CHIA SẺ

maxresdefault

Giáo Pháp – những điều Đức Phật đã giảng dạy – không chỉ được Phật tử thực hành, cũng không chỉ lợi lạc cho các hành giả Phật giáo. Ý nghĩa thực sự của Giáo pháp là nó mang lại hạnh phúc và sự an bình sâu xa; và mục đích của việc thực hành Giáo pháp là để phát triển hạnh phúc và an bình sâu xa đó. Hạnh phúc chân thực chỉ có thể đến từ bản thân bạn, và nó chỉ có thể được phát triển ở bên trong. Nó chẳng bao giờ có thể thực sự đến từ các sự vật bên ngoài như các đối tượng vật chất hay hoàn cảnh ngoại tại. Ta nghiên cứu Phật giáo để phát triển hạnh phúc đó, bởi Giáo pháp giảng nghĩa con đường để hoàn thiện hạnh phúc và mang lại cho ta những khí cụ ta cần có để phát triển an bình và hạnh phúc sâu xa. Bằng cách nghiên cứu giáo lý của Đức Phật, ta học nhiều phương pháp để xua tan các vấn đề, đau khổ, phiền não và lo âu của ta, và để phát triển an bình và hạnh phúc sâu xa. Nói chung, bước đầu tiên để đi vào Phật đạo là quy y. Tinh túy đích thực của sự quy y là thực hành bất bạo động hay không làm hại tất cả chúng sinh. Là các Phật tử, thực hành chính yếu của ta là tránh làm hại bất kỳ chúng sinh nào. Để làm điều này ta phải thường xuyên thực hành sự tỉnh giác chánh niệm. Đây là tinh túy của tâm quy y. Ta nói ta quy y Tam Bảo (Ba viên ngọc báu), là Đức Phật, Giáo pháp và Tăng đoàn. Tôi sẽ giải thích chút ít về từng viên ngọc báu này. Đức Phật là vị Thầy chỉ cho ta con đường để thoát khỏi đau khổ. Bản thân Đức Phật đã siêu vượt luân hồi sinh tử bởi Ngài đã tịnh hóa mọi che chướng và phát triển các phẩm tính giác ngộ. Ngài đã siêu vượt đau khổ của sinh tử, và ta có thể nương tựa vào Ngài bởi đã thoát khỏi đau khổ, Ngài có thể che chở ta khỏi sự đau khổ. Trong tiếng Tây Tạng, từ để chỉ Đức Phật là sanggye. Nó là một từ ghép: sang nghĩa là ‘được tịnh hóa’ và gye nghĩa là ‘hoàn toàn phát triển.’ Khi ta nói sang, ta muốn nói rằng Đức Phật đã tịnh hóa mọi che chướng và ô nhiễm. Ngài không có ngay cả chút xíu dấu vết của sự nhơ bẩn, mê lầm hay ô nhiễm. Ngài đã hoàn toàn tiệt trừ hai loại che chướng, là các che chướng của cảm xúc phiền não (phiền não chướng) và che chướng thuộc về nhận thức (sở tri chướng). Khi tịnh hóa hai che chướng, Ngài đã hoàn toàn phát triển (từ thứ hai, gye) mọi phẩm tính giác ngộ, và đặc biệt là hai loại toàn trí. Hai loại trí tuệ toàn trí là toàn trí nhìn các sự việc một cách chính xác như chúng là trong bản tánh tối thượng độc nhất vô nhị của chúng, và toàn trí nhìn các sự việc một cách hoàn hảo như chúng là trong sự đa tạp của chúng. Trí tuệ nhìn các sự việc một cách chính xác như chúng là trong bản tánh tối thượng của chúng là sự nhận thức trực tiếp về bản tánh chân thực, hoàn hảo, không bị tạo tác của mọi hiện tượng. Đức Phật nhìn điều này giống như nó là, không có bất kỳ sai lầm nào. Với sự toàn trí thấu suốt các sự việc một cách hoàn hảo như chúng là trong sự đa tạp của chúng, Đức Phật đã có một hiểu biết hoàn toàn sáng tỏ và không sai lầm về sự tương thuộc của nghiệp, bao gồm việc thấu suốt mọi chi tiết của tất cả nhân và duyên, trong mọi sự phức tạp của chúng, là điều đã tạo nên mọi hiện tượng. Mọi sự là một biểu lộ của sự tương thuộc về nghiệp. Mọi sự xuất hiện và hiện hữu như thế là bởi các nhân và duyên đặc biệt cùng tụ hội để tạo ra chúng. Ví dụ thường được dùng để minh họa điều này là một chiếc lông công. Nhiều màu sắc trong một chiếc lông công cùng tụ hội trong một khuôn mẫu chính xác và tuyệt đẹp, và chỉ có Đức Phật mới có thể hiểu rõ mọi nhân và duyên đưa đến kết quả là từng màu sắc của chiếc lông. Đây là một ví dụ của sự toàn trí thấu suốt mọi sự một cách hoàn hảo trong sự đa tạp của chúng. Ngoài ra, với trí tuệ nhận ra các sự việc một cách hoàn hảo trong sự đa tạp của chúng, Đức Phật nhận thức mọi sự đa tạp của chúng sinh, mọi thể tạng, khuynh hướng, và khả năng khác nhau của họ. Khi ta quy y Đức Phật, ta thường nghĩ về nirmanakaya,1 (Hóa Thân) hay thân tướng vật lý của Ngài. Nhưng ý nghĩa chân thực của sự quy y nơi Đức Phật không phải là thân tướng vật lý của Ngài, bởi mọi sắc tướng, kể cả thân tướng của Ngài, đều nhất thời và lệ thuộc vào sự hủy diệt. Điều ta thực sự quy y (nương tựa) là tâm của Đức Phật, dharmakaya (Pháp Thân), và những phẩm tính giác ngộ của tâm Phật. Đối tượng quy y thứ hai là Giáo pháp, con đường do Đức Phật biểu thị. Ngài đã giảng dạy Giáo pháp như phương pháp để đạt được sự giải thoát khỏi đau khổ và thành tựu giác ngộ. Giáo pháp là hiện thân của Bốn Chân lý (Tứ Diệu Đế), bao gồm Chân lý Chấm dứt (chân lý sự đau khổ của sinh tử có thể đi đến chỗ chấm dứt – Diệt Đế) và Chân lý của Con Đường (cách thức để đưa đau khổ của sinh tử đến chỗ chấm dứt – Đạo Đế). Bằng cách thực hành Giáo pháp, ta tịnh hóa các che chướng của ta và thâu thập các tích tập công đức và trí tuệ, và nhờ đó đạt được giải thoát và giác ngộ. Vì thế, Pháp Bảo có lẽ là điều quan trọng nhất trong Tam Bảo. Có hai loại Giáo pháp: Giáp pháp của Kinh điển và Giáo pháp của sự chứng ngộ. Trong Giáo pháp của Kinh điển có ba “tạng” giáo lý, Tripitaka,2 và ba “chuyển Pháp luân.”3 Khi ta nói về Giáo pháp của Kinh điển, ta muốn nói tới các pho giáo lý của Đức Phật, các Kinh điển và các luận giảng của chúng. Có hơn một trăm pho Kinh điển và hơn hai trăm quyển luận giảng về những pho Kinh đó. Các pho Kinh điển là những bản văn ghi lại lời dạy của Đức Phật. Các luận giảng là những trình bày về các Kinh điển, do các Đạo sư vĩ đại trong quá khứ như Nagarjuana (Long Thọ) v.v.. biên soạn. Khi ta quy y Pháp, ta nhìn Giáo pháp như một biểu tượng vật lý, chẳng hạn như các pho Kinh điển, nhưng sự quy y chân thực là những gì gồm chứa trong các Kinh điển vật lý đó, là ý nghĩa sâu xa của Giáo pháp. Ý nghĩa sâu xa bao gồm chân lý nhân quả; lòng từ, bi, và Bồ đề tâm; trí tuệ của tánh Không v.v.. Ý nghĩa đích thực này của Giáo pháp là suối nguồn chân thực của sự quy y khi ta quy y (nương tựa) Giáo pháp. Giáo pháp siêu việt bao gồm những giáo lý khác nhau phù hợp với những khả năng và khuynh hướng khác nhau của chúng sinh. Ta thường phân chia chúng sinh thành ba cấp độ theo khả năng của họ: siêu việt, trung bình, và thấp thỏi. Đây chỉ là những giai đoạn nhất thời của con đường. Một số người bắt đầu bằng cách nhận ra đau khổ của riêng họ trong sinh tử và chỉ thực hành để một mình thoát khỏi đau khổ đó.

Những người khác mở rộng quan tâm đó vượt lên bản thân mình, nhận ra rằng giống như họ muốn tránh đau khổ và được hạnh phúc, tất cả chúng sinh cũng ước muốn như thế. Những người này cảm thấy lòng từ và bi chân thành đối với chúng sinh, điều đó phát triển thành Bồ đề tâm muốn đạt được giải thoát và giác ngộ để đưa tất cả chúng sinh đến trạng thái ấy. Cuối cùng, một ít người có khả năng dấn mình vào các thực hành của Mật Thừa, thiền định về Bổn Tôn yidam. Để phù hợp với những cấp độ năng lực khác nhau này, là điều có thể được coi là những giai đoạn tiến bộ của sự phát triển theo con đường, Đức Phật đã ban ba lần chuyển Pháp luân hoàn toàn viên mãn. Đối tượng thứ ba của sự quy y là Tăng đoàn, là cộng đồng các hành giả đi vào giáo lý của Đức Phật và hết sức nỗ lực trong việc thực hành đức hạnh. Tăng đoàn là một cộng đồng tâm linh không dành ưu tiên cho những bận tâm thế tục của sinh tử mà thay vào đó, ưu tiên cho Giáo pháp siêu việt và những mục tiêu giải thoát và giác ngộ. Là một bộ phận của Tăng đoàn có nghĩa là giúp đỡ người khác và chia sẻ gánh nặng của họ thay vì cố gắng một mình mang gánh nặng ấy. Tăng đoàn là tất cả những bạn đồng hành của ta đi theo con đường tâm linh của Giáo pháp. Có hai loại thành viên Tăng đoàn, những người bình thường và những thành viên Tăng đoàn cao quý và siêu việt, đôi khi được gọi là các thành viên Tăng đoàn tôn quý hay arya (thánh nhân). Những thành viên Tăng đoàn tôn quý này đã đưa Giáo pháp vào thực hành và đã đạt được các cấp độ chứng ngộ xác thực, không sai lầm nào đó. Mọi thành viên của Tăng đoàn là những bạn đồng hành quý báu của ta trên con đường, bởi nguồn cảm hứng và hỗ trợ của họ đã mang lại năng lực cho việc thực hành của ta.

Tóm lại, Tam Bảo – các đối tượng quy y – là: Đức Phật, vị Thầy đã khám phá con đường; các giáo lý của ngài về con đường dẫn đến giải thoát và giác ngộ; và Tăng đoàn, những người ở trên con đường dẫn đến giải thoát và giác ngộ. Điều quan trọng là quy y Tam Bảo để hoàn toàn đi vào con đường tu tập và có thể đạt được kết quả cuối cùng của sự giác ngộ. Là chúng sinh, chúng ta bị mê lầm và có những che chướng. Tâm thức ta ngập tràn những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như ba độc tham, sân, và si. Bởi Đức Phật đã tịnh hóa mọi chướng ngại và đạt được trạng thái hoàn toàn giải thoát và giác ngộ, Ngài là nơi nương tựa (quy y) đích thực; Ngài thực sự có thể bảo vệ ta khỏi đau khổ. Ngài đã nhận ra con đường dẫn đến giải thoát, và con đường toàn hảo đó là Giáo pháp. Đối tượng thứ ba trong Tam bảo là Tăng đoàn, những bạn đồng hành của chúng ta trên con đường. Trong Tam Bảo, suối nguồn cốt tủy của sự quy y là Giáo pháp, bởi đó là phương tiện nhờ đó ta có thể đạt được giải thoát và giác ngộ. Vì thế về mặt tuyệt đối, nơi quy y chính yếu là Giáo pháp.

Đức Phật đã nói: “Ta đã chỉ cho các con con đường và phương pháp để đạt được giải thoát. Giờ đây, việc có đạt được giải thoát hay không là ở các con.” Đức Phật không thể xua tan mọi đau khổ của ta bằng cái vẫy tay của ngài. Ngài không thể tóm lấy chúng ta và kéo ta ra khỏi sinh tử và đặt ta trong một trạng thái giác ngộ. Nhưng Ngài đã chỉ cho ta con đường không sai lạc, hoàn toàn viên mãn, là con đường hầu như chắc chắn dẫn ta đến sự giải thoát khỏi đau khổ và đặt ta trong một trạng thái hoàn toàn giác ngộ, nếu ta đi theo nó. Nhưng ta phải đi theo con đường đó, và điều ấy đòi hỏi hứa nguyện, thời gian và nỗ lực, và sự thực hành liên tục. Giáo pháp cao cả là con đường hoàn toàn viên mãn. Khi ta thực hành Giáo pháp, ta xa rời con đường sinh tử và đi tới con đường hoàn toàn viên mãn dẫn đến sự giải thoát và giác ngộ.

Khi quy y Tam Bảo, ta lập các hứa nguyện mà ta cần trì giữ; ta đồng ý tuân theo các giới luật nào đó khi quy y Tam Bảo. Hứa nguyện thứ nhất liên quan đến việc quy y Phật, đó là việc ta không nương tựa bất kỳ vị thần thế tục hay chúng sinh nào. Chỉ có Đức Phật mà tâm thức hoàn toàn thoát khỏi mọi cảm xúc phiền não mới có thể thực sự bảo vệ ta khỏi đau khổ và sinh tử. Các vị thần thế tục và chúng sinh không đạt được sự giải thoát khỏi sinh tử. Họ không có Bồ đề tâm và cái thấy hoàn toàn viên mãn, cái thấy về tánh Không. Bởi họ không có cái thấy về chân lý tuyệt đối, họ có những mê lầm, và điều đó khiến họ không phải là những suối nguồn quy y thích hợp. Bản thân họ mê lầm, họ cũng bị vướng kẹt trong sinh tử, vì thế họ không thể bảo vệ chúng ta và đưa ta đến sự giải thoát khỏi sinh tử. Họ có thể giúp ta đạt được một vài lợi lạc thế gian và tẩy trừ một vài chướng ngại cho ta, nhưng họ không thể hoàn toàn là sự lợi lạc chân thực, bởi bản thân họ không có sự che chở khỏi đau khổ của sinh tử. Hứa nguyện thứ hai liên quan đến việc nương tựa (quy y) Giáo pháp, là thực hành sự bất hại và bất bạo động đối với tất cả chúng sinh. Hứa nguyện bất hại bao gồm tất cả chúng sinh, không chỉ những người mà ta yêu thích hay bằng lòng. Vượt lên gia đình và bạn bè ta, vượt lên những người ở cùng thành phố với ta, và thậm chí vượt lên mọi người trong toàn thể thế giới, hứa nguyện này bao gồm mọi chúng sinh có một sinh lực, dù to lớn hay nhỏ bé4 đến đâu. Chúng ta thực hành bất hại mà không có sự phân biệt. Giới luật thứ ba liên quan đến việc quy y Tăng đoàn, là tránh kết giao với những bè bạn có những ảnh hưởng xấu. Các bằng hữu tâm linh đích thực của ta là những người thực hành bất hại và bất bạo động, và tất cả những ai thực hành những điều này đều có thể là bạn đồng hành tâm linh của ta. Cho dù họ theo tôn giáo nào, chừng nào mà sự bất hại là một phần của thực hành của họ, ta nên tôn trọng họ và các niềm tin tôn giáo của họ. Tuy nhiên, bạo lực là một phần của một vài tôn giáo. Các tôn giáo đó có những thực hành có hại chẳng hạn như hiến tế thú vật và tạo chướng ngại cho việc thực hành đức hạnh. Bởi môn đồ của những tôn giáo đó có thể trở thành chướng ngại cho con đường Giáo pháp của ta, ta tránh kết bạn với họ.

Điều quan trọng là phải hiểu rằng tất cả những gì Đức Phật đã nói, Giáo pháp, thì hoàn toàn viên mãn. Bởi lòng đại bi đối với chúng sinh, Đức Phật đã khám phá bản chất của đau khổ và đã thực hành để đạt được trạng thái giác ngộ. Khi ngài đã tịnh hóa mọi che chướng và ô nhiễm, ngài đạt được sự toàn trí của trí tuệ nguyên sơ. Với trí tuệ đó, ngài đã biểu thị con đường hoàn toàn viên mãn, và con đường đó không thể lầm lẫn hay sai lạc. Người đã đạt được trạng thái toàn giác và vì thế có sự toàn trí mới có thể chỉ ra con đường hoàn toàn viên mãn. Không thể có sự sai lầm nếu mọi sự được hiểu biết và thấu suốt một cách hoàn hảo. Một bà mẹ có tình thương lớn lao đối với đứa con của mình, bởi lòng từ và bi đối với con, bà chỉ vạch ra con đường tốt đẹp nhất mà bà biết để con bà phát triển một cách tích cực; bà sẽ chỉ khuyên dạy con bà những gì làm lợi lạc cho nó. Cũng thế, Đức Phật có lòng từ và bi lớn lao không thể nghĩ bàn đối với tất cả chúng sinh, và Ngài là đấng toàn trí, vì thế Ngài chỉ biểu thị con đường hoàn hảo và viên mãn. Khi ta thực hành Giáo pháp cao cả mà Đức Phật đã giảng dạy, điều đó nhất định mang lại lợi lạc cho ta, bởi Ngài muốn chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Giáo pháp là một cách giải thích và phương pháp để đạt được an bình và hạnh phúc sâu xa. Hạnh phúc này có hai loại là hạnh phúc nhất thời và tối thượng. Có nhiều mức độ hạnh phúc và phát triển tâm linh; việc thực hành Giáo pháp tạo nên các nguyên nhân cho hạnh phúc nhất thời và hạnh phúc đi từ đời này sang đời khác. Về mặt tuyệt đối, nó tạo nên các nguyên nhân cho hạnh phúc tối thượng, bất biến, cao cả, là sự giác ngộ vô song. Việc đi vào con đường Giáo pháp bắt đầu với sự quy y Tam Bảo, và sau đó, khi ta tiến bộ trên con đường, ta sẽ dần dần phát triển và các phẩm tính sâu xa của ta, đặc biệt là sự an bình và hạnh phúc sâu xa, sẽ càng lúc càng phát triển.

Đức Phật nói: “Hãy khảo sát ta. Hãy khảo sát giáo lý của ta. Hãy tự mình quyết định xem giáo lý đó có chân thật hay không và hãy làm việc cho các con.” Trước khi quy y, bạn nên nghiên cứu về những điều Đức Phật đã giảng dạy, dấn mình vào việc thực hành và lắng nghe giáo lý, và sau đó tự mình quyết định xem con đường có ý nghĩa hay không. Nếu nó có ý nghĩa, và bạn nhận ra rằng nó mang lại lợi lạc cho bạn bằng cách làm an dịu tâm thức và tạo ra an bình và hạnh phúc sâu xa, thì bạn cứ tự nhiên đi vào con đường Phật giáo. Mục đích của Phật Pháp là để làm lợi lạc tâm thức. Bằng cách phát triển sự nhất tâm, ta phát triển một tâm thái an bình và hạnh phúc, và ta thực hành sự tỉnh giác, chánh niệm. Nếu bạn thấy những thực hành này là lợi lạc và bạn muốn tiếp tục nỗ lực theo cách này, bạn có thể lập một quyết định riêng tư để quy y. Bạn nên dùng thời gian để phát triển niềm tin và xác tín trọn vẹn nơi Tam Bảo trước khi bạn quy y, và không cảm thấy bất kỳ sự vội vã hay ép buộc nào.

Một điều khác mà Đức Phật nói là: ”Đừng tập trung vào con người, hãy tập trung vào Giáo pháp” (y Pháp bất y nhân). Điều này có nghĩa là người giảng dạy và người thực hành Pháp có thể có lỗi, nhưng ta không nên nghĩ rằng các lỗi của họ là lỗi lầm của Giáo pháp. Điều thực sự quan trọng là Pháp, nó vô cùng hoàn hảo. Đừng lầm Giáo pháp với cá nhân hay phán đoán Giáo pháp bằng cách nhìn lỗi lầm của một cá nhân. Hãy coi Giáo pháp quan trọng hơn lỗi lầm của cá nhân.

Đức Phật cũng nói: “Chớ tập trung vào ngôn từ, hãy tập trung vào ý nghĩa” (y nghĩa bất y ngữ). Có những ngôn từ được dùng để diễn tả Giáo pháp, và vì thế có ý nghĩa được diễn tả, và ta không nên để cho một cách hiểu biết hẹp hòi, nông cạn làm chúng ta mê mờ. Thay vào đó, ta nên tập trung vào ý nghĩa mà những ngôn từ này diễn tả, và coi ý nghĩa quan trọng hơn ngôn từ. Ta có thể phát triển một nền tảng vô cùng tốt lành bằng cách nhập tâm hai lời khuyên này.

Nguyên tác: TU HỌC PHẬT PHÁP – Nguồn mạch của Hạnh phúc Nhất thời và Vĩnh cửu

Tác giả: Khenpo Samdup

Virginia Blum dịch sang Anh ngữ

Biên tập: Kay Candler, Dianne McKinnon

Dàn trang & Thiết kế bìa: Konchog Karma

Thanh Liên dịch sang Việt ngữ