảng dạy về pháp môn này] rất rõ ràng, mạch lạc, khác hẳn với những pháp môn khác thuộc trong hệ thống Mật-điển Tối Thượng Du-già.

Nhưng Vesna Wallace [5] cũng có ghi nhận, dường như Mật-điển Kalachakra đã tổng hợp một số các hướng dẫn thuộc các hệ thống tư tưởng ngoại giáo (non-Buddhist). Ví dụ như trong phần hướng dẫn liên quan đến thiên văn học, ta thấy có rất nhiều khía cạnh thuộc về hệ thống tư tưởng của Vaibhashika, Puranic, Samkhya, Jaina, và lẽ dĩ nhiên, có cả Vi Diệu Pháp (Abidharma) của Phật-Giáo. Tương tự như vậy, nhiều ngữ vựng thuộc các truyền thống Hồi Giáo (Hindu) khác nhau cũng hiện diện trong Kalachakra, kể cả kho ngữ vựng thuộc hệ thống y khoa Vệ Đà (Ayurvedic).

„… pháp môn Kalachakra thu nhận và thanh lọc các luồng tư tưởng thuộc các hệ thống ngoại giáo, cũng như kết hợp các khái niệm liên quan đến vũ trụ học của tư tưởng ngoại giáo mà không hề thay đổi cách nhìn [hay khai triển lại] những tư tưởng và khái niệm này.‟ Vesna Wallace [5]

Kinh Văn Gốc Kalachakra

Giáo pháp Kalachakra mà đức Phật Thích Ca đã truyền dạy được ghi lại trong ‘Mật-điển Gốc Kalachakra’ (Root Kalachakra Tantra) , hoặc còn có tên gọi là Kalachakra Mulatantra hoặc Paramadibuddhatantra bao gồm cả thảy 12.000 giòng. Quốc vương của cõi tịnh độ Shambhala, vua Suchandra, có viết thêm một luận giải gồm 60,000 giòng về Kalachakra có tên là ‘Mật- điển Diễn Giải (Explanatory Tantra). Nhưng rất tiếc, cả hai bộ kinh và luận này đều đã thất truyền.

Một số những hướng dẫn trong ‘Mật-điển Gốc Kalachakra’ (Paramadibuddhatantra) [5] đã được trích dịch lại trong những kinh sách khác, chẳng hạn như trong 200 đoản kệ của Vimalaprabha, hoặc trong Sekoddesa. Kinh Sedodesa được lưu truyền như một văn bản độc lập vào khoảng đầu thế kỷ thứ 11 tại Ấn Độ, và theo truyền thống, được coi là một phần của ‘Mật-điển Gốc Kalachakra.’

Cũng theo truyền thống, quốc vương Manjushri-Yashas của cõi tịnh độ Shambhala đã soạn ra một kinh bản có tên là ‘Tóm Lược Mật-điển Kalachakra’ (Skt. Kalachakra Laghutantra). Kinh bản này cũng còn có tên là ‘Kalachakratantra‟ hoặc „Shri Kalachakra.‟ Đối với chúng ta, kinh bản ‘Tóm Lược Mật-điển Kalachakra’ này được sử dụng như là kinh bản chính cho dù chỉ ngắn không tới một phần tư của ‘Mật-điển Gốc Kalachakra.’

Trong quá khứ, nhiều tác giả nghiên cứu về Kalachakra đã nhầm lẫn khi nhắc đến kinh bản „Adibuddhatantra.‟ Họ thường ghi chú rằng kinh bản này được trích ra từ kinh bản ‘gốc’, nhưng thật sự, ‘gốc’ ở đây chính là bản ‘Tóm Lược Mật-điển Kalachakra’ chứ không phải là ‘Mật-điển Gốc Kalachakra.’

Tựu chung, tất cả các kinh bản được trình bày theo một hình thức giống nhau, nghĩa là được chia ra làm 5 phẩm cả thảy. Phẩm thứ nhất giảng về Kalachakra ‘Ngoại-Tại’ (outer). Phẩm thứ hai giảng về Kalachakra ‘Nội-Tại’ (inner). Ba phẩm còn lại đều liên hệ đến Kalachakra ‘Cứu Cánh (alternative): phẩm thứ ba cắt nghĩa về pháp quán đảnh, phẩm thứ tư về giai đoạn ‘sinh khởi’, và phẩm thứ năm về giai đoạn ‘thành tựu’ hay đắc quả giác ngộ của pháp môn thiền tập này. Tất cả những phần luận giải còn lại cũng được khai triển dựa theo thứ tự đó.

Kalachakra Ngoại-Tại, Nội-Tại và Cứu-Cánh

Kalachakra Ngoại-Tại ám chỉ thế giới bên ngoài ta; thế giới này chính là suối nguồn nuôi dưỡng tất cả chúng sinh. Thế giới ngoại tại này bao gồm sáu yếu tố là đất, nước, gió, lửa, không gian và trí tuệ, cộng thêm với tất cả những vật thể liên quan đến sắc (sight), thanh (sound), hương (smell), vị (taste), xúc (touch), và pháp (dharma). Ngoài ra, còn có thêm một ‘hệ’ hay ‘phân khoa’ (division) nữa trong Kalachakra Ngoại-Tại — ‘hệ’ hay ‘phân khoa’ này dựa trên cấu trúc của toàn thể vũ trụ; ở giữa là núi Tu Di, bao quanh bởi bốn lục địa chính và tám lục địa phụ. Ở điểm cao nhất của ‘vũ trụ hệ’ này [tức đỉnh núi Tu Di], là một chuỗi tròn bao gồm những hành tinh, mặt trời, mặt trăng cùng các giải ngân hà, v.v. Hệ thống này chịu ảnh hưởng chi phối của những ‘chu kỳ thời gian’ (time cycles) của ngày, tháng, năm; hệ thống này cũng còn được gọi là ‘sự tuần hành của ngày tháng ngoại tại dựa trên [sự tuần hành của] mặt trời và mặt trăng.’

Kalachakra Nội-Tại bao gồm những gì liên quan đến thân và ý của tất cả chúng sinh, những hợp uẩn thân tâm, các khả năng liên hệ đến giác quan hoặc khả năng siêu nhiên (psychic capacities), v.v. Kalachakra Nội-Tại bao gồm chúng sinh trong sáu cõi luân hồi (Trời, A-tu-la, người, thú vật, ngạ-quỷ và địa ngục), sáu luân xa/huyệt đạo (chakras) trong cơ thể, mười sinh khí/khí lực nuôi dưỡng sự sống (vital energies), những đường khí mạch vi tế (energy channels), cùng tám giọt tinh chất (drops), chuyên chở các khuynh hướng vốn sẵn có của hai chướng ngại, v.v. Kalachakra Nội-Tại giải thích về sự liên hệ nghiêng về chiêm tinh (astrological relationship) giữa (a) những nguồn khí lực nội tại, các luân xa, những đường khí mạch vi tế cùng những giọt tinh chất, với (b) những trạng thái xúc cảm và trạng thái tâm thần, nội tạng (organs) cùng những tiến trình chuyển hoá của tâm. Ở đây là khái niệm căn bản cho rằng những luồng khí mạch vi tế trong cơ thể vận hành song song và kết hợp với những chu kỳ vận hành của các hành tinh. Sự vận hành của các luồng năng lực (Iiên quan đến các hành tinh) ngay trong cơ thể chính là đối tượng của chiêm tinh trong Kalachakra Nội-Tại.

Nói một cách khác, Kalachakra Ngoại-Tại và Nội-Tại bao gồm tất cả chúng sinh và thế giới bên ngoài trong mối tương quan chặt chẽ giữa chiêm tinh và chúng sinh. Mối tương quan này không mấy khác một thành ngữ của ngườI Hy Lạp cho rằng „ ở trên [trời] ra sao thì ở dưới [đất] là vậy (as above, so below)‟.

Kalachakra Cứu-Cánh (‘Alternative’ or ‘Other’ Kalachakra) trình bày phương pháp tu hành tâm linh dựa trên mô thức Kalachakra để đưa đến đạo quả giác ngộ. Kalachakra Cứu-Cánh giải thích về pháp quán đảnh, cũng như về hai giai đoạn ‘sinh khởi’ (generation) và ‘viên thành’ (completion) thuộc các pháp môn Du-già. Hai giai đoạn này là hai phương pháp tu đem đến năng lực nhiệm mầu để thanh tịnh hoá Kalachakra ngoại tại (vũ trụ) và Kalachakra nội tại (chúng sinh).

Kalachakra Ngoại-Tại và Kalachakra Nội-Tại là hai nền tảng cần được thanh tịnh hoá, trong khi Kalachakra Cứu Cánh chỉ cho ta những phương pháp tu tập Du-già — đây là những phương pháp hỗ trợ cho tiến trình thanh tịnh hóa, cũng như giúp đem lại được 3 kết quả thuần tịnh cụ thể.

‘Ẩn đằng sau Kalachakra Ngoại-Tại và Kalachakra Nội-Tại là một mô thức (pattern) điển hình, và chính cái khuôn mẫu điển hình này là cái ‘khác’ (other) [đạo quả, hay cứu cánh] được trình bày trong mạn-đà-la Kalachakra… Tuy chỉ là một [kẻ nhỏ nhoi], một thế giới vi mô nhỏ nhoi (microcosm), nhưng khi tu tập theo kinh sách Kalachakra thì hành giả có thể trở thành phương tiện thiện xảo giúp hành giả hoá hiện trong thế giới vĩ mô (macrocosm). Thế giới vĩ mô bao la này chính là nền trật tự trong vũ trụ, là sự hài hoà của thế gian, và thế giới vĩ mô này đến từ bản họa đồ của mạn-đà-la Kalachakra. Tất cả tam thiên đại thiên thế giới không là gì khác ngoài một ‘sinh thể’ duy nhất (single living entity), và tất cả những gì thuộc về ’sinh thể’ này cũng đều mang những liên hệ vô cùng mật thiết với nhau. Trong kinh điển Vệ-đà, ‘sinh thể’ này được diễn tả như là một ‘Nhân Vật Hoàn Vũ’ (Cosmic Person) hay „Purusa‟, và trong kinh điển Kalachakra thì ‘sinh thể’ này được diễn tả như là ‘Đức Phật Hoàn Vũ’ (Cosmic Buddha) hay „Adi-Buddha‟. Đức Phật thường được mô tả với 32 tướng hảo và 80 tướng phụ không khác gì một ‘Đại Nhân Hoàn Vũ’, „Maha Purusa‟ hay ‘Đại -Trượng Phu’ (Great Person), và trong kinh điển Kalachakra thì đây chính là ‘Đức Phật Hoàn Vũ’ hay Adi-Buddha, vị Phật biểu trưng cho tam thiên đại thiên thế giới.’ David Reigle [4]

Ngoài ra, Mật-điển Kalachakra còn đưa ra nhiều quan điểm xã hội rất mạnh mẽ, và hoàn toàn chống đối hệ thống phân chia giai cấp (caste system) của xã hội Ấn. Như Vesna Wallace [5] đã có nhận xét,

„Mật-điển Kalachakra cho rằng sự phân chia giai cấp hoặc kỳ thị trong xã hội, cũng như tất cả những kinh văn nào ủng hộ cho sự kỳ thị này, đều vô cùng tai hại và không đem lại được phúc lợi nào trong các lãnh vực xã hội, chính trị, vật chất, và tâm linh nói chung, cũng như không đem lại được phúc lợi cho tâm lý và thể xác của con người nói riêng.‟

___________________________________________________

[1]: Taking the Kalachakra Initiation, Alexander Berzin, Snow Lion, 1997 ISBN 1-55939-084-0 [2]: Commentary given by Kirti Tsenshab Rinpoche December 1989, Bodh Gaya India [3]: The Wheel of Time, the Kalachakra in context. Geshe Lhundub Sopa et al, Snow Lion, 1985 [4]: Kalacakra Sadhana and Social Responsibility, David Reigle, Spirit of the Sun Publications 1996. [5]: The Inner Kalacakratantra, Vesna Wallace, Oxford University press 2001. [6]: The Practice of Kalachakra, Glenn H. Mullin

Tâm Bảo Đàn chuyển Việt ngữ lần đầu nhân pháp hội Kalachakra 2004 tại Toronto, Canada, hiệu đính tháng 7/2011. Xin thành tâm chia sẻ bản dịch tạm này cùng quý đạo hữu nhân pháp hội Kalachakra 2011 tại Washington DC, Hoa Kỳ. Mọi sai sót là của người dịch. Mọi công đức xin hồi hướng hết thảy pháp giới chúng sinh. Trong pháp hội Kalachakra 2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ ban những giáo lý sơ khởi dựa trên hai tài liệu luận giải gồm có “Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát” của ngài Ngulchu Thogme Zangpo và “Trình Tự Tu Thiền” của ngài Kamalashila.