CHIA SẺ

27858351_1634228773323004_151522312886492376_n

Xin hãy ban cho con sự gia trì để tâm con đi theo Pháp.
Xin hãy ban cho con sự gia trì để thực hành Pháp của con trở thành con đường.
Xin hãy ban cho con sự gia trì để con đường xua tan vô minh.
Xin hãy ban cho con sự gia trì để vô minh tỏa sáng như trí tuệ.

Gampopa

Bởi vì tôi không sở hữu mọi phẩm tánh của việc nghiên cứu hay thành tựu, tôi sẽ chỉ đơn giản lặp lại những lời nói hoàn hảo của Đức Phật để làm lợi lạc chúng sinh, những người đã bày tỏ niềm yêu thích chân thành với Pháp.

Bậc đạo sư vĩ đại, không thể sánh bằng và nổi tiếng thế giới, Đức Gampopa đã cô đọng mọi giáo lý được ban ra và sẽ được ban ra bởi một nghìn vị Phật trong hiền kiếp này thành bốn câu, thường được biết đến là Bốn Pháp của Gampopa. Những câu nói rộng lớn vô cùng này là sự kết hợp giữa Kinh điển và Mật điển, và được giảng giải bởi Đại đạo sư Longchen Rabjam. Nếu một hành giả nhận các chỉ dẫn này và tinh tấn, anh/cô ta sẽ có thể đạt đến giác ngộ hoàn toàn chỉ trong một đời. Thật đáng ngạc nhiên về mức độ siêu phàm của các giáo lý trọng yếu của chư Phật và các hành giả chứng ngộ.

Chư Phật đã làm hoàn hảo mọi phẩm tánh của sự từ bỏ và chứng ngộ; các ngài đã từ bỏ những che chướng và chứng đắc mọi phẩm tánh trí tuệ. Với lòng từ bi lớn lao hướng về chúng sinh, giống như mẹ hiền thương con nhỏ, các bậc đại giác đã chuyển bánh xe chánh Pháp. Nguồn gốc của Phật giáo trên trái đất này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một bậc toàn giác. Giáo lý của ngài được trao truyền thông qua dòng truyền của các vị Bồ Tát an trú trong các bhumi, các địa Bồ Tát. Bởi thế, những giáo lý này được trao truyền qua một dòng truyền thừa không gián đoạn các hành giả chứng ngộ đến bậc đạo sư gốc của tôi.

Đầu tiên trong Bốn Pháp của Gampopa là “Xin hãy ban cho con sự gia trì để tâm con đi theo Pháp!” Điều này được thực hiện bằng cách quán chiếu về bốn niệm chuyển tâm. Thứ nhất là sự khó khăn của việc đạt được thân người quý giá với tám tự do và mười thuận duyên. Bởi chúng ta đã là con người, dường như chúng ta đã đạt được thân người mà không mấy nỗ lực; tuy nhiên, sự thật không phải thế. Cần rất nhiều nghiệp thiện được tích lũy trong nhiều đời trước để một cá nhân có thể sinh ra trong thân người quý giá. Có rất nhiều người, nhiều như những vì sao buổi tối. Nhưng trong số những người này, chỉ những người yêu thích việc thực hành Pháp thiêng liêng, những người với một thân người quý giá, thì rất ít, như những vì sao buổi sớm. Trong số những người yêu thích Pháp, những người có sự tinh tấn chân thành thậm chí còn ít hơn. Thực hành chánh Pháp nghĩa là từ bỏ mọi mối quan tâm thế tục và thay vào đó theo đuổi giác ngộ hoàn toàn chỉ trong đời này.

Mặc dù chúng ta đã đạt được thân người quý giá, nó vẫn bị chi phối bởi vô thường. Vô thường nghĩa là không thứ gì, dù là thế giới này hay chúng sinh trong đó có thể tồn tại mãi. Đặc biệt, tuổi thọ của con người thì lại đặc biệt ngắn, và không thể dự đoán trước và không chắc chắn như tia chớp sáng hay bong bóng trong nước. Trên trái đất này chẳng ai có thể sống mãi; người này kế tiếp người khác qua đời. Sau khi chết, nếu chúng ta sinh vào ba cõi thấp, chúng ta sẽ trải qua những khổ đau vô cùng và không thể miêu tả. Hiên tại ta đang nỗ lực để đạt được những điều kiện hoàn hảo, sự dễ chịu và giàu có. Nhưng dù điều kiện giàu sang và hạnh phúc thế tục có kỳ diệu thế nào, chúng ta vẫn không thể mang theo bất kỳ thứ gì trong đó – bạn bè, gia đình hay tài sản của chúng ta – sau khi chết.

Mặc dù chúng ta cảm thấy yêu thương và quý mến gia đình và bạn bè, lúc chết, chúng ta vẫn phải du hành cô độc đến một nơi không biết. Chúng ta lặp lại trải nghiệm giống nhau trong tất cả các đời trước, để lại đằng sau tất cả người quen và từ bỏ mọi tài sản. Dù bao nhiêu hạnh phúc và sự giàu có mà chúng ta giành được trong đời này, nó cũng mong manh như giấc mơ ta có vào đêm qua. Hiểu rằng không có gì là mãi mãi, rằng mọi thứ trôi qua như một giấc mơ là hiểu về vô thường và cái chết.

Nếu đơn giản cuộc đời chúng ta kết thúc trong hư vô, như nước bay hơi hay một ngọn lửa bị dập tắt, điều đó thật hoàn hảo. [Nếu vậy] Sẽ chẳng có điều gì để lo lắng. Nhưng tôi rất tiếc phải nói rằng sự thật hoàn toàn không như thế, bởi thức của chúng ta không phải thứ gì đó có thể chết. Sau khi chết chúng ta bị buộc phải trải qua các ảnh hưởng của nghiệp đã tích tập trước đó. Bởi sự ngu dốt, chúng ta mãi trôi lăn trong luân hồi, không thể được giải thoát, liên tục quay vòng trong ba cõi thấp và ba cõi cao, từ cõi này sang cõi khác. Để giải thoát chúng ta khỏi sáu cõi luân hồi, chúng ta cần thực hành chánh Pháp ngay bây giờ khi có cơ hội.

Chúng ta tiếp tục trong luân hồi chừng nào chúng ta còn bị những che chướng cảm xúc và che chướng nhận thức bao phủ. Hai thứ che chướng này chính xác là thứ ngăn chúng ta đạt đến trạng thái Phật quả toàn tri. Để xua tan chúng, ta cần tham gia vào các thực hành gọi là Các Pháp tu Dự bị. Những thực hành này được bao trọn trong giáo lý thứ hai của Đức Gampopa, “Xin hãy ban cho con sự gia trì để thực hành Pháp của con trở thành con đường.” Đầu tiên chúng ta quy y và lễ lạy, như thế xua tan các lỗi lầm nghiệp chướng và các che chướng về thân được tích tập trong vô số đời. Để xua tan các ác nghiệp và che chướng về khẩu, thứ mà chúng ta đã tích tập từ vô thủy, chúng ta thực hành thiền định và trì tụng Kim Cương Tát Đỏa. Để xua tan các che chướng và ác nghiệp về tâm, chúng ta cúng dường mạn-đà-la bên ngoài, bên trong và bí mật. Cuối cùng, để xua tan các ác nghiệp và che chướng, được tích tập bởi cả thân, khẩu và ý từ vô thủy, chúng ta thực hành các khía cạnh bên ngoài, bên trong và bí mật của Đạo sư Du già (guru yoga). Người ta nói rằng, “chứng ngộ xảy ra tự nhiên khi các che chướng được đẩy lùi.” Đạo sư Du già là một thực hành vô cùng rộng lớn, hoàn hảo để xua tan các che chướng và phát triển sự chứng ngộ. Mặc dù nằm trong các thực hành dự bị, nó rộng lớn hơn chính phần thực hành chính yếu.

Giáo lý của Đức Gampopa tiếp theo là “Xin hãy ban cho con sự gia trì để con đường xua tan vô minh.” Ở đây, “con đường” cần được hiểu trong phạm vi của nền tảng, con đường và kết quả, một cấu trúc chứa đựng toàn bộ giáo lý của Kinh điển và Mật điển. Nền tảng là Phật tánh, sugata-garbha, Pháp thân của chư Phật, luôn hiện hữu trong mọi chúng hữu tình. Nó được so sánh với vàng mười, không lỗi lầm, với những phẩm tánh tối thượng và không vết hư hại. Làm sao mà Phật tánh hiện hữu trong mọi người? Ví dụ được chỉ ra đó là về dầu trong hạt mù tạc. Khi bị ép, hạt mù tạc tạo ra dầu. Giống như vậy, trong mọi chúng hữu tình đều đã có tinh túy Phật quả, tức Phật tánh. Không ai là không có nó. Chư Phật và Bồ Tát đều có Phật tánh, mọi chúng sinh cho đến cả con côn trùng bé nhất cũng có, không một sự khác biệt dù kích cỡ hay phẩm tánh ra sao.

Phật tánh bao trùm cả luân hồi và niết bàn. Hư không vượt ra khỏi trung tâm và bờ vực. Dù hư không tràn đến đâu, cũng đều có chúng sinh. Ở đâu có chúng sinh, ở đó có Phật tánh. Đó là ý nghĩa khi nói rằng Phật tánh bao trùm cả luân hồi và niết bàn, tất cả các cõi, tất cả chúng sinh.

Mặc dù Phật tánh hiện diện trong mọi người, chúng ta chẳng thể nhận ra nó. Sự ngu dốt này là nguyên nhân chủ yếu cho việc trôi lăn trong luân hồi. Bởi sự ngu dốt không biết bản tánh của mình, chúng hữu tình trượt về phía vô minh, như vàng mười rơi xuống bùn và bị bẩn. Chư Phật không trượt về phía vô minh mà duy trì ở “trụ xứ tự nhiên” của các ngài. Điểm khác biệt giữa chư Phật và chúng sinh là sự khác biệt giữa biết và không biết bản tánh bẩm sinh.

Mặc dù vàng là vàng, khi nó rơi xuống bùn, nó bị che lấp bởi các chất bẩn, trở nên không thể nhận ra. Vàng hiện thời bị bùn che lấp là ví dụ về chúng hữu tình không thể nhận ra bản tánh của mình. Mọi hữu tình chúng sinh là Phật, nhưng vì những che chướng tạm thời, họ không thể nhận ra điều đó. Nền tảng giống như vàng mười, trong khi con đường giống như vàng khi bị rơi xuống chất bẩn và bị che lấp bởi những khiếm khuyết. Trong hoàn cảnh này, con đường nghĩa là trạng thái vô minh.

Phật quả, trạng thái chứng ngộ của các bậc tỉnh thức, nghĩa là không trượt về phía vô minh, mà nhận ra trạng thái của nền tảng như là thứ vàng mười.

Bởi sức mạnh của vô minh, chúng ta hiện giờ vẫn trượt trên con đường – vàng mười vẫn bị che lấp bởi bùn. Chúng ta hiện đang bị vô minh khống chế. Bởi chìm trong giấc ngủ của sự ngu dốt, chúng ta đi qua các giấc mơ của ba giới, tái sinh trong sáu cõi luân hồi liên tục không ngừng.

Các phẩm tánh là bản chất của Phật tánh được biết đến là ba thân hay thân, khẩu và ý thiên bẩm. Thân Kim Cương là phẩm tánh bất biến của Phật tánh; khẩu Kim Cương là phẩm tánh không thể diễn tả, không ngừng của nó; và ý Kim Cương là phẩm tánh không thể sai lầm. Theo cách này, thân Kim Cương, khẩu Kim Cương và ý Kim Cương vốn hiện diện như là Phật tánh của chúng ta.

Hiện tại, thân Kim Cương bất biến bị che lấp bởi thân vật lý, tạm thời và dễ hỏng. Khẩu Kim Cương liên tục không ngừng, âm thanh của Phật tánh, bị che lấp tạm thời bởi những lời nói lặp lại trong những cuộc chuyện trò bình thường của chúng ta. Giống như vậy, ý Kim Cương không lồi lầm bị che lấp bởi những ý nghĩ sai lầm của chúng ta. Mặc dù thân, khẩu và ý của mọi Đấng Chiến Thắng luôn hiện diện trong Phật tánh của chúng ta, chúng bị che lấp bởi thân, khẩu và ý bình phàm. Bởi chúng ta bị vô minh kiểm soát, ta đang ở trạng thái của con đường.

Các giáo lý được ban ra để con đường có thể xua tan vô minh, nhờ thế mà tịnh hóa được những che chướng của thân, khẩu và ý. Các thực hành khác nhau được giảng dạy gồm có: giai đoạn phát triển, để quán tưởng rằng thân của chúng ta trong hình tướng của chư Phật; giai đoạn trì tụng, tụng đọc các thần chú bằng giọng của chúng ta; và giai đoạn hoàn thiện, để tâm an trú trong trạng thái samadhi (định).

Đức Tulku Urgyen Rinpoche

Nguyên tác: Vang vọng lời Phật dạy

Lời nói đầu: Chokyi Nyima Rinpoche

Chuyển dịch Anh ngữ: Erik Pema Kunsang

Kết tập và hiệu đính: Marcia Binder Schmidt

Việt dịch: Tuệ Tạng